Thứ bảy, 27-4-2024 - 8:18 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tổng hợp tình hình Cộng đồng kinh tế ASEAN trong tháng 11/2019 

 Thứ bảy, 30-11-2019

AsemconnectVietnam - Trong tháng 11/2019, tin tức về Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập cuối năm ngoái khá sôi động

Tổng hợp tình hình Cộng đồng kinh tế ASEAN trong tháng 11/2019
Trong tháng 11/2019, tin tức về Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập cuối năm ngoái khá sôi động
Hàn Quốc cam kết ủng hộ tăng cường hợp tác với ASEAN 
Ngày 25/11, Bộ Thương mại Hàn Quốc khẳng định sẽ hết sức nỗ lực giúp các doanh nghiệp nước này mở rộng quan hệ và hợp tác với đối tác ở các quốc gia Đông Nam Á, coi đây là một phần nỗ lực thâm nhập sâu hơn vào khu vực có tiềm năng tăng trưởng cao này.
Tuyên bố trên được đưa ra nhân dịp Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa Hàn Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được tổ chức tại thành phố Busan của Hàn Quốc, sự kiện được Seoul xem là một dấu mốc quan trọng nữa tăng cường quan hệ đối tác song phương trong bối cảnh Hàn Quốc thúc đẩy Chính sách hướng Nam Mới.
Phát biểu tại hội nghị các lãnh đạo doanh nghiệp trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao nói trên, Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc Sung Yun-mo nhấn mạnh: "Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò cốt yếu để Hàn Quốc tăng cường quan hệ kinh tế sâu hơn với các nước thành viên ASEAN."
Khoảng 500 doanh nhân và quan chức chính phủ từ Hàn Quốc và các thành viên ASEAN tham dự hội nghị trên để trao đổi ý kiến về hợp tác tiềm năng. Các đại biểu dự hội nghị khẳng định rằng khu vực ASEAN, với dân số 650 triệu người và tài nguyên thiên nhiên dồi dào, sẽ nổi lên là một khối kinh tế hàng đầu trong tương lai.
 
Năm Chủ tịch ASEAN 2020: Gắn kết và chủ động thích ứng 
Đây là chủ đề xuyên suốt cho năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020 vừa được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 Nguyễn Quốc Dũng công bố mới đây.
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, với chủ đề này, Việt Nam muốn củng cố tinh thần đoàn kết của ASEAN, thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của Cộng đồng ASEAN. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng mong nâng cao năng lực của ASEAN để thích ứng với những biến động trên thế giới, tăng khả năng tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Được biết, 2020 là năm có nhiều ý nghĩa với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Với ASEAN, là năm bản lề quan trọng để kiểm điểm giữa kỳ công tác triển khai các kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 - 2025. Với Việt Nam, đây là mốc đánh dấu 25 năm Việt Nam đồng hành cùng ASEAN đồng thời đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Việt Nam sẽ dành quyết tâm và ưu tiên cao nhất nhằm thực hiện thành công trọng trách này và góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ và vững mạnh trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của các Chủ tịch ASEAN trước đây và phát huy những kinh nghiệm tổ chức các hội nghị lớn như ASEAN 1998 và 2010, APEC 2017...
Theo đó, Việt Nam sẽ chủ trì, điều phối và tổ chức khoảng 300 hội nghị, hoạt động khác nhau, trong đó quan trọng nhất là 2 dịp Hội nghị Cấp cao vào tháng 4 và tháng 11/2020.
5 ưu tiên chính sẽ được Việt Nam thúc đẩy trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, bao gồm: Phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, theo đó liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các đối tác; thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò và đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN.
Bên cạnh đó, chia sẻ về kế hoạch đàm phán RCEP trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, năm Chủ tịch ASEAN của Thái Lan đã đạt được những tiến bộ rất đáng khích lệ trong tiến trình đàm phán RCEP khi mà tại Hội nghị Cấp cao vừa qua tại Bangkok, 15 nước trong tổng số 16 nước tham gia RCEP đã đạt được thống nhất và tuyên bố kết thúc đàm phán.
