Thứ bảy, 27-4-2024 - 0:57 GMT+7  Việt Nam EngLish 

THỊ TRƯỜNG SẮT THÉP QUÝ I/2015 VÀ DỰ BÁO QUÝ II/2015 

 Chủ nhật, 10-5-2015

AsemconnectVietnam - Giá nguyên liệu giảm, nhu cầu tiêu thụ yếu, nguồn cung dư thừa ép giá thép tiếp tục giảm sâu trong quý đầu năm nay trên thị trường thép thế giới.Thị trường thép Việt Nam trầm lắng, cung tăng, cầu giảm, tồn kho lớn.

 

I.                  DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG

Giá thép thế giới giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm nay do nhu cầu tiêu thụ yếu trong khi nguồn cung dồi dào.

Tại Châu Mỹ

Tại Mỹ, khối lượng nhập khẩu lớn và giá dầu giảm khiến các nhà sản xuất phải cắt giảm sản lượng thép tại Mỹ. Tuy nhiên, điều này vẫn không đủ để giúp giá giao dịch sản phẩm thép dẹt bớt giảm so theo tháng. Người mua đang lưỡng lự mua nhiều do các chỉ số có xu hướng giảm. Tuy nhiên, khối lượng nguyên liệu nhập khẩu tồn đọng tại các xưởng đóng tầu đang tăng.

Tại Canada, hoạt động tại các nhà máy thép địa phương cũng chậm lại do khối lượng các sản phẩm dẹt nhập khẩu cao, cùng với giá nguyên liệu thô giảm đã buộc các nhà sản xuất phải cắt giảm giá giao dịch hơn nữa.

Tại Châu Á

Tại Trung Quốc, vấn đề dư thừa cung cấp, giá quặng sắt giảm mạnh và các chỉ số kinh tế yếu đã khiến cho giá bán thép giảm kỷ lục. Mới đây, Ngân hàng trung ương đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ ngân hàng với nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Những người tham gia thị trường đang chờ đợi nhìn thấy tác động của chính sách này tới ngành thép. Kỳ nghỉ tết năm mới âm lịch ( 19-24/2) diễn ra muộn hơn mọi năm cũng khiến người mua hoãn ký hợp đồng giao dịch trong thời kỳ trước khi nghỉ.

Tại Nhật Bản, mức tiêu thụ hàng ngày ở nước này trong năm tài chính 2015 dự kiến sẽ đạt mức tương tự như mức kỷ lục trong năm trước đó. Cạnh tranh từ nước ngoài tiếp tục gây ra các vấn đề song việc đồng yên giảm giá trở lại so với USD là rào cản nhỏ hạn chế bớt cạnh tranh. Tuy nhiên, các số liệu mới đây cho thấy nhập khẩu hàng năm trong năm 2014 đã tăng lần đầu tiên trong 3 năm qua.

Tại Hàn Quốc các nhà máy thép đang gặp phải vấn đề lớn về nguồn cung dư thừa do nhập khẩu thép gia tăng từ Trung Quốc và nhiều nhà máy sản xuất đi vào hoạt động trong những năm vừa qua, dẫn tới giá bán và vốn giảm liên tục.

Tại Đài Loan, giá giao dịch sản phẩm cán phẳng tiếp tục giảm. Nhà máy thép đã sáp nhập CSC, đã dự kiến giảm hơn nữa khi họ cắt giảm giá trong tháng 3 thêm trung bình 2,3% so với giá tháng 1 và tháng 2.

Tại châu Âu:

Tiêu thụ thép tại Ba Lan trong năm 2014 đã trở lại mức trước khủng hoảng. Tuy nhiên, nhập khẩu tiếp tục chiếm một thị phần lớn. Trong tháng 3, giá giao dịch các sản phẩm thép cán phẳng trong nước ổn định tính theo đồng euro nhưng giảm khi tính theo đồng zloty do đồng tiền này yếu. Người mua cho biết các số liệu này có sẵn tới cuối tháng 3 mặc dù họ thừa nhận rằng những nhà cung cấp đang muốn thương lượng tăng giá.

Các nhà máy thép cán phẳng Tây Âu cho biết họ đang có nhiều hợp đồng do đồng Euro phá giá khiến họ có lợi khi bán hàng xuất khẩu khi tính theo đồng USD. Tuy nhiên, người mua cho biết hoạt động giao dịch trong quý đầu năm hiện gần như đã khép lại và các nhà máy thép đã không thể đẩy giá tăng thêm 30-40 Euro/tấn. Các nhà máy sẽ cố gắng tăng giá khi các hợp đồng quý 2 được thảo luận.

