Thứ sáu, 26-4-2024 - 17:45 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Điều gì khiến Indonesia cân nhắc tham gia CPTPP? 

 Thứ năm, 21-2-2019

AsemconnectVietnam - Khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc đẩy ý tưởng về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Tổng thống Indonesia Joko Widodo vào năm 2015, thì Indonesia lúc đó đã lựa chọn cách tiếp cận “chờ đợi và xem xét” và cho rằng nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á sẽ chỉ tham gia hiệp định khi tất cả các thành viên hiện tại đã hoàn tất phê chuẩn và thực hiện thực thi.

Với việc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP sau khi thay thế chính quyền Obama, Jakarta đã từ bỏ mọi hy vọng cho hiệp định thương mại này. Thay vào đó, chính quyền của Tổng thống Widodo lựa chọn tập trung vào việc hoàn thành một hiệp định thương mại lớn khác, đó là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bao gồm tất cả 10 thành viên của ASEAN và các đối tác thương mại tự do là Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự quan tâm của Indonesia khi tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) một lần nữa được đưa ra. Trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN đặc biệt được tổ chức tại Sydney năm 2018, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã ám chỉ Indonesia tham gia hiệp định thương mại nhưng cho rằng không có gì phải vội vàng khi buộc Jakarta phải đàm phán. Bộ Tài chính Indonesia từng cho rằng nước này có thể tham gia CPTPP nhưng không phải trước khi một số vấn đề cơ cấu với hiệp định được giải quyết.
Khi Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế trị giá gần nghìn tỷ đôla, chính phủ sẵn sàng tìm kiếm cơ hội quốc tế để mở rộng quan hệ thương mại và kết nối cũng như đầu tư vào vốn nhân lực và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ý định tham gia CPTPP của Jakarta sẽ mang lại lợi ích to lớn cho hiệp định thương mại. Nếu trước đây, sự vắng mặt của Mỹ là một lý do để không tham gia TPP, thì với điều kiện thương mại toàn cầu hiện tại, đặc biệt là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, rất có thể là lý do Indonesia tích cực theo đuổi Hiệp định CPTPP.
Cuộc chiến thương mại đã khiến ngay cả khi chứng khoán Mỹ tăng mạnh, cắt giảm thuế doanh nghiệp lớn, nới lỏng các quy định và tăng thu nhập của công ty thì các công ty Mỹ vẫn được định giá ít hơn so với thời điểm trước cuộc bầu cử của Trump. Bên cạnh đó, chi phí để vay của Mỹ so với các chính phủ khác đã tăng vọt và tỷ lệ dự trữ tiền tệ toàn cầu của đồng USD đã chạm mức thấp trong bốn năm gần đây theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Là nền kinh tế và thị trường lớn nhất ở Đông Nam Á, CPTPP cũng có thể được hưởng lợi từ sự tham gia của Indonesia. Nếu gia nhập CPTPP, Indonesia sẽ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tích lũy của cả hiệp định thương mại thêm 9,2% từ 10,1 nghìn tỷ USD lên 11 nghìn tỷ USD. Với GDP là 932,2 tỷ USD, đây sẽ là nền kinh tế lớn thứ 5 trong CPTPP. Bên cạnh đó, với dân số khoảng 261,1 triệu người - Indonesia là quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới - sẽ làm cho quy mô thị trường của CPTPP tăng 52% từ 501,2 triệu lên 762,12 triệu người.
Bộ Thương mại Indonesia đã từng kêu gọi các thành viên của ASEAN chưa tham gia CPTPP (như Thái Lan, Philippines, Myanmar, Indonesia, Lào và Campuchia) cùng gia nhập hiệp định để bảo đảm rằng khối ASEAN có thể cùng nhau đàm phán hiệp định này. Đây là những dấu hiệu cho thấy Indonesia đang chuẩn bị đối mặt với “vùng đất” chưa được khám phá của thương mại quốc tế trong bối cảnh mới hiện nay.

Nguồn: Báo Công Thương

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710905115