Thứ bảy, 27-4-2024 - 1:23 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thỏa thuận nguyên tắc của TPP có khả năng được công bố vào tháng 11  

 Thứ ba, 24-10-2017

AsemconnectVietnam - Với sự rút lui của Mỹ, Canada thậm chí sẽ còn hưởng lợi nhiều hơn từ hiệp định TPP phiên bản 11 quốc gia.

Kế hoạch hồi sinh Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đạt những tiến độ khả quan. Nhật và các quốc gia khác đã nhấn mạnh mục tiêu sẽ đưa ra một tuyên bố chung về những nội dung quan trọng của hiệp định vào tháng 11 này tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Việt Nam. TPP có thể sẽ được ký kết giữa 11 quốc gia còn lại sau khi Mỹ rút lui khỏi hiệp định.
Carlo Dade, giám đốc Trung tâm Thương mại và Đầu Tư thuộc tổ chức Canada West Foundation nói rằng, thỏa thuận mới sẽ đem lại nhiều lợi thế hơn cho Canada so với thỏa thuận ban đầu. “Chúng tôi sẽ có lợi hơn nếu không phải chia sẻ thị trường Nhật với nước Mỹ”, ông nói. Một báo cáo được thực hiện bởi tổ chức này cho thấy, lợi nhuận ròng của Canada theo thỏa thuận mới -TPP11 sẽ là 3,4 tỷ đô la Canada, trong khi lợi nhuận ròng của thỏa thuận trước đó (TPP12) chỉ là 2,8 tỷ đô Canada.
Ngành thịt bò sẽ là ngành thu lợi nhiều nhất, do không phải cạnh tranh với thịt bò Mỹ tại thị trường Nhật. Các ngành sản xuất khác như thịt heo, gia cầm, rau quả, thức ăn chế biến và dầu cải cũng thu được nhiều lợi ích trong TPP 11.
Cả hai phiên bản của TPP đều sẽ gây hại cho ngành sữa, do những nhượng bộ trong đàm phán từ phía Canada. Tuy nhiên, thiệt hại gây ra sẽ nhỏ hơn với TPP11, bởi vì sẽ có ít áp lực hơn đối với giá sữa dạng lỏng khi Mỹ rời khỏi hiệp định.
“Những lợi ích dành cho khu vực miền Tây Canada và các nhà sản xuất nguyên liệu thô là rất đáng kể”, ông Dade cho biết. “Khi Mỹ bước ra khỏi bàn đàm phán, tất cả những lợi ích mà họ nắm giữ đã chuyển qua cho chúng tôi.”
Hiệp hội Thương mại Lương thực và Nông nghiệp Canada (CAFTA) vừa gửi một bức thư đến Francois-Philippe Champagne, bộ trưởng thương mại quốc tế của Cơ quan Đối ngoại Toàn cầu Canada, hối thúc ông ra sức hỗ trợ thực hiện Hiệp định TPP11, và không để nó bị trì hoãn.
Chủ tịch CAFTA, ông Brian Innes, nhấn mạnh trong bức thư: “Các nhà xuất khẩu Canada đang dần nhận thức được rằng, họ sớm mất đi khả năng cạnh tranh tại thị trường Nhật, nếu như các đối thủ của họ được hưởng lợi từ những hiệp định tự do thương mại với Nhật”.
Úc, Chi-lê và Liên minh Châu Âu đã hoàn tất những hiệp định thương mại tự do với Nhật, và Mỹ cũng đã ngụ ý về một hiệp định thương mại với Nhật Bản.
CAFTA nói rằng, cần phải rút ra bài học kinh nghiệm từ hiệp định thương mại với Hàn Quốc, Hiệp định mà Canada đã mất quá nhiều thời gian để hoàn tất các thỏa thuận và làm mất thị phần vào tay các đối thủ.
CAFTA nhấn mạnh “sự chậm trễ trong việc hoàn tất các thỏa thuận thương mại với Nhật Bản sẽ gây thiệt hại còn nghiêm trọng hơn so với những mất mát từ thị trường Hàn Quốc. Nhật Bản nhập khẩu mỗi năm khoảng 4 tỷ USD sản phẩm lương thực nông nghiệp từ Canada”.
Hy vọng về sự trở lại của Mỹ
Nhật Bản ban đầu tỏ ra rất hờ hững với nhiệm vụ hồi sinh TPP, cho đến khi Thủ tướng Sinzo Abe có cuộc gặp mặt với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Washington D.C, nơi mà ông được tận tai lắng nghe quan điểm chống phá tự do thương mại từ Trump. “Ngay lập tức, hai ngày sau đó, Nhật đã đảo ngược mọi lập trường của mình”, ông Dade nói.   
Nhật Bản, Úc và New Zealand đều cam kết sẽ thảo luận các điều khoản cho một hiệp định mới. Sẽ mất nhiều nỗ lực để thuyết phục các nước Châu Á còn lại tham gia vào chương trình, bởi vì mục tiêu thực sự của hiệp định TPP khi xưa là tìm kiếm những lối vào rộng hơn đến thị trường Hoa Kỳ.  
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu hiệp định TPP11 nổi lên và Mỹ mất đi thị phần ở những thị trường quan trọng và có giá trị cao như Nhật Bản, thì khu vực doanh nghiệp Mỹ sẽ gây áp lực để Trump tái tham gia vào hiệp định.
Điều tương tự đã từng xảy ra khi Trump quyết tâm chấm dứt Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ - Hàn Quốc. Ông đã phải rút lại quyết định này sau một phong trào phản đối kịch liệt từ giới kinh doanh sản xuất. Và kết quả là Mỹ và Hàn Quốc hiện đang tiến hành tái đàm phán các thỏa thuận, thay vì xóa bỏ chúng.
Ông Dade nói rằng, Canada sẽ là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất, khi các quốc gia Châu Á cố gửi những thông điệp chính trị đến Trump rằng tiến trình tự do hóa thương mại sẽ không bao giờ chết chỉ vì ông ta muốn thế.
“Các nước Châu Á về cơ bản là sẵn lòng cho phép chúng ta thu được những lợi ích ngắn hạn để đánh đổi cho những mục tiêu dài hàn của họ: đưa nước Mỹ trở lại với bàn đàm phán”, ông nói.
“Chưa bao giờ có nhiều lợi ích dành cho Canada như thế này trên một bàn đàm phán”.
Tuy nhiên, các nhà phê bình thì quan ngại rằng, TPP11 có thể sẽ khiến đàm phán NAFTA diễn ra phức tạp hơn, vì giống như Canada đang trêu tức Mỹ. Suy cho cùng, Mỹ hiện tại và mãi mãi sẽ luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Canada.
Dade nói rằng, thái độ quan ngại này đang tồn tại bên trong các hành lang của Cơ quan Đối ngoại Toàn cầu Canada. Ông nghĩ rằng, sẽ là một hành động ngu ngốc nếu Canada hi sinh những lợi ích trên bàn đàm phán TPP11 chỉ vì lo sợ những hành động trả đũa từ Mỹ vì chưa chắc Mỹ sẽ hành động như thế.

Nguồn: hoinhap.org.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710914450