Thứ bảy, 27-4-2024 - 9:37 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Nhiều ưu đãi từ Hiệp định: Thương mại biên giới giữa Việt Nam - Lào 

 Thứ tư, 15-7-2015

AsemconnectVietnam - Hiệp định Thương mại biên giới giữa Việt Nam – Lào, vừa được ký kết cuối tháng 6/2015, đã ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0% cho các loại hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam và Lào. Điều này đã mang đến nhiều cơ hội thuận lợi trong giao dịch thương mại của người dân hai nước, đồng thời góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo, đặc biệt đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới.

Giảm thuế về 0%, miễn hàng rào kỹ thuật
Cụ thể, nội dung quy định của bản Hiệp định bao gồm: Quy định, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân, cư dân biên giới, phát triển chợ biên giới và hoạt động dịch vụ hỗ trợ thương mại biên giới và thuận lợi hóa thương mại tại cửa khẩu. Thống nhất xác định các cửa khẩu biên giới đất liền được mở cho hoạt động thương mại biên giới.
Đặc biệt, hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam và Lào khi trao đổi qua biên giới sẽ có thuế suất nhập khẩu 0%. Quy định này được đưa ra trên cơ sở cơ chế đặc thù của hoạt động thương mại biên giới, phù hợp với các điều ước quốc tế song phương và đa phương. Bên cạnh đó, nhằm thu hút, khuyến khích đầu tư vào các khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa, sẽ dành ưu đãi 0% thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng, cũng như miễn các hàng rào kỹ thuật đối với một số mặt hàng do các nhà đầu tư Việt Nam sản xuất, nuôi, trồng tại các tỉnh biên giới của Lào khi nhập khẩu về Việt Nam.
Hiệp định cũng quy định về thanh toán trong thương mại biên giới, kiểm soát việc mang tiền mặt qua biên giới, cũng như quản lý xuất nhập cảnh đối với người, quản lý phương tiện vận tải, kiểm dịch, kiểm tra hàng hóa trong thương mại biên giới Việt – Lào. Đồng thời, hai nước cũng cam kết tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch qua biên giới, phát triển dịch vụ hỗ trợ thương mại biên giới và thuận lợi hóa thương mại tại cửa khẩu.
Để thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới giữa Việt Nam – Lào, Ban Chỉ đạo thương mại biên giới Việt – Lào được thành lập; khuyến khích thành lập Hiệp hội thương nhân hoạt động thương mại biên giới Việt – Lào và khẳng định tính hiệu quả cũng như tiếp tục tổ chức hội nghị hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt - Lào theo định kỳ 2 năm một lần. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt đầu tư, sản xuất, nuôi, trồng tại các tỉnh biên giới của Lào khi nhập khẩu về Việt Nam được hưởng ưu đãi 0% thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.
Thế mạnh cần được giữ vững
Trên thực tế, quan hệ thương mại phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và Lào sẽ đều là thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015.
Theo nhận định của đại diện Bộ Công Thương, Hiệp định Thương mại biên giới được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả hai nước, góp phần thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Lào, đồng thời tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại và hội nhập khu vực ASEAN và Tiểu vùng Mê-kông mở rộng (GMS). Thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ giữa các tỉnh biên giới hai nước trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa, góp phần xây dựng đường biên giới chung Việt – Lào trở thành đường biên giới của giao lưu, hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, lợi ích từ việc ký kết hiệp định này còn góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo, đặc biệt đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa của hai nước, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội tuyến biên giới Việt – Lào.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, hiệp định này cũng sẽ thúc đẩy việc xây dựng và phát triển các cửa khẩu biên giới Việt – Lào, trở thành những cửa ngõ và cầu nối trung chuyển hàng hóa giữa các nước trong khu vực và thế giới; thuận lợi hóa thương mại trong khu vực.
Mặt khác, việc tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư qua biên giới giữa Việt Nam và Lào góp phần củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào. Tuy nhiên, việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tính chất tự do hóa kinh doanh thị trường sẽ đậm nét hơn.
“Họ sẽ chủ động trong việc tìm hiểu các thị trường khu vực, chuẩn bị đón đầu cơ hội bằng những lợi thế về sản phẩm hàng hóa, cơ sở hạ tầng và cả nguồn nhân lực. Đây có thể là điều mà chúng ta cần học hỏi, thị trường toàn cầu rộng lớn nhưng thị trường khu vực cũng rất đáng được quan tâm.” ông Phong nhấn mạnh thêm. 
Tuệ Liên
Nguồn:http://laodongthudo.vn/

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710924270