Thứ hai, 29-4-2024 - 5:47 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tổng hợp, phân tích hiệp định CPTPP trong tháng 4/2019 

 Thứ ba, 30-4-2019

AsemconnectVietnam - Trong tháng 4/2019, tin tức phân tích hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) khá sôi động.

Cơ hội tiến vào thị trường Canada cho doanh nghiệp Việt Nam 
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực được kỳ vọng thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Canada.
Lộ trình giảm thuế khá nhanh của Canada, từ 17-18% xuống 0% trong vòng 3 năm sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng được dự báo tăng trưởng mạnh như dệt may, giầy dép, đồ gỗ.
Tại buổi tiếp ông Chris Forbes, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Canada mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2018, tổng kim ngạch thương mại 2 nước đạt 3,87 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2017.
Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Canada đạt 3,01 tỷ USD, tăng 10,9% so với năm 2017, nhập khẩu đạt 858 triệu USD, tăng 10,1%. Từ năm 2019, một số nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada được dự báo tăng trưởng mạnh như dệt may, giầy dép, túi xách, nhựa, đồ gỗ.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, hiện Canada là đối tác thương mại thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ (sau Hoa Kỳ và Brazil) và ngược lại Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong khối ASEAN.
Việt Nam đang là nước có lợi thế trong trao đổi thương mại với Canada với giá trị xuất khẩu cao hơn nhập khẩu.
Qua việc xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực, thị trường Canada mang lại rất nhiều cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt đối với một số mặt hàng như thủy sản được hưởng thuế suất 0% ngay từ ngày 14/1/2019.
Hiện các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Canada gồm hàng dệt may, giày dép, thủy sản, hạt điều, túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù, sản phẩm từ sắt thép.
Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Canada các sản phẩm đầu vào cho sản xuất, bao gồm: lúa mì, đậu tương, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, phân bón các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy, gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Từ cơ cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu chính của hai nước cho thấy cơ cấu ngành hàng của Việt Nam và Canada có sự bổ sung cho nhau và không cạnh tranh trực tiếp.
Đây là yếu tố thuận lợi trong hợp tác thương mại giữa hai nước, nhất là khi CPTTP có hiệu lực.
Theo Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương), thủy sản hiện đang là mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam.
Canada đang tiêu thụ với giá trị 240 triệu USD hàng thủy sản từ Việt Nam; trong đó, nhiều chủng loại đã chiếm thị phần rất cao tại thị trường này như cá basa chiếm gần 100% thị trường cá da trơn nhập khẩu của Canada; tôm bao gồm tôm đông lạnh và tôm chế biến đứng đầu trong số các nước xuất khẩu tôm vào Canada, chiếm gần 1/3 thị phần nhập khẩu; cá ngừ vàng mắt to đông lạnh chiếm 89% thị phần.
Trước đây, thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (MFN) của Canada đối với các mặt hàng này từ 4-5%, nhưng nay theo cam kết CPTPP thuế suất cho các mặt hàng này giảm về 0%.
Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp tục giữ vững thị phần và đa dạng hóa các chủng loại mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Canada.

Các mặt hàng thủy sản của Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn của Canada và hiện các công ty lớn của nước này có xu hướng mua trực tiếp từ nhà sản xuất để cắt giảm chi phí.
Do đó, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nên giới thiệu và tiếp cận với các nhà bán lẻ lớn của Canada.
Đối với mặt hàng đồ gỗ, Canada đang tiêu thụ 166 triệu USD sản phẩm này. Canada cũng có nhiều doanh nghiệp sản xuất và cung cấp sản phẩm đồ gỗ cho toàn bộ thị trường Bắc Mỹ, đồng thời đang quan tâm nhiều đến đồ gỗ cung cấp cho khách sạn cao cấp tại Mỹ và Canada.
Vì vậy, khi xuất khẩu sản phẩm gỗ sang Canada, các doanh nghiệp nên chú trọng đến chất liệu chịu được tác động của thay đổi khí hậu, thời tiết. Màu sắc, chất lượng hàng giao phải đúng mẫu mã, nếu có thay đổi phải báo trước. Khi gặp hỏng hóc, gãy đổ trong quá trình vận chuyển cần nhanh chóng khắc phục.
Với mặt hàng dệt may, hiện xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Canada mới chiếm khoảng 7% tổng nhập khẩu của Canada.
