Thứ sáu, 26-4-2024 - 16:41 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tình hình kinh tế các nước Châu Á tháng 8 

 Thứ sáu, 31-8-2018

AsemconnectVietnam - Trong tháng 8 vừa qua, kinh tế các nước Châu Á có những diễn biến sau: Châu Á sẽ đóng vai trò chính trong nền kinh tế toàn cầu; PMI của Trung Quốc thấp nhất kể từ tháng 12/2015; Tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng; Nhật Bản: Lạm phát tiếp tục tăng nhưng vẫn xa mục tiêu.

Châu Á sẽ đóng vai trò chính trong nền kinh tế toàn cầu
Nhiều thế kỷ với sự thống trị của các nền kinh tế phương Tây đang nhường chỗ cho các động lực tăng trưởng và ảnh hưởng mới.
Báo Jakarta Globe đăng bài phân tích của Justin B. Smith – CEO của tập đoàn truyền thông Bloomberg Media Group, với nhận định nền kinh tế toàn cầu đang ở một bước ngoặt lịch sử. Các quốc gia đông dân nhất thế giới, như Trung Quốc và Ấn Độ hiện đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới. Những thị trường tăng trưởng mới này là động lực cho các xu hướng lớn nhất trong công nghệ, thương mại và tài chính.
Ba doanh nghiệp có thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất thế giới hiện nay đều là của Trung Quốc: Công ty bán lẻ trực tuyến Alibaba, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng ICBC. Các nền kinh tế mới nổi trong năm 2017 tăng trưởng 4,7%, gấp đôi tốc độ tăng trưởng 2,3% của các nền kinh tế phát triển.
Đến năm 2050, theo công ty kiểm toán PwC, nền kinh tế Trung Quốc sẽ có trị giá 58.000 tỷ USD, còn Ấn Độ sẽ là nền kinh tế trị giá 44.000 tỷ USD và còn con số này của Mỹ là 34.000 tỷ USD. 10 quốc gia thành viên của ASEAN với lực lượng lao động lớn thứ 3 trên thế giới được dự báo sẽ là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới.
Sự thay đổi trật tự kinh tế đi kèm với một loạt thách thức. Khoảng cách giàu nghèo nới rộng và tốc độ tăng lương chậm chạp khiến người ta nghi ngờ về vai trò của toàn cầu hóa. Biến đổi khí hậu đe dọa đến sự thịnh vượng của hàng triệu người. Các công nghệ mới cung cấp khả năng dường như vô hạn, nhưng kéo theo đó cũng là tâm lý lo ngại về việc máy móc sẽ thay thế con người.
Các tổ chức chính trị, xã hội và các nhà lãnh đạo phương Tây đã không theo kịp ảnh hưởng ngày càng tăng của các nền kinh tế mới nổi, bản chất thay đổi của kinh doanh toàn cầu cũng như trật tự xã hội. 
Cuộc đối thoại về thương mại và đầu tư toàn cầu từ lâu đã được thúc đẩy bởi các cường quốc phát triển; nhưng những người chơi chủ chốt mới nổi đang ngày càng gia tăng quyền lực. Các giải pháp hiệu quả sẽ chỉ xuất hiện từ một cuộc thảo luận mang lại tiếng nói cho các cường quốc kinh tế mới.
Theo tác giả bài viết, lãnh đạo các doanh nghiệp và chính phủ cần thúc đẩy một cuộc thảo luận cởi mở và thẳng thắn về những thay đổi sâu sắc trong nền kinh tế toàn cầu, những rủi ro cũng như cơ hội được tạo ra trong một thế giới đang chuyển đổi. 
Cần có một tổ chức được thiết kế cho một kỷ nguyên mới - một nền tảng mới để đưa các nhà lãnh đạo thế giới và doanh nghiệp cùng nhau tìm ra biện pháp giải quyết các thách thức toàn cầu lớn nhất.
