Thứ sáu, 26-4-2024 - 16:1 GMT+7  Việt Nam EngLish 

 WTO

Tổng hợp hoạt động của WTO trong tháng 3/2017 

 Thứ sáu, 31-3-2017

AsemconnectVietnam - Trong tháng 3/2017, hoạt động của WTO có nhiều diễn biến đáng chú ý

Các nước thành viên WTO hoan nghênh Hiệp định Tạo thuận lợi hóa thương mại có hiệu lực
Các thành viên WTO đã hoan nghênh sự kiện Hiệp định Tạo thuận lợi hóa thương mại (TFA) có hiệu lực là một thành tựu lịch sử tại phiên họp Đại Hội đồng vào ngày 27/02/2017. Chào đón sự kiện quan trọng này, các thành viên cam kết sẽ thúc đẩy thực thi TFA nhằm tận dụng tối đa lợi ích mà Hiệp định này mang lại.
TFA là hiệp định đa phương đầu tiên trong vòng 21 năm qua của WTO, chính thức có hiệu lực vào ngày 22 tháng 02 năm 2017 sau khi đạt được những sự phê chuẩn cần thiết của 2/3 trong tổng số 164 quốc gia tham gia. TFA tìm kiếm sự luân chuyển, giải phóng và thông quan của hàng hóa qua biên giới và tạo ra một động lực cực kỳ quan trọng trong hệ thống thương mại đa phương.
Trong bài phát biểu với các thành viên WTO, Tổng Giám đốc Robert Azevêdo đã nói: “Bằng việc phê chuẩn hiệp định, các nước thành viên đã thể hiện cam kết của mình với hệ thống thương mại đa phương. Các bạn đã giữ đúng lời hứa của mình tại Bali. Với việc hiệp định này chính thức có hiệu lực, chúng ta hoàn toàn có thể bắt đầu biến những lợi ích của nó thành hiện thực”.
Ông Robert Azevêdo cám ơn các nước thành viên vì những nỗ lực không ngừng để đạt được kết quả trọng đại này. Ông nói: “Thành tựu này hoàn toàn thuộc về các bạn”. Ông cũng nói rằng, chiếu theo các quy định của WTO và các điều khoản bổ sung, sửa đổi, ông đã chính thức ký ban hành văn bản về việc TFA có hiệu lực. Ông đã thông báo cho Đại sứ Harald Neple (Na Uy), Chủ tịch Đại Hội đồng tại cuộc họp.
“Hiệp định về Tạo thuận lợi hóa thương mại là một thành công của chúng ta”, Đại sứ Neple nói. “Đây là hiệp định thiết thực, hiện đại và phản ánh đúng WTO: các thành viên từ bất kể nơi nào trên toàn cầu đều có thể đến cùng nhau, vượt qua mọi khác biệt và đáp ứng các vấn đề đặt ra về thương mại và lợi ích của chúng ta”.
Vị Chủ tịch kêu gọi các thành viên chưa phê chuẩn TFA nhanh chóng có quyết định phê chuẩn. Tất cả các thành viên phải phối hợp cùng nhau để thực thi đầy đủ Hiệp định này.
Tất cả các đại diện các quốc gia có mặt tại buổi họp, từ các quốc gia phát triển, đang phát triểnvà kém phát triển (LCDs) đều hoan nghênh TFA có hiệu lực.
Cam-pu-chia, quốc gia đại diện cho các nước kém phát triển đã nói rằng sự kiện này đánh dấu một sự khởi đầu mới vô cùng quan trọng đối với tất cả các quốc gia tạo thuận lợi hóa thương mại. Cam-pu-chia cùng với các đoàn đại diện khác nhấn mạnh sự cần thiết trong việc hỗ trợ các nước kém phát triển trong việc thực thi TFA.
Nhiều đoàn đại diện cũng lặp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Đại Hội đồng với các quốc gia chưa phê chuẩn TFA và sẵn sàng hỗ trợ trong khả năng của mình trong quá trình thực thi hiệp định.
