Thứ bảy, 27-4-2024 - 3:52 GMT+7  Việt Nam EngLish 

RCEP ngày càng chứng tỏ tính thích hợp với xu thế  

 Thứ năm, 26-1-2017

AsemconnectVietnam - Ngay sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump gọi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là “thảm họa” của nước Mỹ, đồng thời tuyên bố rút lui khỏi hiệp định này ngay sau khi nhậm chức, thì ngay lập tức truyền thông quốc tế gần như đoán định TPP sẽ chết yểu. Nhìn ra phạm vi rộng hơn, cánh báo chí đã chuyển trọng tâm chú ý sang một hiệp định ít gây tranh cãi hơn - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực do Trung Quốc khởi xướng có nhiều khả năng sẽ thay thế TPP. Cảm giác rõ nét của nhiều người là một bên do Mỹ khởi xướng, còn một bên do Trung Quốc dẫn đầu, như vậy nhất thiết hai hiệp định sẽ đối đầu nhau. Tuy nhiên không phải như vậy.

 
Những nước thành viên ASEAN tham gia vào cả hai cuộc đàm phán của TPP và RCEP đã lưu ý rằng hai hiệp định này thực chất bổ sung cho nhau, dù là ở phạm vi và mức tham vọng khác nhau. Điều quan trọng hơn cả là hai hiệp định này cuối cùng đều đóng góp cho tiến trình hội nhập kinh tế sâu hơn của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương theo hướng tiến tới hình thành một Khu vực Thương mại Tự do Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).
FTAAP đã không nhận được ủng hộ khi Hội đồng Tư vấn Kinh doanh của APEC (ABAC) thảo luận. Trên thực tế, các nguyên thủ quốc gia đã bác bỏ đề xuất này tại Hội nghị thượng đỉnh các Lãnh đạo Kinh tế của APEC tại Hà Nội vào năm 2006, chỉ bốn năm sau khi họ đồng ý tiến hành thiết lập FTAAP. Tuy nhiên, khi Trung Quốc giữ vai trò chủ tịch APEC vào năm 2014 thì kế hoạch khởi động lại FTAAP được đưa vào thực hiện với tư cách là kết quả cuối cùng trong khi TPP và RCEP chỉ là các bước đệm cho mục tiêu này.
Tuy vậy, dù các nghiên cứu về khuôn khổ của FTAAP vẫn đang được tiến hành thì xu hướng chống toàn cầu hóa vẫn có vẻ ngày càng lan rộng, nhất là sau sự kiện Brexit. Chúng ta vẫn phải đợi để xem liệu ông Trump có thể thực hiện toàn bộ những tuyên bố của mình về việc đối phó với Trung Quốc và rút lui khỏi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cũng như TPP hay không.
Những nước vừa là thành viên TPP vừa là thành viên RCEP có lẽ đang lo ngại rằng hiệp định RCEP sẽ chỉ đem lại lợi ích kinh tế hạn chế do thiếu sự tham gia của Mỹ. Thế nhưng hiệp định này lại là thứ mà ASEAN và các nước đối tác cần phải củng cố, thích nghi để hội nhập kinh tế sâu hơn tại khu vực. Cần tập trung vào các cơ hội mà những hiệp định như RCEP có thể mang lại không chỉ đối với ASEAN mà cho cả nền kinh tế toàn cầu. Như vậy, ASEAN sẽ nhanh chóng thúc đẩy các bước tiếp theo của RCEP nhằm đảm bảo hiệp định này có thể kết thúc trong vòng một năm tới.
Hiệp định này thành công cũng cho phép các quốc gia đạt được những mục tiêu giá trị cao vốn có thể hưởng lợi giống như TPP trước đó. Trước hết, một kinh nghiệm quan trọng khi nói chuyện trước công chúng là các bài nói chuyện về thương mại sẽ được kiểm tra nghiêm ngặt hơn. Các thành viên phải giải thích cho người dân kỹ càng hơn về RCEP để họ có sự đánh giá tương đối giữa tác động và lợi ích mà hiệp định mang lại.
Bên cạnh đó cũng nảy sinh vấn đề về cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế giữa nhà đầu tư nước ngoài với chính phủ nơi tiếp nhận đầu tư (ISDS). Post-NAFTA là một sự chỉ trích thẳng thừng dành cho các cam kết trong các FTA vì sự “chuyển giao quyền lực” rạch ròi từ nhà nước có chủ quyền sang các doanh nghiệp lớn. Một hành lanh pháp lý chặt chẽ, tiêu chuẩn cao cho phép nhà đầu tư khởi kiện chính phủ đã khiến cơ chế ISDS trở thành một trong những yếu tố quan trọng chống lại TPP ngay từ lúc nó còn ở trên bàn đàm phán. Sau cùng, bản văn kiện cuối của TPP bao gồm các quy trình và thủ tục bảo hộ chống lại các điều kiện bảo vệ doanh nghiệp lỏng lẻo. Kết quả trên cần được phát huy, và có lẽ cần phải được cải thiện hơn nữa trong tất cả các FTA cũng như những thỏa thuận đầu tư khác.
