Thứ sáu, 26-4-2024 - 19:25 GMT+7  Việt Nam EngLish 

 WTO

Tổng hợp hoạt động của WTO trong tháng 12/2017 

 Chủ nhật, 31-12-2017

AsemconnectVietnam - Trong tháng 12/2017, hoạt động của WTO có nhiều diễn biến đáng chú ý

Tổng hợp hoạt động của WTO trong tháng 12/2017
Trong tháng 12/2017, hoạt động của WTO có nhiều diễn biến đáng chú ý
 
Khai mạc hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới lần thứ 11  
Ngày 10/12, Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lần thứ 11 đã khai mạc tại thủ đô Buenos Aires của Argentina với sự tham dự của hơn 4.000 đại biểu đến từ 164 quốc gia thành viên.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Quốc Khánh đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị.
Đại sứ Dương Chí Dũng - Trưởng Phái đoàn thường trực nước ta bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) cùng Đại sứ tại Argentina Đặng Xuân Dũng cũng tham gia hoạt động.
Phóng viên TTXVN tại Buenos Aires cho biết, phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo đã đánh giá cao đóng góp của các nước thành viên trong việc thúc đẩy trao đổi thương mại toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới.
Ông khẳng định WTO sẽ tiếp tục theo đuổi thương mại đa phương và kêu gọi các nước mềm dẻo hơn trong đàm phán những vấn đề trọng tâm của thương mại thế giới.
Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc WTO cũng thừa nhận có bất đồng lớn trong đàm phán cũng như xu hướng bảo hộ thương mại vẫn đang là mối đe dọa hiện hữu.
Ông kêu gọi cải thiện hơn nữa hệ thống thương mại đa phương, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu cũng như sự bình ổn trên thế giới.
Trong khi đó, Tổng thống Argentina Mauricio Macri kêu gọi các nước thành viên tăng cường cam kết với hệ thống thương mại thế giới để đạt đồng thuận, tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới và công bằng xã hội, trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc của WTO.
Ngoại trưởng nước chủ nhà Jorge Faurie đã đọc Tuyên bố chung Buenos Aires, trong đó 10 quốc gia gồm Argentina, Brazil, Colombia, Chile, Guyana, Mexico, Paraguay, Peru, Surinam và Uruguay đã ký kết và khẳng định quyết tâm theo đuổi tự do thương mại.
Tổng thống các nước Brazil, Uruguay và Paraguay cũng đã tham dự Hội nghị.
Theo kế hoạch, gần 180 bộ trưởng các nước thành viên WTO tham dự hội nghị sẽ tập trung thảo luận trong 4 ngày về 5 chủ đề trọng tâm, gồm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp, trợ cấp ngư nghiệp, thương mại điện tử và thuế các mặt hàng công nghiệp.
Hội nghị cũng sẽ thảo luận về những lĩnh vực như hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hút đầu tư, thúc đẩy trao đổi thương mại, bảo vệ môi trường và đưa những đề xuất đẩy nhanh việc kết thúc vòng đàm phán Doha bị trì hoãn trước đó.
Dự kiến bên lề Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 11, nhiều diễn đàn cũng sẽ được tổ chức như Hội thảo Thương mại và Phát triển Bền vững, Diễn đàn Doanh nghiệp và Hội nghị Nghị viện quốc tế WTO.
Liên minh Châu Âu (EU) và khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) dự kiến sẽ ra tuyên bố về kết quả đàm phán Hiệp định tự do thương mại (FTA) giữa hai khu vực.
 