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam rất mong muốn Hiệp định này sẽ được ký trong năm 2020 và Việt Nam sẽ làm tất cả những gì có thể để thúc đẩy các bên hoàn tất các công tác khác như rà soát pháp lý và các vấn đề kỹ thuật còn lại.
Trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN trong việc duy trì vai trò dẫn dắt của ASEAN, hợp tác chặt chẽ với 6 nước đối tác để thúc đẩy sớm kết thúc hoàn toàn đàm phán RCEP và nhanh chóng hoàn tất việc rà soát pháp lý những nội dung đã thống nhất.
 
Hàn Quốc củng cố mối quan hệ chặt chẽ với các nước Đông Nam Á trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Hàn Quốc đang xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ hơn với các nền kinh tế non trẻ và đang phát triển nhanh chóng ở Đông Nam Á với hy vọng tạo ra cơ hội và tìm kiếm một bước đột phá trong một thế giới đang phải đối mặt với những thách thức mới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cũng đang là động cơ tăng trưởng mới của thị trường tiêu dùng toàn cầu và là cơ sở sản xuất với tiềm năng to lớn. Cộng đồng kinh tế trẻ nhất và năng động nhất thế giới có tổng dân số 650 triệu người.
“ASEAN là cộng đồng kinh tế trẻ nhất và năng động nhất thế giới. Để biến tiềm năng vô hạn của Hiệp hội thành sự thịnh vượng bền vững, điều quan trọng là phải tăng cường kết nối trong khu vực và hợp tác trong các ngành công nghiệp công nghệ cao”, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói trong một bài trả lời phỏng vấn báo The Korea Herald tuần trước. “Nếu chúng ta tăng cường hợp tác về cơ sở hạ tầng giao thông, thành phố thông minh và khoa học công nghệ tiên tiến - thế mạnh của Hàn Quốc - chúng ta có thể cùng nhau nuôi dưỡng các năng lực sáng tạo để ứng phó với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sử dụng thương mại tự do để mở rộng thương mại, thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển và đẩy mạnh tăng trưởng xanh như một ngành công nghiệp sinh học thân thiện với môi trường - đây cũng là những lĩnh vực mà Hàn Quốc và ASEAN có thể làm việc cùng nhau”.
Kể từ khi ASEAN và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1989, hai bên đã phát triển để trở thành đối tác kinh tế quan trọng và kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều đặn.
ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc và Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ năm của ASEAN vào năm ngoái. Ngoài ra, Đông Nam Á là điểm đến đầu tư lớn thứ ba của Hàn Quốc, các công ty Hàn Quốc đầu tư vào khu vực này ngày càng nhiều. Số lượng các công ty Hàn Quốc thành lập doanh nghiệp trong khối đứng ở mức 1.292 công ty vào năm ngoái, tăng từ mức 850 công ty trong năm 2014.
Từ năm 2019, công ty Samsung Electronics Hàn Quốc đã đưa vào vận hành nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất tại Việt Nam, sản xuất hầu hết các sản phẩm điện thoại thông minh mà Việt Nam xuất khẩu trên toàn thế giới. Một đại gia công nghệ khác của Hàn Quốc, LG Electronics, sản xuất màn hình tivi trong một nhà máy trị giá 1,5 tỷ USD tại thành phố cảng Hải Phòng, Việt Nam. Nhà máy này cũng đóng vai trò như một trung tâm sản xuất toàn cầu của LG về các sản phẩm tivi, điện thoại di động, máy giặt và điều hòa không khí.
