Thứ ba, 7-5-2024 - 14:58 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tổng hợp, phân tích hiệp định CPTPP trong tháng 7/2019 

 Thứ tư, 31-7-2019

AsemconnectVietnam - Trong tháng 7/2019, tin tức phân tích hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) khá sôi động.

Hiệp định CPTPP: Gia tăng cơ hội xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản 
CPTPP đang mở ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, nhất là với thị trường Nhật Bản-một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang mở ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, nhất là với thị trường Nhật Bản-một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng dư địa từ Nhật Bản còn rất lớn và là mảnh đất tiềm năng giúp tăng trưởng xuất khẩu trong tương lai.
Vì thế, bên cạnh sự chủ động từ phía doanh nghiệp, vẫn cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước. Bởi đây sẽ là đòn bẩy giúp hàng hóa Việt Nam tự tin và vươn xa hơn tại xứ sở hoa anh đào.
Tạo đà tăng trưởng
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, từ đầu năm đến nay kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản liên tục tăng trưởng mạnh mẽ. Tính đến hết tháng 6 kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt 9,68 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng lưu ý, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản các mặt hàng như dệt may, thủy sản, máy móc thiết bị, phụ tùng, đồ gỗ, điện thoại di động, linh kiện điện tử và nhập khẩu các máy móc thiết bị công nghệ cao, linh kiện...
Không dừng lại ở đó, Nhật Bản tiếp tục là nhà đầu tư lớn thứ 2 của Việt Nam với 4.118 dự án, tổng vốn đăng ký 57,3 tỷ USD (tính đến đầu tháng 5) và chủ yếu tập trung trong công nghiệp chế biến, chế tạo, bán lẻ, bất động sản...
Đặc biệt, hiện có hơn 2.500 doanh nghiệp Nhật Bản; trong đó, có nhiều doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư kinh doanh thành công tại Việt Nam và đang có kế hoạch mở rộng quy mô phát triển.
Nhận định từ giới phân tích, sở dĩ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tăng mạnh thời gian qua là nhờ Hiệp định CPTPP. Bởi đây là lần đầu tiên Nhật Bản cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho đại đa số nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Cụ thể, theo điều khoản trong CPTPP, Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế ngay đối với 86% số dòng thuế, tương đương 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản và gần 90% số dòng thuế sau 5 năm.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, cơ hội cho Việt Nam tận dụng ưu đãi trong Hiệp định này rất lớn, nhất là quy tắc "cộng gộp" hay còn gọi là "chuỗi cung ứng trong - ngoài FTA.
Chẳng hạn như Việt Nam có ưu điểm là sản xuất sợi tốt nhưng khâu hoàn thiện vải gặp vấn đề lớn về công nghệ, môi trường... Vì thế, nhiều doanh nghiệp phía Bắc sau khi dệt vải mộc sẽ chuyển sang Trung Quốc để thực hiện khâu định hình vải và nhuộm. Sau đó, vải thành phẩm được Việt Nam nhập lại để đưa vào may mặc.
Những sản phẩm này nếu được xuất khẩu sang Nhật theo Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) sẽ không được ưu đãi thuế quan do bị coi là "mất xuất xứ."
Tuy nhiên với CPTPP, quy tắc tự chứng nhận xuất xứ cho phép doanh nghiệp tự chuẩn bị hồ sơ, chứng từ để chứng minh khâu sản xuất sợi đầu tiên là từ Việt Nam, từ đó sẽ được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu sang Nhật Bản.
Đánh giá về tác động tích cực của CPTPP đối với Việt Nam và Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định: CPTPP được dự đoán sẽ mang lại những lợi ích hai chiều hết sức to lớn cho cả Việt Nam và Nhật Bản.
Hơn nữa, CPTPP sẽ cho phép các công ty Nhật Bản được quyền tham gia vào thị trường mua sắm Chính phủ đang phát triển rất nhanh của Việt Nam, vốn từ trước đến nay đóng cửa với các doanh nghiệp nước ngoài.
Mặt khác, các ngành dịch vụ vốn là thế mạnh của Nhật Bản như ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng, logistics, kế toán, thiết kế đồ họa cũng sẽ có cơ hội xâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam.
