Thứ năm, 19-9-2024 - 2:43 GMT+7  Việt Nam EngLish 

RCEP là tín hiệu tích cực cho toàn cầu hóa 

 Thứ tư, 18-1-2017

AsemconnectVietnam - Năm 2016 đánh dấu lần thứ hai ASEAN và các nước đối tác thất bại trong việc đạt được mục tiêu thiết lập Hiệp dịnh Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Các cuộc đàm phán với mục tiêu kết thúc trước khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN có hiệu lực vào năm ngoái đã trở nên khó khăn hơn so với kỳ vọng. Tuy nhiên, sự chú ý đổ dồn vào RCEP đã tăng lên bởi có nhiều kỳ vọng thỏa thuận này sẽ kết thúc vào cuối năm 2017.

 
Một trong những lý do mà người ta quan tâm đến RCEP đến từ tuyên bố của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump, rằng nước Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại lớn trong khu vực. RCEP được xem là một giải pháp thay thế cho TPP về hội nhập quốc tế.
Tổng thống Barack Obama thậm chí từng đề cập rằng, nếu TPP thất bại, RCEP sẽ đẩy lùi nước Mỹ khỏi quá trình hội nhập khu vực. Nhiều nước trong khu vực cũng kỳ vọng rằng thỏa thuận RCEP đóng vai trò quan trọng đối với quá trình chống toàn cầu hóa.
RCEP trong thực tế diễn ra như thế nào ? Năm 2012, ASEAN và sáu nước đối tác thương mại đã kỳ vọng vào “một tiến trình hội nhập sâu hơn và rộng hơn với những tiến bộ so với FTAs ASEAN + 1 hiện có”, được nhắc đến trong Guiding Principle for Negotiation. Tuy nhiên, quá trình đàm phán cho thấy, hiệp định này chỉ là mẫu số chung nhỏ nhất cho các FTA hiện có.
Thật vậy, RCEP, hay FTA song phương của ASEAN, đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, các nước tham gia cần phải đàm phán 55 lịch trình cắt giảm thuế quan từ những FTA hiện có, vốn mâu thuẫn với nhau.
Quá trình hợp nhất tự do hóa thương mại và hài hòa hóa các quy tắc thương mại trong thực tiễn ở các lĩnh vực khác nhau dường như cũng trở nên khó khăn hơn.
Để giải quyết những vấn đề này, các nước đàm phán RCEP nên đưa ra các cam kết cao hơn so với FTA giữa ASEAN và Australia New Zealand (AANZFTA). Không những hạn chế khó khăn, thỏa thuận RCEP cũng sẽ mang lại cải thiện đáng kể cho các hiệp định hiện có ở Đông Á.
Tuy nhiên, hầu hết các nước còn miễn cưỡng đưa ra cam kết. Các nước dường như không quan tâm RCEP nhiều lắm do thiếu sự ủng hộ trong nước hoặc không thấy được lợi ích từ các kết quả đạt được. Nhiều nước vẫn ưa chuộng sáng kiến song phương và khu vực khác, chẳng hạn như TPP hay FTA Trung – Nhật – Hàn (CJK).
Môi trường thương mại và kinh doanh hiện tại trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đòi hỏi một bộ các quy tắc mới về quản trị tính độc lập kinh tế trong khu vực và hỗ trợ hoạt động thương mại và kinh doanh quốc tế được liền mạch. Trong bối cảnh này, các vấn đề xuyên biên giới, bao gồm gắn kết môi trường chính sách, cần thiết phải là một phần quan trọng trong các cuộc đàm phán. Cần thực hiện nhất quán hàng loạt quy tắc liên quan đến hoạt động kinh tế và thương mại, ví dụ như sở hữu trí tuệ, khung pháp lý cạnh tranh, quy định về dịch vụ và mua sắm chính phủ.
Đấy cũng chính là những nguyên tắc cơ bản mà TPP hướng đến: thiết lập một bộ các quy tắc và quản trị hoạt động kinh tế cho quá trình toàn cầu hóa trong thế kỷ 21.
Mặc cho các luận điệu chống toàn cầu hóa, quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục bởi những tiến bộ của công nghệ và kinh doanh.
Sẽ là quan trọng hơn bao giờ hết để viết nên luật chơi mới cho quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế sâu rộng hơn.
TPP đang trên bờ vực của sự sụp đổ, và không có một nỗ lực hội nhập kinh tế đầy tham vọng nào tương tự, ngoại trừ RCEP. Thật không may, RCEP dường như khó có thể đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho tình hình hiện tại.
RCEP có thể đạt được vai trò thương mại lớn hơn chăng ? Vấn đề quan trọng nhất đối với các nước ASEAN và các nước đối tác thương mại tại thời điểm này là nhanh chóng kết thúc đàm phán. Mặc dù thiếu tham vọng, thiếu quyết tâm chính trị khiến các nước khó có thể đạt được một thỏa thuận chất lượng, các nước vẫn có thể kết thúc đàm phán với những cam kết đáng kể.
Các nước đàm phán nên bắt đầu bằng cách tập trung vào lợi ích chung. Trong khi thương mại hàng hóa có vẻ là khó khăn nhất, có những đàm phán khác có thể được kết thúc sớm. Thuận lợi hóa thương mại và đầu tư là một trong những lĩnh vực nhiều tiềm năng. Thỏa thuận về hợp tác kinh tế, vốn là trung tâm cho một thỏa thuận kinh tế toàn diện hơn, cũng có thể được ký kết sớm hơn.
Đối với những lĩnh vực khó khăn hơn, như là cắt giảm các biện pháp thuế quan hay phi thuế quan, các nước thành viên RCEP nên xem xét công thức X-trừ nhằm cho phép bất kỳ đối tác thương mại nào được lựa chọn cam kết cho đến khi quốc gia đó đã sẵn sàng.
Ấn Độ có vẻ miễn cưỡng đưa ra các cam kết lớn hơn kể từ FTA ASEAN - Ấn Độ, đặc biệt đối với các nước đối tác ngoài ASEAN. Công thức X-trừ sẽ cho phép một nước tham gia cam kết muộn hơn các đối tác khác của ASEAN.
Ngoài ra, các nước thành viên có những lựa chọn khác để mục tiêu cuối năm 2017 có thể đạt được. Đầu tiên là kết thúc tất cả các cam kết và nhượng bộ cùng lúc với tuyên bố mạnh mẽ rằng RCEP “vẫn đang trong tiến trình đàm phán” và bắt đầu một vòng đàm phán mới ngay lập tức: cách tiếp cận này được xem là khéo léo hơn so với chỉ sử dụng FTA hiện có. Thứ hai là sớm kết thúc một số lĩnh vực trước khi đàm phán xong tổng thể các vấn đề khác.
Một lần nữa, các nước tham gia nên nhận ra rằng, đạt được kết quả đàm phán là rất quan trọng. Điều này sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới các nước Đông Á, chủ yếu là các nền kinh tế mới nổi, về việc tiếp tục hỗ trợ quá trình hội nhập khu vực, chứ không phải một loạt các cuộc đàm phán song phương mà Donald Trump đã mường tượng cho chiến lược thương mại của Mỹ.

Nguồn: hoinhap.org.vn

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25714501181