Thứ sáu, 26-4-2024 - 20:32 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tổng hợp tình hình Cộng đồng kinh tế ASEAN trong tháng 12/2017 

 Chủ nhật, 31-12-2017

AsemconnectVietnam - Trong tháng 12/2017, tin tức về Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập cuối năm ngoái khá sôi động

Kết nối với ASEAN là một ưu tiên hàng đầu đối với Ấn Độ 
Ngày 11/12, tại khách sạn Lalit ở trung tâm thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã khai mạc hội nghị cấp cao về kết nối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ.
Hội nghị có chủ đề "Động lực cho kết nối số và tự nhiên đối với châu Á trong thế kỷ 21".
Tham dự hội nghị lần này có Bộ trưởng Giao thông đường bộ, đường cao tốc, vận tải biển và nguồn nước, phát triển sông và làm sạch sông Hằng, Nitin Gadkari, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao V. K. Singh, Bí thư phương Đông Bộ Ngoại giao Preeti Saran của Chính phủ Ấn Độ, đại sứ và đại diện ngoại giao các nước ASEAN, các đoàn đại biểu của các nước ASEAN và Ấn Độ cùng đông đảo phóng viên nước sở tại.
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm dẫn đầu tham dự và có bài phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Quốc vụ khanh V. K. Singh cho biết Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nhấn mạnh kết nối với ASEAN là một ưu tiên hàng đầu đối với Ấn Độ.
Ông khẳng định hội nghị lần này phản ánh cam kết mạnh mẽ của New Delhi đối với tất cả các bên tham gia nhằm tăng cường kết nối với Ấn Độ, với ASEAN và các nước khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Các sáng kiến kết nối bao trùm các dự án kết nối tự nhiên và số đều là để bổ sung cho các lĩnh vực chiến lược trong Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN đến năm 2025 (MPAC 2025), nhất là về cơ sở hạ tầng bền vững, đổi mới số, logistics liền mạch, v.v... trong bối cảnh Ấn Độ có kết nối nhiều mặt với ASEAN như kết nối về đường bộ, đường hàng không, đường biển, văn hóa, văn minh và giao lưu nhân dân.
Ông Singh nhấn mạnh giao thương đường biển trong lịch sử giữa ASEAN và Ấn Độ cũng phát triển thông qua eo biển Malacca để tới khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thậm chí, giao thương đường biển ngày nay đã thành trở cột trụ với khu vực miền Đông và ngoài khu vực này của Ấn Độ.
Về mặt kết nối tự nhiên, Ấn Độ đã thực hiện một số dự án hành lang quốc tế trở thành cầu nối trên biển và trên bộ giữa các bang vùng Đông Bắc với các nước thành viên ASEAN.
Về mặt kết nối số, Ấn Độ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với ASEAN, trong đó có lĩnh vực nông thôn khi công nghệ đã giúp kết nối số 250.000 ngôi làng ở Ấn Độ.
Ông Singh cho biết giờ đây, Ấn Độ đang nỗ lực hướng tới chia sẻ những thành quả của các cuộc cải cách với ASEAN và tận dụng những cơ hội hiện có trong thực hiện các ưu tiên chiến lược của MPAC 2025.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh về tiềm năng hợp tác rất lớn giữa hai bên, nhất là về du lịch, an ninh hàng hải, quản lý thảm họa, v.v...
Trong bài phát biểu của mình, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết trong 25 năm qua, ASEAN và Ấn Độ đã hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Hợp tác giữa ASEAN và Ấn Độ đang mở rộng nhanh chóng, đem lại lợi ích cho người dân ASEAN và Ấn Độ.
Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng hội nghị lần này sẽ tạo điều kiện cho việc trao đổi quan điểm và thông tin về hợp tác trong những lĩnh vực chủ chốt như công nghệ thông tin và truyền thông, giao thông vận tải, giáo dục, và phát triển nguồn nhân lực.