Bloomberg và Trung tâm giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc (CCIEE) có kế hoạch cung cấp nền tảng đó khi đồng tổ chức Diễn đàn kinh tế mới (NEF) tại Bắc Kinh tới đây (từ ngày 6-8/11). Dự kiến, diễn đàn này sẽ tạo ra một nền tảng trung lập, mang lại cơ hội đối thoại toàn cầu mạnh mẽ.
Khi các chính phủ trên khắp thế giới đấu tranh tìm giải pháp cho các vấn đề lớn, các nhà lãnh đạo khu vực tư nhân và giới chức nhà nước sẽ cùng nhau đưa ra các giải pháp hữu hiệu về cách quản lý các thể chế toàn cầu, giảm bất bình đẳng, chống biến đổi khí hậu và tìm ra những giải pháp đối phó với những thách thức ngày càng phức tạp hơn.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ngày nay có thể đóng vai trò rất lớn trong việc giải quyết những thách thức của thế giới, minh chứng cho vai trò của khu vực tư nhân trong tài chính Xanh và phát triển bền vững. 
Đây cũng là lý do nhà sáng lập của NEF là các nhà lãnh đạo kinh doanh từ 11 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, bao gồm tập đoàn công nghiệp 3M (Mỹ), công ty dầu khí quốc gia Abu Dhabi, tập đoàn Dangote Group (Nigeria), tập đoàn dầu khí đa quốc gia ExxonMobil; tập đoàn dịch vụ vận tải Fedex, ngân hàng HSBC, nhà sản xuất ô tô Hyundai Motor, công ty công nghệ và thanh toán Mastercard, tập đoàn phần mềm Microsoft; Quỹ đầu tư công của Saudi Arabia và tập đoàn SoftBank (Nhật Bản). 
Các nhà lãnh đạo này hiểu tầm quan trọng của mối liên kết kinh tế giữa các quốc gia ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, những lợi ích và thách thức chung, cũng như vai trò của quan hệ đối tác khu vực công-tư trong sự thay đổi của nền kinh tế.
Hội đồng cố vấn cho NEF bao gồm: Tiến sĩ Henry Kissinger - nguyên Cố vấn an ninh quốc gia và Ngoại trưởng Mỹ - làm chủ tịch danh dự, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson và Chủ tịch CCIEE Zeng Peiyan làm đồng chủ tịch, đồng thời có sự tham gia của tỷ phú - nhà sáng lập Microsoft Bill Gates cùng các cựu quan chức cấp cao như nguyên Cố vấn An ninh Quốc gia của Chính phủ George W. Bush - bà Condoleezza Rice, nguyên Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Zhou Xiaochuan (Chu Tiểu Xuyên), nguyên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, nguyên Cố vấn kinh tế của chính quyền Tổng thống Donald Trump - Gary Cohn, nguyên Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ Raghuram Rajan và nguyên Thủ tướng Autralia Kevin Rudd.
Bloomberg là một công ty dữ liệu về công nghệ và thị trường tài chính toàn cầu. Với việc tổ chức NEF, Bloomberg cung cấp các giải pháp dựa trên cơ sở dữ liệu thực tế. Bên cạnh đó, Trung Quốc được lựa chọn để tổ chức diễn đàn bởi đây là nơi mà nhiều vấn đề trọng tâm của thời đại đang hội tụ. Các cuộc thảo luận về tương lai của trật tự toàn cầu không thể thiếu vai trò của Trung Quốc.
“Người khổng lồ” công nghệ Alibaba và Tencent đã đưa Trung Quốc lên dẫn đầu thế giới về thanh toán thương mại điện tử và xu hướng không dùng tiền mặt. Các mô hình sáng tạo của họ đang thay đổi cách người tiêu dùng và doanh nghiệp tương tác và thúc đẩy sự thay đổi hướng tới một nền kinh tế mới.
