Thứ sáu, 26-4-2024 - 20:55 GMT+7  Việt Nam EngLish 

 WTO

Tổng hợp hoạt động của WTO trong tháng 12/2019 

 Thứ sáu, 20-12-2019

AsemconnectVietnam - Trong tháng 12/2019, hoạt động của WTO có nhiều diễn biến đáng chú ý

Tổng hợp hoạt động của WTO trong tháng 12/2019
Trong tháng 12/2019, hoạt động của WTO có nhiều diễn biến đáng chú ý
WTO gia hạn lệnh cấm đánh thuế giao dịch kỹ thuật số đến tháng 6/2020 
Các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 10/12 đã nhất trí gia hạn lệnh cấm đánh thuế giao dịch kỹ thuật số thêm sáu tháng, giảm bớt lo ngại rằng các giao dịch đối với sách điện tử hay phần mềm sẽ lần đầu tiên phải chịu thuế.
Lệnh cấm đánh thuế đối với các giao dịch kỹ thuật số với giá trị ước tính 225 tỷ USD/năm được thực thi từ năm 1998 nhưng sẽ hết hiệu lực vào tháng 12 tới và cần được các nước thành viên WTO nhất trí gia hạn.
Theo quyết định của Đại hội đồng WTO, các nước thành viên đã nhất trí hoãn lệnh cấm cho đến Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 tại Kazakhstan vào tháng 6/2020.
Một số nước, trong đó có Ấn Độ và Nam Phi, đã bày tỏ quan tâm đến việc hủy lệnh cấm khi các nước này phát triển các nền kinh tế kỹ thuật số và thu lại tiền thuế bị mất khi ngày càng nhiều giao dịch điện tử được thực hiện.
Một số nước cho rằng điều này có thể dẫn đến việc áp thuế trả đũa lẫn nhau.
Ông John Denton, Tổng thư ký Phòng Thương mại Quốc tế, hoan nghênh quyết định trên và cho rằng WTO vẫn là một diễn đàn hoạch định chính sách thương mại đa phương.
WTO tham vấn cải tổ Ban phúc thẩm Cơ quan giải quyết tranh chấp 
Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo ngày 9/12/2019 thông báo khởi động tiến trình tham vấn về cải tổ Ban Phúc thẩm thuộc Cơ quan giải quyết tranh chấp (DBS) của WTO.
Người đứng đầu WTO cho biết các cuộc tham vấn sẽ diễn ra ở cấp người đứng đầu phái đoàn các nước thành viên.
WTO đang đứng trước thách thức về việc cải tổ hệ thống giải quyết tranh chấp khi chính quyền Mỹ trong hơn 1 năm qua đã ngăn cản việc bổ nhiệm các thẩm phán cho Ban Phúc thẩm của DBS, vốn được coi là tòa án cao nhất giải quyết các tranh chấp thương mại.
Nếu không có thẩm phán mới nào được bổ nhiệm vào trước cuối năm 2019, Ban Phúc thẩm của DBS sẽ không đủ số thành viên cần thiết là 3 thẩm phán để giải quyết các vụ việc do 2 trong số này sẽ mãn nhiệm vào ngày 10/12.
Điều này đồng nghĩa với việc Ban Phúc thẩm không thể giải quyết những tranh cãi mới sau thời hạn trên.
Phát biểu khai mạc Đại hội đồng WTO, cơ quan có quyền quyết định cao nhất WTO, ông Azevedo cho biết ông sẽ tiến hành các cuộc tham vấn cấp cao và chuyên sâu nhằm tìm hướng giải quyết cho việc bổ nhiệm các thẩm phán cho Ban Phúc thẩm thuộc DBS.
Ông nhấn mạnh một hệ thống giải quyết tranh chấp mang tính ràng buộc và công bằng và vận hành tốt là trụ cột của toàn hệ thống WTO.