Tại Việt Nam, do giá thép phế giảm, giá nguyên liệu đầu vào giảm và thép phôi giữ ở mức thấp nên các nhà máy điều chỉnh giảm giá bán thép nhằm giữ sản lượng và tăng thị phần mặc dù nhu cầu thấp.

Đồ thị 1: Chỉ số giá thép thế giới của SteelHome từ tháng 3/2014 đến tháng 3/2015.

Bảng 1: Giá bán tại nhà máy, chưa trừ chiết khấu, chưa có VAT

 

 
 
Sản phẩm
Miền Bắc
Miền Nam
GTTN
VPS
Thép MN
Vinakyoei
Tháng 1 Thép tròn đốt 12.220 12.800 15.210 13.100
Tháng 2   11.870 12.800 15.210 12.300
Tháng 3   11.870 12.800 15.210 12.300
Tháng 1          
  Thép cuộn Ф6 12.220 12.800 15.260 13.320
Tháng 2   11.870 12.800 15.260 12.520
Tháng 3   11.870 12.800 15.260 12.520

Từ đầu năm đến nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm thép xây dựng chưa có sự khởi sắc. Nguyên nhân là do tâm lý chờ đợi của khách hàng trước diễn biến khó lường của thị trường; giá nguyên liêu đầu vào như phôi thép, phế và quặng sắt tiếp tục giảm khiến cho đầu ra gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, hoạt động xây dựng khá trầm lắng do chưa phải mùa cao điểm vì vậy lượng tiêu thụ tại các đại lý hầu như không tăng. Các đơn vị thương mại hạn chế mua vào để tập trung cho công tác thu hồi công nợ. Nhiều doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá bán để đẩy nhanh lượng hàng tồn kho giá cao ra thị trường và giữ thị phần.

II.      CUNG – CẦU

1.       Cung: Sản lượng thép thô thế giới đạt 1.662 triệu tấn trong năm 2014, tăng 1,2% so với năm 2013. Trong đó, Trung Đông là vùng sản xuất nhỏ nhất thép thô có tỷ lệ tăng mạnh nhất. Sản lượng thép thô tại EU ( 28 nước), Bắc Mỹ và châu Á tăng vừa phải trong năm 2014 so với 2013 trong khi sản lượng tại SNG và Nam Mỹ giảm.

Biểu đồ 1: Sản lượng thép thô thế giới từ 2007-2014

 

Sản lượng thép thô thế giới được biểu diễn ở cột cao nhất, sản lượng thép thô của các nước còn lại ở cột cao nhì và sản lượng thép thô của Trung Quốc ở cột thấp nhất, đơn vị: triệu tấn.

Biểu đồ 2: Thị phần sản lượng thép thô thế giới năm 2014,2013

 

 

Bảng 2: Sản lượng thép thế giới trong hai tháng đầu năm 2015 ( đơn vị nghìn tấn)

 

Tên nước- Khu vực

Khối lượng

% chênh lệch

EU

27,899

-2

SNG

16,440

-4

Bắc Mỹ

18,971

-3.2

Mỹ

13,520

-4,1

Nam Mỹ

7,359

4,3

Châu Phi

2,386

-6,5

Trung Đông

4,667

10,3

Châu Á

177,331

-0,9

Nhật Bản

17,456

-2,2

Hàn Quốc

11,013

-3,6

Trung Quốc

130,530

-1,5

Ấn Độ

14,563

7,2

Đài Loan

3,769

6,3

Châu Đại Dương

968

9,5

Ôxtrâylia

824

11,6

Tổng cộng 65 nước

261,407

-1,3

Nguồn: World Steel Association 

Tình hình xuất khẩu thép tại các nước xuất khẩu thép chính vào Việt Nam

Trung Quốc: Xuất khẩu thép đạt 18.08 triệu tấn trong hai tháng đầu năm nay, tăng 56,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc nhập khẩu146,56 triệu tấn trong thời gian này, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của hải quan.

Nhật Bản: Theo Liên đoàn sắt và thép Nhật Bản (JISF), xuất khẩu sản phẩm thép thông thường của nước này trong tháng 1/2015 đạt 3,44 triệu tấn, giảm 10% so với tháng trước đó nhưng tăng 4,2% so với cùng tháng năm ngoái.Xuất khẩu thép sang Hàn Quốc giảm 5% so với cùng tháng năm ngoái, xuống còn 551.000 tấn, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 404.000 tấn, giảm 12%.