Mặc dù thị trường quần áo của Canada có dung lượng nhỏ, nhưng nhiều công ty phân phối dệt may hàng đầu thế giới có trụ sở tại Canada và đa số các công ty đều phân phối tại thị trường Mỹ cũng như các nước khác nên đây sẽ là cơ hội rộng mở cho mặt hàng này của Việt Nam.
Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu mặt hàng này vào Canada sẽ giảm từ 17-18% xuống còn 0% khi hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 năm nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi.
Mức chênh lệch thuế nhập khẩu sẽ là động lực thúc đẩy hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Canada. Do đó, doanh nghiệp cần tăng cường việc quảng bá hàng Việt Nam theo các hình thức tổ chức đoàn doanh nghiệp dệt may sang Canada.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần giới thiệu năng lực sản xuất và tiếp xúc với từng đối tác lớn của Canada.
Theo Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam, có khoảng 78% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Canada hưởng thuế suất 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực hoặc được hưởng mức cắt giảm 75% so với mức hiện tại.
Về cơ bản Việt Nam có khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ mặt hàng giày dép nên khả năng được hưởng ưu đãi thuế cao. Hiện, giày dép Việt Nam chủ yếu do các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất và họ có kênh phân phối riêng tại thị trường Canada và Bắc Mỹ.
Để thâm nhập thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xúc tiến thương mại các sản phẩm truyền thống của Việt Nam như dép sandal, dép đi trong nhà, giày da, ủng đi mưa… qua hình thức kết nối giao thương.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Canada đặc biệt quan tâm đến lộ trình mở cửa thị trường của Việt Nam đối với một số sản phẩm nông sản như thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thủy sản, hoa quả tươi.
Đây cũng sẽ là cơ hội để Việt Nam tăng cường xuất khẩu mặt hàng này sang Canada trong những năm tới.
 
Malaysia lạnh nhạt với hiệp định tiến bộ và toàn diện đối tác xuyên Thái Bình Dương CPTPP ?
Malaysia vẫn chưa đưa ra quyết định về việc có phê chuẩn hiệp định tiến bộ và toàn diện đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay không. Hiện tại, CPTPP gồm 11 thành viên và đã có hiệu lực kể từ tháng 12 năm 2018 đối với Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore và gần đây là Việt Nam kể từ tháng 1 năm 2019. Trong số 11 quốc gia thành viên, vẫn còn bốn quốc gia chưa phê chuẩn thỏa thuận là Malaysia, Brunei, Chile và Peru. Theo quy định, CPTPP sẽ chỉ có hiệu lực trong vòng 60 ngày kể từ ngày quốc gia thành viên hoàn tất quy trình trong nước và chuyển văn bản phê chuẩn tới New Zealand, quốc gia chịu trách nhiệm lưu ký.
Lập trường của Malaysia
Chính phủ Malaysia dường như không vội vàng phê chuẩn thỏa thuận. Điều này là hiển nhiên được thể hiện qua các phát biểu trên hệ thống truyền thông gần đây của các Bộ trưởng Malaysia. Một trong số các phát biểu đó là:
Tháng 1 năm 2019, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Datuk Darell Leiking nhấn mạnh không có thời hạn nào để phê chuẩn CPTPP. Thỏa thuận này sẽ chỉ được phê chuẩn sau khi chính phủ chắc chắn rằng sẽ có lợi cho quốc gia.
Tháng 3 năm 2019, Thứ trưởng Thương mại và Công nghiệp Quốc tế, Tiến sĩ Ong Kian Ming tuyên bố rằng Malaysia cần thêm thời gian để quyết định liệu có phê chuẩn CPTPP hay không vì vẫn đang trong quá trình đánh giá chi phí và lợi ích của thỏa thuận và Malaysia sẽ cần phải tính đến việc các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhìn nhận vị thế của đất nước trong ASEAN như thế nào trong dài hạn nếu Malaysia không phê chuẩn.
Tháng 4 năm 2019, tại Đại hội thường niên của Phòng Thương mại Malaysia, Thủ tướng Mahathir cho biết nhiều quan chức từ các Bộ chủ chốt hoàn toàn không hài lòng về hiệp định này. Tuy nhiên, ông tin rằng Malaysia sẽ có thể phê chuẩn CPTPP đúng thời hạn.