Mỹ: WTO lơ là mục tiêu thương mại, quá dễ dãi với một vài nước đang phát triển  
Hôm thứ hai vừa qua, đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer đã phát biểu, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đang lơ là trọng tâm chính là các cuộc đàm phán thương mại. Thay vào đó, WTO có phần sa đà vào vụ kiện tụng, và đã quá dễ dãi đối với các quốc gia dưới danh nghĩa “đang phát triển” nhưng cũng đã đủ lớn mạnh, chẳng hạn như Trung Quốc.
Bất chấp chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump đang phủ bóng cuộc họp bộ trưởng lần thứ 11 của WTO tại Buenos Aires, đại diện các quốc gia khác vẫn chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ, ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương, đồng thời cùng nhìn nhận về các yếu kém của WTO.
Đại diện thương mại Mỹ – ngài Robert Lighthizer vừa phát biểu bên lề cuộc họp rằng ông không mong muốn đạt được các thỏa thuận chính, và lên tiếng bày tỏ lo ngại rằng WTO đang dần trở thành một tổ chức tập trung vào xử lý tranh chấp.
“Có quá nhiều quốc gia thường xuyên sử dụng hệ thống xử lý tranh chấp của WTO, họ tin rằng thông qua các vụ kiện tụng họ sẽ được nhượng bộ, điều mà họ đã không bao giờ đạt được trên bàn đàm phán”, ông Lighthizer cho biết, “Các nước phải tự hỏi chính mình làm vậy liệu là tốt cho tổ chức và có ý nghĩa ko?”
Ông Lighthizer nói, có quá nhiều nước đang không tuân thủ quy định của WTO và quá nhiều nước giàu đang được đặc cách bất công dưới danh nghĩa “quốc gia đang phát triển”.
“Chúng ta cần làm rõ định nghĩa về mức độ phát triển trong WTO. Chúng ta không thể để kéo dài tình trạng chỉ có một số ít nước phải áp dụng quy định mới, trong khi các nước khác được miễn thực hiện chỉ vì tự nhận mình là quốc gia đang phát triển”. Lighthizer phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị.
Ông cho biết, trong WTO hiện nay có 5 trong số 6 nước giàu nhất đang tuyên bố mình ở trạng thái “đang phát triển”, và không cung cấp bằng chứng để xác thực tuyên bố đó. Người phát ngôn của ông Lighthizer sau đó đã giải thích thêm, ông đang đề cập đến 6 nước có GDP bình quân đầu người cao nhất, theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF.
Năm quốc gia đó, bao gồm Qatar và Singapore, tự tuyên bố tình trạng đang phát triển để chưa phải thực hiện ngay một số cam kết của WTO, cho phép các nước có thêm cơ hội để thúc đẩy thương mại.
Trước cuộc họp, Hoa Kỳ đã bác bỏ bản phát thảo của tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh tính “trung tâm” của hệ thống thương mại toàn cầu và sự cần thiết phải viện trợ cho phát triển. Việc Hoa Kỳ phản đối đã dấy lên lo ngại rằng WTO sẽ không thể đạt được mục tiêu nào tại hội nghị, dù là khiêm tốn nhất, ví dụ như giải quyết vấn đề trợ cấp nông nghiệp và đánh bắt cá.
Ủy viên Thương mại châu Âu – bà Cecilia Malmstrom cho biết, “các nước cần phải có mục tiêu rõ ràng trong đầu. Riêng liên minh châu Âu, mục tiêu của chúng tôi là: gìn giữ và tăng cường sức mạnh cho hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ”.
Đòn giáng vào Trung Quốc
Trump đã ám chỉ rằng, ông ưu tiên thỏa thuận song phương hơn hệ thống đa phương, điển hình là WTO. Hoa Kỳ đã bác bỏ việc bổ nhiệm thẩm phán mới cho cơ quan giải quan tranh chấp của WTO, đẩy tổ chức này đến bên bờ khủng hoảng.
Hôm thứ hai vừa qua, các đại biểu đến từ một số nước đã chỉ trích sự chậm trễ này, mặc dù không đề cập trực tiếp đến Hoa Kỳ. Bộ trưởng Bộ thương mại Hàn Quốc ông Kim Hyun-chong, người vừa từ chức vị trí thẩm phán tại tòa Phúc thẩm của WTO trong năm nay, là một trong những người phát biểu khai mạc. Ông Kim nói rằng, các nước thành viên nên “nhanh chóng lấp đầy các ghế trống”.
Bộ trưởng Bộ thương mại Ấn Độ Suresh Prabhu cũng phát biểu tại hội nghị: “Các nước cần khẩn trương bắt tay để phá vỡ thế bế tắc hiện nay”.
Ông Lighthizer nói rằng không thể đàm phán thêm các quy định mới khi mà còn quá nhiều các quy định hiện tại chưa được tuân thủ, đồng thời bổ sung thêm nhận định, có quá nhiều nước xem việc “miễn trách” thực hiện quy định của WTO là con đường dẫn đến tăng trưởng nhanh hơn.
Về tập quán thương mại của Trung Quốc, Ông Lighthizer cũng úp mở cho biết, Hoa Kỳ đã dẫn dắt đàm phán để “sửa chữa lại thực trạng đánh buồn ở nhiều nước thành viên về vấn đề minh bạch và khai báo”.
Bộ trưởng Thương mại và Kinh tế Nhật Bản Hiroshige Seko cho biết, Nhật Bản cũng sẽ ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy tiêu chuẩn liên quan đến cơ chế thông tin.
Hoa Kỳ đang ủng hộ EU phản đối việc công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường, vì cho rằng chính phủ Trung Quốc can thiệp bất công vào nền kinh tế. Vụ việc đã được đưa ra tòa WTO và nếu Bắc Kinh chiến thắng, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ được giảm thuế đáng kể.
Bộ trưởng Bộ thương mại Trung Quốc ông Trung Sơn trong hôm thứ hai vừa qua đã phát biểu, mặc dù các biện pháp bảo hộ thương mại đang leo thang, không một quốc gia nào có thể thành công bằng cách cô lập, và cho rằng các quy tắc của WTO rất quan trọng trong công cuộc bảo vệ toàn cầu hóa.
Ông Trung Sơn mong muốn “các nước hãy chung tay và hành động thiết thực để bảo vệ uy tín và hiệu lực của WTO”.
 
