Thứ năm, 2-5-2024 - 7:12 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tại sao CPTPP có thể là lời giải cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung 

 Chủ nhật, 15-12-2019

AsemconnectVietnam - Trung Quốc tham gia CPTPP có thể giảm bớt căng thẳng với Mỹ, thúc đẩy tăng trưởng, đa dạng hóa thị trường và hiện đại hóa đất nước. Tại sao nước này không làm điều đó?

Alexander Graham Bell từng nói rằng khi một cánh cửa đóng lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra. Vì vậy, năm 2018 đã chứng kiến ​​sự khởi đầu của một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng cũng đã khai sinh hiệp định toàn diện và tiến bộ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một hiệp định thương mại tiên tiến gồm 11 thành viên cho thế kỷ 21, có hiệu lực vào ngày 30 tháng 12 năm 2018.
Một quyết định táo bạo của Trung Quốc khi tham gia CPTPP có thể giải quyết nhiều thách thức mà cuộc chiến thương mại tiếp tục tạo ra. Bằng cách áp dụng các quy tắc thương mại CPTPP, Trung Quốc có thể giảm bớt căng thẳng với Mỹ và các nước khác; bằng cách tham gia một mạng lưới thương mại khu vực năng động, Trung Quốc có thể tăng tốc tăng trưởng kinh tế và đa dạng hóa thị trường; bằng cách cam kết với các tiêu chuẩn chính sách quốc tế cao, Trung Quốc có thể thúc đẩy các cải cách của chính mình trong việc xây dựng một nền kinh tế mở, hiện đại.
Bên cạnh đó, CPTPP sẽ tạo động lực cho chính sách mở cửa của Trung Quốc, điều rất quan trọng đối với sự tăng trưởng của Trung Quốc. Trung Quốc đã có quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ với các thành viên CPTPP khác, tuy nhiên thỏa thuận này có thể giúp hạ thấp một số các rào cản thương mại cao. Hoạt động thương mại sẽ gia tăng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, làm cho chuỗi cung ứng sản xuất trở nên hiệu quả hơn và đa dạng hóa  thị trường, tránh sự phụ thuộc quá mức vào khu vực Bắc Mỹ.
Một nghiên cứu của Viện kinh tế quốc tế Peterson cho thấy CPTPP sẽ bổ sung thêm 147 tỷ đô la Mỹ hàng năm vào thu nhập toàn cầu. Đây là một khoản tiền lớn, nhưng có thể tăng lên tới 632 tỷ USD mỗi năm nếu Trung Quốc tham gia, vượt qua những lợi ích mà TPP trước đó sẽ tạo ra với sự tham gia của Mỹ. Xuất khẩu của Trung Quốc sang khu vực sẽ tăng trưởng đặc biệt nhanh về các mặt hàng điện tử, máy móc và nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng ở các dòng sản phẩm mới là linh kiện điện tử và nông sản.
Ngoài việc giảm các rào cản thông thường đối với thương mại, như thuế quan và hạn ngạch, CPTPP cung cấp một bộ quy tắc rộng rãi và đầy tham vọng cho các mối quan hệ kinh tế hiện đại. Bằng cách áp dụng quy tắc này, Trung Quốc sẽ có cơ hội cam kết điều chỉnh các chính sách của mình - bao gồm cả những chính sách bị Mỹ chỉ trích – phù hợp với các quy tắc toàn cầu.
Ví dụ, các quy tắc CPTPP sẽ yêu cầu Trung Quốc minh bạch hơn các công ty nhà nước và tự đặt ra các mục tiêu kinh doanh. Bí mật thương mại và bằng sáng chế sẽ được bảo vệ tốt hơn, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chịu ít hạn chế hơn và các công ty sẽ tự do hơn khi tham gia vào thương mại điện tử và chuyển dữ liệu xuyên biên giới.
Không việc gì trong số này sẽ có thể làm dễ dàng mà đòi hỏi những cải cách lớn của Trung Quốc. Canada, Nhật Bản, Việt Nam và các quốc gia khác đã sử dụng các quy tắc CPTPP để thúc đẩy các cải cách khó khăn và chính Trung Quốc đã hưởng lợi rất nhiều từ cải cách kinh tế khi gia nhập WTO. CPTPP sẽ làm cho các cải cách đáng tin cậy hơn ở trong và ngoài nước vì hiệp định này bao gồm các điều khoản thực thi có ý nghĩa.
Các quy tắc CPTPP, nếu được thực thi đúng cách, cũng có khả năng có tác động tích cực đối với Mỹ vì các phần chính của thỏa thuận đã được đưa vào hiệp định thương mại tự do Mỹ - Mexico - Canada mới. Ngay cả khi Mỹ vẫn ở ngoài CPTPP, trong các cuộc đàm phán song phương, Trung Quốc có thể cam kết để đưa ra các quy tắc tương tự áp dụng cho thương mại và đầu tư của Mỹ.
CPTPP sẽ giúp giảm căng thẳng thương mại và tăng cường ngoại giao kinh tế với Trung Quốc. Trên thực tế, Trung Quốc sẽ hợp tác với các nước châu Á và Mỹ Latinh để xây dựng một hệ thống khu vực mở. Một số đối tác CPTPP này có thể lo ngại về sự cạnh tranh từ Trung Quốc nhưng hầu hết sẽ chào đón các thị trường rộng lớn này.
Quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á cũng sẽ được hưởng lợi. Hợp tác sâu rộng hơn trong khu vực sẽ thúc đẩy ảnh hưởng chính trị của Đông Á. Từ góc độ toàn cầu, Trung Quốc và khu vực sẽ cung cấp hỗ trợ thiết yếu cho một hệ thống thương mại dựa trên quy tắc tại thời điểm Mỹ dường như đang rời bỏ nó.
Tuy vậy, ngay cả khi Trung Quốc cam kết tham gia CPTPP, việc gia nhập của họ có thể không diễn ra suôn sẻ hoặc nhanh chóng. Tư cách thành viên Trung Quốc có thể bị các thành viên CPTPP khác trì hoãn do những lo ngại về sự cạnh tranh từ Trung Quốc và có thể cả Mỹ. Ngay cả khi thỏa thuận không xảy ra ngay lập tức, việc Trung Quốc tập trung vào các quy tắc CPTPP sẽ gửi tín hiệu mạnh mẽ đến thế giới về cam kết của mình đối với các chuẩn mực quốc tế trong một loạt các chính sách.
Cuối cùng, tư cách thành viên Trung Quốc trong CPTPP sẽ không khiến căng thẳng mất đi. Mặc dù có nhiều thập kỷ hợp tác về mọi lĩnh vực, từ quốc phòng đến các tổ chức quốc tế, Mỹ, EU và Nhật Bản thường xuyên có những cuộc tranh chấp thương mại nghiêm trọng. Khi Trung Quốc phát triển, xung đột thương mại như vậy cũng sẽ tiếp tục và gia tăng theo thời gian. Tuy vậy, việc tham gia CPTPP sẽ giảm thiểu rủi ro xung đột thương mại, có thể dẫn tới chiến tranh thương mại, vốn luôn mang tính hủy diệt.

Long Giang
Nguồn: Vitic/ voxeu.org

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25711065759