- Nhật Bản đã xuất khẩu khoảng 86.504 tấn sản phẩm thép không gỉ trong tháng 1/2015, tăng 2,9% so với tháng trước đó.Trong khi đó, giá xuất khẩu trung bình đạt 3.770 USD/tấn, giảm 0,6% so với tháng trước đó. Kim ngạch xuất khẩu thép không gỉ của nước này đạt 326,12 triệu USD trong tháng 1/2015.Trong đó, Trung Quốc là nhà nhập khẩu thép không gỉ lớn nhất của Nhật Bản, với 12.875 tấn, giảm 20,2%; Hàn Quốc là nhà nhập khẩu lớn thứ hai, với 15.089 tấn, tăng 28,2% và Đài Loan là thị trường thứ ba với 10.137 tấn, giảm 9,3%, tất cả đều so với tháng trước đó.

Nhật Bản đã xuất khẩu 219.897 tấn thép dẹt cán nguội trong tháng 1/2015, giảm 3,5% so với tháng trước đó.Giá xuất khẩu thép dẹt cán nguội trung bình ở mức 695 USD/tấn.Trong số đó, Trung Quốc đạt 42.778 tấn, giảm 25,5% so với tháng trước đó. Hàn Quốc đạt 5.044 tấn, tăng 12,1% so với cùng tháng năm ngoái.

Ôxtrâylia:  Cơ quan thống kê Australia cho biết xuất khẩu quặng sắt của nước này trong năm 2014 đạt 717 triệu tấn, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước đó.Trong số đó, xuất khẩu quặng sắt sang Trung Quốc đạt 570 triệu tấn, chiếm khoảng 80% trong tổng số, sang Nhật Bản đạt 76,26 triệu tấn, và sang Hàn Quốc đạt 51,27 triệu tấn.

Ukraina: Theo số liệu được đưa ra bởi Hiệp hội công nghiệp Metallurgprom, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thép bán thành phẩm của Ukraine trong tháng 2/2015 đạt 233,95 triệu USD.Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu sản phẩm thép bán thành phẩm của nước này đạt khoảng 1,01 triệu USD.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Công thương, tính chung 2 tháng đầu năm 2015, sản lượng sắt thép thô trong nước ước đạt 464,2 nghìn tấn, tăng 47,6% so với cùng kỳ năm 2014; sản lượng thép cán ước đạt 535,3 nghìn tấn, tăng 12,1% so với cùng kỳ; sản lượng thép thanh, thép góc ước đạt 540,8 nghìn tấn, tăng 25,8% so với cùng kỳ. Sản lượng thép xây dựng của các thành viên VSA đạt 786.126 tấn, tăng 36,68% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu ống thép trong 2 tháng đầu năm nay của các thành viên Vsa đạt 26.270 tấn, giảm 6,39% so với cùng kỳ năm ngoái.Xuất khẩu tôn mạ KL$SPM của các thành viên Vsa đạt 158.000 tấn, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

2.       Cầu

Nhu cầu tiêu thụ thép thế giới trong quý đầu năm nay hết sức ảm đạm do mùa đông. Tại Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ dự kiến sẽ tăng lên trong tháng tới khi thời tiết ấm lên song mức dự trữ quặng cao tại các cảng lớn và các điểm cơ bản yếu sẽ tiếp tục tác động tới giá quặng sắt. Nhập khẩu quặng sắt giảm trong hai tháng đầu năm nay, giảm 13,5% còn 67,94 triệu tấn trong tháng 2 so với tháng 1 song tăng 11% so với năm ngoái.

Mỹ:Theo Viện sắt và thép Mỹ (AISI), nhập khẩu thép của Mỹ trong tháng 1 đạt 3,85 triệu tấn, tăng 32,6% so với cùng tháng năm ngoái.Trong số đó, 1,55 triệu tấn là sản phẩm thép phẳng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.Hàn Quốc là nhà cung cấp nước ngoài hàng đầu, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng xuất khẩu sang Mỹ. Trung Quốc đã xuất khẩu 182.000 tấn thép sang Mỹ, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhập khẩu thép cây của nước này đạt 137.263 tấn thép cây trong tháng 2, tăng so với mức 87.499 tấn trong tháng 1. Nhập khẩu thép cuộn trơn tăng 9% lên mức 124.472 tấn. Nhập khẩu băng HDG và tấm HSG tăng 16% lên mức 279.650 tấn. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 106.105 tấn HDG, tăng so với mức 45.180 tấn trong tháng 1. Nhập khẩu từ Hàn Quốc giảm 43% còn 429.797 tấn. Nhập từ Braxin cũng giảm 35% còn 427.778 tấn chủ yếu do sự sụt giảm của thép bán thành phẩm.

