Thứ bảy, 27-4-2024 - 13:57 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thặng dư thương mại ngành nông lâm thủy sản của Việt Nam năm 2023 

 Thứ hai, 15-1-2024

AsemconnectVietnam - Năm 2023, thặng dư thương mại toàn ngành đạt trên 11 tỷ USD, mức cao nhất trong những năm gần đây.

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của nước ta trong năm 2023 ước đạt trên 53 tỷ USD.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô (sản lượng lúa đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022, sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,6 triệu tấn, tăng 3,5%; sản lượng thủy sản 9,3 triệu tấn, tăng 2,9%).
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành đạt trên 11 tỷ USD (mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước). Trong đó một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: hàng rau quả tăng trên 70% và gạo tăng trên 36%, gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân, ngon nhất thế giới.
Những thành tựu và tồn tại của ngành nông lâm thủy sản
Năm qua, ngành nông lâm thủy sản Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế (Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo, Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng chống thiên tai...), qua đó giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu nông lâm thủy sản trong nước, khu vực và quốc tế, thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
Số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên tăng đều qua các tháng và đạt 11.000 sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Ngành cũng đã nghiên cứu, sản xuất thành công và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp vẫn còn những tồn tại, yếu kém. Cụ thể, Quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (về lâm nghiệp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và cảng cá) chưa được ban hành đúng kế hoạch; Chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản và tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới chưa đạt chỉ tiêu Chính phủ giao;
Các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hiệu quả chưa thật sự ổn định. Liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao để giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến; điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép; chưa gỡ được "thẻ vàng" về IUU; sạt lở bờ sông, bờ biển, tiếp tục diễn ra.
Nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết, luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành theo định hướng "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh", tiếp tục thực hiện chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, trong năm 2023, ngành nông nghiệp sẽ tập trung tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi.
Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi. Kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để bảo đảm kế hoạch sản xuất; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống thiên tai để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Định hướng các địa phương có kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường; đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế nông thôn.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu; hỗ trợ các địa phương kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng ngành; nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đào tạo, huấn luyện hình thành đội ngũ nông dân thế hệ mới có kiến thức kinh tế, kỹ năng thích ứng với nền nông nghiệp xanh và thị trường.
Cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh vào nông nghiệp, nông thôn.
Tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2023
Theo số liệu của Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xuất khẩu thủy sản năm 2023 ước đạt khoảng 9,2 tỷ USD, đạt 92% so với kế hoạch (10 tỷ USD).
Trong đó, xuất khẩu tập trung vào: Tôm khoảng 3,45 tỷ USD; cá tra khoảng 1,9 tỷ USD; nhuyễn thể khoảng 0,8 tỷ USD; cá ngừ khoảng 0,9 tỷ USD.
Ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine kéo dài, giao tranh giữa Israel - Hamas, tình hình bất ổn tại Trung Đông khiến kinh tế thế giới phục hồi chậm; giá cả một số hàng hóa, vật tư đầu vào phục vụ phát triển thủy sản vẫn còn ở mức cao, chi phí logistics cao gây áp lực đối với hoạt động sản xuất, đặc biệt là khi nhu cầu tiêu thụ chững lại và quy mô sản xuất bị thu hẹp; Ủy ban châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam,... khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam không đạt được kế hoạch đề ra.
Theo ông Nhữ Văn Cẩn - Phó cục trưởng Cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản năm 2023 ước đạt 9,269 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2022. Trong số đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt 3,861 triệu tấn, tương đương với năm 2022; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,408 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2022.
Riêng sản lượng khai thác chưa đạt chỉ tiêu đề ra là phải giảm còn 3,68 triệu tấn. Còn về nuôi trồng thì riêng nuôi biển đạt khoảng 9,5 triệu m3 lồng, tăng 5,5% so với năm 2022, cùng với 57.000 ha nuôi nhuyễn thể. Tổng sản lượng nuôi biển đạt khoảng 789.800 tấn, tăng 10,1% so với năm 2022.
Ông Dương Long Trì - Phó Tổng thư ký Hội Thủy sản Việt Nam - cho rằng, sản lượng tôm và cá tra đều tăng nhưng nếu tăng sản lượng mãi cũng khó.
Đến nay, sản lượng tôm nuôi khoảng 1,1 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu vẫn chỉ dao động từ 3,5 - 4 tỷ USD, trong khi trước đây chỉ có 700.000 tấn, giá trị cũng đạt tương đương.
Vì vậy, cần xem xét giải pháp sơ chế, chế biến để nâng cao được giá trị sản phẩm chủ lực để nâng cao kim ngạch xuất khẩu.
Liên quan đến quản lý khai thác thủy sản, ông Nguyễn Văn Trung - Trưởng phòng Quản lý tàu cá và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá - cho rằng, cần hoàn thiện phần mềm Nhật ký điện tử phục vụ truy suất nguồn gốc thủy sản, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý khai thác tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Trung, số hóa dữ liệu là cơ sở quan trọng để quản lý, điều hành, minh bạch nghề cá. Sản lượng, nguồn lợi khai thác, số lượng tàu, số lao động thuyền viên tàu qua cảng phải áp dụng công nghệ số, phần mềm quản lý nhằm vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm nguồn lực.
Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản - nhận định, nguồn lợi hải sản suy giảm; EC vẫn giữ cảnh báo “thẻ vàng”; nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chưa có dấu hiệu hồi phục là những khó khăn ngành thủy sản tiếp tục phải đối mặt trong năm 2024.
Do đó, năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 9,22 triệu tấn, tương đương với ước thực hiện năm 2023. Trong số đó, sản lượng khai thác khoảng 3,54 triệu tấn, giảm 8,3% so với năm 2023; sản lượng nuôi trồng 5,68 triệu tấn, tăng 5% so với ước năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 9,5 tỷ USD.
Để vượt qua khó khăn về thị trường xuất khẩu, ông Trần Đình Luân cho rằng, phải tiếp tục tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi và chuỗi ngang. Trong lĩnh vực khai thác phải truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp; khai thác phải phù hợp với trữ lượng nguồn lợi và đảm bảo an toàn thực phẩm trên tàu cá, cảng cá về đến nhà máy.
Ngoài yêu cầu về giảm phát thải, tăng sản xuất xanh thì phúc lợi động vật cũng là vấn đề đặt ra đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thời gian tới. Đây không chỉ là nhu cầu của thị trường trong nước mà còn là xu hướng thị trường tiêu dùng thế giới thời gian tới.
CK
Nguồn: VITIC/congthuong.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710930232