Bà Yuri Sato, Phó Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) bày tỏ tin tưởng CPTPP sẽ củng cố vai trò của Việt Nam như cứ điểm sản xuất, xuất khẩu, hướng đến thị trường toàn cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ nhận được các lợi ích tương tự khi xâm nhập thị trường Nhật Bản.
Theo bà Yuri Sato, Hiệp định CPTPP cũng đặt ra các cam kết bảo hộ mạnh nhất từ trước tới nay về quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ đầu tư; trong đó có quyền rút vốn, chuyển tiền, bồi thường công bằng khi bị quốc hữu hóa tài sản và trợ giúp pháp lý. Những điểm này cũng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường xuất khẩu công nghệ sang Việt Nam.
Do đó, CPTPP sẽ thúc đẩy mạnh mẽ dòng chảy thương mại và đầu tư giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản, không chỉ giới hạn ở việc cắt giảm các dòng thuế mà còn tạo ra các cơ hội kinh doanh mới, cũng như làm giảm các thủ tục về thương mại và đầu tư.
Chủ động đổi mới
Nhằm hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Nhật Bản, mới đây Tập đoàn AEON đã phối hợp với Công ty TNHH AEON Việt Nam và Công ty TNHH AEON TOPVALU Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Nhà cung cấp của AEON năm 2019.
Ông Shibata Eiji, Phó Chủ tịch Tập đoàn AEON cho hay, tiềm năng của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Nhật Bản là khá lớn. Nếu như năm 2013, lần đầu tiên Nhật Bản nhập khẩu cá tra Việt Nam với con số vô cùng khiêm tốn là 5 tấn nhưng đến năm 2018, con số đã tăng lên đến 100 tấn, gấp 20 lần.
Cùng với cá tra, rất nhiều mặt hàng xuất khẩu vào Nhật Bản thông qua hệ thống AEON tăng mạnh trong thời gian vừa qua như vali khóa kéo, hàng thời trang, thực phẩm...
Theo ông Shibata Eiji, AEON đang đẩy mạnh kinh doanh các mặt hàng chuyên dụng thực phẩm, thời trang may mặc và điện máy gia dụng. Đây là các sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam có thể tập trung đầu tư để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nhật Bản, thông qua AEON.
Tập đoàn bán lẻ AEON của Nhật Bản cho biết sẽ tăng gấp đôi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam lên 500 triệu USD vào năm 2020 và 1 tỷ USD vào năm 2015.
Theo các chuyên gia thương mại, để đẩy mạnh xuất khẩu việc thực hiện một chiến lược marketing xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản là điều phải tính đến trước tiên và là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu bền vững sang thị trường này. Điều này cũng góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Hai bên cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để các mặt hàng nông, thủy sản vào thị trường hai nước nhiều hơn; đồng thời triển khai hiệu quả sáng kiến chung Việt-Nhật để cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy hơn nữa làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng cần triển khai kế hoạch hành động của 6 ngành công nghiệp đã được lựa chọn trong Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 để kim ngạch thương mại giữa hai nước ngày càng tăng trưởng trong thời gian tới.
Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, việc tham gia sâu vào các hiệp định thương mại kinh tế, đặc biệt là Hiệp định CPTPP giúp Việt Nam gia tăng cơ hội xuất khẩu. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là tăng sức ép cạnh tranh với nhóm hàng nông lâm thủy sản và có thể đối mặt với nguy cơ thu hẹp sản xuất.
Do vậy, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin về các ưu đãi thuế quan của Hiệp định CPTPP đối với những mặt hàng Việt Nam đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu.
Mặt khác, doanh nghiệp phải chủ động hơn trong việc tìm hướng hợp tác với thị trường Nhật Bản để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn để thâm nhập sâu vào thị trường Nhật Bản cũng như vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
 
CPTPP: Nhật Bản đã trưởng thành như thế nào trên bàn đám phán thương mại
Trong khi Mỹ rút khỏi các thỏa thuận đa phương, Nhật Bản nỗ lực hết sức để cứu các hiệp định này.
Trong hầu hết chiều dài lịch sử, người Nhật đã không thoải mái với thương mại tự do và phẫn nộ với những nỗ lực của Mỹ quảng bá thương mại tự do. Thật vậy, Mỹ đã cố gắng kéo Nhật Bản vào hội nhập với thế giới ít nhất là từ giữa thế kỷ 19, khi cựu Tổng thống Mỹ Millard Fillmore gửi các tàu chiến, người Nhật gọi là “tàu màu đen”, vào Vịnh Tokyo yêu cầu Nhật Bản mở cửa các cảng.