Nhiểu người cho rằng việc TFA có hiệu lực là minh chứng cho sự hợp tác chặt chẽ ở nhiều cấp độ của các thành viên và đây có thể được xem như là một hình mẫu của các thỏa thuận trong WTO ở tương lai.
TFA độc đáo ở chỗ nó cho phép các quốc gia dù phát triển hay kém phải triển khoảng thời gian thích hợp theo nguyện vọng và khả năng mỗi nước khi thực thi, ngoài ra các nước còn được hỗ trợ khi cần thiết. Hiệp định tạo thuận lợi thương mại TFAF được tạo ra nhằm đáp ứng yêu cầu của các quốc gia đang phát triển và kém phát triển để họ có thể tiếp cận và thực hiện đầy đủ các việc mang lại lợi ích đầy đủ của TFA và hỗ trợ cho mục tiêu cao nhất là thực hiện đầy đủ các cam kết của các thành viên. Hơn nữa, TFA sẽ có Ủy ban Tạo thuận lợi hóa thương mại nhằm giám sát việc thực thi hiệp định.
Trong một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2015 bởi các chuyên gia kinh tế của WTO, thực hiện đầy đủ các điều khoản của TFA được dự báo sẽ cắt giảm các chi phí thương mại khoảng 14,3% đối với các nước đang phát triển. TFA cũng có thể cắt giảm thời gian nhập khẩu hàng hóa khoảng 1 ngày rưỡi và xuất khẩu hàng hóa khoảng 2 ngày, tương ứng với giảm trung bình 47% và 91% so với thời gian hiện nay.
 
WTO cảnh báo thách thức từ chủ nghĩa bảo hộ mà Mỹ hướng tới
Ngày 28/2, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo thừa nhận tổ chức toàn cầu này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới, đặc biệt là ảnh hưởng của chủ nghĩa bảo hộ mà Mỹ đang hướng tới.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi chính thức tái nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp, Tổng Giám đốc Azevedo khẳng định WTO đã phát triển mạnh hơn so với khi ông bắt đầu nhiệm kỳ thứ nhất năm 2013, cũng nhận định trong nhiệm kỳ sắp tới, hệ thống thương mại đa phương mà WTO xây dựng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức từ chủ nghĩa bảo hộ.
Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh chính sách bảo hộ sản xuất nội địa mà bộ máy điều hành đất nước của Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi đang gây ra nhiều quan ngại đe dọa tiến trình phát triển của WTO.
Ông Azevedo, 59 tuổi, đã được ủng hộ tuyệt đối để tiếp tục nắm giữ cương vị lãnh đạo tổ chức kinh tế gồm 164 thành viên này.
Nhiệm kỳ mới của quan chức người Brazil này cũng đánh dấu quãng thời gian khó khăn chưa từng có trong lịch sử hình thành tổ chức khi Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới, thậm chí còn đe dọa rút tư cách thành viên WTO.
Người được Tổng thống Reump đề cử vào vị trí Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer​ cũng cho biết Washington có thể sẽ "phớt lờ" mọi quy định của WTO trong trường hợp quốc gia này xem xét các tranh chấp thương mại, đặc biệt là những phán quyết được cho là có lợi cho Trung Quốc.
Kể từ khi lên nhậm chức hồi tháng 1 vừa qua, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không tuân thủ một số cam kết liên quan tới thương mại mà ông đã đưa ra trước đó.
Mỹ cũng đã rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn đã đạt được thỏa thuận dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
 
Ả rập Xê út tài trợ 4 triệu đô la giúp các nước nghèo vượt qua đói nghèo thông qua thương mại
Vương quốc Ả-rập Xê-út đang tích cực hỗ trợ Chương trình khung tăng cường hội nhập (EIF) bằng cách đóng góp 4 triệu USD để thực hiện giai đoạn hai của chương trình để giúp các nước kém phát triển hưởng lợi từ thương mại toàn cầu và tạo cho họ một con đường thoát đói nghèo. Saudi Arabia đã đóng góp 3 triệu USD để thực hiện giai đoạn một của chương trình.