WTO: Hội nghị Bộ trưởng bế mạc, ra các quyết định về trợ cấp nghề cá, thuế thương mại điện tử
Ngày 13/12, Hội nghị Bộ trưởng các nước thành viên WTO lần thứ 11 (MC 11) đã bế mạc tại thủ đô Buenos Aires (Argentina) với sự cam kết của các thành viên hướng tới đạt được một thỏa thuận về trợ cấp thủy sản vào cuối năm 2019, vốn được nêu ra trong Mục tiêu phát triển bền vững 14.6. Các nước cũng cam kết điều chỉnh quá trình báo cáo các chương trình trợ cấp nghề cá hiện có. Ngoài ra, các thành viên cũng thông qua một số quyết định cấp Bộ trưởng khác như không áp dụng thuế hải quan đối với giao dịch thương mại điện tử trong vòng hai năm nữa và cam kết tiếp tục đàm phán ở tất cả các lĩnh vực.
Theo quyết định của các Bộ trưởng về trợ cấp nghề cá, các nước thành viên WTO nhất trí tiếp tục tham gia tích cực trong các cuộc đàm phán trợ cấp nghề cá nhằm đạt được thỏa thuận cuối cùng tại Hội nghị Bộ trưởng tiếp theo vào năm 2019 về các nguyên tắc toàn diện và hiệu quả cấm các hình thức trợ cấp thủy sản, góp phần nhất định vào việc chấm dứt tình trạng đánh bắt quá mức. Việc loại bỏ trợ cấp (IUU) cũng góp phần làm giảm tình trạng đánh bắt bất hợp pháp, vốn không được báo cáo và kiểm soát.
Việc xây dựng các quy định mới về các khoản trợ cấp nghề cá đã được tạo thêm động lực mới sau khi các nhà lãnh đạo thế giới thông qua Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDG) vào tháng 9/2015. Mục tiêu phát triển bền vững 14.6 của SDG đưa ra thời hạn chót để loại bỏ trợ cấp IUU là vào năm 2020 và cấm các hình thức trợ cấp thủy sản nhất định, vốn gây nên tình trạng dư thừa và đánh bắt quá mức nhưng có sự đối xử đặc biệt và khác biệt đối với các nước đang phát triển và kém phát triển.
Các nước thành viên WTO cũng nhất trí về các vấn đề sau:
- Chương trình công tác về thương mại điện tử - Quyết định ở cấp Bộ trưởng.
- Các khiếu nại về tình hình và không vi phạm TRIPS - Quyết định ở cấp Bộ trưởng.
- Chương trình công tác về kinh tế quy mô nhỏ - Quyết định ở cấp Bộ trưởng.
- Thành lập Ban Công tác về gia nhập WTO của Nam Sudan.
Tuy nhiên, trong số các chủ đề quan trọng được thảo luận, Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 11 đã không đạt được một thỏa thuận cuối cùng nào. Một trong những lĩnh vực quan trọng nhất không đạt được thỏa thuận nào là thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nông nghiệp vì mục đích an ninh lương thực. Nhiều thành viên cảm thấy tiếc về khi không đạt được kết quả như mong muốn được mặc dù đã có quyết định kết thúc đàm phán chủ đề này tại MC11. Các vấn đề khác trong khuôn khổ đàm phán nông nghiệp cũng không đi đến được kết luận cuối cùng.
Các Bộ trưởng bày tỏ sự thất vọng về việc không đạt được sự tiến bộ cụ thể nào và cam kết tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán liên quan đến tất cả các vấn đề còn lại, bao gồm ba trụ cột của lĩnh vực nông nghiệp (hỗ trợ trong nước, tiếp cận thị trường và cạnh tranh xuất khẩu), tiếp cận thị trường phi nông nghiệp, dịch vụ, phát triển, TRIPS, các quy tắc thương mại và môi trường.
Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 11 diễn ra từ ngày 10-13/12, quy tụ gần 4.000 Bộ trưởng, các quan chức thương mại cao cấp và các đại biểu khác từ 164 quốc gia thành viên và quan sát viên của WTO cũng như đại diện của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và giới truyền thông toàn cầu.
 
