Thứ tư, 8-5-2024 - 5:20 GMT+7  Việt Nam EngLish 

RCEP: Cơ hội từ những cam kết linh hoạt 

 Thứ ba, 24-11-2020

AsemconnectVietnam - Với những cam kết khác biệt và linh hoạt so với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) dự báo sẽ tạo ra khuôn khổ để đơn giản thủ tục hải quan, thiết lập quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi tự do hóa thương mại, giúp cộng đồng doanh nghiệp (DN) tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thị trường được mở rộng
Theo đánh giá của giới chuyên gia, RCEP đã tạo ra một thị trường hơn 2,2 tỷ người tiêu dùng với quy mô gần 27.000 tỷ USD, chiếm gần 30% GDP toàn cầu. Ông Trần Ngọc Liêm - Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh - chia sẻ: RCEP có hiệu lực sẽ tạo ra một thị trường khổng lồ, ổn định, thuận lợi cho các nước tham gia. Thúc đẩy mạnh mẽ cho chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, giúp kinh tế Việt Nam và các nước trong khối ASEAN phát triển nhanh hơn, tạo điều kiện cho các DN mở rộng được thị trường, nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) và thu hút đầu tư.
Cộng đồng DN thời gian qua cũng đặc biệt quan tâm đến RCEP, bởi đây là thị trường XNK lớn của nhiều DN, nhiều ngành hàng xuất khẩu (XK) tiềm năng. Theo ông Nguyễn Tiến Chương - Chủ tịch Hội XNK Đồng Nai, các thị trường XK lớn của DN XK Đồng Nai và phía Nam đều tập trung vào: Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN và các quốc gia châu Âu (EU). Thực thi RCEP, DN được giảm thuế, thủ tục hải quan đơn giản hơn, giúp họ dễ dàng hơn trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ ở những nước cùng tham gia hiệp định. Ngoài ra, với các nước thành viên trong RCEP, Việt Nam đã có một số ký kết riêng như: Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản(VJEPA); FTAViệt Nam - Hàn Quốc... Thế nhưng, RCEP vẫn sẽ giúp nâng cao, mở rộng thương mại hơn nữa với các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Kỳ vọng Hiệp định này sẽ giúp tăng 20% kim ngạch XK cho DN, ông Cao Minh Sang - Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Santa - cho biết, để tận dụng những cơ hội từ RCEP, chúng tôi đã có sự chuẩn bị từ trước đó. Cụ thể, hiện nay sản phẩm của công ty đều đạt các chứng nhận như ISO, HACCP, USDA… Bên cạnh đó, DN đã xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ tại khu vực Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó là dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại như: Công nghệ cấp đông IQF của Hoa Kỳ, công nghệ đóng chai HPP, tất cả đều đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA)…
Hiệu quả cho doanh nghiệp chủ động
Bên cạnh thuận lợi, DN cũng phải đối mặt với khó khăn khi thuế quan của nhiều mặt hàng giảm về 0%, hàng trong nước sẽ bị cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu. Như vậy, những DN sản xuất chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa có thể bị cạnh tranh khốc liệt hơn trong sản xuất và giữ thị phần. Vì thế, RCEP cũng như nhiều FTA khác sẽ mở ra cơ hội lẫn thách thức và DN buộc phải vượt qua trong quá trình tham gia hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu.
Vấn đề đặt ra đối với các DN, nhất là DN nhỏ và vừa là phải đổi mới để cạnh tranh từ khâu xây dựng chuỗi cung ứng trong sản xuất, đưa hàng hóa lưu thông ra thị trường đến những hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu. Đây là vấn đề mà nhiều DN địa phương vẫn đang “loay hoay” do gặp khó khăn về nguồn vốn, thiếu tính định hướng trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Để DN tận dụng được cơ hội từ RCEP nói riêng và các FTA nói chung, ông Frederick R.Burke - Chuyên gia kinh tế Hoa Kỳ - Giám đốc Công ty TNHH Baker & Mckenzine Việt Nam - cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng là chính quyền và DN cần có sự hợp tác chặt chẽ với nhau. Trong đó, chính quyền cần hướng dẫn DN một cách cụ thể về các mức thuế quan từng ngành theo lộ trình trong các Hiệp định đã cam kết để DN nắm vững, vận dụng thực thi sao cho hiệu quả cao nhất.
“DN muốn tận dụng lợi thế từ RCEP thì phải nắm bắt nhanh, nghiên cứu kỹ Hiệp định và những ưu đãi về lĩnh vực đang sản xuất, kinh doanh để từ đó có kế hoạch chuẩn bị trước. Đặc biệt, DN cần đặt mình vào thế chủ động, tích cực tiếp cận thông tin về hội nhập, cũng như chuẩn bị các yếu tố về nhân lực, công nghệ để có thể hợp tác, nâng cao tính cạnh tranh với các DN nước ngoài, hạn chế những thách thức, rủi ro phát sinh” - ông Trần Ngọc Liêm cho biết thêm.

Nguồn: congthuong.vn/rcep-co-hoi-tu-nhung-cam-ket-linh-hoat-147752.html
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25711196240