Với sự hỗ trợ của 24 nhà tài trợ - cả các nước phát triển và đang phát triển – EIF đã hợp tác với 48 nước kém phát triển nhất để giúp họ giải quyết các khó khăn về thương mại. Đóng góp của Ả-rập Xê-út sẽ thúc đẩy xuất khẩu lẫn tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững và sẽ giúp mang lại sự thịnh vượng cho người dân các nước nghèo nhất.
Ông Fahad Alnowaiser, Giám đốc tín dụng xuất khẩu thuộc Quỹ Phát triển Ả-rập Xê-út, cho biết: "Việc ký kết thỏa thuận này là một phần trong nỗ lực của Ả-rập Xê-út hỗ trợ các nước kém phát triển nhất và giúp họ nâng cao năng lực, tăng khối lượng xuất khẩu, đóng vai trò tích cực trong thương mại quốc tế và đạt được sự tăng trưởng và ổn định kinh tế".
Đại sứ và Đại diện thường trực của Cộng hòa Sierra Leone tại Geneva và Chủ tịch Ủy ban EIF, Yvette Stevens nói: "Chúng tôi rất biết ơn sự hỗ trợ quý giá của Saudi Arabia đối với EIF, đặc biệt đúng lúc vai trò của chương trình đã được xác định rõ ràng trong Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ. Sự đóng góp của Saudi Arabia sẽ giúp cộng đồng, doanh nhân, nông dân và doanh nhân có thể chăm sóc y tế, đưa con cái đến trường và có một cuộc sống ổn định, mở đường cho một tương lai bền vững cho thế hệ tiếp theo. Tôi kêu gọi các đối tác phát triển khác theo dõi tiến trình của Ả Rập Xê út trong việc đưa các cộng đồng nghèo thoát khỏi nghèo đói thông qua việc thúc đẩy thương mại bền vững và sinh kế ở nông thôn".
Đại sứ và Đại diện thường trực của Cộng hoà Benin tại Geneva và Chủ tịch Hội đồng Quản trị EIF, Eloi Laourou, cho biết: "Tôi rất chúc mừng sự hỗ trợ của Saudi Arabia đối với EIF. Đóng góp của Ả-rập Xê-út hiện nay phản ánh cam kết của Vương Quốc này trong việc chia sẻ sự thịnh vượng, giúp đỡ các nước nghèo nhất thế giới xây dựng năng lực thương mại và xuất khẩu và giúp họ tăng cường sự tham gia của mình vào thương mại thế giới.
EIF được hỗ trợ từ một quỹ tín thác đa nhà tài trợ và cung cấp hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật để xây dựng năng lực thương mại ở tất cả 48 nước kém phát triển nhất và ba nước mới thoát ra. EIF là một đối tác duy nhất giữa các nhà tài trợ, các nước kém phát triển và các tổ chức quốc tế (IMF, ITC, UNCTAD, UNDP, UNIDO, UNWTO, Ngân hàng Thế giới và WTO). Đây là Chương trình hỗ trợ thương mại toàn cầu duy nhất được thiết kế để giúp các nước kém phát triển xây dựng chiến lược thương mại bền vững nhằm cải thiện đời sống của người dân bằng cách thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân và các cơ hội việc làm và thu nhập.
           
Tổng Giám đốc Azevêdo dự Lễ bế mạc Chương trình chuyên gia trẻ đầu tiên của WTO
Ngày 6/3, tại Lễ bế mạc Chương trình chuyên gia trẻ đầu tiên của WTO, Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevêdo đã hoan nghênh các chuyên gia trẻ.
Chương trình chuyên gia trẻ của WTO được đưa ra vào năm 2016 với mục đích nâng cao kiến ​​thức và kỹ năng về các vấn đề WTO dành cho các chuyên gia trẻ từ các nước đang phát triển và các nước kém phát triển nhất - đặc biệt là từ các thành viên WTO hiện không có đại diện ở các cấp chuyên gia trong Ban Thư ký WTO.