Các nhà sản xuất ô tô hiện đang chú ý đến Indonesia như là một trong những thị trường ô tô lớn nhất trong khu vực, với dân số lớn thứ tư thế giới và tăng trưởng kinh tế hàng năm hơn 5%. Tháng 6/2019, Hyundai Motor đã ký thỏa thuận với công ty vận tải đường bộ Singapore ComfortDelGro để cung cấp 2.000 xe Ioniq Hybrid vào năm 2020, mở rộng hợp tác với các công ty taxi và công ty chia sẻ xe để sử dụng các xe thân thiện với môi trường. Nhà sản xuất thép lớn nhất Hàn Quốc Posco cũng có các nhà máy sản xuất tại Indonesia, Việt Nam và Myanmar.
Vào tháng 3/2019, Chủ tịch Posco Choi Jeong-woo đã chọn các nước Đông Nam Á cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức năm ngoái. Ông đã đến thăm công ty Krakatau Posco, một liên doanh giữa Posco và nhà sản xuất thép Indonesia Krakatau Steel. Công ty Krakatau Posco - khai trương vào tháng 12/2013 là nhà máy thép đầu tiên của Hàn Quốc ở nước ngoài - hiện có khả năng sản xuất 3 triệu tấn thép mỗi năm.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long: Các thành viên ASEAN cần tăng cường hội nhập kinh tế, tự do hóa thương mại hơn nữa
Tại phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã có bài phát biểu quan trọng. Sau đây là nội dung bài viết:
Hiện nay, sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại, các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phải tăng cường các nỗ lực hội nhập và duy trì một hệ thống thương mại đa phương, chi phí thấp và dựa trên luật lệ. Chủ nghĩa dân túy đang có xu hướng nổi lên, do đó, sự hỗ trợ cho toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa phương tiếp tục xấu đi. Mỗi quốc gia thành viên ASEAN có những vấn đề trọng điểm riêng ở trong nước. Tuy nhiên, bối cảnh toàn cầu này đã khiến cho việc tăng cường hợp tác giữa ASEAN trở nên cấp bách hơn bao giờ hết nhằm chống lại những xu hướng bên ngoài bất lợi này và thống nhất tiếng nói chung về những vấn đề liên quan đến chúng ta. Về mặt kinh tế, ASEAN phải tăng cường các nỗ lực hội nhập và duy trì một hệ thống thương mại đa phương cởi mở và dựa trên các quy tắc.
Sau khi thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, các nước thành viên cần thực hiện các bước tiếp theo để thực hiện đầy đủ Kế hoạch kinh tế ASEAN năm 2025 và hoàn thành chương trình nghị sự còn dang dở. ASEAN cũng cần mở rộng các liên kết kinh tế với các đối tác và tiếp tục tự do hóa thương mại nội khối.
Một sáng kiến ​​nổi bật chính là hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Tôi rất vui vì các cuộc đàm phán RCEP đã đạt được tiến bộ đáng kể và tiếp tục thảo luận về cách chúng tôi có thể kết thúc đàm phán tại Hội nghị thượng đỉnh RCEP lần thứ 3. Hiệp định thương mại RCEP bao gồm 10 quốc gia ASEAN và sáu đối tác thương mại - Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.
Các cuộc đàm phán RCEP đã được chính thức khởi động vào năm 2012 nhưng đã gặp phải nhiều trở ngại nên cần thúc đẩy nhanh hơn. Nếu được ký kết, RCEP sẽ tạo thành khối thương mại lớn nhất thế giới - chiếm 1/3 GDP toàn cầu.
Đồng thời, ASEAN cần tiếp tục khám phá các lĩnh vực mới trong quá trình hợp tác kinh tế. Một trong những lĩnh vực mới là sáng kiến mạng lưới thành phố thông minh ASEAN (ASCN). Sáng kiến này do Singapore đề xuất, mỗi quốc gia ASEAN sẽ phát triển ba thành phố hoạt động hướng tới mục tiêu chung là phát triển đô thị thông minh và bền vững. ASCN sẽ tăng cường ASEAN như một thị trường kỹ thuật số duy nhất và tạo ra sự tăng trưởng mới cho các quốc gia của chúng ta.