Các khoản đầu tư lớn vào các công nghệ tương lai sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của Trung Quốc trong mọi lĩnh vực, từ công nghệ mạng di dộng 5G đến các loại xe thế hệ kế tiếp, trí tuệ nhân tạo (AI) và siêu máy tính. Tài trợ cho các công ty khởi nghiệp AI tăng gấp 10 lần trong năm 2017 và các chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ là người chiếm thế chủ động về AI của thế giới vào năm 2030.
Châu Á, châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết biến đổi khí hậu, quản lý tác động của công nghệ và AI đối với việc làm, cũng như thúc đẩy thương mại toàn cầu và quản lý rủi ro an ninh mạng. Những thách thức lớn này đòi hỏi sự hiểu biết, hợp tác và tin tưởng giữa các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. 
Trung Quốc
Kinh tế dù tiếp tục tăng nhưng vẫn đối mặt với thách thức
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh bất chấp cuộc chiến thương mại do Tổng thống Donald Trump khởi xướng.
Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo “sự dễ bị tổn thương” của kinh tế Trung Quốc sau khi xuất hiện những dấu hiệu trái chiều từ Bắc Kinh về những tác động từ tranh chấp thương mại với Washington.
Asia Times và South China Morning Post (SCMP) dẫn báo cáo mới đây của IMF cho biết thể chế tài chính quốc tế này dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay, thấp hơn một chút so với mức tăng 6,9% trong năm 2017. 
IMF đánh giá triển vọng ngắn hạn của Trung Quốc vẫn "khỏe mạnh" nhờ đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường nội địa, thương mại toàn cầu hồi phục và những tiến bộ lớn trong công cuộc cải cách.
Báo cáo của IMF cho biết việc Mỹ áp đặt mức thuế quan 25% lên 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc - một biện pháp được Tổng Thống Trump loan báo vài tháng trước nhưng hiện chỉ mới áp dụng với 34 tỷ USD hàng hóa - sẽ chỉ chiếm 0,4% GDP của Trung Quốc. 
Nếu Tổng thống Trump thực hiện đúng lời đe dọa đã đưa ra hồi đầu tháng Bảy là áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc thì điều này cũng chỉ tương đương với khoảng 1,7% GDP Trung Quốc.
SCMP dẫn lời bà Sonali Jain-Chandra, Phó trưởng nhóm phụ trách về Trung Quốc của IMF, cho biết hiện vẫn còn quá sớm để nói được chính xác là những biện pháp đánh thuế của Mỹ sẽ gây thiệt hại như thế nào. Tuy nhiên, bà cũng nói thêm rằng vòng áp thuế thứ hai sẽ khiến “bất ổn gia tăng, chuỗi cung ứng sẽ gián đoạn cũng như lòng tin của người tiêu dùng bị tổn hại”.
Phát ngôn viên của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Hoàng Lợi Bân lại đánh giá nhẹ hơn tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ vốn đã kéo dài từ đầu năm nay. Ông Hoàng cho rằng “mặc dù một số công ty thông báo khách hàng của họ ở Mỹ đã yêu cầu dừng đơn hàng và dừng gửi hàng, những trường hợp như vậy không phải là thường xuyên. Tranh chấp thương mại chỉ có tác động không đáng kể đối với khu vực công nghiệp trong nửa đầu năm”.
Tuy nhiên, trước mắt, Trung Quốc vẫn còn đối mặt với thách thức lớn khi nước này chuyển từ “tăng trưởng nhanh” sang “tăng trưởng có chất lượng”. 
Với việc đà tăng trưởng chậm lại trong hai tháng qua, đã có những lời kêu gọi Chính phủ Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ (vốn là kết quả cuộc đấu tranh của ông Tập Cận Bình trong ba năm qua với tình trạng nợ gia tăng của khu vực kinh doanh và chính quyền địa phương).