Tổng Giám đốc Azevêdo cho biết: "Bằng cách cho phép các chuyên gia trẻ tìm hiểu công việc của chúng tôi và đóng góp vào các hoạt động của chúng tôi, Chương trình này có thể giúp mở rộng phạm vi của các ứng viên đủ tiêu chuẩn cho các kỳ tuyển dụng trong tương lai tại WTO và ở những nơi khác. Tôi nghĩ đây là một bước quan trọng để giúp tăng cường sự đa dạng và mở rộng đại diện của các thành viên trong Ban Thư ký".
Tổng Giám đốc WTO Azevêdo đánh giá cao các chuyên gia trẻ học tập kiến ​​thức, kỹ năng và kinh nghiệm trong suốt 12 tháng tại WTO và giúp lan tỏa kiến ​​thức về WTO tại các nước. "Các bạn có thể trở thành đại sứ của WTO, khuyến khích những người khác quan tâm đến Tổ chức này đến đây", ông nói với các chuyên gia trẻ.
Leticia Caminero, một chuyên gia trẻ từ Cộng hòa Dominican, chia sẻ ấn tượng của mình về chương trình: "Thật kinh ngạc khi trải nghiệm các chính sách sở hữu trí tuệ quốc tế, tìm hiểu về công việc của Ban Thư ký WTO và cách các nước cùng hợp tác và cố gắng có hệ thống tốt".
Leticia hiện đang làm việc tại Bộ phận sở hữu trí tuệ, mua sắm Chính phủ và cạnh tranh. Trước khi tham gia vào Chương trình chuyên gia Trẻ, Leticia đã điều hành một công ty luật ở Cộng hòa Dominican để tư vấn cho các nhà sản xuất phim về quyền sở hữu trí tuệ. Bà cho biết trong tháng cuối cùng của thời gian ở WTO, bà chứng kiến ​​sự có hiệu lực của hiệp định TRIPS sửa đổi, giảm bớt khó khăn trong việc tiếp cận các loại thuốc có giá cả phải chăng.
Fernando Bertran, một chuyên gia trẻ khác từ Chile, cho biết anh muốn giúp nâng cao nhận thức về các vấn đề WTO trong nước. "Đến từ khu vực tư nhân ở châu Mỹ Latinh, những người xung quanh tôi không nhận thức đầy đủ những gì WTO đã làm và đây là một đặc ân thực sự đối với tôi khi chứng kiến ​​những điều đầu tiên có tầm quan trọng như vậy mà chúng ta thường không có quyền tiếp cận." Fernando hiện đang làm việc tại Phòng Pháp chế của Ban Thư ký WTO. Trước đây, ông làm việc cho một công ty luật tư nhân ở Chile.
Nhóm 5 chuyên gia trẻ đầu tiên đã được tuyển chọn từ tổng số 848 ứng viên sau một quy trình lựa chọn cạnh tranh, dựa trên thành tích. Họ bắt đầu làm việc trong WTO vào đầu năm 2017 và sẽ dành một năm làm việc cho Ban Thư ký WTO để tìm hiểu về công việc của WTO và đóng góp vào các hoạt động của WTO.
           
WTO kỉ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ với trọng tâm về bình đẳng giới trong tổ chức này
Ngày 8/3/2017, WTO đã kỉ niệm Ngày Phụ nữ Quốc tế với một chương trình các sự kiện và thảo luận về việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ và làm thế nào để thúc đẩy bình đẳng giới nhiều hơn trong chính tổ chức này. Các nhân viên và đại diện các nước thành viên WTO đã lần lượt đóng góp ý kiến.
Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevêdo đã tham gia vào cuộc tranh luận và nói:
"Ngày Phụ nữ Quốc tế là để tôn vinh những hành động tích cực mà phụ nữ và trẻ em gái đã thực hiện trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống của chúng ta và tất nhiên là đóng góp to lớn của họ cho tổ chức này. Đây cũng là cơ hội để nâng cao nhận thức về các vấn đề về giới, đánh giá những tiến bộ đã đạt được, xác định các thách thức còn tồn tại và thúc đẩy sự tiến bộ toàn diện hơn nữa".
Tổng Giám đốc WTO cũng công bố một báo cáo mới của WTO trong đó có số liệu thống kê giới trong WTO từ năm 1995 - 2016. Báo cáo đưa ra một cái nhìn tổng quan về sự hiện diện của phụ nữ trong số các nhân viên của Ban Thư ký WTO cũng như xem xét việc các thành viên là phụ nữ tham gia vào các cơ quan của WTO, thành viên của Cơ quan Phúc thẩm, các thành viên phân xử trong các vụ tranh chấp và các thành viên Ban đánh giá chính sách thương mại.
Báo cáo cho thấy sự tham gia của phụ nữ trong Ban Thư ký WTO đã tăng đều đặn trong những năm qua. Đối với nhân viên chuyên nghiệp, tỷ lệ nữ đã tăng từ 31% năm 1995 (khi WTO được thành lập) lên gần 45% vào năm 2016. Đồng thời, báo cáo nêu bật một loạt các lĩnh vực mà có thể đạt được nhiều tiến bộ hơn về sự tham gia của phụ nữ, bao gồm cả việc chủ trì các cơ quan của WTO. Bình luận về báo cáo, Tổng Giám đốc WTO nói:
Báo cáo này đưa ra một cái nhìn tổng quan về sự cân bằng giới trong WTO trong 20 năm qua và là cơ sở vững chắc để xác định những thiếu sót và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Qua nhiều năm, chúng tôi đã nỗ lực để cải thiện sự cân bằng giới trong Ban Thư ký WTO. Hơn thế nữa, chúng tôi đang nỗ lực để đảm bảo rằng các vấn đề về giới luôn là một phần không thể thiếu trong các quy tắc và thủ tục hành chính của mình. Đây là một nỗ lực không ngừng nghỉ và tôi cũng vui mừng nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng của các thành viên WTO trong việc coi vấn đề bình đẳng giới trong WTO trở thành một trọng tâm lớn hơn trong công việc của chúng tôi".
Mỹ có thể bỏ qua quy tắc của WTO
Chính phủ Mỹ có thể tạo ra một bước ngoặt lớn dưới thời tổng thống mới, trong các vấn đề giao thương và giải quyết tranh chấp quốc tế.
Trong một thông báo mới đây, Chính phủ Mỹ ám chỉ nước này sẽ không phụ thuộc vào các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong giải quyết tranh chấp nữa. Đây sẽ là chuyển biến lớn so với động thái của các tổng thống trước.
"Kể cả nếu hội đồng giải quyết tranh chấp của WTO ra phán quyết không có lợi cho Mỹ, nó cũng không khiến luật pháp hay động thái của Mỹ thay đổi. Chính phủ sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích của nước Mỹ trong các vấn đề chính sách thương mại".
Vài thập kỷ gần đây, 164 nước trong WTO, kể cả Trung Quốc, đã đồng ý giải quyết tranh chấp qua các hội đồng của WTO. Chính quyền ông Obama cũng nhiều lần nộp đơn kiện Trung Quốc lên WTO và đã áp thuế nhập khẩu lên một số mặt hàng từ nước này.
Chính quyền ông Trump cho biết họ có thể bỏ qua WTO. Việc này có thể làm giảm uy tín của WTO và khiến nhiều quốc gia chọn cách tự giải quyết vấn đề, từ đó làm tăng nguy cơ bảo hộ.
Thông báo cũng thừa nhận không chơi theo luật của WTO, họ sẽ phải trả giá. Ví dụ, nếu Mỹ thất bại trong một vụ kiện tại WTO, nhưng từ chối thay đổi luật pháp hoặc động thái, theo luật WTO, các quốc gia phía bên kia sẽ có quyền trừng phạt thương mại Mỹ.