Ông Azevedo nêu rõ việc Ban Phúc thẩm ngừng hoạt động không đồng nghĩa với việc ngừng giải quyết tranh chấp dựa trên các nguyên tắc tai WTO, bởi các nước thành viên có thể giải quyết những tranh cãi thông qua tham vấn, các ủy ban và một số phương thức khác được nêu trong các thỏa thuận của WTO. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến các vụ kiện bị dậm chân tại chỗ.
Liên minh châu Âu (EU), Canada và Na Uy đã nhất trí về một tiến trình đặc biệt trong việc tiếp nhận giải quyết các tranh cãi thương mại trong khi Ban Phúc thẩm ngừng hoạt động.
Tổng Giám đốc WTO Azevêdo nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật trong thương mại nông nghiệp
Ngày 2/12/2019, phát biểu tại Khóa học nâng cao của WTO về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS) lần thứ 15, Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevêdo nhấn mạnh vai trò quan trọng của các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS) trong thương mại nông nghiệp khi ngành này ngày càng có nhiều các nhân tố tác động như công nghệ mới, khí hậu thay đổi và dân số tăng.
Khóa học nâng cao về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật lần thứ 15 có 24 học viên, được Bộ phận nông nghiệp và hàng hóa, Viện hợp tác kỹ thuật và đào tạo và Cơ quan phát triển thương mại và tiêu chuẩn phối hợp tổ chức.
Kể từ khi được thành lập vào năm 2005, khóa học này đã đào tạo hơn 350 quan chức chính phủ đến từ 124 quốc gia đang phát triển và 38 quốc gia kém phát triển nhất. 
Tổng Giám đốc Azevêdo khuyến khích các nhóm tích cực làm việc về các kế hoạch hành động của mình. Trong nhiều năm qua, những nước tham gia đã áp dụng nhiều công cụ cần thiết để tăng cường năng lực vệ sinh và kiểm dịch thực vật. Điều này đã giúp mở ra thị trường mới thông qua nâng cao năng lực tuân thủ của các doanh nghiệp trong nước, tăng cường bảo vệ người tiêu dùng và sức khỏe động thực vật. “Tất cả các dự án này đều có một điểm chung: một người đam mê làm việc chăm chỉ để tạo ra sự khác biệt tích cực ở đất nước của mình. Các học viên cần phát huy khả năng lãnh đạo trong việc thực hiện các kế hoạch này khi quay trở lại đất nước”.
Khóa học tập trung vào sự lãnh đạo và sáng kiến ​​của học viên trong việc thực hiện các hành động SPS. Với phương châm không chính thức là “học viên tạo ra sự khác biệt”, hoạt động đào tạo đòi hỏi người tham gia phải xây dựng kế hoạch hành động với sự giúp đỡ của các huấn luyện viên giàu kinh nghiệm, để giải quyết những khó khăn liên quan đến SPS ở nước họ.
Trong thời gian ở Geneva, những học viên tham gia Khóa học nâng cao cũng sẽ có cơ hội tham dự các cuộc họp của Ủy ban SPS và phiên họp chuyên đề về thủ tục phê duyệt để hiểu rõ hơn về công việc hàng ngày của Ủy ban.
Các phiên đặc biệt sẽ được tổ chức để cho phép người tham gia kết nối và chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia WTO ở Geneva cũng như đại diện của các tổ chức quốc tế khác hoạt động trong các vấn đề liên quan đến SPS, bao gồm Ủy ban Codex Alimentarius, Công ước bảo về thực vật quốc tế và Tổ chức Thú y Thế giới.
Tổng Giám đốc Azevêdo và Bộ trưởng Thương mại Kazakhstan Sultanov ký kết thoả thuận về tổ chức Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12
Ngày 5/12/2019,Tổng Giám đốc Roberto Azevêdo đã có cuộc gặp với ông Bakhyt Sultanov, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Hội nhập Kazakhstan kiêm Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 sắp tới (MC12). Hai bên đã ký kết thỏa thuận giữa Chính phủ Cộng hòa Kazakhstan và WTO xác định vai trò và trách nhiệm của mỗi bên liên quan đến việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng được tổ chức tại Nur-Sultan vào ngày 8-11/6/2020. Hai bên cũng thảo luận về các khía cạnh khác nhau của việc chuẩn bị cho MC12 và nhấn mạnh tầm quan trọng của một Hội nghị thành công ở thủ đô Kazakhstan.