Theo IMF, Bắc Kinh đã đạt được tiến bộ trong giảm thiểu rủi ro tài chính và mở cửa hơn nữa nền kinh tế. Tuy nhiên, cơ quan này lưu ý rằng tăng trưởng tín dụng tại Trung Quốc vẫn cao một cách thiếu bền vững.
Trong hai năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực kiềm chế mức tăng trưởng nhanh của hoạt động tín dụng. Các nhà phân tích nhận định nỗ lực này có thể khiến nhịp độ tăng trưởng kinh tế chậm lại trong ngắn hạn song là cần thiết.
IMF nhấn mạnh rằng Bắc Kinh cần tiếp tục thực thi chương trình cải cách tài khóa, tài chính ngân hàng và tái cân bằng kinh tế. Báo cáo của IMF cho rằng sau nhiều thập kỷ tăng trưởng với tốc độ cao, Trung Quốc nên tập trung vào tăng trưởng chất lượng.
Việc chuyển đổi này có được thực hiện hay không và thực hiện bằng cách nào sẽ quyết định con đường phát triển của Trung Quốc trong những thập niên tới.
PMI thấp nhất kể từ tháng 12/2015
Kết quả một cuộc khảo sát tư nhân cho thấy, tăng trưởng của ngành dịch vụ của Trung Quốc trong tháng 7 ở mức thấp nhất trong bốn tháng do sự tăng trưởng ít nhất trong kinh doanh mới kể từ tháng 12/2015.
Trong tháng 7, chỉ số PMI theo Caixin/Markit giảm xuống còn 52,8 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 3, từ mức 53,9 điểm của tháng 6.
Chỉ số này phù hợp với những đánh giá chính thức của khu vực phi sản xuất, cho thấy chỉ số PMI dịch vụ giảm trong tháng 7.
Trung Quốc tin cậy vào lĩnh vực dịch vụ mạnh hơn để bù đắp một khoản đóng góp nhỏ hơn từ đầu tư tài sản cố định và công nghiệp nặng khi các nhà hoạch định chính sách mở rộng một chiến dịch kéo dài nhiều năm để giải quyết rủi ro và xem xét nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế bền vững hơn.
Ngành dịch vụ vững chắc cũng rất quan trọng để tạo việc làm vì các nhà máy trở nên tự động hơn và chính phủ đặt mục tiêu loại bỏ tình trạng dư thừa công nghiệp, khiến một số nhân viên mất việc.
Lĩnh vực dịch vụ đã chiếm hơn một nửa nền kinh tế của Trung Quốc, với mức lương tăng cao giúp người tiêu dùng mạnh tay chi tiêu trong và ngoài nước.
Ông Zhengsheng Zhong, giám đốc phân tích kinh tế vĩ mô của Tập đoàn CEBM cho biết trong một tuyên bố đi kèm khảo sát, sự tăng trưởng kinh doanh mới yếu kém của tháng 7 là "một dấu hiệu cho thấy rõ ràng rằng nhu cầu dịch vụ đã giảm đi".
Chỉ số doanh nghiệp mới đã giảm xuống 51,4 điểm trong tháng 7 từ mức 52,7 điểm trong tháng 6. Với sự tăng trưởng nhu cầu yếu hơn, giá cũng tăng với tốc độ chậm hơn, trong khi giá đầu vào chỉ tăng nhẹ.
Chỉ số PMI tổng hợp của Caixin bao gồm cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ cũng giảm trong tháng 7, giảm xuống còn 52,3 điểm so với 53 điểm của tháng 6.
Ông Zhong cho biết, triển vọng kinh doanh trong tương lai yếu nhất kể từ tháng 11/2015, mặc dù những động thái gần đây của Trung Quốc giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chỉ số kỳ vọng về sản lượng trong tương lai - niềm tin của các công ty, đặc biệt là các nhà cung cấp dịch vụ, có thể sử dụng một sự thúc đẩy.
Trong tháng 7, Trung Quốc cho biết sẽ áp dụng một chính sách chủ động hơn để hỗ trợ nền kinh tế đối phó với sự không chắc chắn ở nước ngoài.