Ông Phan Tâm nhấn mạnh, trong khi ghi nhận những thành tựu và việc thành lập Cộng đồng ASEAN, ASEAN cũng đang hợp tác chặt chẽ để thực hiện tầm nhìn trong thực hiện MPAC 2025, dành ưu tiên cho kết nối về số và tự nhiên với các nước đối thoại.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm đã điểm lại những lĩnh vực ưu tiên trong kết nối số và kết nối tự nhiên, đồng thời khẳng định là một đối tác đối thoại quan trọng của ASEAN, Ấn Độ đã và đang hợp tác chặt chẽ với hiệp hội ở nhiều dự án chung trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên đã và đang được tăng cường đáng kể với những sáng kiến, dự án cụ thể đang được triển khai và ASEAN hoan nghênh những cam kết mới của Chính phủ Ấn Độ trong việc thúc đẩy hợp tác trong hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho ASEAN.
Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng hội nghị lần này sẽ là cơ hội tốt để thảo luận và chia sẻ quan điểm về nhiều hoạt động sẽ mang lại lợi ích và có thể thực hiện được cho cả ASEAN và Ấn Độ, đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên lên một tầm cao mới.
Ông khẳng định Việt Nam chắc chắn ủng hộ sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa ASEAN và Ấn Độ.
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Nitin Gadkari cho biết, Ấn Độ đã đề xuất gói tín dụng trị giá 1 tỷ USD để thúc đẩy các dự án kết nối đường biển, đường hàng không và đường bộ với ASEAN.
Ngoài ra, Ấn Độ đã lập một quỹ phát triển dự án trị giá 77 triệu USD để phát triển các đầu mối chế tạo ở Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Ông cho hay thỏa thuận về hợp tác giao thông trên biển giữa ASEAN và Ấn Độ hiện cũng đang được thảo luận.
ASEAN và Ấn Độ cũng đã nhất trí thành lập một nhóm làm việc về vận tải biển giữa Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam để đánh giá mức độ khả thi của các mạng lưới vận tải biển.
Hội nghị lần này diễn ra trong hai ngày 11-12/12 với phiên thảo luận đặc biệt về kết nối.
Các phiên tiếp theo thảo luận về kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN, cơ sở hạ tầng bền vững trong lĩnh vực hàng không, đường biển, năng lượng, kết nối các đảo, đường bộ và đường cao tốc, kết nối ASEAN - Ấn Độ và kết nối số ASEAN - Ấn Độ, về xây dựng kết nối và cấp vốn cho cơ sở hạ tầng.
 
Công bố Năm chỉ số liên kết giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN 
Diễn đàn Doanh nhân Trung Quốc-ASEAN, đã diễn ra trong hai ngày 8-9/12, tại thành phố Côn Minh, Vân Nam, miền Nam Trung Quốc với chủ đề "Thúc đẩy sáng tạo, cùng nhau đồng hành - nghênh đón kỷ nguyên kinh tế mới của châu Á."
Hàng nghìn doanh nhân đã cùng nhau thảo luận về xu hướng phát triển kinh tế thế giới, về Sáng kiến "Một vành đai, một con đường," cùng nhau hướng tới sự sáng tạo, phát triển bền vững, tìm kiếm sức mạnh mới để thúc đẩy các doanh nghiệp trong khu vực cùng trỗi dậy.
Trong thời gian diễn ra diễn đàn, Trung tâm hợp tác toàn cầu thuộc Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) đã công bố báo cáo về Năm chỉ số liên kết giữa Trung Quốc và ASEAN, bao gồm liên kết về chính sách, cơ sở hạ tầng, thương mại, đầu tư tài chính và nhân dân.
Các chuyên gia học giả tham dự diễn đàn đã cùng nhau thảo luận về 5 chỉ số này, đóng góp ủng hộ cho sự phát triển hợp tác trong tương lai giữa doanh nhân Trung Quốc và ASEAN.
Ý nghĩa của "Năm chỉ số liên kết"
Với những ưu thế về địa lý, các nước ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chính sách "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc. Các quốc gia ASEAN cũng là hướng đi ưu tiên và đối tác tự nhiên trong việc xây dựng "Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21."
Số điểm trung bình của Năm chỉ số liên kết giữa Trung Quốc và 10 nước ASEAN cao hơn nhiều so với số điểm trung bình của các quốc gia dọc "Một vành đai, một con đường."