“Tôi muốn một lần nữa cảm ơn Chính phủ Kazakhstan đã đề nghị tổ chức Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 vào tháng 6 tới. Đây là một dấu hiệu cho thấy cam kết của Kazakhstan đối với WTO và hệ thống thương mại đa phương. Chúng tôi rất vinh dự được hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Kazakhstan để tổ chức Hội nghị thành công”, Tổng Giám đốc Azevêdo khẳng định.
Hội nghị Bộ trưởng là cơ quan ra quyết định hàng đầu của WTO và Hiệp định Strasbourgesh thành lập tổ chức này quy định các nước thành viên tổ chức ít nhất hai năm một lần. Sự kiện này có sự tham gia của các Bộ trưởng thương mại và các quan chức cấp cao khác từ tổ chức.
Hội nghị Bộ trưởng trước đó (MC11) đã được tổ chức tại Buenos Aires vào tháng 12/2017.
Ủy ban Nông nghiệp thông qua báo cáo về việc thực hiện Quyết định Bali về hạn ngạch thuế quan
Ngày 11-12/12/2019, tại cuộc họp của Ủy ban Nông nghiệp, các thành viên WTO đã thông qua báo cáo về việc thực thi Quyết định của Hội nghị Bộ trưởng Bali năm 2013 về hạn ngạch thuế quan (TRQs) và các khuyến nghị đi kèm về việc cải thiện thực thi TRQ. Báo cáo này được đưa ra sau bản đánh giá cách đây hai năm về hiệu quả áp dụng Quyết định này của các thành viên WTO.
Mục tiêu của Quyết định Bali 2013 là cải thiện cách sử dụng hệ thống hạn ngạch cho các sản phẩm nông nghiệp, làm rõ thủ tục quản lý TRQ, cho phép số lượng nhập khẩu trong hạn ngạch được tính mức thuế suất thấp hơn so với số lượng vượt hạn ngạch. Cơ chế TRQ ban đầu được thống nhất trong các cuộc đàm phán Vòng đàm phán Uruguay 1986-94 như một phương tiện cho phép các nhà xuất khẩu tiếp cận một số thị trường khác khi các mức thuế đối với hàng nhập khẩu khá cao.
Bắt đầu từ tháng 10 năm 2017, sau hai năm thảo luận căng thẳng giữa các thành viên, các bên đã đạt được thỏa thuận về một số biện pháp và quy trình theo hướng tăng cường tính minh bạch và cải thiện thực hành thông báo TRQ.
Các thành viên WTO cũng đồng ý về khuyến nghị tiến hành đánh giá ba năm một lần về hoạt động của TRQ trong Quyết định Bali.
Ủy ban cũng kiểm tra các chính sách nông nghiệp của một số thành viên trong các lĩnh vực tiếp cận thị trường, hỗ trợ trong nước và cạnh tranh xuất khẩu cũng như các chính sách rộng lớn hơn liên quan đến việc thực hiện Hiệp định về nông nghiệp. New Zealand và Canada bày tỏ sẵn sàng rút lại các yêu cầu của họ đối với đề xuất năm 2017 của Liên minh châu Âu về lịch trình cam kết hợp nhất cho EU-28.
Ngoài ra, các thành viên WTO đã tổ chức cuộc thảo luận hàng năm về sự tăng trưởng của thương mại nông sản thế giới, theo quy định tại Điều 18.5 của Hiệp định về nông nghiệp và giám sát hàng năm về việc tuân theo Quyết định Bali về việc nhập khẩu thực phẩm của các quốc gia cung cấp viện trợ lương thực.