Thặng dư thương mại giảm trong tháng 7
Số liệu do Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết, thặng dư thương mại của Trung Quốc giảm mạnh xuống 28,05 tỷ USD trong tháng 7 từ 48,7 tỷ USD của một năm trước đó và thấp hơn nhiều so với dự báo của thị trường là 39,3 tỷ USD. Nhập khẩu tăng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 187,47 tỷ USD, trong khi xuất khẩu tăng 12,2% lên 215,56 tỷ USD.
Trong tháng 7, nhập khẩu tăng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 187,47 tỷ USD, cao hơn ước tính tăng 16,2% và tăng 14,1% so với tháng trước. Nhập khẩu than của Trung Quốc đã tăng 49,1% so với năm ngoái lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2014 là 29,01 triệu tấn và cao hơn 25,46 triệu tấn của tháng 6, do nhiệt độ tăng cao đã làm tăng nhu cầu về năng lượng đốt than để chạy máy điều hòa. Ngoài ra, lượng mua hàng tăng so với tháng trước đối với đồng (450.000 tấn so với 440.000 tấn trong tháng 6); dầu thô (36,02 triệu tấn so với 34,34 triệu tấn); và quặng sắt (89,96 triệu tấn so với 83,24 triệu tấn). Trong khi đó, lượng đậu tương giảm 20,6% xuống còn 8,01 triệu tấn so với 10 triệu tấn năm ngoái và thấp hơn so với 8,70 triệu tấn của tháng 6, do các cảng dỡ hàng tồn đọng trong nhiều tháng.
Xuất khẩu tăng 12,2% đạt 215,56 tỷ USD, sau khi tăng 11,2% trong tháng 6 và cao hơn mức dự báo tăng 10% mặc dù căng thẳng thương mại với Mỹ. Chính quyền Trump gần đây đã hoàn thành kế hoạch áp đặt mức thuế mới trên 16 tỷ USD cho hàng nhập khẩu của Trung Quốc, nâng tổng giá trị của các sản phẩm chịu thuế lên 50 tỷ USD.
Thặng dư thương mại với Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, giảm nhẹ xuống 28,09 tỷ USD từ mức kỷ lục 28,97 tỷ USD trong tháng 6.
Trong 7 tháng đầu năm 2018, thặng dư thương mại của Trung Quốc giảm xuống còn 172,46 tỷ USD từ 231,39 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2017.
Tính bằng đồng Nhân dân tệ, thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt 176,96 tỷ NDT, nhập khẩu tăng 20,9% và xuất khẩu tăng 6%.
Tỷ lệ lạm phát tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng
Theo Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc, lạm phát giá tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng lên 2,1% trong tháng 7 từ 1,9% trong tháng trước và cao hơn mức dự báo của thị trường là 1,9%. Tỷ lệ lạm phát này đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 3, khi lạm phát thực phẩm ở mức cao trong 3 tháng và chi phí phi lương thực tăng nhanh hơn.
Trong tháng 7, giá lương thực tăng 0,5%, nhanh hơn mức tăng 0,3% của tháng trước đó và là mức lạm phát lương thực cao nhất kể từ tháng 4, do giá trái cây tươi (0,4% từ mức giảm 5,3%); rau quả tươi (3,8% từ 9,3% trong tháng 6) và trứng (11,7% từ 15,1%); trong khi giảm ít hơn đối với thịt lợn (giảm 9,6% từ 12,8%).
Trong khi đó, chi phí phi thực phẩm tăng 2,4%, cao hơn mức tăng 2,2% trong tháng 6. Áp lực tăng đến từ: vận tải và truyền thông (3% từ 2,4%); tiền thuê nhà, nhiên liệu và tiện ích (2,4% từ 2,3%); chăm sóc sức khỏe (4,6% từ 5%); giáo dục, văn hóa và giải trí (2,3% từ 1,8%); hàng hóa và dịch vụ gia đình (1,6% từ 1,5%); quần áo (1,2% từ 1,1%); hàng hóa và dịch vụ khác (1,2% từ 0,9%).