Ngoài ra, thông báo cũng thừa nhận hai điểm có vẻ mâu thuẫn với các phát biểu trước đây của ông Trump về thương mại. Ông Trump cho biết những thỏa thuận thương mại tồi tệ là nguyên nhân chính khiến Mỹ mất hàng triệu việc làm ngành sản xuất. Bên cạnh đó, thâm hụt thương mại cũng không có lợi cho kinh tế nước này.
Tuy nhiên, thông báo trên lại viết: "Dĩ nhiên, thâm hụt thương mại tăng có thể đi kèm với nền kinh tế mạnh lên". Còn khi đề cập đến tình trạng thất nghiệp, tăng trưởng việc làm và kinh tế yếu, báo cáo cho biết: "Có rất nhiều nguyên nhân gây ra việc này, điển hình là khủng hoảng tài chính 2008-2009 và ảnh hưởng của tự động hóa".
 
TFA đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Trong lịch sử 21 năm của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), có một hiệp định đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với thương mại toàn cầu, gần như làm lu mờ sự thất bại của những cuộc đàm phán thương mại trước đó, cũng như là sự trỗi dậy chủ nghĩa bảo hộ ở nền kinh tế lớn nhất thế giới, Hoa Kỳ
Chúng ta đang bàn đến Hiệp định Tạo thuận lợi hóa Thương mại (TFA), vừa có hiệu lực vào ngày 22 tháng 2 vừa qua sau khi WTO đạt được sự chấp thuận của 2/3 trong tổng số 164 thành viên. (Rwanda, Oman, Chad and Jordan đã đệ trình các văn kiện chấp nhận của họ lên WTO vào tháng 2 để nâng tổng số quốc gia thành viên phê chuẩn hiệp định vượt qua ngưỡng cần thiết là 110).
TFA gồm có 12 điều khoản bao gồm các biện pháp để thúc đẩy sự minh bạch và có thể dự đoán được của thương mại xuyên biên giới. Các nước phát triển đã cam kết thực hiện ngay lập tức các điều khoản để tạo môi trường kinh doanh ít phân biệt đối xử hơn.
Lợi ích                           
WTO cho rằng nếu các điều khoản của TFA được thực hiện đầy đủ thì có thể cắt giảm chi phí thương mại trung bình khoảng 14,3% và tăng thương mại toàn cầu lên khoảng 1000 tỉ USD mỗi năm, đồng thời các nước kém phát triển sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Hiệp định này sẽ cắt giảm thời gian cần thiết để nhập khẩu hàng hóa khoảng 1,5 ngày và khoảng gần 2 ngày đối với hàng nhập khẩu, tương đương với giảm 47% và 91%.
Thực thi TFA trước hết được kỳ vọng sẽ có ích đối với các công ty xuất khẩu. Theo nghiên cứu của WTO, khi TFA được thi hành đầy đủ, số lượng sản phẩm xuất khẩu các quốc gia đang phát triển được dự đoán sẽ tăng lên khoảng 20% và các quốc gia kém phát triển là 35%.
Mạng lưới an toàn
Bằng cách thừa nhận rằng năng lực của các quốc gia phát triển và phần còn lại có sự khác biệt, TFA gắn liền với năng lực của từng quốc gia qua 3 nhóm, cụ thể như sau:
Nhóm A, các quốc gia đang phát triển và kém phát triển chỉ cần phải thực hiện các điều khoản của TFA mà họ biết chắc rằng mình có thể thực hiện được, kể từ ngày TFA có hiệu lực. Các quốc gia kém phát triển được thêm một năm để thực hiện.
Nhóm B, các nước đang phát triển và kém phát triển được đệ trình một danh sách các điều khoản mà họ sẽ thực thi sau thời kỳ chuyển tiếp kể từ khi TFA có hiệu lực.