Phản ứng đầu tiên của Nhật Bản đối với các sáng kiến ​​mở cửa thị trường này của Mỹ là từ bỏ sự cô lập của chế độ phong kiến, nhanh chóng xây dựng một nền kinh tế công nghiệp hóa và phát động một cuộc chiến tranh xâm lược ở Thái Bình Dương, tạo ra một đế chế quân sự tàn khốc nhưng ngắn ngủi mà Nhật Bản gọi là “Khối thịnh vượng chung đại Đông Á”. Sau khi nỗ lực đó kết thúc tồi tệ, Nhật Bản lại tiến hành chiến tranh, lần này với thương mại là vũ khí (như nhiều nhà ngoại giao Mỹ mô tả). Họ đã áp dụng một chính sách “Japan Inc.” đáng sợ trong nhiều thập kỷ qua – lập nhiều rào cản với sản phẩm và dịch vụ nước ngoài - trong khi làm giàu bằng cách bán sản phẩm giá rẻ ở ra thị trường quốc tế, đặc biệt là ở Mỹ. Chỉ từ từ từng bước, dưới áp lực không ngừng nghỉ của Mỹ, Nhật Bản mới bắt đầu loại bỏ các tập quán bảo hộ thương mại.
Tuy nhiên, ngày nay, rõ ràng một điều gì đó kịch tính đã thay đổi trong mối quan hệ giữa hai nước khi quan chức Mỹ và Nhật Bản dự định sẽ gặp nhau trong tháng này để thực hiện một cuộc đàm phán thương mại khác và Nhật Bản hiện đang dẫn đầu trong việc thúc đẩy các thị trường mở hơn trong khi Mỹ đang rút lui vào tình trạng tự cô lập. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đang hủy bỏ hệ thống đa phương mà nước này có góp công lớn nhất trong việc xây dựng nên và đã từng kéo Nhật Bản vào hệ thống này còn Nhật Bản đang trở thành một trong những nước cổ suý chính của hệ thống.
Như một tình huống lịch sử trớ trêu, Nhật Bản một lần nữa cố gắng xây dựng một loại hình khối thịnh vượng ở Đông Á mà không có Mỹ với các quy tắc thương mại công khai và công bằng, được thiết kế xung quanh việc bảo tồn những gì còn lại của hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Tổng thống Trump đã rút khỏi vào đầu năm 2017.
Hơn nữa, Nhật Bản đang được coi là đóng vai trò hàng đầu trong việc giữ lại nhiều điều khoản chính của hiệp định thương mại đa phương tiên tiến nhất - có lẽ là tương lai của hệ thống thương mại toàn cầu - tại thời điểm Tổng thống Trump, người luôn tự hào gọi mình là “người đàn ông thuế”, có vẻ như đang cố gắng quay ngược đồng hồ gần ba thế kỷ trước khi xuất hiện nhà kinh tế học Adam Smith ủng hộ chủ nghĩa trọng thương.
Nhật Bản cũng rất có chủ ý thiết kế TPP mới với khả năng cho Mỹ quay trở lại giống như người Tây Âu đang làm với thỏa thuận hạt nhân Iran và hiệp ước biến đổi khí hậu Paris khi Tổng thống Trump cũng đột ngột rút lui.
Các đối tác thương mại lớn khác của Mỹ dành nhiều lời khen ngợi cho vai trò hàng đầu của Nhật Bản, không ít trong số đó là của Canada, trong nỗ lực cứu hiệp định TPP khỏi sự đổ vỡ hoàn toàn. Theo Bộ trưởng thương mại quốc tế Canada James Carr, thực sự có thể nói lập trường, thái độ và sự hỗ trợ của Nhật Bản đối với hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ và thương mại công bằng đã rất mẫu mực và rất quan trọng. Ngược lại, việc đối phó với Chính quyền Trump có thể rất khó khăn và không thể đoán trước được.
