Thứ bảy, 27-4-2024 - 15:17 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Phòng vệ thương mại: Khuyến nghị nên biết về thị trường Peru 

 Thứ sáu, 17-6-2022

AsemconnectVietnam - Dù Peru chưa tiến hành điều tra phòng vệ thương mại nào với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, song chuẩn bị trước các thông tin pháp luật của Peru là cần thiết.

Cẩn trọng với các quy định
Sau 3 năm đi vào hiệu lực, có thể khẳng định rằng, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đã có những tác động rõ rệt đối với tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam. Với thị trường các đối tác Hiệp định, Việt Nam hiện nay đang có kết quả xuất siêu với những tăng trưởng đáng ghi nhận, ngay cả khi kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Mặc dù thế, với tiến trình hội nhập kinh tế từ tác động của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, hàng hóa của Việt Nam có nguy cơ sẽ trở thành đối tượng điều tra phòng vệ thương mại mới của các nước đối tác thành viên Hiệp định này.
Cho đến nay, hàng hóa Việt Nam mới là đối tượng điều tra phòng vệ thương mại của 4 đối tác Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, một số đối tác như Nhật Bản, Chile hay New Zealand cũng là những thành viên rất tích cực sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Đặc biệt, trong nhóm các đối tác Hiệp định, Peru là thành viên tích cực thứ 3 sau Úc và Canada sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Do đó, Cục phòng vệ thương mại nhấn mạnh, việc nắm rõ các quy định phòng vệ thương mại từ thị trường Peru là hết sức quan trọng.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, các quy định pháp luật phòng vệ thương mại của Peru được thể hiện qua Nghị định cấp cao quy định về điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp năm 2003 (Nghị định này thay thế cho Nghị định về điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp năm 1997) và Nghị định năm 1998 quy định về Hiệp định Tự vệ và Hiệp định dệt may của WTO. Về nội dung các quy định pháp luật của Peru, cơ quan lập pháp đã đưa ra những quy định tương đối chi tiết về nội dung điều tra.
Cụ thể, Cục phòng vệ thương mại khuyến nghị, doanh nghiệp cần lưu ý nghiên cứu một số quy định về điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp, như quy định về điều kiện thị trường đặc biệt. Tại Điều 6 của Nghị định chống bán phá giá và chống trợ cấp của Peru quy định về điều kiện thị trường đặc biệt, gồm có tình hình thị trường đặc biệt và lượng bán thấp của hàng hóa tương tự trong nước xuất khẩu. Trong đó, Nghị định nêu rõ cách thức xác định về lượng bán hàng thấp cũng như cách thức tính toán, phân bổ chi phí khi xác định giá trị thông thường trong điều kiện thị trường đặc biệt.
Đối với Quy định về nền kinh tế không phải nền kinh tế thị trường, Peru quy định việc tính toán giá trị thông thường trong trường hợp nền kinh tế phi thị trường, bóp méo giá cả, khiến cho không thể sử dụng số liệu trong nước để tính giá trị thông thường của hàng hóa bị điều tra.
Tránh bị áp dụng về kinh tế phi thị trường
Theo Cục Phòng vệ thương mại, trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, bên cạnh các nước Đông Á (Nhật Bản, Brunei, Malaysia và Singapore) đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường từ trước đó thì trong quá trình đàm phán Hiệp định, các thành viên khác như Canada, Úc, New Zealand hay Chile cũng đã công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Tuy nhiên, Peru hiện là thành viên duy nhất của Hiệp định chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. “Do đó, trong trường hợp Cơ quan điều tra của Peru điều tra chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, doanh nghiệp cần lưu ý chứng minh đầy đủ căn cứ để không bị áp dụng quy định về kinh tế phi thị trường” - Cục phòng vệ thương mại khuyến nghị.
Ngoài ra, Cục Phòng vệ thương mại cho biết thêm, theo quy trình điều tra biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp của Peru về cơ bản tuân thủ chặt chẽ các cam kết Tổ chức Thương mại thế giới. Cụ thể, theo quy định pháp luật của Peru, các nhà xuất khẩu sẽ có 60 ngày để trả lời bản câu hỏi. Thời gian này là hợp lý và đảm bảo cho các doanh nghiệp chuẩn bị và rà soát kỹ lưỡng bản trả lời câu hỏi trước khi gửi. Còn về điều tra tự vệ, Peru cũng quy định cụ thể về quy trình điều tra áp dụng biện pháp tự vệ theo Hiệp định Tự vệ của Tổ chức Thương mại thế giới.
Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền điều tra phòng vệ thương mại tại Peru là Ủy ban bán phá giá và trợ cấp của Viện quốc gia về Phòng, Cạnh tranh và Bảo vệ Sở hữu Trí tuệ. Trong vụ việc tự vệ, bên cạnh Ủy ban chống bán phá giá và trợ cấp là cơ quan tiến hành các thủ tục điều tra, một Ủy ban liên Bộ được thành lập để quyết định áp dụng các biện pháp tự vệ. Các quyết định được thực hiện bởi Ủy ban sẽ được chính thức thành lập theo Nghị quyết Bộ trưởng của Bộ Công nghiệp, Du lịch, Hội nhập và đàm phán thương mại quốc tế.

Nguồn: congthuong.vn/phong-ve-thuong-mai-khuyen-nghi-nen-biet-ve-thi-truong-peru-180386.html
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710931828