Thứ sáu, 26-4-2024 - 11:55 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tình hình xuất nhập khẩu rau quả của Việt Nam năm 2019 

 Thứ tư, 12-2-2020

AsemconnectVietnam - Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2019 sụt giảm chút ít so với năm 2018.

Trung Quốc liên tục là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại rau quả của Việt Nam trong năm qua.

Tình hình xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2019
Mặc dù xuất khẩu rau quả liên tục tăng trong 5 tháng cuối năm 2019, nhưng tính chung cả năm 2019 thì kim ngạch lại giảm 1,6% so với năm 2018, đạt 3,75 tỷ USD, riêng tháng 12/2019 tăng 11,1% so với tháng 11/2019, đạt 335,26 triệu USD.
Trung Quốc liên tục là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại rau quả của Việt Nam, chiếm tới 64,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước, đạt 2,43 tỷ USD, giảm 12,7% so với năm 2018.

Đứng sau thị trường chủ đạo Trung Quốc là một số thị trường đạt kim ngạch trên 100 triệu USD như: Đông Nam Á đạt 226,43 triệu USD, tăng 68,7%; Mỹ đạt 150,03 triệu USD, tăng 7,2%; EU đạt 148,19 triệu USD, tăng 28,5%; Hàn Quốc đạt 131,85 triệu USD, tăng 15,8%; Nhật Bản đạt 122,34 triệu USD, tăng 16,4%.
Trong năm 2019, xuất khẩu rau quả sang hầu hết các thị trường tăng kim ngạch so với năm 2018, trong đó các thị trường tăng mạnh trên 100% về kim ngạch gồm có: Lào tăng 655%, đạt 78,83 triệu USD; Indonesia tăng 284,8%, đạt 5,75 triệu USD; Hồng Kông tăng 235,5%, đạt 72,09 triệu USD.
Chỉ có một vài thị trường sụt giảm kim ngạch như: U.A.E giảm 10,7%, đạt 35,2 triệu USD; Ukraine giảm 9,1%, đạt 1,05 triệu USD; Malaysia giảm 32,2%, đạt 31,1 triệu USD.

Những điều cần lưu ý đối với xuất khẩu rau quả trong bối cảnh dịch viêm phổi do virus Corona kéo dài
Rau quả xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, theo Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương đánh giá: Nếu dịch viêm phổi do virus corona kéo dài, việc thông thương, đi lại qua các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hạn chế thì chắc chắn lưu lượng hàng hóa thông qua các cửa khẩu sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn trong thời gian tới. Các DN Việt Nam, đặc biệt là DN kinh doanh nông sản cần lường trước tình huống DN Trung Quốc không thể nhận hàng để có giải pháp thay đổi phương thức giao hàng, chuyển hướng XK hoặc tiêu thụ trong nước cho phù hợp. Bên cạnh đó, các DN cần bám sát tình hình, trao đổi thường xuyên với đối tác để nắm được những thay đổi phát sinh trong trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh gây ra. Các địa phương có đường biên giới với Trung Quốc cũng cần theo dõi chặt chẽ hoạt động giao thương của cư dân biên giới để đảm bảo có biện pháp quản lý đồng bộ với hoạt động thương mại thông qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia.

Cục Xuất nhập khẩu đề nghị các địa phương, hiệp hội ngành hàng, DN, thương lái, hộ nông dân cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan theo dõi sát diễn biến hoạt động XK nông, thủy sản nói chung và trái cây nói riêng qua các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng… nhằm chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, XK hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác; thực hiện nghiêm túc hoạt động XK sang thị trường Trung Quốc theo thông lệ quốc tế, nâng cao chất lượng, triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước NK, tránh phát sinh rủi ro và giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Một số chuyên gia trong ngành nông nghiệp nhìn nhận, dịch bệnh viêm phổi do virus corona từ Trung Quốc không chỉ gây khó khăn tới tình hình XK hàng hóa, đặc biệt là nông sản sang Trung Quốc mà còn tác động đến các thị trường châu Âu, châu Mỹ khi người tiêu dùng nhiều nước trên thế giới hạn chế đi lại mua sắm, ảnh hưởng đến sức tiêu thụ. Vì vậy, bên cạnh sự thận trọng, DN cần thực sự có giải pháp tự ứng cứu, không thể hoàn toàn trông chờ vào việc mở cửa trở lại từ thị trường Trung Quốc. Điển hình như, các mặt hàng rau quả, trái cây... có thể nỗ lực hơn nữa thúc đẩy XK sang các thị trường khác, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc...

Tình hình nhập khẩu rau quả của Việt Nam năm 2019
Rau quả có xuất xứ Thái Lan nhập khẩu về Việt Nam năm 2019 giảm rất mạnh 28,5% so với năm 2018, nhưng nhập khẩu từ thị trường Mỹ tăng rất mạnh 44,4%.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu rau quả vào Việt Nam trong tháng cuối năm 2019 tăng mạnh 26,8% so với tháng 11/2019, đạt 151,57 triệu USD; nhưng so với tháng 12/2018 thì giảm 9,4%. Tính chung cả năm 2019 kim ngạch đạt 1,78 tỷ USD, tăng nhẹ 1,9% so với năm 2018.
Rau quả có xuất xứ Thái Lan nhập khẩu về Việt Nam mặc dù vẫn đứng đầu về kim ngạch nhưng so với năm 2018 thì sụt giảm rất mạnh, giảm 28,5%, chỉ đạt 486,74 triệu USD chiếm 27,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của cả nước; Rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc tăng nhẹ 6% so với năm 2018, đạt 455,63 triệu USD, chiếm 25,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của cả nước.
Ngược lại, rau quả từ thị trường Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam năm 2019 tăng rất mạnh 44,4%, đạt 303,37 triệu USD, chiếm 17,1%. Nhập khẩu rau quả từ Australia giảm 4,9%, đạt 113,52 triệu USD.
Nhìn chung, trong năm 2019, nhập khẩu rau quả từ hầu hết các thị trường đều tăng kim ngạch so với năm 2018, trong đó tăng mạnh ở các thị trường sau: Chile tăng 93,8%, đạt 19,35 triệu USD; Myanmar tăng 98%, đạt 62,8 triệu USD; Israel tăng 67,3%, đạt 4,15 triệu USD; Nam Phi tăng 66,4%, đạt 31,74 triệu USD.
CK
Nguồn: VITIC

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710894748