WTO: Thụy Điển tài trợ 19,2 triệu SEK giúp các nước đang phát triển tham gia đàm phán thương mại toàn cầu
Chính phủ Thụy Điển quyết định tài trợ 19,2 triệu SEK (khoảng 2,3 triệu CHF) để giúp các nước đang phát triển nâng cao năng lực thương mại và tham gia đầy đủ vào các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu.
Khoản tài trợ này của Thụy Điển cho Quỹ tín thác toàn cầu thuộc Chương trình phát triển Doha sẽ giúp tổ chức các hội thảo đào tạo nâng cao trình độ, thực hiện tốt các hiệp định của WTO và nâng cao kỹ năng đàm phán cho các quan chức thương mại các nước thành viên tại Geneva và các nơi khác. Kể từ khi Quỹ được thành lập vào năm 2001, hơn 2.500 hội thảo đã được tổ chức.
Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevêdo nói: "Sự đóng góp của Thụy Điển sẽ rất cần thiết để đảm bảo các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới có tiếng nói trong các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu, qua đó giúp nhiều nước hơn tận dụng các cơ hội mà thương mại quốc tế mang lại”.
Bộ trưởng Thương mại Thụy Điển Ann Linde cho biết: "Thương mại đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng toàn diện, xóa đói giảm nghèo và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững giúp các nước đang phát triển nâng cao năng lực thương mại và hưởng lợi từ hệ thống thương mại đa biên. Đây cũng chính là ưu tiên của Thụy Điển. Vì vậy chúng tôi tiếp tục đóng góp đáng kể vào Quỹ tín thác phát triển Doha của Tổ chức thương mại thế giới WTO".
Tính chung, trong vòng 15 năm qua, Thụy Điển đã tài trợ hơn 48 triệu CHF cho các quỹ tín thác của WTO.

WTO: EU đóng góp 1 triệu EUR giúp các nước đang phát triển nâng cao kỹ năng thương mại
Liên minh châu Âu EU đã đóng góp 1 triệu EUR (trên 1,2 triệu CHF) để nâng cao năng lực thương mại của các nước đang phát triển, hỗ trợ các nước này đóng vai trò tích cực hơn trong các cuộc đàm phán thương mại.
Khoản đóng góp của EU cho Quỹ tín thác toàn cầu thuộc Chương trình phát triển Doha của WTO sẽ tài trợ các hội thảo đào tạo cho các quan chức thương mại các nước ở Geneva và các nơi khác, giúp họ hiểu rõ hơn, thực hiện tốt các hiệp định WTO và tăng cường kỹ năng đàm phán. Kể từ khi Quỹ này được thành lập vào năm 2001, hơn 2.500 hội thảo được tổ chức.
Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevêdo nói: "Sự đóng góp này rất quan trọng, giúp các quan chức thương mại từ các nước đang phát triển và các nước kém phát triển nhất nâng cao kiến ​​thức và hiểu biết về các vấn đề thương mại, tăng cường kết nối với các thị trường toàn cầu. Tôi hoan nghênh sự hỗ trợ hào phóng này của EU".
Ủy viên châu Âu Cecilia Malmström nói: "Tất cả các thành viên WTO phải có khả năng tham gia đàm phán thương mại nếu chúng ta muốn đạt được các giải pháp toàn cầu thật sự cho các vấn đề thương mại hiện nay. Khoản đóng góp này của chúng tôi sẽ được dùng để tài trợ cho các nỗ lực hỗ trợ sự tham gia của phụ nữ vào thương mại và nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của các doanh nhân nữ trong môi trường kinh doanh ngày nay”.
EU đã quyên góp hơn 20 triệu EUR (khoảng 22 triệu CHF) cho các Quỹ tín thác của WTO trong  suốt 15 năm qua, ngoài những khoản đóng góp đáng kể từ các nước thành viên EU.
 