Năm chỉ số liên kết năm 2017 giữa Trung Quốc và ASEAN cho thấy sự liên kết về chính sách tương đối tốt, không gian liên kết về cơ sở hạ tầng rộng rãi, liên kết thương mại mạnh mẽ, liên kết thuận lợi của đầu tư tài chính và sự liên kết sâu rộng trong nhân dân.
Liên kết chính sách
Liên kết chính sách đề cập đến trao đổi kinh nghiệm trong việc quản lý nhà nước, đồng thời tiến hành đối thoại, thông tin và điều phối các chính sách ngoại giao, kinh tế và an ninh.
Theo tài liệu "Tầm nhìn và Hành động," tăng cường liên kết chính sách là sự đảm bảo quan trọng cho việc thiết lập "Một vành đai, một con đường."
Liên kết chính sách của 10 nước ASEAN đạt số điểm trung bình 12,58, cao hơn chỉ số của các quốc gia dọc "Một vành đai, một con đường" (10,97). Trong số đó, có 7 quốc gia cao hơn chỉ số trung bình và Việt Nam xếp ở vị trí 6 với 12,39 điểm.
Trung Quốc và các nước ASEAN duy trì mối quan hệ hữu nghị truyền thống với sự tin cậy lẫn nhau về chính trị. Ở cấp độ song phương, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước trong khu vực và thành lập các cơ quan ngoại giao, đặt đại sứ quán và lãnh sự quán.
Sự tin tưởng lẫn nhau về chiến lược và chính trị giữa Trung Quốc và các nước ASEAN còn được thể hiện qua việc tăng cường các chuyến thăm cấp cao.
Trung Quốc đã thiết lập Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan, thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Malaysia và Indonesia; và thiết lập Quan hệ đối tác toàn diện với Singapore.
Liên kết cơ sở hạ tầng
Liên kết cơ sở hạ tầng đề cập đến sự kết nối cơ sở hạ tầng giữa các quốc gia, khu vực khác nhau, là lĩnh vực ưu tiên trong việc xây dựng "Một vành đai, một con đường."
Số điểm trung bình về liên kết cơ sở hạ tầng của các quốc gia ASEAN đạt 11,16. Campuchia, Philippines và Lào là 3 quốc gia đạt điểm số thấp nhất, trong đó Việt Nam đứng thứ 3 danh sách với số điểm 13,53.
Tầm nhìn "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc và bản đồ quy hoạch tổng thể về khả năng tương tác ASEAN tiếp giáp nhau một cách hoàn hảo. Năm 2016, Trung Quốc đã đẩy nhanh việc xây dựng mạng lưới tương tác với các nước ASEAN, thể hiện trong 3 lĩnh vực​ là cơ sở hạ tầng giao thông, cơ cở hạ tầng viễn thông và cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng.
Liên kết về thương mại
Liên kết thương mại là nội dung trọng tâm trong sáng kiến "Một vành đai, một con đường." Mục tiêu cơ bản của nó là thúc đẩy hợp tác kinh tế của các quốc gia dọc "Một vành đai, một con đường" trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế không ngừng đi vào chiều sâu.
Hiện tại, chỉ số liên kết thương mại của ASEAN cao hơn chỉ số này của các quốc gia dọc "Một vành đai, một con đường. Số điểm trung bình về liên kết thương mại của các nước ASEAN đạt 12,36, trong đó Việt Nam đạt được 10,88, xếp ở vị trí 7.
Tính đến thời điểm hiện tại, Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN là khu vực mậu dịch tự do có quy mô lớn nhất. Sau 25 năm phát triển, kim ngạch thương mại song thương từ 8 tỷ USD tăng lên 472,2 tỷ USD, tăng gần 60 lần.
Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 7 năm liên tiếp và ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc trong 5 năm liên tiếp.
Điều đáng nói, thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam đã phát triển với tốc độ ổn định, đạt 98,68 tỷ USD vào năm 2016, và Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Malaysia và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong số các quốc gia dọc theo "Một vành đai, một con đường."
Đồng thời, Trung Quốc vẫn giữ vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong 13 năm liên tiếp.
Liên kết đầu tư tài chính
Sự liên kết đầu tư tài chính đề cập đến nhu cầu mở rộng phạm vi trao đổi tiền tệ, tăng cường hợp tác tài chính, thúc đẩy hệ thống ổn định tiền tệ, hệ thống đầu tư tài chính và hệ thống tín dụng của châu Á.