Malaysia theo đuổi các hiệp định thương mại thay thế
Trong khi Malaysia có dấu hiệu lạnh nhạt với CPTPP, Chính phủ nước này đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) được phát triển trên cơ sở song phương và các hiệp định đa phương khác. Các sáng kiến FTA ​​hiện tại bao gồm:
Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Malaysia (MITI) đang chuẩn bị các đoàn thương mại đến cả Chile và Brazil nhắm mục tiêu đàm phán FTA trong năm 2019.
Malaysia đã thể hiện sự quan tâm trong việc phát triển FTA với Mexico trước khi ba nước hiệp định thương mại tự do Mỹ, Canada và Mexico được ký kết.
Malaysia đang tăng cường mối quan hệ với các nước Nam Mỹ sau khi được mời đảm nhận vị trí quan sát viên tổ chức MERCOSUR cùng với New Zealand và Mexico. MERCOSUR là một khối thương mại bao gồm Argentina, Brazil, Paraguay, Uruguay và bảy thành viên Mỹ la tinh khác.
Cuối cùng, Malaysia vẫn hy vọng vào sự phát triển của hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Nước này không loại trừ khả năng RCEP có thể cung cấp cho Malaysia các lợi ích và khi đó có thể coi CPTPP là không cần thiết.
Phân tích
Malaysia khó có thể phê chuẩn CPTPP trong ba quý đầu năm 2019. Trong số những trở ngại lớn tại thời điểm này là cần phải sửa đổi đáng kể một số luật theo sau quá trình phê chuẩn hiệp định, bao gồm:
Đầu tư: Sửa đổi luật đầu tư hiện hành có thể có khả năng dẫn đến việc Chính phủ Malaysia sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ra các chính sách mới có thể tốt cho người dân nhưng tiêu cực cho các nhà đầu tư.
Doanh nghiệp nhà nước: Một chương gây tranh cãi khác trong thỏa thuận liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước (SOE) là chủ đề mới trong các FTA. Được biết đến nhiều ở Malaysia với tư cách là Công ty liên kết với Chính phủ (GLCs), các tổ chức này đã là công cụ giúp củng cố nền kinh tế Malaysia. Sự lớn mạnh của doanh nghiệp Nhà nước đã mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua tạo việc làm cho người dân địa phương cũng như tạo cơ hội cho họ tăng cường kinh doanh. Với vai trò quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước ở Malaysia, khá thành công về phát triển kinh tế, thì đây không phải là điều gì đó Malaysia có thể dễ dàng nhượng bộ.
Lao động: Malaysia vẫn chậm trễ trong nhiều chính sách lao động để đáp ứng các tiêu chuẩn được chấp nhận của CPTPP. Mặc dù, Malaysia đã nỗ lực trong những tháng gần đây để áp dụng tốt hơn các thông lệ tốt nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (các yêu cầu về năng lực và các trường hợp khởi kiện lên toà án), nhiều nhà quan sát cho rằng những sửa đổi này nên được thực hiện một cách cẩn trọng thay vì vội vàng.
Nhà kinh tế đã cho rằng phản ứng đối với CPTPP của Malaysia có thể sẽ là hết sức tự nhiên và chắc chắn khó thay đổi. Malaysia đã có FTA với nhiều quốc gia trong CPTPP ngoại trừ Canada, Mexico và Peru. Do đó, nước này có thể dễ dàng tiếp cận thị trường đến các quốc gia thành viên bằng cách có các FTA song phương mà không cần phải tuân theo các quy tắc ràng buộc về các vấn đề phi thương mại của CPTPP. Hơn nữa, Canada, Mexico và Peru không phải là quốc gia mà Malaysia có hoạt động thương mại quan trọng.
Tuy nhiên, vẫn còn những thiệt hại đáng kể nếu Malaysia từ chối CPTPP. Các yếu tố cũng sẽ cần được xem xét bao gồm:
Danh tiếng: Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ quan tâm đến cách Malaysia định vị chính mình trong CPTPP. Khi ba cường quốc thương mại hàng đầu khu vực - Singapore, Việt Nam và Thái Lan - đã phê chuẩn thỏa thuận hoặc bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ để tham gia CPTPP, Malaysia có thể có nguy cơ bị bỏ rơi. Điều này có khả năng thay đổi vị trí Malaysia ở ASEAN trong dài hạn.
Chi phí cơ hội: Khi nhiều quốc gia phê chuẩn hiệp ước, những nước này sẽ được hưởng lợi từ đầu tư và thương mại hơn nữa từ thỏa thuận để đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững.
