Thứ sáu, 19-4-2024 - 14:6 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tình hình xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch cao của Việt Nam 11 tháng đầu năm 2019 

 Thứ sáu, 17-1-2020

AsemconnectVietnam - Điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, điện tử và linh kiện; và hàng dệt may là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2019.

Trong đó, xuất khẩu điện thoại chiếm 20,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Tình hình xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam 11 tháng đầu năm 2019

Điện thoại và linh kiện là nhóm hàng đứng đầu về kim ngạch trong các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan (TCHQ), điện thoại các loại và linh kiện là nhóm hàng đứng đầu về kim ngạch trong các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 20,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước, đạt xấp xỉ 48,53 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2019, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó riêng tháng 11/2019 xuất khẩu đạt 4,5 tỷ USD, giảm 13,8% so với tháng liền kề trước đó và giảm 5,7% so với tháng 11/2018.

EU là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại điện thoại và linh kiện của Việt Nam, với 11,67 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm, chiếm trên 24,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại của cả nước, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường Mỹ đứng thứ 2 về kim ngạch, đạt 8,45 tỷ USD, chiếm 17,4%, tăng mạnh 62,5%; tiếp đến Trung Quốc đạt 7,36 tỷ USD, chiếm 15,2%, giảm 12,4%; Hàn Quốc đạt 4,9 tỷ USD, chiếm 10,1%, tăng 18,1%; U.A.E 3,31 tỷ USD, chiếm 6,8%, giảm 8,9%.

Tình hình xuất khẩu máy vi tính, điện tử và linh kiện 11 tháng đầu năm 2019
Xuất khẩu máy vi tính, điện tử và linh kiện 11 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng trên 20% và đạt 32,39 tỷ USD.
Xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện của cả nước trong tháng 11/2019 đạt 3,27 tỷ USD, giảm 7,1% so với tháng trước đó nhưng tăng 29% so với cùng tháng năm 2018. Tính chung, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt 32,39 tỷ USD, chiếm 13,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại của cả nước, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2018 - theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan (TCHQ).

Riêng xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 28,91 tỷ USD, chiếm 89,3% trong tổng kim ngạch, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Thị trường Trung Quốc đứng đầu về tiêu thụ nhóm hàng này của Việt Nam, chiếm 26,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 8,47 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ; thị trường lớn thứ 2 là Mỹ đạt 5,37 tỷ USD, chiếm 16,6%, tăng rất mạnh 103,5% so với cùng kỳ; Tiếp theo là thị trường EU đạt 4,3 tỷ USD, chiếm 13,3%, giảm 6,7%; Xuất khẩu sang Hồng Kông đạt 2,71 tỷ USD, chiếm 8,4%, tăng 30,7%.

Tình hình xuất khẩu giày dép của Việt Nam 11 tháng đầu năm 2019
Xuất khẩu nhóm hàng giày dép trong 11 tháng đầu năm 2019 tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 16,55 tỷ USD.
Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhóm hàng giày dép ra thị trường nước ngoài tăng tháng thứ 2 liên tiếp, tháng 10/2019 tăng 20,4%, tháng 11/2019 tăng tiếp 6,9%, đạt 1,7 tỷ USD; so với tháng 11/2018 cũng tăng 11,6%. Tính chung, xuất khẩu nhóm hàng này trong 11 tháng đầu năm 2019 tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 16,55 tỷ USD.

Những thị trường hàng đầu về tiêu thụ giày dép của Việt Nam đạt kim ngạch trên tỷ USD, đó là Mỹ, EU, Trung Quốc, Bỉ; trong đó xuất sang Mỹ đạt trên 5,96 tỷ USD, chiếm 36% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, tăng 13,3% so với 11 tháng đầu năm 2018. Xuất khẩu sang thị trường EU đạt trên 4,54 tỷ USD, chiếm 27,5%, tăng 8,3%. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 1,63 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ, chiếm 9,9% trong tổng kim ngạch; Bỉ đạt 1,05 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ, chiếm 6,4%.

Dẫn nguồn tin từ congthuong.vn, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết từ năm 2015 đến nay, ngành da giày Việt Nam liên tục đứng vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép (sau Trung Quốc), ước tính cả năm 2019, xuất khẩu đạt mục tiêu 22 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm 2018.
Hiện Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm giày dép tới trên 100 nước, trong đó có 70 nước đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD.
Năm 2019 hoạt động xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam tăng trưởng ổn định, duy trì được lợi thế cạnh tranh tại các thị trường truyền thống. Top 5 thị trường có kim ngạch lớn nhất, chiếm trên 82% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam bao gồm: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 22 tỷ USD, nhưng đóng góp chủ yếu cho kim ngạch xuất khẩu là khối doanh nghiệp FDI, với 15,1 tỷ USD, chiếm 75,8%. Tuy nhiên, khoảng cách của doanh nghiệp FDI và trong nước đã thu hẹp, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng từ 19,7% (năm 2017) lên 24,2% (năm 2019). Đây là dấu hiệu tốt, khẳng định sự phục hồi của các doanh nghiệp da giày trong nước.

Từ những tín hiệu tích cực trên, năm 2020, Lefaso dự báo nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm da giày tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn tăng. Vì theo các chuyên gia quốc tế, từ năm 2020 nguy cơ đối đầu thương mại Mỹ - Trung; giữa Mỹ với các đối tác thương mại khác ở châu Âu, Ấn Độ… sẽ giảm dần và nền kinh tế toàn cầu sẽ dần phục hồi. Các đơn hàng gia công giày dép, túi xách tiếp tục xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định FTA, thay thế cho sự sụt giảm xuất khẩu của Trung Quốc. Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp FDI tiếp tục đầu tư mới và mở rộng sản xuất, sẽ giúp ngành da giày duy trì tăng trưởng xuất khẩu.
Lefaso dự báo năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp trung bình của ngành tăng khoảng 11%, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm 60%, kim ngạch xuất khẩu đạt 24 tỷ USD, giữ vững tốc độ tăng trưởng 10% so với năm 2019.
CK
Nguồn: VITIC

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710714542