Thứ năm, 2-5-2024 - 4:46 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Các động thái của nhóm “TPP 11” có thể gây ảnh hưởng tới đàm phán thương mại Mỹ - Nhật  

 Thứ tư, 17-5-2017

AsemconnectVietnam - Nhật Bản đang tìm cách thúc đẩy thỏa thuận với 10 thành viên còn lại khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải đối mặt với sự bất bình của dân chúng trong quá trình toàn cầu hóa trước đó và rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã gọi TPP là “kỷ vật của quá khứ”, đồng thời bày tỏ rõ sự sốt sắng với đàm phán thương mại song phương giữa Mỹ - Nhật bởi lẽ ông Trump muốn nhanh chóng chứng minh lợi ích của các vấn đề thương mại song phương đối với nền công nghiệp cũng như công nhân Mỹ.
Trước cuộc họp đó, nhóm 7 giám đốc tài chính dường như đã thất bại trong việc thu hẹp khoảng cách giữa lời kêu gọi của chính quyền Trump về thương mại "công bằng", "đối ứng" với các mối quan tâm của các thành viên khác về vấn đề bảo hộ.
Sau hai ngày thảo luận với các đối tác từ phía Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản tại Bari, Italy, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói với các phóng viên : "Chúng tôi không muốn là người bảo hộ, nhưng chúng tôi bảo vệ quyền của mình bằng cách bảo hộ trong phạm vi mà chúng tôi tin rằng thương mại không còn tự do và công bằng.
Các cuộc thảo luận giữa "TPP 11" sẽ được Washington theo sát chặt chẽ bởi vì chúng có thể ảnh hưởng tới kết quả đàm phán thương mại giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, đặc biệt là khi Tokyo đang tỏ thái độ thận trọng với lời kêu gọi của Chính phủ Trump về một FTA song phương.
Các quan chức chính quyền Trump đã chỉ trích thuế nhập khẩu của Nhật Bản đối với các sản phẩm nông nghiệp đồng thời cáo buộc Tokyo đã áp dụng các rào cản phi thị trường trong ngành công nghiệp ôtô của mình nhằm giảm sự thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản.
Nhật Bản bày tỏ nỗi lo về một thỏa thuận hai chiều sẽ tạo cơ hội cho Mỹ gây áp lực lên các lĩnh vực nhạy cảm mang tính chính trị như nông nghiệp. Một thành viên cao cấp của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, Viện Nghiên cứu Washington phát biểu: “Tôi không cho rằng FTA song phương là khả thi trong bối cảnh hiện nay, nhưng có lẽ Mỹ và Nhật Bản có thể thương lượng ngầm về các yếu tố của TPP ở cấp độ song phương và áp dụng chúng”.
Schoff cũng nói them: “Nhiều thứ còn phải phụ thuộc vào cách TPP 11 vận hành. Nếu diễn biến tăng quá nhanh, Mỹ sẽ quay sang đối phó với Nhật Bản theo cách khác hơn so với thỏa thuận ban đầu.”
Bộ trưởng Tài chính Taro Aso bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ trở lại TPP. Ông nói rằng "không có gì bảo đảm" việc chính quyền của Trump sẽ đạt được các thỏa thuận tốt hơn trong một hiệp ước song phương với Nhật Bản, bởi lẽ một khuôn khổ đa phương như TPP sẽ cho phép các thành viên cân đối lợi ích giữa việc nhượng bộ quốc gia này và hưởng lợi từ quốc gia khác.
Khi đề cập đến các nỗ lực của Nhật Bản trong việc tiếp tục thúc đẩy TPP gồm 11 thành viên, tạo ra một Hiệp định thương mại tự do ở châu Á, còn gọi là Hiệp định RCEP đồng thời đạt được một kết luận sớm trong các cuộc đàm phán FTA với Liên minh Châu Âu, một nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ Tự do cầm quyền cho biết việc Mỹ vắng mặt trong những sáng kiến này sẽ tạo ra "một mức độ áp lực nhất định" đối với Washington trong bối cảnh Mỹ mất khả năng cạnh tranh tại thị trường Nhật Bản.
Phó Tổng thư ký LDP Yasutoshi Nishimura phát biểu trên diễn đàn Brookings Institution ở Washington gần đây rằng: "Với mong muốn gia tăng hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu vào Nhật Bản từ châu Á, châu Âu hoặc từ Úc và New Zealand, Mỹ dường như đang tự hỏi liệu việc duy trì chính sách hiện tại của mình có ổn hay không".
Theo số liệu từ Chính phủ Úc cho biết, Hiệp định thương mại tự do Nhật-Úc, có hiệu lực vào năm 2015, đã đẩy xuất khẩu thịt bò và rượu vang của Úc vào Nhật Bản lên 30% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2016 so với 12% ở cùng kỳ năm 2014.
Trong số 11 thành viên TPP còn lại, Úc, Brunei, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Singapore và Việt Nam nằm trong số 16 quốc gia tham gia đàm phán RCEP.
Nishimura, một cựu quan chức Bộ Thương mại, cho biết Nhật Bản sẽ không nhượng bộ thêm đối với Mỹ về sản phẩm nông nghiệp và xe ô tô ngoài phạm vi những điều khoản họ đã chấp nhận trong các cuộc đàm phán TPP dưới thời ông Barack Obama.
Schoff bình luận rằng các cuộc đàm phán song phương đang tiến triển "có thể dẫn tới bất hòa vì các nhà đàm phán Mỹ có thể cảm thấy bị áp lực bởi các chiến thuật của Nhật Bản".
Phát biểu tại diễn đàn Brookings, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Seiji Maehara đã kêu gọi chính phủ Trump cân nhắc lại tầm quan trọng chiến lược của TPP vì thất bại của hiệp định này sẽ cho phép Trung Quốc - một bên không nằm trong TPP - tạo ra các quy tắc thương mại cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong bối cảnh nước này đang mở rộng ảnh hưởng thông qua Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á do Bắc Kinh dẫn đầu.
Maehara, một thành viên của Đảng Dân chủ đối lập cho biết: "Điều quan trọng là ai dẫn đầu việc tạo ra quy tắc. Tôi cho rằng điều quan trọng là phải đảm bảo việc Trung Quốc sẽ tuân theo các quy tắc của chúng ta."
Tương tự, các nhà lập pháp Hoa Kỳ như John McCain, Chủ tịch Uỷ ban Dịch vụ Vũ trang của Thượng viện, đã cảnh báo rằng rút khỏi TPP - theo như lời hứa trong chiến dịch tranh cử của Trump - sẽ tạo ra mất mát lớn, do lãnh đạo Trung Quốc sẽ nhanh chóng thay thế vị trí của Mỹ và gây ảnh hưởng tới lòng tin của các đồng minh Mỹ trong khu vực.

Nguồn: hoinhap.org.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25711063449