Thúc đẩy các thông lệ tốt nhất: CPTPP không chỉ là về thỏa thuận thương mại mà còn về quy định kinh tế và quản trị tốt. Malaysia đã được hội nhập vào chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu, một phần của các hiệp định thương mại quốc tế cũng như là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới. Do đó, những thỏa thuận như CPTPP là một bước tiến tự nhiên của Malaysia trong việc đạt đến giai đoạn phát triển tiếp theo.
 
CPTPP: Thách thức có thể kiểm soát nếu có kế hoạch và lộ trình phù hợp 
Bộ Công Thương cho biết, Bộ này đã nhận được báo cáo của 13 bộ, ngành, cơ quan cấp trung ương và 35 đơn vị cấp địa phương về tình hình triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Chia sẻ thêm về thông tin này, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, ngay khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Hiệp định CPTPP tại Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/1/2019.
Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện doanh nghiệp triển khai và có báo cáo kết quả định kỳ, cũng như kiến nghị các biện pháp cần thiết để bảo đảm kế hoạch được thực hiện hiệu quả và đồng bộ.
Cũng theo ông Ngô Chung Khanh, dựa vào các báo cáo gửi Bộ Công Thương, về cơ bản, các bộ, ngành, địa phương đều xây dựng kế hoạch theo 5 nhóm lĩnh vực chính.
Cụ thể, hầu hết chú trọng vào việc tuyên truyền về Hiệp định CPTPP dưới nhiều hình thức đa dạng khác nhau; tiến hành rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định của Hiệp định CPTPP; triển khai các chương trình hỗ trợ và nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng chính sách và cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, khu vực trong phạm vi quản lý...
Riêng với kế hoạch của Bộ Công Thương, đến nay đã được triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm bảo đảm cộng đồng doanh nghiệp có thể kịp thời hiểu rõ và hiểu đúng các cam kết của hiệp định. Qua đó hỗ trợ cho việc hoạch định chiến lược kinh doanh phù hợp để tận dụng được tối đa lợi ích mà Hiệp định CPTPP mang lại.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã nâng cấp toàn bộ cấu trúc và nội dung của chuyên trang thông tin điện tử về Hiệp định CPTPP tại địa chỉ: http://cptpp.moit.gov.vn/ để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân và doanh nghiệp trên cả nước về Hiệp định CPTPP một cách thuận lợi và hiệu quả hơn.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng tổ chức một loạt các hội nghị, hội thảo phổ biến về hội nhập kinh tế quốc tế về Hiệp định CPTPP tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Dương, Hồ Chí Minh, Lào Cai, Cần Thơ, Đồng Tháp...
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã chủ trì “Hội nghị liên ngành triển khai cam kết CPTPP để phát triển thị trường các nhóm ngành hàng cụ thể” tại Cần Thơ và “Hội nghị Hiệp định CPTPP - Những cam kết chính và một số vấn đề cần lưu ý” cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trên địa bàn 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên tại Lâm Đồng.
Hiện Bộ Công Thương đang chuẩn bị tổ chức hội nghị, hội thảo chung và theo chuyên đề về Hiệp định CPTPP tại khoảng 10-15 cụm tỉnh và thành phố trên cả nước.
Dự kiến trong tháng 4 này, Bộ Công Thương sẽ đồng chủ trì với Trung tâm Hội nhập quốc tế của Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Cơ hội tiếp cận thị trường Canada trong Hiệp định CPTPP” tại Hồ Chí Minh.
Ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh, Bộ Công Thương đang nghiên cứu và biên soạn các ấn phẩm, tài liệu hướng dẫn chi tiết, sổ tay... về một số nội dung cam kết quan trọng của CPTPP để phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề có quan tâm.
Không những thế, Bộ Công Thương tiếp tục tiếp nhận và trả lời các câu hỏi, thắc mắc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về từng vấn đề cụ thể liên quan tới CPTPP thông qua hòm thư điện tử của Bộ Công Thương phụ trách về vấn đề này đăng tải trên chuyên trang CPTPP là wto_mtpd@moit.gov.vn...
Liên quan đến việc cập nhật tình hình sửa đổi pháp luật để phù hợp với Hiệp định, thời gian qua Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định có hiệu lực ngày 8/3/2019.
Tuy có hiệu lực sau thời điểm Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam (14/1/2019), nhưng Thông tư số 03/2019/TT-BCT có điều khoản quy định về chuyển tiếp cho phép doanh nghiệp được cấp C/O hồi tố để được hưởng các ưu đãi về thuế theo Hiệp định trong thời gian từ ngày 14/1/2019 đến ngày 8/3/2019.
