Thứ năm, 19-9-2024 - 11:23 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Các nước TPP tiến gần đến Hiệp định không có Mỹ  

 Thứ tư, 13-12-2017

AsemconnectVietnam - Mười một nước thành viên của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đưa ra tuyên bố chung về các nội dung trọng yếu của Hiệp định với tên gọi mới – Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), dự kiến được ký kết chính thức trong năm 2018. Hiệp định CPTPP thực thi phần lớn các điều khoản của TPP – phiên bản được ký trước đó bởi 11 nước hiện nay và Hoa Kỳ vào tháng 2 năm 2016.

TPP đã bị đình trệ từ khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định vào tháng 1 năm nay. Đây là bước đi đầu tiên trong chính sách thương mại mới của Trump. Vị tổng thống Hoa Kỳ ưu tiên Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) hơn các hiệp định đa phương, chỉ trích nhiều FTA hiện hữu của Hoa Kỳ, và dùng thâm hụt thương mại làm thước đó đánh giá “sức khỏe” của các mối quan hệ thương mại.
Hiện nay, Hoa Kỳ cũng đang đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico, hai nước thành viên của CPTPP. Đồng thời, Nhà Trắng cũng muốn sửa đổi FTA giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc (KORUS).
Mặc dù Hoa Kỳ không còn liên quan đến CPTPP, Hiệp định này vẫn có các ảnh hưởng tiềm tàng đến lợi ích kinh tế của một bộ phận người Mỹ, ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Mỹ trong các vấn đề thương mại quốc tế cũng như vai trò lâu nay của Mỹ trong việc xúc tiến một hệ thống thương mại mở và có nguyên tắc. Đồng thời, CPTPP càng củng cố thêm bằng chứng về sự rút lui của Hoa Kỳ khỏi châu Á, ảnh hưởng đến khả năng của Hoa Kỳ trong việc theo đuổi các mục tiêu khác trong khu vực này, theo nhiều chuyên gia phân tích.
Quốc hội Mỹ, cơ quan giám sát và thiết lập mục tiêu cho Chính phủ trong các vụ đàm phán thương mại và bỏ phiếu thông qua các đạo luật để thực thi các hiệp định FTA của Hoa Kỳ, có thể giữ một vai trò quan trọng trong quyết sách thương mại của Hoa Kỳ để phản ứng lại diễn biến của TPP. Hoa Kỳ hiện có FTA với 6 nước thành viên CPTPP với nhiều điều khoản tương tự như trong CPTPP, bao gồm việc miễn thuế gần như toàn bộ hàng hóa. Có nghĩa là, tác động chủ yếu của CPTPP đến kinh tế Hoa Kỳ chủ yếu bắt nguồn từ 5 nền kinh tế còn lại trong CPTPP chưa có FTA với Hoa Kỳ, đáng chú ý là Nhật Bản, Malaysia và Việt Nam. Cần biết thêm, CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi 6 nước bất kỳ trong 11 nước thành viên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định.
Các điều khoản tạm hoãn thi hành
Để bảo lưu quyền lợi của Hoa Kỳ trong TPP, Nhật Bản – quốc gia đang dẫn dắt quá trình đàm phán CPTPP, đã chủ trương tạm hoãn các điều khoản chưa đạt được đồng thuận, thay vì sửa đổi chúng. Các bên đã đồng ý tạm gác lại 20 điều khoản, chủ yếu là các vấn đề được Mỹ yêu cầu trước đây và các nước khác bất đắc dĩ chấp nhận để được tiếp cận thị trường Hoa Kỳ.
Trong chương sở hữu trí tuệ, CPTPP đình chỉ các điều khoản về chế tài pháp lý và “bến an toàn” (safe harbor) cho các nhà cung cấp dịch vụ internet; điều khoản về gian lận và quản lý quyền kỹ thuật số. Trong chương đầu tư, cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và chính phủ (ISDS) cũng bị đình chỉ đối với các mục như sàn lọc đầu tư (tiêu chuẩn cấp phép đầu tư của mỗi nước) và các thỏa thuận đầu tư giữa chính phủ nước sở tại và nhà đầu tư. Các thay đổi này có khả năng dẫn đến các tranh chấp đầu tư sẽ được giải quyết tại tòa án địa phương và bằng luật địa phương, đi ngược với mục tiêu mà Hoa Kỳ theo đuổi từ trước đến nay trong các thỏa ước đầu tư và trong các FTA.
Trong chương thương mại điện tử, các bên tạm hoãn thi hành để cân nhắc lại mức giá trị không đánh kể (de minimis) được miễn thuế trong chuyển phát nhanh. Các bên cũng gác lại điều khoản yêu cầu phải tuân thủ luật lao động trong nước khi tham gia dự thầu mua sắm chính phủ về hàng hóa và dịch vụ; đồng thời tạm hoãn một phần của điều khoản liên quan đến cấm mua bán động vật hoang dã trái phép.