Liên kết về đầu tư tài chính là trụ cột quan trọng trong xây dựng "Một vành đai, một con đường.
Trong phương diện liên kết đầu tư tài chính, các quốc gia ASEAN đạt chỉ số trung bình 13,09, trong đó Việt Nam đạt 12,85, xếp ở vị trí thứ 7.
Những năm gần đây, Trung Quốc cùng Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Singapore đã ký kết hiệp định hoán đổi tiền tệ, nới rộng phạm vi và quy mô hoán đổi tiền tệ, mở rộng thí điểm thanh toán thương mại xuyên biên giới, giảm thiểu rủi ro về tỷ giá hối đoái.
Liên kết nhân dân
Liên kết nhân dân chỉ sự tăng cường giao lưu hữu nghị truyền thống và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các nước. Liên kết nhân dân là nền tảng xã hội trong việc thiết lập "Một vành đai, một con đường."
Chỉ số liên kết nhân dân của ASEAN đạt điểm trung bình là 12,12, cao hơn điểm trung bình của các quốc gia dọc "Một vành đai, một con đường (10,76). Trong đó, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 8 với 11,92 điểm.
ASEAN là khu vực có số người Hoa đông nhất với hơn 40 triệu người. Các trường đại học, cao đẳng của Trung Quốc đã mở chuyên ngành tất cả các ngôn ngữ của các nước ASEAN.
Theo thống kê, năm 2016, số du học sinh trao đổi giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN đạt 190.000 người.
Tính đến nay, 30 Học viện Khổng tử đã được xây dựng tại 10 quốc gia ASEAN. Năm 2016, Trung Quốc còn xây dựng Trung tâm văn hóa Trung Quốc tại Singapore.
Năm 2016 cũng là năm giao lưu giáo dục Trung Quốc-ASEAN. Hai bên đã tổ chức Tuần lễ giao lưu giáo dục, ký kết hơn 800 hiệp định hợp tác khiến hợp tác giáo dục trở thành điểm sáng trong quan hệ Trung Quốc-ASEAN.
Du lịch cũng trở thành một kênh quan trọng trong liên kết nhân dân giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN. Năm 2016, Trung Quốc trở thành nguồn cung cấp du khách nhiều nhất của Thái Lan, Indonesia và Việt Nam, là nguồn du khách lớn thứ hai của Singapore, Campuchia và Myanmar.
Năm 2016, Thái Lan trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn nhất của du khách Trung Quốc với lượng du khách đạt 8,75 triệu người, chiếm 1/4 lượng du khách đến Thái Lan.
Cũng trong năm 2016, Việt Nam trở thành một trong những điểm du lịch được yêu thích nhất của du khách Trung Quốc có mức độ tăng trưởng cao nhất với mức tăng 55,19% so với năm 2015.
 
Hội nhập kinh tế phong cách ASEAN
Hội nhập khu vực sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Singapore khi nước này là Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2018.
Thuật ngữ "hội nhập" thường được nêu ra nhiều trong các cuộc họp của ASEAN nói chung và cuộc họp Thượng đỉnh ASEAN nói riêng. Tuy nhiên, khái niệm "hội nhập" này thường được coi là để thể hiện khát vọng lớn gắn kết khu vực chứ không dễ dàng đạt được.
Kể từ khi ASEAN được thành lập 50 năm về trước, Hiệp hội đã phát triển vượt bậc và giờ đây đã sẵn sàng để đạt được mục tiêu hội nhập toàn diện mà bước đầu tiên là hội nhập kinh tế.
Ý tưởng hội nhập các nền kinh tế các nước thành viên ASEAN dựa trên nền tảng kinh tế hoàn hảo. Tổng sản phẩm quốc nội kết hợp (GDP) của khối đạt 2.530 tỷ USD, tổng kim ngạch thương mại là 2.820 tỷ USD với dân số 631 triệu người.