Tôi rất vui vì ASCN đã có được động lực mới kể từ khi ra mắt vào năm ngoái trong thời gian làm Singapore giữ chức Chủ tịch ASEAN. Năm nay, Thái Lan đã tổ chức hai cuộc họp về ASCN. Singapore sẽ hợp tác với các quốc gia thành viên để phát triển mạng lưới hơn nữa, đặc biệt là Việt Nam – nước Chủ tịch ASEAN 2020.
Đối với chủ đề môi trường, Singapore cũng kiên trì hỗ trợ các giải pháp đa phương của Pháp đối với các vấn đề như biến đổi khí hậu và ô nhiễm xuyên biên giới.
Singapore đã tổ chức Chương trình hành động khí hậu, các khóa học nâng cao năng lực trong các lĩnh vực như khoa học khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai, triệu tập Hội nghị đối tác biến đổi khí hậu ASEAN lần thứ hai và tổ chức một cuộc họp của Hội đồng liên Chính phủ về biến đổi khí hậu.
Để chống ô nhiễm xuyên biên giới, gần đây nhất là vấn đề ô nhiễm khói mù, Singapore cũng sẽ hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN. Chúng ta nên thực hiện đầy đủ Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới. Nếu chung tay hành động, ASEAN có thể giải quyết vấn đề nghiêm trọng này hiệu quả hơn. ASEAN chỉ có thể đạt được tiến bộ về kinh tế và môi trường nếu khu vực này tiếp tục được hưởng hòa bình và ổn định.
ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, bao gồm tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không; tự kiềm chế, phi quân sự hóa; giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Một vấn đề đáng quan tâm khác là tình hình ở bang Rakhine của Myanmar. Đây là một vấn đề phức tạp của người Hồi giáo với cả hai khía cạnh nhân đạo và an ninh.
ASEAN nên tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của tất cả các bên, bao gồm cả chính phủ Myanmar, để hướng tới một giải pháp toàn diện và bền vững. Bắt đầu hồi hương người dân trên cơ sở an toàn, tự nguyện vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Hội đồng Châu Âu phê chuẩn FTA EU-Singapore sẽ có hiệu lực vào ngày 21/11 
Ngày 08/11, Hội đồng châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EU-Singapore, theo đó, sẽ loại bỏ gần như tất cả các mức thuế quan giữa hai bên và có hiệu lực từ ngày 21/11. FTA này đánh dấu một bước ngoặt trong mối quan hệ giữa EU với Singapore.
Đây là thỏa thuận đầu tiên được phê chuẩn giữa EU- là thị trường lớn nhất thế giới với một quốc gia là thành viên ASEAN. Đây sẽ là một bước tiến tới mối quan hệ lớn hơn giữa EU và ASEAN- dự kiến ​​sẽ là thị trường lớn thứ tư thế giới vào năm 2030.
FTA có hiệu lực là một cơ hội tuyệt vời cho các công ty ở cả EU và Singapore, và đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Singapore sẽ tiếp tục đảm bảo các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể hưởng lợi từ các FTA theo tinh thần tại hội nghị phổ biến FTA được tổ chức hồi tháng trước để các doanh nghiệp nhỏ hiểu được các khía cạnh cụ thể của các hiệp định thương mại đó. Singapore cũng đã thiết lập một trang web nơi các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể truy cập vào cách tính thuế sẽ cho biết biên độ ưu đãi đối với các sản phẩm hoặc thị trường cụ thể dựa trên 24 FTA hiện tại của Singapore. FTA EU-Singapore sẽ cho phép 84% hàng xuất khẩu của Singapore, bao gồm các sản phẩm thực phẩm và đồ điện tử, được miễn thuế ở EU, phần còn lại sẽ tiếp tục được xóa bỏ thuế quan trong vòng 3 đến 5 năm tới.