Hàn Quốc: Theo Hiệp hội sắt và thép Hàn Quốc (Kosa), nhập khẩu thép của Hàn Quốc trong tháng 2/2015 đạt 1,6 triệu tấn, giảm 7% so với cùng tháng năm ngoái, do nhập khẩu từ Trung Quốc giảm.

Trong tháng 2/2015, nhập khẩu thép của Hàn Quốc từ Trung Quốc đạt 905.000 tấn, giảm 12%; từ Nhật Bản đạt 569.000 tấn, tăng 5%, cả hai đều so với cùng tháng năm 2014.

Trong tháng 2/2015, nhập khẩu thép cuộn cán nóng và thép tấm dày của Hàn Quốc giảm 18% và 23% so với cùng tháng năm ngoái theo thứ tự lần lượt.

Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ thép trong quý đầu năm không cao do nghỉ tết dài ngày và không phải mùa xây dựng. Các doanh nghiệp tăng sản lượng bán ra bằng các chương trình khuyến mại đầu năm. Sức tiêu thụ mặt hàng thép trong 2 tháng đầu năm nay chỉ đạt hơn 300.000 tấn, giảm 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng thép xây dựng bán ra trong hai tháng đầu năm của các thành viên Hiệp hội là 645.204 tấn, tăng 7,38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 2, nhập khẩu thép các loại ước đạt 662 nghìn tấn, giảm 16,9% so với cùng kỳ, trong đó nhập phôi thép ước đạt 60 nghìn tấn. Nhập khẩu thép phế liệu của Việt Nam trong tháng 2/2015 đạt 201.000 tấn, tăng 13,5% so với tháng trước đó. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu thép phế liệu của Việt Nam đạt 61,61 triệu USD, tăng 9,1% so với tháng trước đó. Trong 2 tháng đầu năm 2015, nhập khẩu thép phế liệu của Việt Nam đạt 379.000 tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nhập khẩu thép phế liệu ở mức khoảng 311,6 USD/tấn.

III.    CHÍNH SÁCH

Tại Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc từng bước bãi bỏ chính sách hoàn thuế xuất khẩu của một số sản phẩm thép có chứa Boron từ 1/1/2015. Tuy nhiên, một số nhà sản xuất thép của Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm thêm nguyên tố Cr vào thép tấm và thép thanh để có thể tiếp tục được hưởng chính sách hoàn thuế xuất khẩu 13%.(Theo Vsa.com.vn/ Seaisi Newsletter)

Tại Ấn Độ, ngày 11/3, Bộ Thương mại Ấn Độ đã đề xuất áp thuế chống bán phá giá ở mức từ 180 USD tới 306 USD/tấn đối với một số loại thép không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia và Hàn Quốc để hạn chế bớt lượng thép nhập khẩu đang gia tăng. Giá các loại thép chịu thuế chống bán phá giá có thể mua bán ở mức 1.270-2.070 USD/tấn và loại thép này được sử dụng chủ yếu trong sản xuất thiết bị và vật dụng cho các ngành như bơ sữa, lọc dầu và đường sắt. Ấn Độ tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn thép không gỉ loại này, trong đó hơn 40% là thép nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, với mức tăng trưởng 15%/năm. Nhu cầu thép của Ấn Độ vào khoảng 2,6 triệu tấn nên kéo theo nguồn cung thép giá rẻ đến từ Trung Quốc - nước có lượng thép dư thừa lên tới hơn 4 triệu tấn hàng năm.

Ngoài ra, ngành thép Ấn Độ còn dự định sẽ thêm 18 sản phẩm và danh sách các loại thép hiện nay cần chứng nhận từ Bộ Tiêu chuẩn Ấn Độ. Ấn Độ dự định sẽ áp dụng các quy định chất lượng đối với HRC và CRC dùng trong xe hơi, đường ống và thiết bị để hạn chế việc nhập khẩu gia tăng từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Mỹ: Phòng Thương mại Mỹ đồng ý hoãn lại các quyết định sơ khai trong trường hợp thương mại liên quan tới thép ống hàn từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc.Theo sau một yêu cầu của người nộp đơn, Uỷ Ban thương mại sẽ thu hồi lại quyết định sơ khai ngày 14/5 đến 25/3. Bộ thương mại đã mở rộng các quyết định sơ khai trong điều tra thuế đối kháng đối với Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ tới ngày 18/03.