Đây là nền kinh tế có quy mô lớn thứ ba ở châu Á, thứ sáu trên thế giới và dự kiến ​​sẽ vươn lên hàng thứ tư vào năm 2040. Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Hiệp hội là trên 5,3% trong 8 năm qua - vượt xa tốc độ tăng trưởng trung bình toàn cầu. Đây là một khu vực có diện tích không lớn trên thế giới nhưng đã trở thành một Cộng đồng Kinh tế năng động và trung tâm thương mại hàng đầu toàn cầu. Có thể thấy tiềm năng phát triển của khu vực khá rõ ràng. ASEAN đã đạt được những thành quả đáng kể khi thực hiện Kế hoạch chi tiết Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2015. Mặc dù tự do hoá thương mại quốc tế đã mở ra nhiều cơ hội cho các nước thành viên ASEAN nhưng có một số nước vẫn tỏ ra thận trọng về việc xóa bỏ hoàn toàn các rào cản thương mại.
Phát biểu tại một hội nghị về AEC ở Singapore vào tháng trước, Cựu Tổng thư ký ASEAN Ong Keng Yong cho biết AEC có tầm quan trọng hàng đầu đối với khu vực vì việc đạt được môi trường tự do hóa thương mại chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức lớn.
Đây là lý do tại sao việc hoàn thành các hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực là bước đi đúng hướng, gần đây nhất là hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hồng Kông. Bên cạnh đó, hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vẫn đang được đàm phán nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại giữa ASEAN với các đối tác FTA khác.
Tuy nhiên, ông Ong cảnh báo rằng RCEP sẽ chỉ thành công nếu ASEAN là một nền kinh tế tập thể vững mạnh, các quốc gia thành viên cam kết hướng tới các mục tiêu của AEC. Nếu không có AEC làm cốt lõi thì RCEP có thể sẽ trở nên vô nghĩa. Mục tiêu chủ đạo của AEC là tạo ra một thị trường ASEAN thống nhất. Sự dịch chuyển tự do hàng hoá và dịch vụ là bước đi đầu tiên. Kế hoạch AEC 2025 được xây dựng dựa trên Kế hoạch AEC 2015 trước đây thể hiện mong muốn của các thành viên ASEAN trong việc thực hiện tầm nhìn đó.
Tuy nhiên, ASEAN nên lưu tâm đến việc thực hiện chương trình nghị sự của mình. Theo ông Pascal Lamy, Nguyên Tổng giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới, Khung theo dõi và đánh giá AEC 2025 (M & E) là rất quan trọng để đảm bảo đánh giá đúng tiến độ của Kế hoạch AEC 2025.
"Việc đánh giá có thể được coi là một quá trình dựa trên cơ chế phổ biến thông tin có hệ thống và có mục tiêu nhằm thu thập và phản hồi ý kiến của các bên liên quan. Việc theo dõi và đánh giá có hiệu quả cũng có thể kích hoạt và thúc đẩy tiến trình đổi mới chính sách dựa vào các tiêu chí của ASEAN, phù hợp với sự thay đổi năng động của khu vực và trên toàn cầu và quan trọng hơn là nhu cầu thay đổi của người dân", ông Ong viết trong Bản tóm tắt hội nhập của AEC do Ban Thư ký ASEAN công bố.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm tới, Singapore với trọng tâm là nền kinh tế kỹ thuật số và thương mại điện tử, có thể giúp đẩy mạnh viễn cảnh hội nhập kinh tế hơn nữa. Ví dụ, việc thông qua Chương trình hành động ASEAN về tương mại điên tử giai đoạn 2017-2025 có thể thúc đẩy chính sách kỹ thuật số hiện nay của Singapore, được đánh giá là tốt nhất trong khu vực. Bằng cách thúc đẩy AEC đạt được những mục tiêu kỹ thuật số, các khả năng của ASEAN từ nay trở đi là có thể không còn là hữu hạn.
Ngân hàng Deutsche: Tầm nhìn Cộng đồng Kinh tế ASEAN đòi hỏi hội nhập kinh tế sâu hơn
Ngân hàng Deutsche đánh giá việc dỡ bỏ các rào cản thương mại, xây dựng các chính sách hỗ trợ cấp quốc gia và khu vực và đầu tư vào nền kinh tế số là những lĩnh vực trọng tâm của ASEAN để đạt được tầm nhìn về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2025.