Trong trường hợp Hoa Kỳ quay trở lại, việc khôi phục các điều khoản treo này sẽ chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của các thành viên hiện thời. Các bên vẫn phải giải quyết 4 vấn đề cụ thể khác, trong đó có yêu cầu từ phía Canada cho vấn đề ngoại lệ chung về văn hóa (thay vì quy định ngoại lệ trong từng chương như hiện nay) và yêu cầu từ phía Malaysia trong việc miễn thực thi các cam kết về doanh nghiệp nhà nước.
Quan ngại về tác động của CPTPP đối với khả năng cạnh tranh xuất khẩu của hàng hóa Hoa Kỳ
Các ngành xuất khẩu ở Mỹ lo lắng, CPTPP nếu đi vào hiệu lực có thể gây bất lợi cho các doanh nghiệp và công nhân nước này tại các thị trường của CPTPP. Biểu thuế trong CPTPP có thể không có gì thay đổi so với bản TPP gốc, tức sẽ miễn thuế cho hơn 99% dòng thuế ở mỗi quốc gia CTPP (riêng Nhật Bản là 95%) và sẽ giảm thuế mạnh ở các hàng hóa còn lại.
Đối với các sản phẩm có mức thuế cao như nông sản, thì sự khác biệt trong thuế suất là nhân quan trọng quyết định tính cạnh tranh của sản phẩm. Xuất khẩu thịt bò của Mỹ sang Nhật Bản, với kim ngạch năm 2016 là hơn 1 tỷ USD và đang bị áp thuế nhập khẩu 38.5%, có thể sẽ bị giảm sút nếu như CPTPP được thông qua, cho phép các nước thành viên CPTPP xuất vào Nhật chỉ chịu thuế suất nhập khẩu là 9%.
Bảng 1 cho thấy ví dụ về các mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn của Mỹ vào 3 thị trường lớn nhất trong CPTPP.
CPTPP cũng yêu cầu các nước thành viên gỡ bỏ hàng rào phi thuế quan và thiết lập ra các quy tắc thương mại. Và vì việc thực hiện các cam kết này thường được áp dụng chung, không phân biệt nước đối tác có phải thành viên CPTPP hay không, nên Mỹ cũng được hưởng “ké” lợi ích thương mại từ CPTPP mặc dù không tham gia Hiệp định.
Một vài nước thành viên CPTPP còn tham gia vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện và Khu vực (RCEP). Mặc dù RCEP kém toàn diện hơn CPTPP, nhưng một khi được thông qua, RCEP cũng có thể gây bất lợi cho hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ khi các nước RCEP giảm thuế cho nhau, mà tất cả các đối tác thương mại chính của Hoa Kỳ trong khu vực đều là thành viên RCEP.
Viễn cảnh và nhận định
CPTPP xuất hiện trong bối cảnh hệ thống thương mại đang bất định. Phần lớn sự bất định này, đặc biệt ở khu vực châu Á, là do sự mơ hồ trong mục tiêu chính sách thương mại của Mỹ ở hiện tại lẫn tương lai, và do sự không chắc chắn liệu Mỹ sẽ còn tiếp tục vai trò lãnh đạo trong hệ thống thương mại và trong các định chế quốc tế.
Liên quan đến câu hỏi này, bản thân nước Mỹ cũng đang có 2 luồng ý kiến khác nhau về cái được và mất của thương mại quốc tế và các hiệp định thương mại. CPTPP có hàm ý rất quan trọng về mặt chính sách đối với Hoa Kỳ và Quốc hội nước này. Hiệp định chứa đựng các mục tiêu mà từ trước đến nay Mỹ luôn mong muốn đạt được trong các FTA, ví dụ như việc loại bỏ thuế quan trên diện rộng và cách tiếp cận “danh sách chọn bỏ” để tự do hóa thương mại dịch vụ, cũng như các cam kết được thiết kế theo yêu cầu của Mỹ về thương mại số và SOEs. Tuy nhiên, Hiệp định CPTPP cũng đã có một số thay đổi lớn so với TPP gốc trong các vấn đề như sở hữu trí tuệ và đầu tư – hai vấn đề ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Trong thời gian tới, CPTPP có thể khiến cho các nhà làm chính sách của Hoa Kỳ phải xem xét lại một số vấn đề. Ví dụ:
Liệu Hoa Kỳ có muốn gia nhập CPTPP, khôi phục lại các điều khoản bị tạm hoãn khó khăn ra sao?
Các nước khác có muốn tham gia CPTPP không? Nếu có, điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mẫu hình thương mại giữa Mỹ và những nước đó?
Việc Mỹ vắng mặt trong hai sáng kiến thương mại khu vực lớn (CPTPP và RCEP) sẽ tác động như thế nào để tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực châu Á Thái Bình Dương?

Nguồn: hoinhap.org.vn

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25714507696