Theo thống kê, kể từ khi TPP được tái đàm phán và chuyển thành hiệp định toàn diện và tiến bộ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã ký kết tại Chile vào tháng 3 năm 2018 và có hiệu lực vào cuối năm 2018, xuất khẩu của Canada sang các nước thành viên CPTPP đã tăng mạnh nhờ được cắt giảm nhiều dòng thuế quan. Đến tháng 1 năm nay, xuất khẩu của Canada sang Nhật Bản đã tăng 20,8% so với cùng kỳ năm liền trước. Mối quan hệ giữa các doanh nghiệp Canada với các đối tác Nhật Bản ngày càng tích cực và chặt chẽ hơn.
Nói chung, đó là một sự phát triển đáng chú ý về thái độ của Nhật Bản đối với thương mại tự do. Ông Wendy Cutler, một nhà đàm phán thương mại lâu năm của Mỹ và hiện là Phó Chủ tịch Viện chính sách xã hội châu Á, cho biết, kết quả về CPTPP là điều mà không ai cũng có thể đoán trước được. Lúc đầu, tại Nhật Bản, có rất nhiều người lên tiếng phản đối TPP. Sau đó, Nhật Bản không chỉ tham gia TPP mà khi Mỹ rút đi, nước này đã dẫn dắt các quốc gia khác đến một CPTPP thành công là điều không ai có thể ngờ tới.
Ông Matthew Goodman, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ và hiện là Phó Chủ tịch cấp cao của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Washington, cho biết, Nhật Bản đã thay đổi cách tiếp cận vì họ biết rằng nước này cần tăng năng suất để đối phó với dân số già và quy mô dân số thu hẹp, đồng thời thúc đẩy các công ty Nhật Bản toàn cầu hóa hơn nữa và tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực của một hệ thống thương mại đa phương. “Họ đã phụ thuộc nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, được điều chỉnh bởi một bộ quy tắc chuẩn mực, ưa thích của phương Tây mà người Mỹ từng sử dụng để đạt đến ngôi vô địch. Một số điều đã thực sự thay đổi đã buộc Nhật Bản phải bước vào và hành động một cách chuẩn mực”.
Trên hết, thách thức và cạnh tranh kinh tế từ nước láng giềng Trung Quốc đã buộc Nhật Bản phải hành động, chuyên gia Goodman cho biết. Nhật Bản có thể phải đối phó với một làn sóng bảo hộ mới khi Trung Quốc phá vỡ rất nhiều quy tắc thương mại tự do. Do đó, Nhật Bản cũng đang đóng vai trò lãnh đạo trong việc cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi nước này chủ trì hội nghị thượng đỉnh G-20 vào tháng 6 vừa qua. Đó có thể là một yếu tố quan trọng, cùng với CPTPP, buộc Trung Quốc phải tuân thủ các quy tắc chống trợ cấp của chính phủ cho các ngành công nghiệp và bảo vệ sở hữu trí tuệ, có lẽ nhiều hơn bất cứ điều gì Tổng thống Trump làm được trong các cuộc đàm phán song phương đang diễn ra với Trung Quốc. “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang thách thức một cách cơ bản trật tự tự do Nhật Bản đã dày công xây dựng. Trước đây, Nhật Bản luôn bị động nhưng nỗ lực giải cứu TPP đã thúc đẩy Nhật Bản vượt lên”.
Ông Cutler khẳng định: “Điều đang xảy ra là Mỹ đang rút lui khỏi vai trò lãnh đạo của mình tại WTO và các quốc gia khác, bao gồm cả Nhật Bản, đang cố gắng lấp đầy khoảng trống đó, bằng cách dẫn đầu hoặc cũng hình thành liên minh với các quốc gia khác. Nhật Bản đã đề ra một chính sách hiệu quả về trợ cấp và bảo vệ doanh nghiệp trong nước trong những thập kỷ trước đó nhưng hiện nay nước này đang thúc đẩy các hạn chế của WTO đối với thực tiễn này.
Sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi hiệp định TPP 12 quốc gia vào đầu năm 2017 - một hiệp định mà người tiền nhiệm Barack Obama dày công đàm phán - và gọi đây là “một thỏa thuận khủng khiếp”, phản ứng ban đầu của Nhật Bản cùng với hầu hết các quốc gia tham gia khác là nói rằng TPP không thể hoạt động mà không có Mỹ. Tuy vậy, Thủ tướng Shinzo Abe, người đã đề ra một học thuyết cải cách kinh tế có tên là Abenomics, sau đó đã thay đổi quyết định. Ông nhanh chóng chủ động cứu vãn những gì mình có thể với vai trò là người lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ hai trong TPP. Bất chấp sự phản ứng mạnh mẽ của các ngành công nghiệp, nông nghiệp được bảo hộ mạnh mẽ, Thủ tướng Abe đã thúc đẩy Quốc hội thông qua hiệp định TPP-11, giống như ông đã làm với hiệp định TPP ban đầu. Đồng thời, Thủ thướng Abe cũng để ngỏ khả năng Mỹ quay trở lại TPP trong tương lai bằng cách tạm dừng nhưng không hủy bỏ 20 điều khoản TPP, chủ yếu liên quan đến việc bảo vệ bằng sáng chế và các điều khoản về tranh chấp nhà đầu tư.
Trong một bài phát biểu trước quốc hội ngay trước khi hiệp ước TPP sửa đổi được thông qua, Thủ tướng Abe nói rằng cá nhân ông sẽ trở thành “người đặt ra các tiêu chuẩn” trong việc thúc đẩy thương mại đa phương trong khu vực, bất chấp những phàn nàn của Tổng thống Trump đang có xu hướng đẩy quan hệ Mỹ - Nhật trở lại thời kỳ tranh chấp song phương căng thẳng trong những năm 1980.
Về cơ bản, Nhật Bản là đang là mỏ neo chính mặc dù có sự hỗ trợ từ Australia và New Zealand, ông Jeffrey Schott thuộc Viện kinh tế quốc tế Peterson cho biết.
Một số nhà quan sát Nhật Bản lâu năm lưu ý rằng Nhật Bản hiếm khi đảm nhận bất kỳ vai trò lãnh đạo toàn cầu nào kể từ Thế chiến II, hoài nghi về việc sự nhiệt tình của nước này đối với thương mại tự do đa phương sẽ tồn tại bao lâu. “Tôi vẫn tự hỏi mình rằng điều đó có bền vững không. Đây là một tình huống độc đáo với một Thủ tướng độc nhất vô nhị của Nhật Bản, người đã đưa ra một sự bảo đảm cho liên minh Mỹ - Nhật Bản, cho rằng Mỹ và Nhật Bản đang định hình trật tự ở châu Á chứ không phải là nước nào khác. Tôi không dám chắc một Thủ tướng Nhật Bản trong tương lai sẽ có cùng quan điểm chiến lược và sự can đảm chính trị như Thủ tướng Abe hay không”, ông Goodman khẳng định.
Tuy nhiên, sẽ rất khó cho Nhật Bản để đảo ngược quá trình này. Sự mở cửa thị trường của Nhật Bản là một quá trình dần dần mà tất cả các công chức cao cấp của nước này trong nhiều thập kỷ qua đã tìm cách cân bằng các yêu cầu mở cửa thị trường của Mỹ với nhu cầu về các biện pháp ổn định xã hội, việc làm trọn đời, đồng thời thúc đẩy quá trình toàn cầu hoá của các tập đoàn khổng lồ của Nhật Bản như Toyota, Mitsubishi và Sony. Ví dụ, một thế hệ trước, Bộ Tài chính Nhật Bản đã loại bỏ hầu hết các nỗ lực của các ngân hàng và công ty chứng khoán Nhật Bản để cạnh tranh toàn cầu (kéo dài quá trình chứng khoán hóa tài sản, giúp Nhật Bản phần nào trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008). Ngày nay, Cơ quan dịch vụ tài chính thuộc Bộ Tài chính là một trong những cơ quan quản lý tiến bộ nhất trên thế giới.
Gần đây, Nhật Bản đã bị giật mình khi Hàn Quốc đàm phán các hiệp định thương mại tự do với Mỹ và Liên minh châu Âu, mang lại cho Hàn Quốc lợi thế kinh tế. Đồng thời, Nhật Bản cũng thừa nhận vòng đàm phán toàn cầu Doha giữa các thành viên WTO sẽ không đi đến đâu và cần phải làm một điều gì đó quyết liệt.
Hiệp định TPP là một sự thừa nhận cơ bản rằng trên toàn thế giới, đặc biệt là trong khu vực trung tâm sản xuất Thái Bình Dương, thương mại không còn đơn giản là vấn đề giữa các quốc gia. Chuỗi cung ứng của các công ty ngày càng phức tạp; linh kiện của bất kỳ sản phẩm nhất định hiện đang được vận chuyển qua nhiều quốc gia.