Trong báo cáo "Tầm nhìn Asean đến năm 2025" đánh giá tiến bộ của Asean trong việc thực hiện mục tiêu, ngân hàng này cho biết khu vực này có tốc độ tăng trưởng khá cao khi Indonesia, Philippines và Việt Nam dự kiến ​​sẽ đạt mức tăng trưởng tối thiểu 5% trong năm 2017 và 2018.
Tuy nhiên, trong một thập kỷ tiếp theo, những nỗ lực liên tục để có được những cải cách quan trọng phải được tăng cường trong thập kỷ tới. "Nếu tầm nhìn của AEC là trở thành hiện thực, các chính phủ phải đảm bảo rằng không có những rào cản không cần thiết nào cản trở hội nhập”, báo cáo viết.
Ngân hàng Deutsche cho rằng thật dễ hiểu là các chính phủ có xu hướng lưỡng lự trước khi đưa ra những quy định cải cách rộng rãi, điều quan trọng là họ sẽ phân tích được chi phí và lợi ích, từ đó thúc đẩy sự thay đổi thích hợp ở bất cứ nơi nào có thể. Các cột mốc quan trọng của Kế hoạch thực hiện AEC sẽ được thể hiện trong các lĩnh vực như thực hiện đầy đủ Kế hoạch hành động một cửa ASEAN về thủ tục hải quan, thiết lập một quy trình vững chắc và thực tế để xoá bỏ hàng các rào phi quan thuế và thực hiện đầy đủ các biện pháp tạo thuận lợi thương mại bao gồm Hiệp định về thuận lợi hoá thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.
Báo cáo cũng nêu bật vai trò cơ bản của nền kinh tế số như thúc đẩy hội nhập và tăng trưởng kinh tế bền vững, đồng thời cho rằng nền kinh tế số chính là tương lai của kinh tế thế giới. Theo đó, kỹ thuật số hóa có thể mang lại lợi ích cho tất cả mọi người nhưng điều này đòi hỏi phải định vị kỹ thuật số hóa như một trụ cột chính trong tầm nhìn AEC về một thị trường chung thống nhất. Công nghệ số có thể mang lại nhiều cơ hội, nhưng nếu không có sự hợp tác đầy đủ của khu vực thì cũng có thể bị coi là mối đe dọa đối với cạnh tranh và dẫn tới các kết quả tiêu cực.

ASEAN cần điều chỉnh đường lối để AEC thực sự thành công
Ông Cuddim Datuk Seri Nazir Razak, Chủ tịch Tập đoàn CIMB Group Holdings Bhd, cho rằng các nước Asean cần phải tập trung vào sự thực chất để đảm bảo được sự thành công của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Mặc dù chương trình hội nhập kinh tế ASEAN đã được khởi động, nhưng phương thức làm việc của Asean vẫn tiếp tục nên gây cản trở tiến trình của AEC.
"Điều này phải thay đổi nhằm tích cực thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế tiến lên hoặc sẽ rất khó để Asean đạt được tầm nhìn AEC 2025. Mặc dù đạt được nhiều tiến bộ trong các lĩnh vực, nhưng AEC chưa đạt được mục tiêu trở thành căn cứ sản xuất duy nhất như mong muốn", ông Nazir khẳng định trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị thường niên về quản trị doanh nghiệp quốc tế năm 2017.
AEC bắt nguồn từ Tầm nhìn ASEAN 2020, được thông qua vào năm 1997 nhân dịp kỷ niệm 30 năm ASEAN. Trong năm 2007, ASEAN đã nâng cao tham vọng hội nhập kinh tế bằng cách thông qua Kế hoạch AEC 2015 hay còn gọi là Lộ trình xây dựng AEC năm 2015.
Trong khuôn khổ kế hoạch AEC 2015, khu vực Đông Nam Á được xây dựng thành một thị trường thống nhất và một cơ sở sản xuất duy nhất. Tuy nhiên, Kế hoạch AEC 2015 sau đó đã được thay thế bằng phiên bản mới của AEC – Kế hoạch AEC 2025. Kế hoạch AEC 2025 cố gắng hợp nhất các chương trình tự do hóa khác nhau được khởi xướng theo các Kế hoạch trước đây.
