Chủ nhật, 5-5-2024 - 21:31 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Xây dựng chiến lược để thương hiệu cam Sành Hà Giang vươn xa 

 Thứ hai, 20-11-2023

AsemconnectVietnam - Chắt lọc tinh hoa của đất trời, dưới bàn tay cần cù của những người dân vùng địa đầu tổ quốc, cam Sành Hà Giang đã ngày càng khẳng định uy tín, thương hiệu trên thị trường, trở thành “Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt” và được người tiêu dùng khắp mọi miền tổ quốc biết đến nhờ hương vị ngọt thanh và màu vàng đẹp mắt.

Người nông dân vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương
Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái là vùng cam chủ yếu của các tỉnh phía Bắc Việt Nam, trong đó Hà Giang là vùng cam lớn nhất của các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.
Tại Hà Giang, cam đã được trồng từ rất lâu và đặc biệt phát triển thương mại vào những năm gần đây. Trong thời gian này, cam đã được biết đến trên khắp các vùng miền của đất nước và có những thời điểm được xuất khẩu sang các nước với khối lượng lớn.
Cam sành là cây bản địa, gắn với truyền thống sản xuất, canh tác của người dân 3 huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Việc triển khai đồng bộ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP đã góp phần quan trọng khai thác hiệu quả quyền bảo hộ cam sành Hà Giang.
Cam Hà Giang quả to tròn, vỏ sần sùi, màu cam sẫm, trên vỏ có nhiều đốm nâu. Khi chín, quả sẽ chuyển sang màu vàng rất đẹp mắt, vị ngọt thanh, mùi rất thơm. Quả cam có cùi dày nên để được hơn nửa tháng mà không bị hỏng; có thể ăn trực tiếp hoặc ép lấy nước, làm sinh tố, nước ép…. đều cho hương vị thơm ngon đặc trưng.
Từ tháng 12 đến tháng 3 dương lịch hàng năm là thời điểm cam Hà Giang bước vào giai đoạn chín và cho thu hoạch. Lúc này, màu xanh của lá và màu vàng tươi từ cam tô điểm thêm cho vùng trời, vùng đất địa đầu Tổ quốc. Nông dân tấp nập hái cam, xe cộ tấp nập mua bán khiến không khí nơi đây thêm tươi vui, tràn đầy sức sống.
Sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử hiện nay cũng góp phần lan tỏa những thương hiệu nông sản để mọi người biết đến nhiều hơn. Nhờ đó, những chủ nhà vườn, hợp tác xã trồng cam đã liên tiếp đón nhận những đơn hàng thông qua sàn thương mại điện tử, đưa những trái cam ngọt của vùng đất Hà Giang đến với người tiêu dùng khắp mọi miền tổ quốc. Cam sành đã trở thành cây kinh tế mũi nhọn, giúp người nông dân nơi đây có kinh tế ổn định, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất sản phẩm an toàn
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang, tổng diện tích cam niên vụ 2023 – 2024 của tỉnh là 5.881ha, diện tích cho thu hoạch đạt khoảng 5.375 ha và sản lượng ước đạt 54.400 tấn. Trong đó, diện tích cam sành là 3.522ha, diện tích cho thu hoạch 3.361ha và sản lượng ước đạt 34.740 tấn. Diện tích cam vàng đạt 1.960ha; trong đó, diện tích cho thu hoạch 1.747ha và sản lượng ước đạt 19.750 tấn.
Khảo sát thị trường tiêu dùng cho thấy, chất lượng cam Sành Bắc Quang làm hài lòng người tiêu dùng. Cảm nhận chung của mỗi người khi được thưởng thức đều khen cam Sành Bắc Quang vừa thơm, vừa ngọt, rất khác so với sản phẩm hiện có trên thị trường. Trên 93% diện tích trồng cam ở Bắc Quang đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất sản phẩm an toàn; trong đó, có trên 90% diện tích cam được trồng theo tiêu chuẩn VietGap.
Để thực hiện triển khai sản xuất cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP, ngay từ đầu năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp kỹ thuật như: Bón phân, cắt cành, tạo tán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “nguyên tắc 4 đúng”; nhất là không được sử dụng các loại thuốc trừ cỏ trên các vườn cam…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Giang cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, khi bước vào vụ thu hoạch cam, sẽ thành lập các tổ công tác liên ngành nhằm giám sát quá trình thu hái, vận chuyển và test nhanh các chỉ tiêu sinh hóa để đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm ngay tại vườn và các lô sản phẩm trước khi đưa vào siêu thị nhằm đảm bảo cho các lô cam của Hà Giang đạt các chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi được đưa vào lưu thông trên thị trường tại các tỉnh và thành phố trên cả nước.
Cùng với đó, công tác xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm gắn liền với gìn giữ, phát huy uy tín, danh tiếng cam sành Hà Giang đã trở thành yếu tố chiến lược để thương hiệu cam Sành không ngừng vươn xa. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan được UBND tỉnh ủy quyền quản lý chỉ dẫn địa lý Hà Giang dùng cho chỉ dẫn địa lý sản phẩm cam sành của tỉnh. Các đơn vị: Sở Thông tin và Truyền thông, Công thương, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp tuyên truyền về sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý cam sành Hà Giang, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, kết nối văn hóa với du lịch...
Cùng với đó, thông qua công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, cam Hà Giang ngày càng đến gần hơn với người tiêu dùng. Không chỉ chinh phục thị trường miền Bắc, cam sành Hà Giang đang vươn xa, “phủ sóng” toàn quốc khi sản phẩm được bày bán ở các siêu thị lớn trong cả nước, như: WinMart, BigC, Hapro, Saigon co.op... với sản lượng bình quân 300 - 500 tấn/năm. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, thương hiệu cam sành Hà Giang đã ngày càng vươn xa, trở thành niềm tự hào của người dân nơi địa đầu tổ quốc.
Nguồn: moit.gov.vn
 

  PRINT     BACK
 Xây dựng và phát triển thương hiệu “Cá Tôm sông Đà”
 Thừa Thiên Huế: Ưu tiên đưa hàng Việt về nông thôn, góp phần kích cầu tiêu dùng, khôi phục kinh tế
 Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch góp phần thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
 Đa dạng giải pháp xúc tiến tiêu thụ hàng Việt tại các tỉnh, thành phố
 An Giang tăng cường thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"
 Phát triển Sâm Việt Nam thành thương hiệu quốc gia
 Huyện Lục Ngạn triển khai kế hoạch tiêu thụ vải thiều năm 2023
 Kế hoạch triển khai Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2023
 Khai mạc Tuần hàng Việt thành phố Hà Nội 2023
 Triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2023
 Nhiều sản phẩm đặc trưng của khu vực Bắc và Bắc Trung Bộ tiếp cận với hệ thống bán lẻ của Central Retail
 Dừa Bến Tre – cây cho nhiều sản phẩm nhất Việt Nam
 Hòa Bình tập trung phát triển và nâng cao chất lượng của cam Cao Phong
 Tiếp tục đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng Thủ đô
 197 doanh nghiệp được cấp chứng nhận Hàng Việt Nam Chất lượng cao - Chuẩn hội nhập


© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25711146329