Đáng lưu ý, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính xây dựng hồ sơ Dự thảo Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ. Hiện tại, Chính phủ đang chuẩn bị hồ sơ để trình Quốc hội xem xét, phê duyệt.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang khẩn trương xây dựng và sớm hoàn tất các văn bản pháp luật ở cấp nghị định và thông tư trong lĩnh vực cạnh tranh, phòng vệ thương mại để hướng dẫn thực hiện hiệp định...
Nhận định từ giới chuyên gia, hiệp định là cơ hội có tầm quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam. Các cam kết sâu rộng trong lĩnh vực dịch vụ - đầu tư sẽ giúp Việt Nam có thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, các cam kết nhiều lĩnh vực toàn diện của các Hiệp định này cũng đặt ra yêu cầu cải cách thể chế, các quy định trong nước liên quan của Việt Nam cho phù hợp với các cam kết quốc tế.
Về cơ bản, những sửa đổi hay điều chỉnh này đều phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước.
Như vậy, tham gia CPTPP mang lại cơ hội rất lớn và thách thức là có thể kiểm soát được nếu có kế hoạch và lộ trình thực hiện phù hợp kèm theo hành động quyết liệt của tất cả các chủ thể gồm Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
 
CPTPP: Rộng đường cho doanh nghiệp xuất khẩu 
Với 6/11 quốc gia, trong đó có Việt Nam, phê chuẩn thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, mở ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp trong thúc đẩy giao thương.
Ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. Đà Nẵng - cho rằng, CPTPP có hiệu lực sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Các nước thành viên của CPTPP khi đầu tư vào Việt Nam không chỉ là cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam mà còn mở rộng ra khu vực Đông Nam Á, châu Âu, ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam cũng được tiếp cận các thị trường mới, mở ra nhiều cơ hội hơn trong xúc tiến đầu tư.
Theo ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Thuận Phước - các FTA nói chung và CPTPP nói riêng đều hướng đến đối tượng được hưởng lợi là doanh nghiệp. Nhưng điều lớn nhất mà doanh nghiệp được hưởng lợi không chỉ là thuế mà còn là sự thay đổi thể chế cho phù hợp, là sự thông thoáng trong kinh doanh. "Tham gia CPTPP hay các FTA nói chung đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải sẵn sàng thay đổi các văn bản pháp luật không còn phù hợp trong sân chơi hội nhập, phải tuân thủ các quy tắc của các FTA. Chính điều này sẽ "cởi trói" cho doanh nghiệp" - ông Lĩnh nhìn nhận.
Cũng theo ông Lĩnh, việc thay đổi này cần phải có thời gian, nhưng doanh nghiệp có quyền hy vọng sự đột phá trong các chính sách thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, CPTPP cũng mang lại sự công bằng cho doanh nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp tư nhân. Ví dụ như mua sắm công, doanh nghiệp tư nhân sẽ được tham gia đấu thầu minh bạch, tránh tình trạng "sân sau của lãnh đạo" trong kinh doanh.
Theo ông David Joseph Devine - Cựu Đại sứ Canada tại Việt Nam - CPTPP mang tính chất rất đặc biệt, bởi bên cạnh WTO có chiều rộng bao quát thì CPTPP mang chiều sâu hơn rất nhiều, dành cho một khu vực cụ thể với luật chơi và quy tắc riêng trong quy tắc chung của WTO. Các quốc gia thành viên của CPTPP sẽ thảo luận để xem xét tìm ra cơ hội hợp tác giữa các bên. Điều quan trọng sau CPTPP là làm sao để doanh nghiệp các quốc gia khai thác và tận dụng được các cơ hội.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Cựu Nghị sĩ Bryon Wilfert, thành viên Hội đồng Cố vấn Hoàng Gia Canada - cho rằng cả Việt Nam và Canada đều là những thành viên tích cực trong việc tham gia CPTPP. Việc thông qua CPTPP tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa cho việc phát triển mối quan hệ giữa hai quốc gia, mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp của Việt Nam và Canada. Và nếu không có CPTPP này thì các doanh nghiệp Canada có thể sẽ phải tìm kiếm cơ hội đầu tư, giao thương tại một thị trường khác chứ không phải là Việt Nam.

Nguồn: Asem/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710982560