Tỷ lệ lạm phát lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, ở mức 1,9%, không đổi so với hai tháng trước đó.
Trong năm 2018, Trung Quốc đặt mục tiêu lạm phát tiêu dùng vào khoảng 3%, phù hợp với con số của năm trước.
Trên cơ sở hàng tháng, giá tiêu dùng tăng 0,3%, sau khi giảm 0,1% trong tháng 6 trong khi thị trường ước tính tăng 0,2%. Đây là mức tăng hàng tháng đầu tiên trong năm tháng.
Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất tăng 4,6% so với một năm trước đó vào tháng 7, sau khi tăng 4,7% trong tháng trước và cao hơn dự báo của thị trường là 4,4%. Giá các phương tiện sản xuất tăng nhẹ (6% từ 6,1% trong tháng 6), cụ thể là khai thác (13,4% từ 11,5%), nguyên liệu (9% từ 8,8%) và chế biến (4,1% từ 4,6%). Trong khi đó, chi phí hàng tiêu dùng tăng hơn (0,6% từ 0,4%), cụ thể là sản xuất lương thực (0,7% từ 0,7%), quần áo (0,7% từ 0,3%); trong khi giá hàng tiêu dùng lâu bền tiếp tục giảm (giảm 0,2% từ mức giảm 0,5%). Trên cơ sở hàng tháng, giá sản xuất tăng 0,1%.
Nhật Bản
Lạm phát tiếp tục tăng nhưng vẫn xa mục tiêu
Lạm phát của Nhật Bản vẫn tăng trong tháng Bảy vừa qua do giá năng lượng tăng, nhưng vẫn còn xa mục tiêu 2% mà Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đặt ra.
Bộ Truyền thông và Nội vụ Nhật Bản ngày 24/8 công bố số liệu cho thấy lạm phát của nước này vẫn tăng trong tháng Bảy vừa qua do giá năng lượng tăng, nhưng vẫn còn xa mục tiêu 2% mà Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đặt ra. 
Cụ thể, không tính giá thực phẩm tươi sống dễ biến động, chỉ số giá tiêu dùng lõi trên cả nước tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái (với chỉ số giá là 100,9 điểm so với mốc cơ sở 100 điểm năm 2015), ghi dấu tháng 19 liên tiếp chỉ số này đi lên.
Sự gia tăng trong giá các mặt hàng thiết yếu như điện và khí đốt cũng như xăng và dầu hỏa tiếp tục là yếu tố thúc đẩy giá tiêu dùng. Trong khi đó, giá các thiết bị gia dụng lâu bền như máy hút bụi lại giảm xuống.
 Nếu tính cả giá thực phẩm tương sống, thì giá hải sản và rau tăng mạnh đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,9%, cao hơn mức 0,7% hồi tháng Sáu. 
Loại trừ cả giá thực phẩm tươi sống và năng lượng, giá tiêu dùng của Nhật Bản tháng Bảy tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng nhẹ so với mức 0,2% ghi nhận tháng trước đó. 
Một quan chức của bộ trên cho biết giá tiêu dùng tiếu tục đà tăng vừa phải, và không có dấu hiệu bị ảnh hưởng đáng kể từ tình trạng lũ lụt và sạt lở đất do mưa lớn ở phía tây Nhật Bản hồi tháng trước. 
Đà tăng ”ì ạch” của giá tiêu dùng lâu nay vẫn là vấn đều đau đầu đối với BoJ. Ngân hàng này hồi tháng trước đã điều chỉnh nhẹ chính sách tiền tệ dựa trên dự đoán rằng Nhật Bản sẽ còn mất nhiều năm nữa mới có thể đưa lạm phát nhích lên 2%, mức được xem là phù hợp cho một nền kinh tế khỏe mạnh. 