Tuy vậy, ông Nazir vẫn bày tỏ sự hoài nghi về thành công của Kế hoạch AEC năm 2025. "Sự đa dạng và chủ nghĩa quốc gia trở thành những trở ngại lớn hơn nhiều so với dự kiến và AEC đã không thành công như các Chính phủ của chúng ta đã tin tưởng. Kim ngạch thương mại nội khối vẫn chỉ ở mức 24% so với mức 70% của Liên minh châu Âu, thuế quan phi thương mại vẫn ở mức khá cao. Còn rất nhiều điều cần phải làm so với những gì đã hứa trong năm 2007. Nhiều vấn đề quan trọng cần được giải quyết nếu ASEAN thực sự nghiêm túc trong việc đạt được các mục tiêu của Kế hoạch Asean 2025, đó là những mâu thuẫn giữa hội nhập và chủ quyền quốc gia cũng như khung pháp lý của ASEAN”.
"Vì vậy, chính phương thức làm việc của Asean là khối phải luôn luôn thống nhất và các quốc gia không được can thiệp vào chuyện của nhau và có thể chọn không tham gia vào các sáng kiến ​​mà họ không thích. Vậy chúng ta sẽ làm gì nếu một quốc gia không tuân thủ những gì đã hứa trong các hiệp định của ASEAN", ôngNajib nói thêm.
Mặc dù thừa nhận rằng có những trở ngại to lớn trong việc hội nhập AEC nhưng ông Najib cũng đánh giá các doanh nghiệp trong khu vực đã phát triển mạnh mẽ khi hoạt động thương mại đầu tư trong nội bộ ASEAN đã liên tục phát triển. Chúng ta là một nền kinh tế trị giá 2.600 tỷ đô la Mỹ (lớn thứ 7 trên thế giới) và đang phát triển rất nhanh nên có rất nhiều điều để tự hào".
ASEAN - Thị trường nhiều triển vọng đối với các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh Parma, Italy 
Các Đại sứ ASEAN mới đây đã có chuyến thăm và làm việc với chính quyền và một số doanh nghiệp tại tỉnh Parma phía Bắc Italy.
Chuyến thăm và làm việc này của các Đại sứ ASEAN được thực hiện trong khuôn khổ hoạt động đối ngoại và xúc tiến thương mại tại Italy của Ủy ban ASEAN tại Rome (ACR).
Thảo luận với đại diện chính quyền và doanh nghiệp địa phương, thay mặt đoàn công tác, Chủ tịch đương nhiệm ACR, Đại sứ Thái Lan Tana Weskosith đã đánh giá cao các khả năng hợp tác kinh tế, thương mại của Vùng Emilia - Romagna nói chung cũng như tỉnh Parma nói riêng với ASEAN.
Đại sứ Tana Weskosith nhấn mạnh mối quan tâm của các doanh nghiệp ASEAN đối với các lĩnh vực thế mạnh nổi tiếng của vùng Parma như sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, hóa mỹ phẩm, chế biến thực phẩm, đồ uống truyền thống, nghỉ dưỡng, du lịch...
Về phần mình, Phó Thị trưởng Parma Paci Nicoletta hoan nghênh đoàn các Đại sứ ASEAN đến thăm và làm việc tại tỉnh Parma, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác mọi mặt giữa địa phương với địa phương bằng các biện pháp cụ thể, hiệu quả.
Đoàn các Đại sứ ASEAN cũng đã đến thăm một số doanh nghiệp địa phương hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng chữa bệnh, sản xuất nông sản và hóa mỹ phẩm.
Tại công ty hóa mỹ phẩm Cosmoproject ở thị trấn Mezzani thuộc Parma, đoàn đã nghe ông Primo Tortini, Tổng Giám đốc Cosmoproject, giới thiệu về những kết quả đã đạt được và chiến lược phát triển kinh doanh dài hạn tại khu vực Đông Nam Á, điển hình như tại thị trường Thái Lan và Việt Nam.
