Thứ sáu, 26-4-2024 - 14:36 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Xu hướng và lợi ích Tự chứng nhận xuất xứ trong các FTA  

 Thứ năm, 15-6-2017

AsemconnectVietnam - Trong thời gian qua, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với việc tích cực tham gia đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Cộng đồng ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP), EFTA (gồm các nước Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ).

Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do sẽ mang lại nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, nhưng để hiện thực hóa các cơ hội mà FTA mang lại thông qua tận dụng ưu đãi thuế quan thì doanh nghiệp cần phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về quy tắc xuất xứ hàng hóa được cam kết trong FTA. Do vậy, yêu cầu dành cho doanh nghiệp là phải hiểu rõ qui tắc xuất xứ và vận dụng vào quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh mới mang lại lợi ích thực sự trong hội nhập.
Các hình thức chứng nhận xuất xứ
Thương mại quốc tế hiện nay có hai hình thức/cơ chế chứng nhận xuất xứ cùng tồn tại song song được sử dụng phổ biến trong các FTA: (i) Hình thức chứng nhận bởi bên thứ ba được thực hiện bởi cơ quan có chức năng chứng nhận và không tham gia vào giao dịch thương mại liên quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Chứng nhận xuất xứ bởi bên thứ ba ở Việt Nam hiện nay là Bộ Công Thương mà cụ thể là các Phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực. Ngoài ra, theo Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 03 năm 2008 của Chính phủ thì Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế được Bộ Công Thương cho phép thực hiện cấp C/O mẫu D. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được cấp các loại C/O không ưu đãi và C/O mẫu A theo Chương trình thuế quan phổ cập (GSP); (ii) Hình thức thứ hai là hình thức tự chứng nhận xuất xứ, đây là hình thức chứng nhận bởi các bên tham gia giao dịch thương mại (nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu), với hình thức này doanh nghiệp không phải xin cấp chứng nhận từ phía cơ quan chức năng mà có thể chủ động chứng nhận về xuất xứ để hưởng thuế quan ưu đãi trong FTA. Hình thức này có ý nghĩa to lớn cho thuận lợi hóa thương mại khi thực hiện chuyển giao quyền chứng nhận xuất xứ từ phía cơ quan chức năng của Nhà nước lại cho doanh nghiệp (là bên có nhiều hiểu biết, thông tin về qui trình sản xuất, nguồn gốc của hàng hóa).
Hình thức chứng nhận xuất xứ bởi bên thứ ba thể hiện được tính trung thực của thông tin xuất xứ khi có sự tham gia của bên thứ ba (chủ thể độc lập, khách quan, không vụ lợi) tham gia việc kiểm tra thông tin xuất xứ và xác nhận hàng hóa có xuất xứ trước khi vận chuyển qua nước nhập khẩu. Hình thức chứng nhận xuất xứ này sẽ giúp hạn chế những vướng mắc về các vấn đề liên quan xuất xứ của hàng hóa khi nước nhập khẩu có yêu cầu kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa. Hiện nay, trong khu vực ASEAN và trên thế giới, đa số các doanh nghiệp khi sử dụng hình thức chứng nhận này thường được yêu cầu phải đóng một khoản chi phí gọi là chi phí danh nghĩa được qui định bởi cơ quan Nhà nước, khoản chí phí này là con số không nhỏ với những doanh nghiệp thường xuyên cần xin cấp chứng nhận xuất xứ (Việt Nam không thu phí này). Bên cạnh vấn đề chi phí, trong nhiều trường hợp việc chậm trễ trong cấp chứng nhận xuất xứ bởi bên thứ ba vì những lý do liên quan thủ tục cũng ít nhiều gây ảnh hưởng hoạt động kinh doanh doanh nghiệp.
Với những lý do trên và yêu cầu của tiến trình hội nhập và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì hình thức tự chứng nhận xuất xứ ngày càng trở nên phổ biến hơn trong các hiệp định thương mại tự do.
Xu hướng tự chứng nhận xuất xứ trong các FTA
Ở các nước phát triển, tự chứng nhận xuất xứ đã được sử dụng hơn 40 năm qua với nhiều mô hình khác nhau, nhưng với Việt Nam thì hình thức này còn khá mới mẻ với các doanh nghiệp vốn chỉ quen xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ thông qua Bộ Công Thương.
Hình thức tự chứng nhận xuất xứ thể hiện lợi ích thông qua đơn giản hóa quy trình thủ tục, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời giảm những rủi ro trong cấp phép và bớt gánh nặng về hải quan…Chính vì vậy, trong đàm phán các FTA hiện nay các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc đều yêu cầu phía đối tác phải áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong đàm phán chương quy tắc xuất xứ.