Ban thư ký đã ra mắt hệ thống thông báo nông nghiệp trực tuyến (agims.wto.org) dành cho các thành viên. Các thành viên WTO có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu các cuộc thảo luận trong Ủy ban Nông nghiệp và có thể gửi thông báo về việc thực hiện Hiệp định nông nghiệp.
Bà Christiane Daleiden Distefano, Đại sứ Luxembourg tại WTO đã chủ trì cuộc họp kéo dài hai ngày này. Cuộc họp tiếp theo của Ủy ban Nông nghiệp dự kiến ​​diễn ra từ ngày 24-25/3/2020.
Pháp sẵn sàng thách thức đe dọa đánh thuế của Mỹ tại WTO  
Reuters đưa tin, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire ngày 8/12/2019 tuyên bố, Paris sẵn sàng thách thức đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế đối với rượu vang và các mặt hàng khác của Pháp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong cuộc tranh cãi liên quan kế hoạch Pháp đánh thuế các công ty mạng.
Phát biểu trên kênh truyền hình France 3, Bộ trưởng Le Maire nêu rõ: "Chúng tôi sẵn sàng đưa vấn đề này ra một tòa án quốc tế, nhất là WTO, do thuế quốc gia đối với các công ty kỹ thuật số tác động đến các công ty Mỹ theo cách tương tự như đối với các công ty của Liên minh châu Âu, Pháp hay Trung Quốc. Đây không phải là sự phân biệt đối xử."
Trước đó, ngày 2/12, Mỹ đe dọa sẽ áp thuế lên đến 100% lên số hàng hóa trị giá 2,4 tỷ USD của Pháp, đáp trả việc nước này đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số (DST) mà Mỹ cho là phân biệt đối xử.
Rượu vang sủi, sữa chua và phô mai Roquefort của Pháp nằm trong danh sách hàng hóa có thể bị áp thuế ngay vào giữa tháng Một sau khi báo cáo của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho rằng DST mà Pháp đánh vào các tập đoàn công nghệ của Mỹ như Google, Apple, Facebook và Amazon là không công bằng.
EU thất bại trong việc ngăn chặn thuế quan của Mỹ trước phán quyết mới của WTO 
Theo báo cáo mới được công bố lúc 4 giờ chiều ngày 2/12 tại Geneva, WTO đã phát hiện ra rằng máy bay phản lực Airbus A350 tiếp tục được trợ cấp do các khoản vay của chính phủ trước đó. Tuy nhiên, WTO đã thu hẹp lại mức độ thiệt hại được coi là gây ra cho đối thủ Boeing của Mỹ bởi siêu máy bay A380 của Airbus. Về mặt lý thuyết có thể dẫn đến việc giảm trần 7,5 tỷ USD thuế quan đối với hàng hóa EU mà cơ quan thương mại đã cho phép Mỹ áp dụng trong tranh chấp này, mặc dù việc tranh chấp pháp lý có thể đưa ra bất kỳ tính toán lại nào.
Không ai trong số các bên trong vụ kiện thương mại kéo dài 15 năm qua, liên quan đến yêu cầu bồi thường hàng tỷ đôla trợ cấp cho cả hai nhà sản xuất máy bay, đưa ra ý kiến trước phán quyết của WTO. Mỹ đã áp đặt thuế quan đối với hàng hóa châu Âu bao gồm hầu hết các máy bay và sản phẩm của Airbus từ phô mai đến ô liu và rượu whisky mạch nha đơn vào tháng 10.
Mức trần thiệt hại 7,5 tỷ USD được WTO phê duyệt dựa trên mức thiệt hại kinh tế được cho là do Boeing gây ra bởi sự hỗ trợ của châu Âu đối với Airbus, chủ yếu dưới dạng các khoản vay của chính phủ cho sản xuất máy bay A380 và A350. WTO đã áp đảo các nỗ lực của EU nhằm ngăn chặn thuế quan Mỹ trong khi Brussels đưa ra các lập luận mới để cho thấy rằng họ đã tuân thủ các phán quyết trước đó. Báo cáo ngày 2/12 đưa ra phán quyết của WTO về những lập luận mới này, vốn dựa một phần vào thực tế A380 - từng là chiến hạm của nhà sản xuất máy bay châu Âu - đang phải đối mặt với khó khăn vì doanh số kém, nghĩa là mọi thiệt hại đối với Boeing đều tồn tại trong thời gian ngắn.