Là một trong những công ty hóa mỹ phẩm hàng đầu của Italy, Cosmoproject đang được coi là doanh nghiệp hình mẫu tiên phong trong việc mở rộng hoạt động tại thị trường Đông Nam Á.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN thường trú tại Italy, Đại sứ Việt Nam Cao Chính Thiện đánh giá rằng việc tổ chức các chuyến thăm địa phương của các Đại sứ ASEAN là hành động thiết thực, hiệu quả trong việc tăng cường hình ảnh và hợp tác ASEAN-Italy cũng như quan hệ của Italy với mỗi nước thành viên ASEAN.
Thông qua hoạt động này, các nước ASEAN sẽ có cơ hội tốt để tìm hiểu và thiết lập các kênh hợp tác phù hợp với các địa phương của Italy vì lợi ích của mỗi nước cũng như của cả cộng đồng ASEAN.
 
ASEAN đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực 
Ngày 26/12, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đồng chủ trì Hội nghị các trụ cột Cộng đồng ASEAN nhân kỷ niệm 50 năm ASEAN. Tham dự hội nghị có hơn 100 đại diện các Bộ, ngành, Chính phủ tham gia hợp tác ASEAN.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị các Bộ ngành kiểm điểm quá trình tham gia hợp tác ASEAN theo từng lĩnh vực hợp tác cụ thể, đề xuất các biện pháp nhằm đóng góp chủ động, tích cực và có trách nhiệm và tăng cường hiệu quả thực chất các hoạt động trong tham gia hợp tác ASEAN, đồng thời đề xuất lộ trình và các bước triển khai cụ thể chuẩn bị tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, hợp tác kinh tế ASEAN lấy ASEAN làm hạt nhân để thúc đẩy quan hệ toàn diện với nhiều đối tác quan trọng khác trên thế giới đến nay đã đem lại những kết quả thiết thực, cụ thể, đóng góp to lớn cho thành tựu phát triển chung của ASEAN. Tuy vậy, trong lĩnh vực này, ASEAN cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, tâm lý coi trọng hợp tác song phương hơn đa phương và nhất là sự thiếu vắng các sản phẩm mũi nhọn khiến hợp tác kinh tế chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Thay mặt cho các Bộ, ngành tham gia hợp tác văn hóa - xã hội ASEAN, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, ASEAN đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng một cộng đồng hướng tới “Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”, “Hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội”. Để đạt được các mục tiêu này, Thứ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị cần đặc biệt tập trung thúc đẩy nhận thức của người dân về ASEAN, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ.
Hội nghị đã nghe báo cáo do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN - Việt Nam trình bày, đánh giá tổng quan về hợp tác ASEAN và sự tham gia của Việt Nam. Đại diện các Bộ Công Thương; Lao động, Thương binh và Xã hội và một số đại diện các Bộ, ngành cũng đã có tham luận về từng lĩnh vực hợp tác.
Các đại biểu nhất trí đánh giá ASEAN đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực; và 22 năm tham gia hợp tác mang lại cho Việt Nam những lợi ích quan trọng, thiết thực; trong đó có kiến tạo môi trường hòa bình và ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.
Các đại biểu cũng nhận định, trong bối cảnh tình hình mới với những diễn biến phức tạp, khó lường, ASEAN đang gặp phải không ít khó khăn và thách thức gay gắt, đòi hỏi những nỗ lực chung và đóng góp của các nước, trong đó có Việt Nam.
Phó Thủ tướng biểu dương sự tham gia tích cực và đóng góp hiệu quả của các Bộ, ngành tham gia hợp tác ASEAN thời gian qua; chỉ ra những hạn chế, tồn tại đề nghị các Bộ, ngành sớm khắc phục để tận dụng hết hiệu quả và lợi ích do hợp tác ASEAN mang lại. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan liên quan cần có biện pháp cụ thể nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của ASEAN đối với Việt Nam; sớm kiện toàn bộ máy và tăng cường năng lực cho cán bộ; và xây dựng lộ trình triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể theo từng lĩnh vực.
Nhấn mạnh công tác điều phối và phối hợp giữa các Bộ ngành; Phó Thủ tướng yêu cầu sớm xây dựng dự thảo sửa đổi Quy chế làm việc và phối hợp hoạt động giữa các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN của Việt Nam và tăng cường hơn nữa vai trò điều phối của Ban Thư ký Quốc gia về ASEAN.
 
Nguồn: Asem/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710908468