Thứ hai, 29-4-2024 - 14:49 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tình hình xuất khẩu và nhập khẩu thủy sản Việt Nam năm 2023 và dự báo năm 2024 

 Thứ tư, 24-1-2024

AsemconnectVietnam - Năm 2023 xuất khẩu nhóm hàng thuỷ sản của Việt Nam đạt trên 8,97 tỷ USD, giảm 17,9% so với năm 2022.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thủy sản các loại về Việt Nam trong năm 2023 đạt trên 2,59 tỷ USD, giảm 4,7% so với năm 2022.
Tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2023
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, năm 2023 xuất khẩu nhóm hàng thuỷ sản của Việt Nam đạt trên 8,97 tỷ USD, giảm 17,9% so với năm 2022. Riêng xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 9,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 854,41 triệu USD, giảm 9,2%.
Các thị trường xuất khẩu thủy sản chủ đạo của Việt Nam năm 2023
Thủy sản xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Mỹ chiếm 17,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt gần 1,56 tỷ USD, giảm mạnh 26,9% so với năm 2022; trong đó riêng tháng 12/2023 đạt 113,39 triệu USD, giảm 13,7% so với tháng 11/2023 nhưng tăng 14% so với tháng 12/2022.
Đứng thứ 2 về kim ngạch là thị trường Nhật Bản chiếm tỷ trọng 16,9%, đạt gần 1,52 tỷ USD, giảm 11,2%; riêng tháng 12/2023 xuất khẩu sang thị trường này đạt 123,99 triệu USD, giảm 14,3% so với tháng 11/2023 và giảm 3,1% so với tháng 12/2022.
Tiếp đến thị trường Trung Quốc trong tháng 12/2023 giảm 14,4% so với tháng 11/2023 và giảm 11,4% so với tháng 12/2022, đạt 91,1 triệu USD; cộng chung cả năm 2023 xuất khẩu sang thị trường này giảm 15% so với năm 2022, đạt gần 1,34 tỷ USD, chiếm 14,9% trong tổng kim ngạch.
Xuất khẩu thủy sản sang thị trường FTA RCEP năm 2023 giảm 13,9% so với năm 2022, đạt 4,64 tỷ USD; Xuất khẩu sang thị trường FTA CPTTP giảm 15,6%, đạt 2,42 tỷ USD. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU chiếm 9,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, đạt trên 869,54 triệu USD, giảm 28,9%. Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á chiếm 7,5% trong tổng kim ngạch, đạt gần 668,8 triệu USD, giảm 13,7%.
Tình hình nhập khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2023
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thủy sản các loại về Việt Nam trong năm 2023 đạt trên 2,59 tỷ USD, giảm 4,7% so với năm 2022.
Trong năm 2023, Ấn Độ, Na Uy, Indonesia, Trung Quốc và Nhật Bản là các thị trường chủ yếu cung cấp thủy sản cho Việt Nam; trong đó nhập khẩu từ Ấn Độ dẫn đầu về kim ngạch, đạt 333,7 triệu USD, chiếm 12,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, giảm 11,7% so với năm 2022, riêng tháng 12/2023 nhập khẩu từ thị trường này đạt 24,66 triệu USD, giảm 4,7% so với tháng 11/2023 và giảm 23,4% so với tháng 12/2022.
Đứng thứ 2 là thị trường Na Uy, nhập khẩu từ thị trường này trong tháng 12/2023 giảm 26,4% so với tháng 11/2023 nhưng tăng 0,6% so với tháng 12/2022, đạt 24,73 triệu USD, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2023 lên 282,6 triệu USD, chiếm trên 10,9%, tăng 8,8% so với năm 2022.
Tiếp đến thị trường Trung Quốc đạt 223,17 triệu USD trong năm 2023, chiếm 8,6%, tăng 4,6%; Indonesia đạt 207,25 triệu USD, chiếm 8%, giảm 25,4%; Nhật Bản đạt 170,97 triệu USD, chiếm 6,6%, tăng 1,5%.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam còn gặp nhiều thách thức trong năm 2024
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ có nhiều thách thức hơn trong năm 2024.
Vấn đề đặt ra hiện nay của ngành thủy sản là truy xuất nguồn gốc hải sản để chống khai thác trái phép, đảm bảo an toàn thực phẩm trên tàu cá, cảng cá.
Ngoài ra, xuất khẩu thủy sản còn phải đối mặt với nhiều rào cản khác như phúc lợi động vật, chứng chỉ carbon nhằm đảm bảo an toàn môi trường trong quá trình sản xuất sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hạ mục tiêu giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2024 xuống 9,5 tỷ USD so với kỳ vọng trước đó là 10 tỷ USD.
Ngành thủy sản dự kiến sẽ đạt sản lượng 9,22 triệu tấn hải sản từ diện tích nuôi trồng thủy sản 1,3 triệu ha trong năm nay.
Kinh tế thế giới phục hồi chậm, trong khi giá một số sản phẩm đầu vào cho phát triển nuôi trồng thủy sản và chi phí hậu cần vẫn ở mức cao, gây áp lực lên sản xuất.
Những thách thức này đã tác động tới hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, gây khó khăn cho ngành thủy sản trong năm nay.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu tiếp tục duy trì cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam. Vì vậy, năm 2024, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh sẽ trở nên khó khăn hơn.
Luân cho biết doanh thu xuất khẩu thủy sản giảm trong năm 2023 do ngành thủy sản phải đối mặt với những thách thức như thiếu tiêu chuẩn và quy định về giám sát môi trường cũng như cơ sở hạ tầng ở các vùng nuôi không đầy đủ. Hiệu quả của hoạt động đánh bắt còn thấp. Nhu cầu tiêu dùng giảm ở hầu hết các thị trường khiến kim ngạch xuất khẩu sụt giảm.
Bà Vương Thị Oanh, cán bộ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết mặc dù ngành thủy sản có dấu hiệu phục hồi nhưng năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn.
Cụ thể, Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản được kỳ vọng phục hồi từ những tháng cuối năm 2023 do các thị trường này chuẩn bị thực phẩm cho lễ hội cuối năm và năm mới, trong khi hàng tồn kho của các nhà nhập khẩu ở mức thấp. Việt Nam là nhà cung cấp tiềm năng cho các thị trường đó.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh với các đối thủ cũng gia tăng như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc đối với sản phẩm chế biến và với Ecuador đối với sản phẩm thông thường.
CK
Nguồn: VITIC/vietnamplus.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710992573