Nhóm C, thông báo của các điều khoản mà các nước đang phát triển và kém phát triển thiết kế để thực hiện sau thời kỳ chuyển tiếp và phải đáp ứng năng lực để thực hiện thông qua một số hỗ trợ.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử WTO việc thực hiện các yêu cầu của hiệp định gắn liền với năng lực của từng quốc gia. Để thực hiện điều đó, WTO đã cho ra đời Hiệp định về thuận lợi hóa Thương mại kèm theo (TFAF) để giúp các quốc gia đang phát triển và kém phát triển nhận được những sự hỗ trợ nhằm thu về lợi ích có được từ TFA.
Thách thức dành cho MSMEs
Mặc dù được hoan nghênh vì những nỗ lực cho sự cải cách thương mại toàn cầu trong tình hình hiện nay, TFA vẫn phải đối mặt với những thách thức trong việc thực thi, đặc biệt là với những quốc gia đang phát triển, vì phần lớn các điều khoản được xem là “cam kết tốt nhất” thì rất khó thực hiện.
Nếu như có nền kinh tế nào đạt được lợi ích trực tiếp từ TFA, ví dụ như Phillipines, thì cần phải cải thiện cơ sở hạ tầng gắn với với thương mại như, sân bay, cảng biển, đường sá, tàu lửa và thủ tục hải quan, đây là những điều khoản nằm ngoài TFA.
Không phải dễ dàng đối với các doanh nghiệp rất nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs)
Thật vậy, không phải bất kỳ MSMEs nào cũng có thể hướng về việc xuất khẩu hàng hóa xuyên biên giới và trở thành một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). Đối với một quốc gia, việc hội nhập vào mạng lưới thương mại quốc tế sẽ tạo ra những lợi ích đối với các ngành không nghiệp khác, tạo ra nhiều việc làm hơn, tiếp cận khoa học kỹ thuật và nâng cao năng lực của các doanh nghiệp địa phương.
Một sự khởi đầu tốt
TFA sẽ có hiệu lực và đòi hỏi các chính phủ phải thực thi đầy đủ các cam kết của mình về hệ thống cơ sở hạ tầng, bên cạnh sự giúp sức của các tổ chức khác. Ví dụ, nếu muốn trở thành một thung tâm về sản xuất ổ tô trong khu vực thì chính phủ cần phải có những hỗ trợ thiết thực hơn về chính sách, mang tính chiến lược hơn và có chọn lọc hơn. Hơn nữa, chính phủ cần phải chú ý cải tiến năng lực cho các nhà cung cấp, bao gồm cả các tổ chức tín dụng và các công ty về công nghệ để nâng cao khả năng sản xuất.
TFA là một sự khởi đầu tốt. Nó sẽ không ngay lập tức mang lại lợi ích về kinh tế cũng như không đảm báo chắc chắn rằng các MSMEs sẽ nhận được toàn bộ lợi ích. Nhưng nó có thể trở thành một công cụ dùng để cải cách tạo thuận lợi hóa thương mại trong một thời gian dài khi mà chính phủ và khu vực tư tiếp tục quan tâm đến nó.
 
Hàn Quốc khiếu nại lên WTO về hành động trả đũa của Trung Quốc
Ngày 20/3, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Joo Hyung-hwan đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về hành động trả đũa của Trung Quốc đối với các công ty nước này do việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Tại một phiên họp Quốc hội, trả lời câu hỏi về phản ứng của Trung Quốc đối với triển khai THAAD, Bộ trưởng Joo cho biết Hàn Quốc đã khiếu nại lên WTO hồi tuần trước về việc "Trung Quốc có thể vi phạm một số thỏa thuận thương mại" sau khi Bắc Kinh áp đặt các biện pháp hạn chế chống lại các công ty Hàn Quốc trong các lĩnh vực du lịch và phân phối.
