Thứ bảy, 27-4-2024 - 22:14 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Doanh nghiệp cần xem xét kỹ hợp đồng khi xuất hàng vào thị trường Ai Cập 

 Thứ sáu, 18-8-2023

AsemconnectVietnam - Ai Cập là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam tại thị trường châu Phi, chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào châu lục này trong năm 2022. Thương mại song phương có rất nhiều triển vọng khi thị trường Ai Cập với hơn 100 triệu dân ngày càng quan tâm đến các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, thương mại quốc tế luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro về tranh chấp thương mại, thậm chí là lừa đảo và gian lận. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần được trang bị đầy đủ thông tin và kỹ năng nghiệp vụ cần thiết để có thể tránh các rủi ro và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Cairo về vấn đề trên, ông Nguyễn Duy Hưng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập, cho rằng tranh chấp và gian lận thương mại là một vấn đề trong giao dịch thương mại quốc tế mà các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam luôn phải tính đến, trong bối cảnh thị trường luôn có nhiều biến động.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, từ các vụ tranh chấp thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Ai Cập trong thời gian qua, tranh chấp thương mại có thể được chia làm 2 loại. Thứ nhất, tranh chấp thương mại xuất phát từ yếu tố khách quan tại thị trường. Đây là tranh chấp khá phổ biến trong thời gian qua, chủ yếu liên quan đến vấn đề các ngân hàng Ai Cập chậm thanh toán do thiếu ngoại tệ.
Khi hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam cập cảng Ai Cập, bên mua không thể thanh toán tiền hàng theo hợp đồng cũng như không có được bất kỳ cam kết nào của ngân hàng về thời hạn thanh toán. Khi đó, hàng hóa có thể phải nằm chờ nhiều ngày tại cảng, dẫn đến các chi phí phát sinh liên quan đến kho bãi. Bên cạnh đó, chất lượng hàng hóa có thể xuống cấp, khiến giá cả bị thay đổi, dẫn đến tranh chấp về chia sẻ thiệt hại. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp xuất khẩu phải chấp nhận giao hàng (nếu không muốn đưa hàng về hoặc bị hải quan phát mãi do quá thời hạn cho phép) và buộc phải đồng ý phương thức thanh toán chậm nhằm giảm thiểu tổn thất. Thứ hai, tranh chấp thương mại có dấu hiệu gian lận và lừa đảo. Tranh chấp này thường liên quan đến hợp đồng ký ‎qua môi giới khi doanh nghiệp xuất khẩu không liên lạc trực tiếp với nhà nhập khẩu và mọi thông tin trao đổi đều phải qua bên môi giới.
Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập cho biết đã có trường hợp bên môi giới giả danh là bên nhập khẩu để yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chuyển hàng sớm. Sau đó, bên nhập khẩu không đồng ý nhận hàng do không đúng với tiến độ giao hàng theo hợp đồng, buộc doanh nghiệp Việt Nam phải giảm giá. Hệ quả là doanh nghiệp xuất khẩu phải gánh chịu thiệt hại không nhỏ. Việc ký kết với bên môi giới hợp đồng không chặt chẽ, không ràng buộc trách nhiệm về thanh toán rất dễ dẫn đến tranh chấp. Trong trường hợp này, doanh nghiệp xuất khẩu luôn phải gánh chịu phần thiệt hại. Hơn nữa, bên nhập khẩu còn có thể lấy lý‎ do khó khăn hoặc kinh doanh thua lỗ để yêu cầu được nhận hàng trước và thanh toán sau, theo nhiều đợt. Tuy nhiên, bên nhập khẩu sau đó liên tục trễ hẹn và cuối cùng gây sức ép đòi giảm giá hoặc không thanh toán tiền hàng đợt cuối.
Trước các tình huống trên, ông Nguyễn Duy Hưng cảnh báo và khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Ai Cập cần chú ý một số vấn đề. Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét kỹ các điều khoản hợp đồng về điều kiện giao nhận hàng và hình thức thanh toán, cũng như bổ sung điều khoản xử lý các phát sinh để giảm thiểu rủi ro, đặc biệt trong trường hợp hàng hóa phải lưu tại cảng nhiều ngày do vấn đề chậm thanh toán từ phía nhà nhập khẩu. Thứ hai, doanh nghiệp nên hạn chế ký kết hợp đồng qua môi giới. Khi ký hợp đồng với bên môi giới, doanh nghiệp cần làm rõ trách nhiệm của bên môi giới trong việc thu hồi đủ tiền hàng hoặc các điều kiện liên quan đến thanh toán tiền hoa hồng. Các hợp đồng cần phải có điều khoản thanh toán trước với mức chiếm ít nhất 30% tổng giá trị hợp đồng, theo thông lệ tại địa bàn Ai Cập. Ngoài ra, khi có bất cứ yêu cầu thay đổi nào từ phía nhà nhập khẩu, doanh nghiệp cần kiểm tra, xác thực lại thông tin người gửi và yêu cầu đối tác gửi văn bản chính thức để có cơ sở giải quyết khi xảy ra tranh chấp.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Ai Cập hiện đang thực hiện cải cách các thủ tục hải quan và xuất nhập khẩu, nên doanh nghiệp Việt Nam cũng cần cập nhật các thay đổi liên quan đến mặt hàng xuất khẩu trước khi ký hợp đồng. Doanh nghiệp xuất khẩu cần thông báo sớm cho Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập về những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng để nhận được hỗ trợ, tư vấn kịp thời.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Duy Hưng, Ai Cập là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Phi, chiếm 19% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào châu lục này trong năm 2022. Xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Ai Cập trong năm ngoái đạt 502,8 triệu USD. Nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Ai Cập chủ yếu vẫn là cà phê, hạt tiêu, hạt điều, cơm dừa, phi lê cá tra, basa đông lạnh. Trong khi đó, nhóm hàng công nghiệp của Việt Nam xuất khẩu sang Ai Cập bao gồm các sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại, máy vi tính, xơ sợi dệt may và máy móc thiết bị.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang trường Ai Cập trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 236,2 triệu USD, giảm 11,2% so cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm này chủ yếu do Ai Cập đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt ngoại tệ, đồng nội tệ mất giá nhanh so với đồng USD và lạm phát tăng cao. Chính phủ Ai Cập đã phải áp dụng các biện pháp siết chặt quản lý ngoại hối, điều tiết nhập khẩu nhằm đảm bảo ngoại tệ để nhập khẩu các hàng hóa thiết yếu và nguyên liệu sản xuất, đồng thời hạn chế nhập các mặt hàng được xem là không thiết yếu. Đây cũng là một phần trong chính sách của Chính phủ Ai Cập nhằm thúc đẩy xuất khẩu của nước này, hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất ưu tiên. Bên cạnh đó, Việt Nam và Ai Cập hiện chưa ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) nên Ai Cập áp thuế khá cao đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Nhiều mặt hàng của Việt Nam, đặc biệt hàng tiêu dùng, khó cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ các nước đã ký FTA với Ai Cập.
Nguồn: TTXVN/Vietnam+
 