Theo những thay đổi chính sách, BoJ sẽ cho phép lãi suất dài hạn tăng nhẹ so với mức tiêu chuẩn 0%, và dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục ở dưới mức mục tiêu ít nhất là đến hết tài khóa kết thúc vào tháng 3/2021. 
Ông Kazuma Maeda, kinh tế gia trưởng của Công ty Barclays Securities Japan Ltd, nhận định rằng giá dầu tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy chỉ số giá tiêu dùng đến cuối năm 2018, nhưng tác động này có thể sẽ giảm dần trong năm 2019. 
PMI tháng 7 giảm nhẹ
Kết quả một cuộc khảo sát tư nhân cho thấy, hoạt động dịch vụ của Nhật Bản trong tháng 7 giảm nhẹ so với tháng trước do các đơn đặt hàng mới tăng trưởng chậm hơn, dấu hiệu cho thấy nền kinh tế có thể đã mất đà khi bắt đầu quý thứ ba.
Chỉ số quản lý mua hàng của Markit/Nikkei Nhật Bản giảm xuống còn 51,3 điểm trên cơ sở điều chỉnh theo mùa từ mức 51,4 điểm trong tháng 6, mặc dù chỉ số này vẫn nằm trên ngưỡng 50 điểm và là mức tăng trong tháng thứ 22 liên tiếp.
Tăng trưởng chậm hơn trong hoạt động kinh doanh mới và kinh doanh nổi bật cho thấy một số hoạt động giảm nhẹ.
Điều đó cho thấy hoạt động của nhà máy đã tăng ít hơn so với báo cáo ban đầu vào tháng trước và có những lo ngại kéo dài về nền kinh tế do tốc độ giảm, các đơn đặt hàng mới tăng lên.
Joe Hayes, nhà kinh tế học tại IHS Markit cho biết, hoạt động kinh doanh đã tăng lên trong những tháng liên tiếp trong gần hai năm, mặc dù thông báo mới nhất chỉ ra một tỷ lệ tăng trưởng tương đối yếu.
Chỉ số PMI tổng hợp, bao gồm cả sản xuất và dịch vụ, giảm xuống còn 51,8 điểm từ 52,1 điểm trong tháng 6.
Ông Joe Hayes cũng cho biết, nền kinh tế Nhật Bản dự kiến ​​sẽ tăng trở lại trong quý II sau khi giảm trong quý đầu tiên, song tranh chấp thương mại quốc tế do Mỹ gây nên ảnh hưởng đến tăng trưởng của Nhật Bản.
Xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ giảm lần đầu tiên trong 17 tháng và tâm lý kinh doanh của Nhật Bản bị ảnh hưởng do lo ngại về chính sách thương mại bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hàng loạt dữ liệu gần đây nhấn mạnh mối quan tâm rằng nền kinh tế xuất khẩu, lớn thứ ba thế giới có thể bị ảnh hưởng nếu Tổng Thống Trump đặt thuế quan hoặc các biện pháp bảo hộ khác để khắc phục tình trạng mất cân bằng thương mại với Nhật Bản.
Thâm hụt thương mại trong tháng 7
Trong tháng 7 vừa qua, Nhật Bản ghi nhận mức thâm hụt thương mại 231 tỷ yên so với mức thặng dư 407 tỷ yên trong cùng tháng một năm trước và dự báo của thị trường về mức thâm hụt 50 tỷ yên.
Xuất khẩu tăng 3,9% so với một năm trước đó lên 6,75 nghìn tỷ yên trong tháng 7, giảm từ mức tăng 6,7% trong tháng 6 và thấp hơn dự báo tăng 6,3%. Tăng trưởng xuất khẩu đối với: máy móc (4,8%), cụ thể là máy phát điện (3,6%) và máy điện (7%), cụ thể là chất bán dẫn (8%) và IC (9,7%); hóa chất (10,9%); hàng hóa sản xuất (7,1%), cụ thể là sản phẩm sắt và thép (11,2%). Ngược lại, xuất khẩu thiết bị vận tải giảm 4%, do mức giảm 2,6% về doanh số bán xe và tàu thủy giảm 29,8%.