Mặc dù Tổng thống Trump rút ra khỏi TPP nhưng ngay cả Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, đã thừa nhận rằng các nhà đàm phán Mỹ đã áp dụng nhiều quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ, kỹ thuật số, bảo vệ bằng sáng chế, tiêu chuẩn lao động và quy tắc môi trường trong TPP vào USMCA. TPP là một hình mẫu tốt nhất hiện nay vì Mỹ đã cố gắng xây dựng TPP trở thành một hiệp định thế hệ mới. “Phần được hiện đại hóa của NAFTA sửa đổi về cơ bản là các điều khoản trong TPP với và hiện đang được Canada và Mexico triển khai”, ông Scott khẳng định.
Mặc dù Tổng thống Trump đang có những đánh giá lại về thương mại tự do, điều xảy ra lần đầu tiên với một cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ kể từ năm 1945 nhưng ông Goodman và các chuyên gia khác về thương mại Mỹ - Nhật Bản nói rằng Mỹ ít nhất có thể tuyên bố một số lợi ích đạt được cho vai trò trong quá khứ của mình khi kéo Nhật Bản hội nhập vào thế giới. Điều đó đã tạo động lực để Nhật Bản dẫn đầu thương mại tự do như bây giờ.
 
CPTPP và EVFTA: Cơ hội để thủy sản Việt Nam phát triển bền vững 
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) không chỉ tạo cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu mà còn giúp ngành nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản Việt Nam nâng cao năng lực quản trị, chất lượng để phát triển bền vững.
Đây là nội dung mà các chuyên gia đã chia sẻ tại Hội thảo cơ hội và thách thức của ngành thủy sản Việt Nam tại các Hiệp định CPTPP và EVFTA do Tổng cục Thủy sản và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 17/7.
Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, trong gần 10 năm trở lại đây ngành thủy sản Việt Nam liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng rất tích cực, giá trị sản xuất trung bình mỗi năm tăng khoảng 5%/năm, sản lượng thủy hải sản nuôi trồng và khai thác tăng 4,5%/năm.
Sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 185 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, có những ngành hàng mũi nhọn chiếm tỷ trọng lớn, có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD là tôm, cá tra, ngoài ra một số mặt hàng có nhiều tiềm năng nâng cao kim ngạch trong thời gian tới như cá ngừ, mực, bạch tuộc, nhuyễn thể…
Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã giúp thủy sản Việt Nam có cơ hội tổ chức lại hoạt động sản xuất, từng bước ứng dụng khoa học công nghệ và hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất cho sản phẩm chất lượng cao hơn. Nhờ đó kim ngạch xuất khẩu và vị thế của thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới được cải thiện.
Cùng với đó, quá trình hội nhập quốc tế, đặc biệt là với CPTPP đã có hiệu lực và EVFTA vừa ký kết, thủy sản Việt Nam được đánh giá là một trong những ngành được hưởng lợi khá lớn khi đạt được những cam kết về cắt giảm thuế suất sâu nhất từ trước đến nay.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, CPTPP và EVFTA là hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và toàn diện hơn so với những FTA mà Việt nam đã tham gia trước đó; trong đó, mức độ cam kết về mặt mở cửa thị trường, dỡ bỏ hàng rào thuế quan cũng sâu hơn và áp dụng cho tất cả các ngành hàng, kể cả nhóm hàng khó đàm phán như nông lâm thủy sản.
So với các ngành hàng khác, thủy sản được xem là ngành “nhạy cảm” và các đối tác có phần e dè hơn trong việc cam kết mở cửa nhưng trong CPTPP, các đối tác đã cam kết xóa bỏ ngay hoặc xóa bỏ trong vòng 2-3 năm với hầu hết sản phẩm thủy sản sơ chế của Việt Nam, bao gồm cá tra, cá ngừ, tôm, thịt cua và nhuyễn thể. Các sản phẩm thủy sản chế biến cũng được xóa bỏ thuế theo lộ trình 5-10 năm.