Một đặc điểm khác trong TPP cũng quan trọng không kém là các điều khoản quy định về doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Đây cũng là hiệp định đầu tiên có một chương riêng về các quy định liên quan tới sự hợp tác và phát triển của các doanh nghiệp SME, đồng thời đảm bảo cho những doanh nghiệp này có thể tham gia vào chuỗi giá trị và cung ứng của các doanh nghiệp lớn hơn.
Cùng với tương lai bất định của TPP và chủ nghĩa bảo hộ đang ngày càng gia tăng, ASEAN có thể chuyển hướng sang hiệp định RCEP để duy trì thị trường mở cửa, hội nhập kinh tế sâu rộng và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên. Điều này là do RCEP vốn dĩ là một hiệp định toàn diện trên cơ sở tiếp thu các góp ý sửa đổi của những hiệp định trước đó, phù hợp với tinh thần chung ASEAN cũng như mối quan tâm của các thành viên. TPP là một thỏa thuận bình đẳng, không bao gồm các đối xử đặc biệt và khác biệt như một số quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
RCEP cần được thúc đẩy đàm phán nhanh chóng hơn bởi lẽ nó được khởi xướng từ ASEAN. Và việc nhắc lại lý do ASEAN là nơi đầu tiên đề xuất RCEP khá quan trọng. Trên hết, thỏa thuận này có ý nghĩa to lớn về mặt kinh doanh giữa ASEAN và sáu đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand). Nó sẽ tạo ra một thị trường chiếm hơn 30% nền kinh tế toàn cầu. Quan trọng hơn, những tiềm năng lợi ích từ thị phần trên cơ sở dân số của ASEAN cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu chính là lý do thúc đẩy việc duy trì RCEP. Bằng cách củng cố năm FTA ASEAN+1, hiệu ứng “bát mì” của các quy tắc xuất xứ khác nhau đang giảm dần, thậm chí chuyển sang tập trung hơn vào việc xóa bỏ thuế quan và đơn giản hóa các quy tắc thương mại khác.
Thách thức dành cho ASEAN trong quá trình đàm phán RCEP là sự cân bằng những mức tham vọng khác nhau giữa các thành viên. Các thành viên phát triển hơn từng tham gia TPP coi hiệp định này như một chuẩn mực. Tuy nhiên các thành viên có trình độ phát triển hạn chế hơn cũng khó mở rộng các cam kết vượt quá khả năng. Hơn nữa, ASEAN có các FTA với từng quốc gia trong số sáu đối tác kể trên chứ không phải cả sáu nước này có các FTA giữa họ với nhau. Ví dụ, RCEP có thể tạo cơ sở cho phép Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc hình thành một FTA gián tiếp thay cho FTA ba bên đang bị đình trệ.
RCEP phản ánh sự thận trọng và chu đáo của ASEAN trong tiến trình hội nhập kinh tế. ASEAN cần dẫn đầu trong quá trình vận động và điều hướng để vượt qua những rào cản trước mắt. Và nếu sự tiên phong này thành công, RCEP hoàn toàn có thể trở thành mô hình hội nhập điển hình dành cho các nước kém phát triển trong quan hệ hợp tác với những nền kinh tế đang và đã phát triển. Mô hình này có thể không tương đương với “tiêu chuẩn vàng” mà TPP đề xuất nhưng sẽ hình thành nên con đường rõ ràng để hướng tới mục tiêu đó.
Rebecca Fatima Sta Maria, Tiến sĩ, là nghiên cứu sinh về Chính sách cao cấp tại Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), đồng thời là cựu Tổng thư ký của Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia. Bài viết này đã được đăng lần đầu vào tháng 12 trên AseanFocus, một ấn phẩm của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại ISEAS-Yusof Ishak Institute, Singapore.

Nguồn: hoinhap.org.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710917471