Thứ bảy, 27-4-2024 - 4:30 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tăng cường Cộng đồng Kinh tế ASEAN 

 Thứ tư, 3-5-2017

AsemconnectVietnam - Trong khi các nhà báo phương Tây tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 chờ đợi nghe các bên nói về các tranh chấp ở Biển Đông thì các đại biểu hội nghị thượng đỉnh lại bàn thảo kế hoạch thúc đẩy thương mại khu vực quy mô nhỏ.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 đã kết thúc vào ngày 29 tháng 4 năm 2017. Chủ đề chung của Hội nghị năm nay do Philipines khởi xướng, trong đó ưu tiên "Tăng trưởng nhờ vào sáng tạo, đổi mới" nhằm làm phong phú thêm Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Mục tiêu này được theo đuổi thông qua ba biện pháp: tăng cường thương mại và đầu tư; hội nhập các doanh nghiệp nhỏ, vừa và nhỏ (MSME) vào nền kinh tế số và phát triển nền kinh tế theo hướng đổi mới.
Quyết định nhấn mạnh vai trò của MSME trong việc đẩy mạnh sự tăng trưởng của khu vực sẽ được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh. MSME chiếm khoảng 99% các doanh nghiệp ở Đông Nam Á, tạo ra 50-90% việc làm trong nước, đóng góp 30-50% GDP của khu vực và sản xuất 20-30% hàng xuất khẩu. Nếu tiềm năng của họ có thể được khai thác đầy đủ, MSME có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển và tạo ra nhiều việc làm hơn.
Tuyên bố của Chủ tịch hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của MSME đối với nền kinh tế ASEAN và kêu gọi "chuyển sang các bước hành động chủ động theo các Mục tiêu chiến lược được kết hợp trong Kế hoạch hành động chiến lược ASEAN cho phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa 2016-2025" (SAPSMED 2025).
Theo đuổi SAPSMED 2025 là một bước đi đúng hướng. Kế hoạch này nhằm mục đích thúc đẩy năng suất và sự đổi mới của MSME, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và nguồn tài chính, xây dựng chính sách và khuôn khổ pháp lý để tạo ra nhiều lợi ích hơn cho doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy tinh thần kinh doanh của họ.
Một khía cạnh khác mà hội nghị thượng đỉnh năm nay đề cập là nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp MSME hội nhập vào nền kinh tế khu vực thông qua việc sử dụng thương mại điện tử. Tham gia vào thương mại điện tử làm tăng khả năng cạnh tranh của các công ty và làm phong phú thêm mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu. Ví dụ, sự tham gia nhiều hơn vào thương mại điện tử cho phép phân công lao động hiệu quả hơn đồng thời mang lại những cơ hội mới cho hợp tác quốc tế.
Tuy nhiên, những nỗ lực này cần phải thông qua việc thực hiện nhiều công việc hơn nữa để hỗ trợ MSME và sự lan tỏa thương mại điện tử giữa các nền kinh tế ASEAN. Ví dụ: một trong những mục tiêu được đề ra bởi SAPSMED 2025 là tăng cường môi trường chính sách và quy định cho MSME. Hai chỉ số được lựa chọn để đánh giá tiến trình và sử dụng làm thông tin để hình thành các quyết định trong tương lai. Đó là:
(1) thời gian cần thiết để bắt đầu kinh doanh
(2) chi phí của thủ tục khởi sự kinh doanh tính theo một tỷ lệ phần trăm của tổng thu nhập quốc dân trên đầu người.
Tuy nhiên, hai yếu tố này không thể nắm bắt được thực tế mà các MSME gặp phải. Ví dụ, các công ty nhỏ vận chuyển một vài thùng hàng 1,5 feet phải điền vào cùng một số tài liệu hải quan và trải qua thời gian soi chiếu giống như các công ty đa quốc gia vận chuyển hàng trăm container 40 feet. Rõ ràng, các chỉ số này không bao gồm tất cả các chi phí phát sinh cho các MSME hoạt động trong khu vực. Do đó bộ chỉ thị cần có sự điều chỉnh.
SAPSMED dự định thúc đẩy đào tạo về kinh doanh. Tuy nhiên, các quy định lại không xác định thuật ngữ hoặc xác định các cơ quan có trách nhiệm tài trợ và đào tạo các doanh nhân này. Không có định nghĩa rõ ràng, một chương trình giảng dạy hiệu quả không thể được thiết kế. Nếu không xác định được các tổ chức tài trợ và đào tạo, các bên liên quan không biết làm thế nào để tham gia, gây tổn hại cho sự phát triển của các MSME. Các chi tiết bổ sung cần được xuất bản để giúp những chương trình giáo dục này thành hiện thực.
Một số quốc gia Đông Nam Á đã đưa ra các kế hoạch quốc gia nhằm củng cố nền kinh tế số của mình. Chẳng hạn, chính phủ Thái Lan vào tháng 2 năm 2016 đã thông qua "Kế hoạch phát triển kỹ thuật số cho kinh tế và xã hội", sẽ được thực hiện trong suốt 20 năm để biến Thái Lan thành một nền kinh tế số. Philippines đã đưa ra "Lộ trình thương mại điện tử 2016-2020", nhằm phát triển lĩnh vực thương mại điện tử đóng góp tới một phần tư GDP của đất nước vào năm 2020. Indonesia đã có kế hoạch đưa đất nước này trở lại nền kinh tế số lớn nhất ở Đông Nam Á vào năm 2020.
Trong khi cần tiếp tục theo đuổi các chương trình nghị sự quốc gia, các quốc gia này phải bảo đảm các sáng kiến ​​của mình phù hợp với các kế hoạch chung của ASEAN, tránh các luật và quy định chồng chéo hoặc mâu thuẫn nhau. Nếu không, các doanh nghiệp có thể thấy mình vướng vào một bát mì ăn liền thương mại điện tử làm suy yếu thương mại và đầu tư của khu vực.
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 30 đánh dấu một cột mốc nữa cho ASEAN. Điều đó thể hiện cam kết liên tục của các quốc gia thành viên đối với việc phát triển Cộng đồng Kinh tế AEC. Sự nhấn mạnh của hội nghị thượng đỉnh về MSME và thương mại điện tử là một tin vui đối với nhiều doanh nghiệp trong khu vực. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong những lĩnh vực này.

Long Giang
Nguồn: internationalaffairs.org.au
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710918217