Đáng chú ý, Canada đã xóa bỏ 100% các dòng thuế đối với thủy sản Việt Nam ngay khi CPTPP có hiệu lực, Mexico cam kết xóa bỏ thuế đối với cá tra Việt Nam sau 2 năm, sau 3-5 năm xóa bỏ 60% số dòng thuế…
Ngoài ra, Nhật Bản cũng cắt giảm thuế sâu hơn cho thủy sản Việt Nam so với Hiệp định thương mại tự do song phương đã được thực thi trước đó.  
Mặc dù vậy, theo phân tích của Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, việc thực thi CPTPP chỉ mang lại ý nghĩa cắt giảm thuế quan thực sự cho xuất khẩu Việt Nam ở 3 thị  trường là Canada, Mexico và Peru vì các thị trường còn lại đều đã có FTA chung từ trước.
Còn với EVFTA, cơ hội cho Việt Nam là cực kỳ lớn bởi cùng lúc được tiếp cận thị trường với 28 quốc gia chưa từng có FTA nhưng lại là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất nhì của Việt Nam những năm qua; trong đó, 50% số dòng thuế của thủy sản sơ chế sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực, số còn lại cắt giảm theo lộ trình 3-7 năm; thực phẩm từ thủy sản cũng được xóa bỏ thuế sau 6-8 năm.
“Với mức cam kết cắt giảm thuế như trên, EVFTA vẫn chưa mang lại lợi thế thuế quan ngay cho các doanh nghiệp bởi hiện tại hầu hết sản phẩm thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào EU đang được hưởng thế suất ưu đãi đơn phương (GSP) từ 0-4% mà EU dành cho một số ngành hàng được đánh giá là chưa trưởng thành. Tuy nhiên, khi EU rút lại các ưu đãi đơn phương thì những cam kết thuế quan từ EVFTA sẽ phát huy tác dụng và mang lại tác động lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam,” Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP thì cho rằng, cả CPTPP và EVFTA đều hỗ trợ đắc lực cho việc nâng cao khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam so với các đối thủ hiện nay như Thái Lan, Ấn Độ.
Không chỉ tạo lợi thế xuất khẩu, các FTA này còn tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa được nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu để thúc đẩy hoạt động chế biến, xuất khẩu.
Bên cạnh đó, EVFTA còn mở ra cánh cửa mới cho doanh nghiêp Việt Nam  tiếp cận máy móc, thiết bị công nghệ sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tham gia vào chuỗi cung ứng thủy sản của khu vực, thế giới nhờ hoạt động chuyển dịch đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia.
Cơ hội rất lớn xong thách thức đối với thủy sản Việt Nam cũng không nhỏ, đáng kể nhất là việc đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, quy tắc xuất xứ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm để được hưởng ưu đãi.
Bên cạnh đó, những cam kết về mặt môi trường, lao động và trách nhiệm xã hội cũng đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động thay đổi quy trình sản xuất, đánh bắt, chế biến và nâng cao năng lực quản trị.
Tuy nhiên các chuyên gia nhận định rằng những thách thức đó là quy luật tất yếu mà doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động đáp ứng, không chỉ để tận dụng hiệu quả các ưu đãi thuế quan mà còn đảm bảo sự phát triển ngành nuôi trồng, khai thác, chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam cạnh tranh, phát triển một cách bền vững.
 
Nhận diện cơ hội và thách thức với nông sản Việt khi tham gia CPTPP 
Những năm gần đây, giá trị xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam luôn đứng ở mức cao. Nhiều mặt hàng trong số đó hiện xếp vị trí tốp đầu thế giới.
Song ở chiều ngược lại, việc hội nhập sâu với thế giới cũng đặt ra nhiều thách thức cho các sản phẩm của Việt Nam khi phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày càng khắt khe hơn.
Đây cũng là nội dung chính được thảo luận tại hội thảo: “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt” do Bộ Công Thương phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Báo Nông thôn ngày nay tổ chức ngày 2/7, tại Hà Nội.
Xuất khẩu thô còn cao
Theo ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào.
Đơn cử trong năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam ra thế giới đạt 26,59 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 10,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Riêng 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam đã đạt 10,2 tỷ USD.
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm vị trí dẫn đầu trên thị trường thế giới như gạo, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản, rau, quả, thực phẩm và đang dần định hình được thương hiệu, uy tín về chất lượng, giá cạnh tranh trên thị trường thế giới trong khuôn khổ các Hiệp định Thương mại tự do.