WTO đã chấp nhận một phần của những lập luận này, phán quyết rằng A380, máy bay lớn nhất thế giới, không còn gây ra tổn thất doanh số cho Boeing. Tuy nhiên, phán quyết rằng A380 sẽ tiếp tục phá vỡ thị phần tiềm năng của Boeing cho đến khi ngừng sản xuất, dự kiến ​​vào giữa năm 2021. Nếu được đưa vào hiệu lực ngay lập tức, phán quyết của WTO có nghĩa là Mỹ có thể thấy mức trần cho thuế quan giảm xuống còn 5,5 tỷ đôla từ 7,5 tỷ đôla. Tuy nhiên, trên thực tế, ngay cả có một phần chiến thắng của châu Âu thì cũng khó có thể chuyển thành mức thuế thấp hơn, do các kỹ thuật pháp lý và thủ tục kháng cáo.
Với kết luận mới này, Mỹ có thể đưa vụ việc rơi vào khoảng trống một cách hiệu quả vì Cơ quan phúc thẩm WTO, nơi tiếp nhận các kháng cáo, sắp ngừng hoạt động do Mỹ ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán mới. Thay vào đó, EU dự kiến ​​sẽ tập trung vào triển vọng thuế quan đối kháng trong vụ kiện song song đối với các khoản trợ cấp của Boeing có thể sẽ đến đầu vào mùa xuân tới, đồng thời kêu gọi một giải pháp được đàm phán rộng rãi hơn về hỗ trợ cho ngành sản xuất máy bay trên toàn thế giới.

Nguồn: Vitic/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK
 WTO tăng cường nỗ lực giải quyết khủng hoảng an ninh lương thực
 Nhật Bản tham gia cơ chế thay thế Ban Phúc thẩm của WTO
 Sự kiện về tiêu chuẩn khử cacbon thúc đẩy tính minh bạch và gắn kết trong ngành thép
 Các thành viên WTO thúc đẩy sự tham gia của các nước LDCs vào chuỗi cung ứng toàn cầu
 Đàm phán thương mại điện tử bước vào vòng cuối cùng, Cộng hòa Kyrgyzstan tham gia sáng kiến
 Các nước tham gia Đối thoại Nhựa chuẩn bị nền tảng để đạt được kết quả tại MC13
 Tổng Giám đốc WTO kêu gọi sự hỗ trợ của các Bộ trưởng các nước vùng Vịnh để thực hiện các kết quả MC12 và vạch ra lộ trình đến MC13
 Đồng Chủ tịch Nhóm không chính thức Thương mại và Giới trình bày dự thảo kế hoạch hoạt động cho năm 2023
 Phó Tổng Giám đốc Ellard: Công nghệ mang đến những thách thức và cơ hội cho tương lai của thương mại
 Phó Tổng Giám đốc González: “Cải cách WTO là thúc đẩy thương mại bền vững và toàn diện”
 Phó Tổng Giám đốc Ellard thảo luận về thành công của WTO, nhu cầu cải cách, mức độ phù hợp để giải quyết khủng hoảng khí hậu
 Xuất khẩu hàng trung gian tăng trưởng bền vững trong quý II/2022
 WTO ưu tiên cải cách hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại
 Phó Tổng Giám đốc Ellard thảo luận về lợi ích của chủ nghĩa đa phương, rủi ro của chủ nghĩa đơn phương, cải cách WTO
 Các thành viên WTO nhất trí về Chương trình làm việc hỗ trợ hương mại giai đoạn 2023-2024


© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710908903