Trong TPP qui định hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam sẽ được phép bảo lưu chưa áp dụng hình thức nhà nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ trong vòng 5 năm kể từ khi TPP có hiệu lực. Đối với hàng hóa xuất khẩu, TPP cho phép Việt Nam có thể áp dụng song song cả hai hình thức: tự chứng nhận xuất xứ hay do Cơ quan Chính phủ có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ (chứng nhận xuất xứ bởi bên thứ ba) trong 10 năm kể từ ngày Hiệp định TPP có hiệu lực.
Thỏa thuận trong chương quy tắc xuất xứ của EVFTA, Liên minh Châu âu có thể cho phép Việt Nam sử dụng hai hình thức chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi hiệp định có hiệu lực. Về hình thức tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong EVFTA khi so sánh với Hiệp định TPP thì lại có phần hạn chế hơn trong chủ thể được tự chứng nhận xuất xứ, theo đó EVFTA chỉ cho phép nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ, trong khi Hiệp định TPP cho phép cả nhà sản xuất, nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu được thực hiện tự chứng nhận xuất xứ. Đây là mô hình mà EU hiện đang áp dụng phổ biến trong các FTA. Thậm chí, EU cũng yêu cầu cơ chế này phải áp dụng trong Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) mà EU đang dành cho các quốc gia đang phát triển.
Còn trong khuôn khổ AFTA, các quốc gia thành viên ASEAN cũng nhìn nhận sự cần thiết phải hợp lý hóa các quy tắc xuất xứ trong khu vực để tạo thuận lợi thương mại tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nên trong cuộc họp Hội đồng AFTA lần thứ 23 tại Bangkok - Thái Lan vào năm 2009, Hội đồng đã thông qua “Kế hoạch hoạt động hướng tới tự chứng nhận xuất xứ”. Theo kế hoạch này, các thành viên ASEAN sẽ thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ chung trong ASEAN vào năm 2012. Trong thời gian qua, ASEAN triển khai hai Dự án thí điểm về tự chứng nhận xuất xứ, trong Dự án thí điểm số 1 có các quốc gia Bru-nây, Cam-pu-chia, Ma-lai-xi-a, Xinh-ga-po và Thái Lan tham gia. Việt Nam đang tham gia Dự án thí điểm số 2 cùng với Lào, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Thái Lan.
Để hiện thực hóa việc tham gia Dự án thí điểm số 2 về tự chứng nhận xuất xứ, Bộ Công Thương Việt Nam ban hành Thông tư 28/2015/TT-BCT ngày 20 tháng 8 năm 2015 quy định về việc thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN. Trong ASEAN, các quốc gia như Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái Lan đang tích cực triển khai các hoạt động nâng cao hiểu biết và đào tạo doanh nghiệp có thể ứng dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong các FTA.
Nhìn chung, tự chứng nhận xuất xứ ngày càng trở nên phổ biến và trở thành xu thế chung trong đàm phán về quy tắc xuất xứ trong FTA. Do vậy, quá trình đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam chắc chắn không thể đứng ngoài sự vận động này.
Lợi ích thực hiện tự chứng nhậnxuất xứ
Thực tiễn áp dụng tự chứng nhận xuất xứ ở các quốc gia trong những năm qua cho thấy cơ chế này cũng có những hạn chế nhất định, tuy nhiên chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy những lợi ích to lớn về kinh tế mà cơ chế tự chứng nhận xuất xứ mang lại trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Tự chứng nhận xuất xứ cho phép doanh nghiệp được quyền tự khai báo xuất xứ của hàng hóa trên hóa đơn thương mại hay bất kỳ chứng từ nào khác thay cho giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa do cơ quan Nhà nước cấp. Do vậy, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại giữa các nước. Với cơ chế này, doanh nghiệp không phải đi xin xuất xứ cho từng lô hàng xuất khẩu, mà có thể sử dụng quyền tự chứng nhận xuất xứ của mình để chủ động áp dụng cho các lô hàng xuất khẩu trong một thời gian nhất định. Ngoài ra, khi doanh nghiệp được công nhận là thương nhân/doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ thì thương hiệu và hàng hóa của doanh nghiệp sẽ trở nên có giá trị hơn trên thị trường, các cơ hội kinh doanh sẽ mở ra nhiều hơn cho doanh nghiệp.
Mặc dù là mới ở Việt Nam, nhưng tự chứng nhận xuất xứ đã trở nên phổ biến và sẽ trở thành nghĩa vụ trong các FTA. Vì vậy, dù muốn hay không ngay bây giờ các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu về cơ chế này để có những sự chuẩn bị cần thiết cho việc tận dụng hiệu quả các FTA.

Nguồn: hoinhap.org.vn
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710899901