Tuy vậy, nhiều hạn chế, bất cập của ngành nông nghiệp vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đáng chú ý, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam cho rằng, chất lượng sản xuất nông nghiệp nói chung và việc tiêu thụ, phân phối nông sản nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí là yếu kém.
Điều dễ thấy nhất chính là tỷ lệ xuất khẩu nông sản thô còn cao, không ít ngành hàng nông sản có chất lượng và số lượng các chuỗi giá trị nông sản còn thấp. Bên cạnh đó, cách thức tổ chức sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị còn sơ sài, liên thông giữa thị trường trong nước và thế giới còn nhiều rào cản.
“Thực tế đó đang cản trở sự gia tăng về số lượng hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới, nhất là các thị trường lớn, yêu cầu chất lượng cao,” Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Nguyễn Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) cho hay, nhóm hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu luôn là một trong những nhóm mặt hàng quan trọng trong tổng thể cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản chính của Việt Nam bao gồm Trung Quốc, Mỹ, EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc… trong đó Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ số 1 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 27,3%, trong khi thị trường Mỹ chiếm 13,8% và EU chiếm 15,4%.
- Một số thị trường xuất khẩu chính về nông sản, thủy sản của Việt Nam:
Tuy nhiên, ngay cả các bạn hàng truyền thống và khá dễ tính như Trung Quốc cũng đã siết chặt các quy định về nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam. Chính vì vậy, theo bà Oanh, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc chỉ đạt 2,78 tỷ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn theo ông Hong Sun, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, mặc dù Việt Nam có lợi thế về rất nhiều sản phẩm nông lâm thủy sản nhưng lại không thể đáp ứng được nhu cầu, yêu cầu của phía đối tác Hàn Quốc nếu muốn hợp tác làm ăn.
Cụ thể, những bất cập đơn giản như muốn tìm kiếm thông tin về các doanh nghiệp, các đối tác cũng rất khó do phía Việt Nam chưa có cách làm bài bản, chuyên nghiệp.
“Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư vào ngành công nghệ chế biến để cho ra đời những sản phẩm tươi, bảo quan được lâu dài hơn,” Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nói.
Lấy sức ép cạnh tranh làm động lực phát triển
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là CPTPP) đã chính thức có hiệu lực đối với với Việt Nam từ ngày 14/1/2019 và là một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết sâu hơn so với các cam kết khi gia nhập WTO và trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia từ trước tới nay.
Chính vì vậy, để tận dụng được tối đa các lợi thế do hiệp định mang lại, bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.
“CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng,” bà Mai lưu ý.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, việc thay đổi mô hình về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ sẽ là vấn đề then chốt giúp ngành nông nghiệp tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật cao theo hàng rào kỹ thuật của thị trường trong CPTPP.
- Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nói về cơ hội và thách thức của nông sản Việt khi tham gia CPTPP:
Từ thực tiễn trong lĩnh vực nông nghiệp, câu chuyện của New Zealand là những bài học điển hình cho Việt Nam trên con đường trở thành nước xuất khẩu nông sản, sản phẩm chăn nuôi thành công trên thế giới.
Mặc dù là quốc gia nhỏ, dân số chỉ 5 triệu dân và diện tích bằng 2/3 Việt Nam, ở vị trí cô lập so với các thị trường xuất khẩu, song ngành nông nghiệp hiện chiếm 80% sản lượng xuất khẩu và 15% lực lượng lao động của New Zealand.
Chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam, bà Lisa, Tham tán nông nghiệp New Zealand đã nhấn mạnh đến 4 yếu tố để New Zealand tận dụng lợi thế của CPTPP trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Đầu tiên là nắm bắt chặt chẽ luật chơi trên sân chơi thương mại toàn cầu. Tiếp đến là thực hiện đa dạng hóa sản phẩm nông sản nói riêng và sản phẩm xuất khẩu nói chung trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, Chính phủ với những hành động quyết liệt trong việc liên kết chặt chẽ giữa các bên, thúc đẩy chuyên môn hóa và hợp tác trong nước, tạo nên chuỗi sản xuất - xuất khẩu và cuối cùng đó là sự ưu tiên hóa một số ngành xuất khẩu nhất định để tận dụng thích hợp và khai thác tối đa những tài nguyên, nguồn lực trong nước.

Long Giang
Nguồn: Vitic/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25711184316