WTO: Anh tài trợ 21,3 triệu USD cho Chương trình thương mại sáng tạo dành cho các nước kém phát triển nhất
Ngày 11/12, tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 11, Chính phủ Vương quốc Anh đã cam kết tài trợ 16 triệu Bảng Anh (khoảng 21,3 triệu đô la Mỹ) cho Chương trình hỗ trợ thương mại - một giải pháp phát triển cho 51 nước nghèo nhất thế giới - được thực hiện thông qua Chương trình thương mại toàn cầu, còn ​​được gọi là Khuôn khổ tăng cường hội nhập (EIF). Khoản kinh phí này sẽ giúp các nước kém phát triển nhất nâng cao kỹ năng, năng lực kinh tế, trở nên cạnh tranh hơn tại các thị trường hàng hóa và dịch vụ mới.
"Sự phát triển kinh tế và thương mại rõ ràng là cách hiệu quả nhất để các quốc gia có thể tạo ra thêm các nguồn đầu tư và việc làm", ông Greg Hands, Phụ trách chính sách thương mại tại Bộ Thương mại quốc tế Vương quốc Anh, nói: "Tôi rất vui mừng vì sự hỗ trợ hào phóng của Vương quốc Anh đối với EIF sẽ giúp các nước nghèo nhất thế giới thoát nghèo".
Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevêdo đã nêu bật sự hỗ trợ của EIF đối với các nước nghèo nhất thế giới nhằm nâng cao năng lực sản xuất và tạo thêm việc làm, tập trung vào sản xuất các mặt hàng như gia vị, xoài, mật ong, hàng dệt may…Một số quốc gia đối tác của EIF, tất cả đều ở châu Phi và châu Á và Thái Bình Dương, đã có sự tăng trưởng ấn tượng về các dịch vụ như du lịch và công nghệ thông tin. Từ năm 2008, khi EIF được thành lập, 51 quốc gia đã được hưởng lợi từ các hoạt động của chương trình này; riêng năm 2016, EIF đã hỗ trợ 189 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các nước kém phát triển nhất trên toàn thế giới.
Tổng Giám đốc WTO Avezedo nói: "EIF đã làm được các công việc quan trọng và đã có những tác động tốt trên thực tế. Tuy vậy, chúng ta đang ở mức xuất phát điểm khá thấp nên hiện còn rất nhiều việc phải làm. Chúng tôi đặc biệt cảm ơn sự cam kết của Vương quốc Anh tại thời điểm này. Chúng tôi coi đây là sự công nhận rằng EIF và các quốc gia đối tác đang thực sự đi đúng hướng".
Kêu gọi sự ủng hộ lớn hơn
Trong bối cảnh đang phải chịu thâm hụt thương mại trị giá 93 tỷ đô la Mỹ - phần lớn là do giá hàng hóa giảm - các quan chức thương mại từ một số nước nghèo nhất thế giới đã tham gia các cuộc họp với các Chính phủ tài trợ bên lề Hội nghị Bộ trưởng WTO vào ngày 12/12 và kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn để kết nối các nền kinh tế kém phát triển nhất với thị trường xuất khẩu.
Ông Pan Sorasak, Bộ trưởng Thương mại Chính phủ Hoàng gia Campuchia, nói: "Các quốc gia kém phát triển nhất chiếm 13% dân số thế giới nhưng lại chiếm ít hơn 1% tổng thương mại toàn cầu. Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm nhưng rõ ràng rằng thương mại là một động cơ để phát triển bền vững. Đã đến lúc thực hiện lời hứa về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người dân nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất của chúng ta".
Các nước kém phát triển phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Thâm hụt thương mại trong năm 2016 lên mức 92,9 tỷ USD, tăng gấp 9 lần kể từ năm 2005 và thị phần của các nước nghèo nhất thế giới trên thị trường toàn cầu đã giảm 6% trong năm ngoái, chủ yếu là do giá nhiên liệu và các sản phẩm khai thác giảm.
Giám đốc điều hành EIF Ratnakar Adhikari cho biết nhiều cam kết tài trợ đã được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 11 và trong năm tới sẽ giúp các nước kém phát triển thay đổi mô hình theo hệ thống kinh tế toàn cầu, bao gồm cả xu hướng phát triển thương mại điện tử. Cho đến nay, nhờ có EIF, nhiều doanh nghiệp đã đạt được những thành công nhất định. "Nhưng điều này không có nghĩa là công việc đã hoàn thành. Thay vào đó, đây là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của công việc này và cần nhận được sự quan tâm nhiều như thế nào".
EIF được 24 quốc gia tài trợ và nằm dưới sự quản lý của Quỹ tín thác EIF. Kể từ năm 2008, EIF đã đầu tư hơn 220 triệu USD để giúp các nước kém phát triển nhất tăng cường năng lực thương mại. Ngoài khoản tài trợ của Vương quốc Anh được công bố vào ngày 11/12, EIF đã nhận được các cam kết đóng góp thêm 160 triệu đô la Mỹ để giúp 47 nước kém phát triển và 4 nước mới ra khỏi danh sách này đạt được mục tiêu xuất khẩu của mình.
"Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các công cụ sẵn có để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển, tạo việc làm và hội nhập", Tổng Giám đốc WTO Azevêdo nói, "Thúc đẩy được đầy đủ những mặt này chắc chắn là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta. Các giải pháp không phải lúc nào cũng rõ ràng nhưng chúng ta không thể bỏ qua các cuộc thảo luận về vấn đề này và càng không thể tin rằng điều đó không tồn tại".
 
