Thứ sáu, 26-4-2024 - 14:9 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Hướng đi giúp ASEAN trở thành điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài  

 Thứ năm, 15-6-2017

AsemconnectVietnam - Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN được tổ chức tại Manila hồi tháng trước, Tổng thống kiêm Chủ tịch ASEAN năm 2017, ông Rodrigo Duterte tuyên bố rằng ASEAN đóng vai trò là trọng tâm và là tương lai của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tuyên bố này phản ánh kế hoạch và định hướng của ASEAN trong năm 2017: “Hợp tác để phát triển, kết nối với thế giới”.

Kế hoạch đầy tham vọng cho thấy ASEAN mong muốn giữ vai trò lớn hơn trên thị trường quốc tế. ASEAN có thể thúc đẩy vai trò toàn cầu thông qua việc tăng cường sự tham gia với các đối tác bên ngoài. Thương mại của ASEAN với các đối tác nước ngoài có giá trị lớn hơn thương mại giữa các thành viên nội khối. Trong vòng 15 năm qua, giá trị thương mại ngoài ASEAN đã tăng liên tục gấp ba lần so với thương mại nội khối. Mức độ gia tăng của thương mại ngoài khối ASEAN khiến cho một số người tự hỏi liệu ASEAN đang theo đuổi một chương trình thương mại ngoài khối hay không.
Các quốc gia thành viên ASEAN tiến hành đàm phán thương mại với nguyên tắc “ASEAN nắm giữ vai trò trung tâm”. Theo Hiến chương ASEAN, nguyên tắc này là động lực chính để thúc đẩy hợp tác ASEAN nội khối và ngoại khối.
Trung tâm ASEAN có ý nghĩa gì đối với thương mại? Cách tiếp cận này được hiểu như là một yêu cầu, bất kỳ lợi ích hay cam kết nào được đưa ra trong các hiệp định thương mại tự do “ASEAN + 1” không được vượt quá các quy định trong các FTA giữa nội khối ASEAN. Ví dụ, các biện pháp tự do hóa trong FTA ASEAN – Nhật Bản hay FTA ASEAN - Ấn Độ sẽ không ưu đãi bằng thỏa thuận thương mại giữa các nước trong ASEAN với nhau.
Điều này hàm ý rằng chương trình thương mại nội khối của ASEAN được ưu tiên hơn so với chương trình thương mại ngoại khối. Ví dụ, trong FTA nội khối ASEAN, Indonesia cho phép thành lập các ngân hàng nước ngoài tại tất cả các thủ đô hoặc các tỉnh thành, thuộc diện kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT). Nhưng trong các FTA ASEAN + 1, chẳng hạn như FTA ASEAN – Australia - New Zealand và FTA ASEAN - Hàn Quốc, các ngân hàng của các nước đối tác chỉ có thể thành lập tại một số thành phố được cho phép.
ASEAN hướng tới khu vực Châu Á Thái Bình Dương
Trong tương lai, ASEAN sẽ đánh mất cơ hội nếu như không tham gia, kết nối với các đối tác bên ngoài. Tầng lớp trung lưu tại ASEAN đang gia tăng và gần 400 triệu người dưới 35 tuổi sẽ khiến ASEAN trở thành một khu vực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Donald Trump, sẽ tham gia tích cực với ASEAN thông qua các vấn đề thương mại và đầu tư.
ASEAN cũng đóng vai trò dẫn đầu trong đàm phán các thỏa thuận thương mại. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bao gồm 16 thành viên, chiếm 46% dân số thế giới và 24% GDP toàn cầu. Hiệp định đưa ra các điều khoản tạo thuận lợi về thương mại hàng hoá, dịch vụ và đầu tư đối với khu vực ASEAN cũng như đối với 6 nền kinh tế ngoài khu vực ASEAN.
Ngoài hiệp định RCEP, ASEAN đang hướng tới khu vực Châu Á Thái Bình Dương với mục đích tiếp cận sâu hơn về thương mại tại khu vực này. Tháng 05/2017, ASEAN đã đồng ý khôi phục đàm phán FTA với Liên minh châu Âu (EU) - nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ hai - sau cuộc thảo luận đầu tiên được hoãn lại vào năm 2009.
Do hầu hết thương mại của ASEAN là với các nước ngoài khối, chính vì thế, ASEAN nên tìm cách tối đa hóa lợi ích bất cứ khi nào có cơ hội đàm phán một FTA với các đối tác bên ngoài, bao gồm 6 nước tham gia cùng ASEAN để hình thành hiệp định RCEP là Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, và Liên minh Châu Âu (EU).
Ngày càng nhiều FTA được ký kết giữa ASEAN với các đối tác thương mại, thì ASEAN sẽ càng trở nên tích hợp hơn trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Peter Petri và ông Michael Plummer đã lập luận rằng việc hạn chế các mối quan hệ kinh tế đối ngoại với các hiệp định chung của ASEAN có thể cản trở việc các thành viên tối đa hóa lợi ích từ thương mại và đầu tư.
Trong các FTA ASEAN + 1, đàm phán tiếp cận thị trường với các đối tác thương mại được tiến hành song phương giữa các đối tác và từng quốc gia thành viên ASEAN - không phải với toàn thể ASEAN. Do đó, đây là cơ hội cho mỗi quốc gia thành viên ASEAN cạnh tranh với nhau để chuyển hướng thương mại và đầu tư từ đối tác thương mại sang các nước tương ứng.
Tuy nhiên, mỗi quốc gia đều có động lực hành động khác nhau. Là nước lớn nhất trong ASEAN, Indonesia là một điểm đến hấp dẫn cho thương mại và đầu tư. Để thu hút thêm nhiều thương mại và đầu tư từ các đối tác thương mại của ASEAN, Indonesia có thể cân nhắc để giành ưu đãi tốt hơn hoặc ít nhất cũng ngang bằng với các quốc gia thành viên ASEAN.
Có rất nhiều lợi ích kinh tế có thể thu được từ sự kết nối giữa ASEAN và các đối tác thương mại. Lý tưởng nhất là mỗi quốc gia thành viên ASEAN nên giành cho các đối tác thương mại ngoài khối những ưu đãi mà trước đây chỉ được trao cho các nước thành viên nội khối ASEAN. Dựa trên quan điểm kinh tế thuần túy, điều này chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ASEAN thông qua việc tăng cường thương mại ngoài khu vực. Cách tiếp cận như vậy chắc chắn sẽ phù hợp với phương châm “Gắn kết với thế giới” của ASEAN năm 2017.
Tuy nhiên, mở rộng ưu đãi đối với các đối tác thương mại nói thì dễ dàng, nhưng để thực hiện thì rất khó, ông Peter Petri và ông Michael Plummer cũng lưu ý rằng các mối quan tâm về chính sách khu vực thường có nguồn gốc lịch sử, chính trị và văn hoá tương đối phức tạp và hiếm khi được giải quyết bằng các lập luận kinh tế.
Một lộ trình rõ ràng sẽ giúp ASEAN thu được nhiều lợi ích từ thương mại và đầu tư thông qua việc mở rộng cam kết với các nước khác. Nhưng trước hơn hết, ASEAN cần phải thay đổi cách thức lựa chọn các quốc gia để giành ưu đãi thương mại. Sau đó, ASEAN sẽ có thể tối đa hoá lợi ích từ việc kết nối với thế giới.

Nguồn: hoinhap.org.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710898915