Xuất khẩu tới Trung Quốc tăng 11,9%, Thái Lan (0,6%), Singapore (3,8%) và EU (6,4%), đặc biệt là Đức (5,2%) ) và Anh (7,6%). Ngược lại, xuất khẩu sang Mỹ giảm 5,2%, đánh dấu sự sụt giảm liên tiếp trong 18 tháng trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu. Xuất khẩu tới Hàn Quốc cũng giảm 1,9%.
Trong khi đó, nhập khẩu tăng 14,6% lên 6,98 nghìn tỷ Yên, tăng so với mức tăng 2,6% trong tháng 6 và tăng nhẹ so với mức tăng 14,4% của thị trường. Nhập khẩu tăng trong tháng 7 được thúc đẩy bởi sự gia tăng trong việc mua các loại nhiên liệu khoáng sản (30,7%), trong đó dầu mỏ (40,3%), LNG (16,7%) và than (13,3%); máy điện (7%), trong đó chất bán dẫn (4%) và điện thoại, điện báo (8,7%); quần áo và phụ kiện (13,1%); hóa chất (28,8%); máy móc (6,6%); hàng hóa sản xuất (11,9%), trong đó kim loại màu (23,9%); và thực phẩm (4,9%).
Nhập khẩu tăng từ Trung Quốc (6,7%), Mỹ (11%), EU (29,1%), đặc biệt là Đức (29,2%) và Pháp (26,6%), Trung Đông (38,6%), UAE (48,4%), Hàn Quốc (12,5%) và Thái Lan (8,9%).
 Hàn Quốc
Số liệu do Cơ quan thống kê Hàn Quốc cho biết, lạm phát giá tiêu dùng của Hàn Quốc trong tháng 7 ở mức 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, không đổi so với hai tháng trước và thấp hơn dự báo của thị trường là 1,7%. Lạm phát lương thực giảm xuống mức thấp nhất trong bốn tháng trong khi chi phí tăng nhanh hơn đối với nhà ở, tiện ích và giao thông.
Trong tháng 7, giá thực phẩm và đồ uống không cồn tăng 1,5% so với 1,8% trong một tháng trước đó. Lạm phát lương thực ở mức thấp nhất kể từ tháng 3. Ngoài ra, chi phí tăng ít hơn cho hàng tạp hóa và dịch vụ (0,6% từ 1% trong tháng 6), trong khi tăng với tốc độ nhanh hơn: nhà ở, nước, điện, khí đốt và các nhiên liệu khác (0,8% từ 0,6%); quần áo và giày dép (1,3% từ 0,7%); đồ đạc, thiết bị gia dụng và bảo dưỡng định kỳ (3,5% từ 1,8%); và vận tải (4,7% từ 4,1%).
Trong khi đó, lạm phát ổn định đối với đồ uống có cồn và thuốc lá (0,2%); giáo dục (1,4%); nhà hàng và khách sạn (2,7%); trong khi chi phí không đổi với hoạt động văn hóa và giải trí (1,2%). Mặt khác, chi phí giảm cho y tế (giảm 1% từ 0,1%) và thông tin liên lạc (giảm 1,5% từ mức giảm 0,6%).
Chỉ số CPI lõi, không bao gồm dầu và các sản phẩm nông nghiệp, tăng 1%, sau khi tăng 1,2% trong tháng 6.
Trong năm 2018, Ngân hàng Hàn Quốc dự báo lạm phát ở mức 1,7%.
Trên cơ sở hàng tháng, giá tiêu dùng tăng 0,2%, sau khi giảm 0,2% trong tháng 6.
N.Nga
Nguồn: Vitic/Tradingeconomics/Reuters
 
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710903686