Trung Quốc: Quy định chống bán phá giá mới của EU vi phạm cơ chế WTO 
Ngày 20/12, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, các biện pháp chống bán phá giá mới của Liên minh châu Âu (EU) là vi phạm những quy định của WTO.
Ngày 20/12, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, các biện pháp chống bán phá giá mới của Liên minh châu Âu (EU) là vi phạm những quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ: Trung Quốc hy vọng Liên minh châu Âu sẽ tuân thủ chặt chẽ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, đồng thời thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình một cách thiện chí và toàn diện.
Trước đó một ngày, Liên minh châu Âu chính thức công bố các quy định về chống bán phá giá mới, trong đó loại bỏ sự phân biệt giữa “các nền kinh tế thị trường và các nền kinh tế phi thị trường” trong việc tính toán biên độ phá giá đối với hàng nhập khẩu từ các nước thứ ba. Theo quy định mới, Liên minh châu Âu quy định cơ quan điều tra - là Ủy ban Châu Âu, có nghĩa vụ chứng minh nước đang bị điều tra (không phân biệt thị trường hay phi thị trường) có “sự bóp méo đáng kể” bởi sự can thiệp của nhà nước, thì được quyền sử dụng phương pháp tính toán cũ.
Tuy nhiên, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng quy định mới của Liên minh châu Âu không thực sự phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và làm suy yếu hệ thống pháp lý về chống bán phá giá của Tổ chức Thương mại Thế giới. Phía Trung Quốc nói rằng cụm từ “thị trường bị bóp méo đáng kể” không có ý nghĩa trong các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Trung Quốc khẳng định sẽ bảo vệ quyền lợi của mình theo cơ chế của Tổ chức Thương mại Thế giới và sẽ có những hành động cần thiết để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.
 