Theo hãng thông tấn Yonhap, hệ thống bán lẻ tại Trung Quốc của Lotte Group, tập đoàn lớn thứ 5 của Hàn Quốc, đang đứng trước nguy cơ sụp đổ khi gần 90% số cửa hàng Lotte Mart tại Trung Quốc phải tạm ngừng hoạt động khiến doanh nghiệp chịu tổn thất lớn. Trong khi đó, ngành du lịch của nước này dự kiến thiệt hại nặng nề sau khi Trung Quốc cấm các công ty du lịch cung cấp các gói du lịch đến Hàn Quốc.
Lệnh cấm này không chỉ tác động mạnh đến ngành du lịch của Hàn Quốc mà còn nhiều lĩnh vực liên quan, như ngành kinh doanh hàng miễn thuế vốn phụ thuộc nhiều vào du khách Trung Quốc. Theo thống kê, du khách Trung Quốc chiếm 1/2 tổng số khách nước ngoài đến Hàn Quốc trong năm 2016 và chi tiêu ít nhất 2.000 USD/người để mua sắm tại đây.
Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí hoàn tất kế hoạch bố trí THAAD trong năm 2017. Hai bệ phóng di động của hệ thống THAAD cùng một số thiết bị khác đã được vận chuyển từ Mỹ đến căn cứ Không quân Osan tại Pyeongtaek từ ngày 7/3, sớm hơn dự kiến. Với những động thái thúc đẩy, một quan chức quân đội Hàn Quốc cho biết việc triển khai THAAD có thể hoàn tất trong 1-2 tháng tới, và hệ thống này có thể hoạt động sớm nhất là vào tháng 4.
Theo thiết kế, THAAD có thể bắn chặn các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung, như Scud hoặc Rodong, với tầm bắn lên tới 3.000km ở độ cao 40-150km. THAAD gồm sáu bệ phóng di động, 48 thiết bị đánh chặn, một radar X-band, hỏa lực và hệ thống kiểm soát.
Dù Mỹ và Hàn Quốc khẳng định THAAD là một biện pháp phòng vệ trước mối đe dọa từ Triều Tiên, Trung Quốc vẫn phản đối mạnh mẽ vì cho rằng hệ thống này sẽ ảnh hưởng đến các lợi ích an ninh quốc gia của mình.
 
Nguồn: Asem/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK
 Tổng Giám đốc Okonjo-Iweala kêu gọi ECOWAS khai thác thương mại để tăng trưởng bền vững
 Tổng Giám đốc WTO Okonjo-Iweala thăm Ghana, Bờ Biển Ngà và Kenya
 Timor-Leste nỗ lực thúc đẩy giai đoạn cuối trở thành thành viên WTO
 Canada cung cấp 1,4 triệu CAD cho Cơ chế tài trợ nghề cá của WTO
 Nhóm công tác về an ninh lương thực thảo luận về xây dựng khả năng chống chịu, thách thức về tài chính
 Canada cam kết tài trợ 700.000 CAD để tăng cường hệ thống an toàn thực phẩm của các nước đang phát triển
 WTO tăng cường nỗ lực giải quyết khủng hoảng an ninh lương thực
 Các thành viên tiếp tục thảo luận về việc mở rộng Quyết định TRIPS sang lĩnh vực điều trị và chẩn đoán
 Ủy ban môi trường thu hút sự tham gia rộng rãi của các thành viên, xem xét các đề xuất để tăng cường công việc
 Uzbekistan mang lại động lực mới cho các cuộc đàm phán gia nhập WTO
 Phó Tổng Giám đốc Zhang chào đón nhóm thực tập sinh mới từ các nước đang phát triển, LDCs tại trụ sở WTO
 Các nước tham gia Đối thoại về Nhựa thảo luận về kết quả MC13, hoan nghênh sự đồng tài trợ của Mỹ
 Nhật Bản tham gia cơ chế thay thế Ban Phúc thẩm của WTO
 Các thành viên chia sẻ kinh nghiệm về quy định môi trường, tiêu chuẩn khí hậu và mặt hàng nhựa
 Seychelles là thành viên WTO đầu tiên từ châu Phi chính thức chấp nhận thỏa thuận trợ cấp đánh bắt cá


© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710902551