Thứ bảy, 4-5-2024 - 16:48 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thỏa thuận Xanh EU: Doanh nghiệp xuất khẩu tăng nhận biết lạc quan để ứng phó 

 Thứ hai, 20-11-2023

AsemconnectVietnam - Việc theo dõi và thích ứng với các chính sách trong khuôn khổ Thoả thuận Xanh EU liên quan tới sản phẩm của mình là đòi hỏi cấp bách đối với các DN sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam để duy trì xuất khẩu bền vững ở thị trường EU.

Thỏa thuận Xanh EU (The European Green Deal - EGD) là Chương trình tổng thể và dài hạn của Liên minh châu Âu (EU), nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050. Được thông qua ngày 15/1/2020 và chỉ trong chưa đầy 4 năm triển khai, Thỏa thuận Xanh EU đã có nhiều chính sách dự kiến có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào khu vực này.
93% DN chưa từng biết tới Thỏa thuận Xanh EU
Các chính sách trong Thỏa thuận Xanh của EU sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu Việt Nam theo các cách thức khác nhau. Những nhóm sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất bao gồm sản phẩm điện, điện tử, công nghệ thông tin, máy móc thiết bị và linh kiện liên quan. Nhóm sản phẩm nông sản, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ; thực phẩm các loại đặc biệt là thực phẩm hữu cơ; dệt may, giày dép; các loại hóa chất, phân bón, pin, ắc quy, sắt thép, nhôm, xi măng và bao bì của các loại sản phẩm…
Tại Hội thảo “Thỏa thuận xanh EU - Tác động tới xuất khẩu Việt Nam, những điều doanh nghiệp cần biết” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện FNF Việt Nam tổ chức ngày 16/11, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, việc EU từng bước thực thi các mục tiêu trong Thỏa thuận Xanh sẽ tác động trực tiếp đến các hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam.
“Nông sản thực phẩm và chiến lược “từ trang trại tới bàn ăn” với chính sách thắt chặt việc sử dụng nông hóa phẩm, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc xanh của sản phẩm nhập khẩu vào EU. Nhóm hàng chế biến chế tạo như điện tử, công nghệ thông tin đều nằm trong kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn mới của EU, với 35 nhóm hành động đang được triển khai cấp tập. Đó là chưa kể tới các chính sách đơn lẻ khác ảnh hưởng trực tiếp tới một số loại sản phẩm cụ thể nhập khẩu vào EU như quy định về chống phá rừng EUDR hay cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới”, ông Vinh cho biết.
Tuy nhiên, thực trạng được ông Vinh chỉ ra căn cứ theo khảo sát nhanh do VCCI thực hiện tháng 8/2023 cho thấy, có tới 88%-93% các DN và các chủ thể liên quan khác chưa từng biết tới, hoặc chỉ nghe nói sơ qua về Thỏa thuận Xanh EU. Tỷ lệ các doanh nhân, cán bộ nhân viên, người lao động trong DN biết rõ về Thỏa thuận Xanh EU chỉ ở mức 4%, thấp hơn nhiều so với các nhóm tham gia khảo sát khác từ 8%-12%.
“Danh sách các chính sách xanh có tác động trực tiếp tới hàng hoá xuất khẩu vào EU sẽ còn tiếp tục được nối dài, cùng tiến trình triển khai các mục tiêu trong Thoả thuận Xanh EU đến năm 2050, đặc biệt trong giai đoạn từ nay tới 2030. Do đó, các DN sản xuất, xuất khẩu Việt Nam phải tìm hiểu kỹ và thích ứng với các chính sách trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh EU nói riêng, các thị trường đang có những chuyển đổi xanh nói chung”, ông Nguyễn Quang Vinh cảnh báo.
Chuẩn bị ứng phó từ sớm các yêu cầu Xanh
Theo các chuyên gia, mặc dù trước mắt các chính sách Xanh của EU đặt ra những thách thức lớn cho xuất khẩu Việt Nam, nhưng trong lâu dài, việc thực hiện chủ động chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện có thể mang lại những cơ hội nhất định cho DN. TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho rằng, Thoả thuận Xanh EU sẽ có 3 tác động lớn với xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có gia tăng các tiêu chuẩn xanh với hàng hoá; gia tăng trách nhiệm tài chính xanh của nhà sản xuất; và gia tăng trách nhiệm giải trình. Nhưng thách thức từ Thỏa thuận Xanh EU đặt ra với xuất khẩu Việt Nam lại nằm ở sự thay đổi, nâng cao nhận thức của DN, hiệp hội và các chủ thể liên quan.
“Với tính chất là gói chính sách toàn diện và có lộ trình rất dài, Thỏa thuận Xanh EU và các chính sách, biện pháp thực thi không chỉ nhiều về số lượng, phức tạp về tính chất, mà còn liên tục phát triển qua thời gian. Không có bộ các tiêu chuẩn xanh chung, không có lộ trình chuyển đổi xanh thống nhất cho tất cả các loại hàng hóa xuất khẩu sang EU, cho nên việc ứng phó với các thách thức từ Thỏa thuận Xanh EU là nhiệm vụ rất khó khăn đối với phần lớn các DN Việt Nam”, TS. Nguyễn Thị Thu Trang nhận định.
Do đó, các DN cần phải có sự chuẩn bị từ sớm để đáp ứng các yêu cầu Xanh của EU, bằng việc tiếp cận sớm thị trường với các sản phẩm xanh đầy tiềm năng của EU. Mặc dù điều này sẽ yêu cầu mức đầu tư ban đầu cao nhưng sẽ là nhân tố giúp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho DN trong dài hạn. Hơn nữa, DN tham gia chuyển đổi xanh còn góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh trong nội địa nền kinh tế, đóng góp có ý nghĩa vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.
“Các DN sản xuất, xuất khẩu nông sản thực phẩm và dệt may Việt Nam sang EU cần quan tâm theo dõi sát xu hướng Xanh của EU. Các DN cần chủ động, phối hợp chặt chẽ với khách hàng và các đơn vị liên quan trong cập nhật quá trình soạn thảo, thông qua và áp dụng các tiêu chuẩn, quy định xanh cụ thể liên quan tới sản phẩm của mình để có hành động chuẩn bị phù hợp, chủ động và tích cực để sẵn sàng tuân thủ”, TS. Nguyễn Thị Thu Trang khuyến nghị.
Có thể thấy, những động thái của EU trong chuyển đổi xanh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể tới một bộ phận không nhỏ của xuất khẩu Việt Nam. Việc theo dõi và thích ứng với các chính sách trong khuôn khổ Thoả thuận Xanh EU liên quan tới sản phẩm của mình là đòi hỏi cấp bách đối với các DN sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam để duy trì xuất khẩu bền vững ở thị trường EU. Ở tầm lớn hơn, để có thể vượt qua khủng hoảng có thể xảy ra, đạt mục tiêu ngắn và dài hạn, nền kinh tế Việt Nam cần nâng cao sức chống chịu và phát triển bền vững, trong đó tiến tới sản xuất Xanh, xuất khẩu Xanh là một yếu tố quan trọng.
 
Nguồn: vov.vn/kinh-te/thoa-thuan-xanh-eu-doanh-nghiep-xuat-khau-tang-nhan-biet-lac-quan-de-ung-pho-post1059671.vov

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25711121349