WTO: Việt Nam khẳng định cam kết với hệ thống thương mại đa biên 
Ngày 11/12, phát biểu trong phiên họp toàn thể Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lần thứ 11 đang diễn ra tại Argentina, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Quốc Khánh khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hệ thống thương mại đa biên, đồng thời đánh giá cao vai trò của WTO.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh đã có nhiều thay đổi kể từ Hội nghị bộ trưởng WTO lần thứ 10 tới nay. Nhiều hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) và khu vực (RTA) tiếp tục được đẩy mạnh đàm phán. Trong khi đó, chủ nghĩa dân túy, đặc biệt là chủ nghĩa bảo hộ thương mại đã quay lại mạnh mẽ, tiềm ẩn rủi ro đối với trao đổi thương mại toàn cầu cũng như hệ thống thương mại đa biên.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định hệ thống thương mại đa biên đang tồn tại một số bất cập, chưa phù hợp với sự biến đổi của thời đại, đồng thời kêu gọi WTO đưa ra giải pháp khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng hoạt động, để tổ chức này không chỉ là một diễn đàn đàm phán hiệu quả mà còn là một cơ quan có uy tín trong việc duy trì và bảo đảm sự công bằng trong thương mại thế giới.
Trưởng đoàn Việt Nam kêu gọi các nước thành viên WTO cần nỗ lực tối đa và linh hoạt để có thể đạt được kết quả đàm phán tích cực, tạo cơ sở quan trọng cho việc giải quyết những vấn đề mấu chốt trong thời gian tới.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cảnh báo nếu đàm phán tại hội nghị lần này thất bại sẽ tác động tiêu cực tới hệ thống thương mại đa biên cũng như sự phục hồi kinh tế còn mong manh hiện nay của kinh tế thế giới.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh bày tỏ Việt Nam sẵn sàng nỗ lực cùng với các thành viên khác xử lý các vấn đề của WTO.
Ông cho biết tại Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức mới đây tại Đà Nẵng, Việt Nam đã đóng góp vào việc đưa ra Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC ủng hộ hợp tác để cải thiện hoạt động của WTO, bao gồm các cơ chế đàm phán, giám sát và giải quyết tranh chấp, nhằm xử lý một cách phù hợp các thách thức mà hệ thống đang phải đối mặt, đem lại lợi ích cho mọi người dân và doanh nghiệp.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng nhấn mạnh bên cạnh việc củng cố, kiện toàn cơ chế hoạt động của WTO, cần mở rộng tổ chức, đồng thời bày tỏ mong muốn Hội nghị sẽ đạt được những kết quả quan trọng, tạo tiền đề để tiếp tục thúc đẩy đàm phán, thực hiện cam kết của WTO, mang lại lợi ích to lớn và thiết thực cho sự phát triển của các thành viên.
Hội nghị bộ trưởng WTO lần thứ 11 đã khai mạc ngày 10/12 tại thủ đô Buenos Aires của Argentina với sự tham dự của hơn 4.000 đại biểu từ 164 quốc gia thành viên. Theo kế hoạch, trong 4 ngay, gần 180 bộ trưởng các nước thành viên WTO tham dự hội nghị sẽ tập trung thảo luận về 5 chủ đề trọng tâm, gồm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp, trợ cấp ngư nghiệp, thương mại điện tử và thuế các mặt hàng công nghiệp.
Hội nghị cũng sẽ thảo luận về những lĩnh vực như hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hút đầu tư, thúc đẩy trao đổi thương mại, bảo vệ môi trường và đưa ra những đề xuất đẩy nhanh việc kết thúc vòng đàm phán Doha bị trì hoãn trước đó.
 
Nguồn: Asem/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK
 Nhật Bản tham gia cơ chế thay thế Ban Phúc thẩm của WTO
 Sự kiện về tiêu chuẩn khử cacbon thúc đẩy tính minh bạch và gắn kết trong ngành thép
 Các thành viên WTO thúc đẩy sự tham gia của các nước LDCs vào chuỗi cung ứng toàn cầu
 Đàm phán thương mại điện tử bước vào vòng cuối cùng, Cộng hòa Kyrgyzstan tham gia sáng kiến
 Các nước tham gia Đối thoại Nhựa chuẩn bị nền tảng để đạt được kết quả tại MC13
 Tổng Giám đốc WTO kêu gọi sự hỗ trợ của các Bộ trưởng các nước vùng Vịnh để thực hiện các kết quả MC12 và vạch ra lộ trình đến MC13
 Đồng Chủ tịch Nhóm không chính thức Thương mại và Giới trình bày dự thảo kế hoạch hoạt động cho năm 2023
 Phó Tổng Giám đốc Ellard: Công nghệ mang đến những thách thức và cơ hội cho tương lai của thương mại
 Phó Tổng Giám đốc González: “Cải cách WTO là thúc đẩy thương mại bền vững và toàn diện”
 Phó Tổng Giám đốc Ellard thảo luận về thành công của WTO, nhu cầu cải cách, mức độ phù hợp để giải quyết khủng hoảng khí hậu
 Xuất khẩu hàng trung gian tăng trưởng bền vững trong quý II/2022
 WTO ưu tiên cải cách hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại
 Phó Tổng Giám đốc Ellard thảo luận về lợi ích của chủ nghĩa đa phương, rủi ro của chủ nghĩa đơn phương, cải cách WTO
 Các thành viên WTO nhất trí về Chương trình làm việc hỗ trợ hương mại giai đoạn 2023-2024
 Singapore đệ trình chính thức chấp thuận Hiệp định về trợ cấp nghề cá


© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710907086