Liên minh châu Âu:Uỷ Ban EU đã mở điều tra chống trợ cấp đối với thép ống gang đúc nhập khẩu từ Ấn Độ. Các thành viên của tập đoàn Saint-Gobain PAM, nhà máy lớn nhất Châu Âu phàn nàn rằng thép ống gang nhập khẩu nhận được trợ cấp và do đó đã ảnh hưởng xấu tới nền công nghiệp thép ống gang EU.

Uỷ Ban EU cho biết các báo cáo đã cung cấp các bằng chứng về việc các nhà máy Ấn Độ đã hưởng lợi từ tiền trợ cấp của Chính Phủ Ấn Độ và chính Phủ của các bang Ấn Độ khác nhau.

Các sản phẩm thép ống được điều tra có mã code gồm 7303 00 10 và 7303 00 90. Cuộc điều tra sẽ diễn ra trong 15 ngày từ ngày 11/03 để thu nhận quan điểm của các bên. Nếu hàng nhập khẩu vi phạm, thuế đối kháng có thể áp dụng trong 9 tháng và cuộc điều tra sẽ được hoàn thành trong 13 tháng.

Trong tháng 12 vừa qua, Uỷ Ban EU cũng đã mở điều tra thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng này và cũng từ đơn kiến nghị của  Tập đoàn Saint-Gobain PAM.

Tại Việt Nam, ngày 14/11/2014, Bộ tài chính đã ban hành thông tư số 161/2011/TT-BTC có hiệu lực từ 01/01/2015 về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018 (Thuế suất ưu đãi đặc biệt được gọi là thuế suất ATIGA). Theo đó, nhập khẩu một số sản phẩm thép, quặng sắt, hợp kim... giảm xuống còn 0%.

Việc cắt giảm sâu thuế quan của Việt Nam giai đoạn 2015-2018 sẽ tác động mạnh và tạo ra nhiều thuận lợi cũng như thách thức lớn đối với doanh nghiệp trong nước. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị chu đáo về mặt thông tin và xây dựng chiến lược kinh doanh nhằm tận dụng tối ưu những thuận lợi và ứng biến với những thách thức, cạnh tranh với các doanh nghiệp từ các quốc gia thuộc khối ASEAN.

IV.     DỰ BÁO, CẢNH BÁO

Triển vọng ngắn hạn, giá quặng sắt thế giới chắc chắn sẽ vẫn yếu do nguồn cung chi phí thấp tiếp tục tăng. Về lâu dài, giá nguyên liệu sản xuất thép vẫn sẽ tiếp tục giảm. Sản lượng thép thô của Trung Quốc sẽ đạt mức 1-1,1 tỷ tấn vào giữa những năm 2020. Sau năm 2030, nguồn cung phế liệu thép tăng sẽ khiến cho nhu cầu tiêu thụ quặng sắt giảm. Nhu cầu tiêu thụ thép dự kiến sẽ cải thiện trong năm nay và năm tới song giá thép sẽ vẫn giảm do xu hướng giá thép yếu trên toàn cầu, nhập khẩu giá rẻ tăng và nguồn cung dư thừa tại các nước sản xuất thép.

Tại Việt Nam, dự báo thị trường thép sẽ sôi động vào quý 2 khi thời tiết ấm lên và khô hơn, nhu cầu tiêu thụ thép sẽ mạnh lên. Tuy nhiên, giá không có triển vọng tăng do nguồn cung dư thừa, sản lượng tăng, nhập khẩu lớn.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng tiêu thụ thép năm nay của Việt Nam chỉ xấp xỉ 6 triệu tấn, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ; mức tăng trưởng đạt từ 4 - 5%, tuy nhiên mức tăng chủ yếu do đẩy mạnh xuất khẩu từ các mặt hàng như tôn mạ màu, mạ kẽm, thép ống các loại. Song công suất thép xây dựng của các nhà máy trên cả nước hiện lên đến 11 triệu tấn, vượt gần gấp đôi nhu cầu và đang tạo sức ép cạnh tranh vô cùng lớn với các doanh nghiệp trong ngành.

Nguồn: Vinanet.com.vn

 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710913856