FTA EU-Singapore cũng chứa các quy tắc mạnh mẽ về thương mại và phát triển bền vững, bao gồm bảo vệ quyền lao động và môi trường. Theo thỏa thuận, EU và Singapore sẽ loại bỏ các trở ngại đối với thương mại và đầu tư vào công nghệ xanh, cũng như thúc đẩy đấu thầu mua sắm công và tạo ra các cơ hội mới trong các dịch vụ môi trường. Những điều khoản này hướng tới nhận ra nhu cầu thương mại ngày càng tăng để đóng góp tích cực vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và tái khẳng định cam kết của cả hai bên đối với Thỏa thuận Paris. Một “thỏa thuận xanh của Châu Âu” sẽ là ưu tiên của Ủy ban Châu Âu trong nhiệm kỳ tiếp theo và sẽ bắt đầu vào tháng tới. Thông qua FTA vừa được phê chuẩn, Singapore có thể tham gia vào các sáng kiến sẽ được đề xuất cho các hoạt động kinh doanh “xanh” trên toàn EU.
 
Quan hệ thương mại Trung Quốc - ASEAN trong thương chiến với Mỹ 
Sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan vừa qua tại Bangkok không phải là lần đầu tiên Washington vắng mặt trong các cuộc họp khu vực có sự tham gia của các quốc gia có một nửa dân số toàn cầu. Trước đó, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã hủy chuyến đi tới Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Singapore năm 2007.
Là một đối tác thương mại quan trọng của khối, phái đoàn Mỹ tham dự hội nghị cấp cao tại Bangkok từ ngày 2-4/11/2019 do Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien dẫn đầu.
Ngoài những rắc rối về các vấn đề trong nước, chính quyền Tổng thống Trump tập trung vào chính sách "Nước Mỹ trước tiên" và các hành động thương mại đơn phương khác xa với chủ nghĩa đa phương, kết nối và hợp tác khu vực mà ASEAN đang tập trung. Quan hệ Mỹ - ASEAN rất phức tạp. Nhìn chung, các thành viên ASEAN đã giữ mối quan hệ tốt với Mỹ, nhưng hai bên cũng có những mâu thuẫn, như về vấn đề nhân quyền và thương mại. Nếu không giải quyết đúng đắn những khác biệt này, quan hệ Mỹ - ASEAN sẽ bị ảnh hưởng.
Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, Nghị định thư nâng cấp FTA ASEAN - Trung Quốc đã có hiệu lực vào ngày 22/10 sẽ cho thấy thêm lợi ích tiềm năng của khu vực thương mại tự do này. Các cuộc đàm phán RCEP đã tạo ra một bước đột phá lớn. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN là mối quan hệ năng động, thực chất và hiệu quả nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cơ chế hợp tác Trung Quốc - ASEAN đã thiết lập một mô hình cho các quốc gia khác trong một số lĩnh vực. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 10 năm liên tiếp. Năm 2018, thương mại song phương giữa Trung Quốc và ASEAN đạt mức 580 tỷ USD và đầu tư lẫn nhau đạt hơn 200 tỷ USD. Những số liệu này cho thấy sự hợp tác giữa Trung Quốc và khối ASEAN có hiệu quả cao.
Quan hệ ASEAN - Trung Quốc đã bước vào một giai đoạn phát triển toàn diện mới. Năm 2017, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, khuôn khổ hợp tác với ASEAN sẽ nâng cấp lên 3 + X, chạm vào nhiều lĩnh vực trong khi tập trung vào an ninh chính trị, kinh tế và thương mại và giao lưu giữa người dân với người dân. Hợp tác sâu sắc hơn trong nền kinh tế kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và an ninh mạng cũng được mong đợi. Năm 2018, tầm nhìn đối tác chiến lược Trung Quốc - ASEAN 2030 được ban hành, đã đưa ra một kế hoạch chi tiết đầy hứa hẹn cho sự phát triển của các mối quan hệ trong tương lai. Mặc dù có quy mô khổng lồ, các cách để cải thiện chất lượng và tiêu chuẩn hợp tác sẽ tiếp tục được khai thác, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang có thương chiến với Mỹ.

Long Giang
Nguồn: VITIC/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710921956