  PRINT     BACK
 Doanh nghiệp Canada cần nhập khẩu bún miến
 Khai mạc Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan
 Hội chợ Trung Quốc - Nam Á lần thứ 7 và Hội chợ Xuất nhập khẩu Côn Minh lần thứ 27: Khu gian hàng Việt Nam có quy mô lớn nhất trong các nước ASEAN
 Khai mạc Hội chợ Triển lãm "Tôn vinh hàng Việt-năm 2023" tại TP.HCM
 Cục Phòng vệ thương mại tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tháp điện gió từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
 Ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành văn hóa
 Thương vụ Việt Nam tại Đức lưu ý doanh nghiệp để tránh rủi ro ở thị trường EU
 Tập đoàn Tchibo của Đức tìm nhà cung cấp Việt Nam
 Chỉ thị về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay
 Doanh nghiệp Canada cần nhập khẩu tương ớt
 Mỹ: Việt Nam tham gia Hội chợ Magic Show lần thứ 16 tại Las Vegas
 Công ty Nhật Bản cần nhập khẩu đồ nội thất văn phòng của Việt Nam
 Mời tham dự Triển lãm quốc tế về dệt may "Alger Texile 2023"
 Sắp diễn ra Diễn đàn Trí tuệ nhân tạo: Cơ hội và thách thức đối với thanh niên
 Thư mời doanh nghiệp tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Israel ngày 16/8/2023 tại Hà Nội


© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710942249