Thứ sáu, 3-5-2024 - 3:33 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn tiếp tục tăng trưởng 

 Thứ tư, 15-11-2023

AsemconnectVietnam - Tháng 10/2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, giá xuất khẩu tăng mạnh lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay.

Giá sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu tăng mạnh
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 10/2023, Việt Nam xuất khẩu được 268,37 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 136,49 triệu USD, tăng 2,1% về lượng và tăng 11,1% về trị giá so với tháng 9/2023, tăng 12,6% về lượng và tăng 33% về trị giá so với tháng 10/2022.
Lũy kế 10 tháng năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt trên 2,39 triệu tấn, trị giá 1,02 tỷ USD, giảm 6,4% về lượng và giảm 8,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 10/2023, giá sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu tăng mạnh lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay. Theo đó, giá bình quân xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 508,6 USD/tấn, tăng 8,8% so với tháng 9/2023 và tăng 18,1% so với tháng 10/2022.
Trong tháng 10/2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 90,01% về lượng và chiếm 91,49% về trị giá trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, đạt 241,55 nghìn tấn, trị giá 124,88 triệu USD, giảm 4,7% về lượng, nhưng tăng 6,2% về trị giá so với tháng 9/2023; So với tháng 10/2022 tăng 16,6% về lượng và tăng 40,2% về trị giá.
Giá bình quân xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc ở mức 517 USD/tấn, tăng 11,5% so với tháng 9/2023 và tăng 20,2% so với tháng 10/2022. Lũy kế 10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 2,18 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 929,57 triệu USD, giảm 6,2% về lượng và giảm 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 10 tháng năm 2023, mặc dù lượng sắn xuất khẩu giảm, nhưng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang một số thị trường vẫn tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022 như: Thị trường Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản... Tuy nhiên các thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng xuất khẩu sắn của cả nước.
Dự kiến nguồn cung sắn lát khi bước vào vụ sản xuất tháng 12 sắp tới sẽ giảm
Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, đầu tháng 10/2023, giá sắn tươi tại các tỉnh miền Bắc ổn định so với cuối tháng trước, hiện giá thu mua dao động ở mức 2.400 - 2.450 đồng/kg. Tại các tỉnh miền Trung, giá sắn tươi được thu mua ở mức 2.400 - 2.600 đồng/kg. Giá sắn tươi thu mua tại Kon Tum dao động ở mức 2.900 - 3.100 đồng/kg. Giá tinh bột sắn và sắn lát xuất khẩu cũng ổn định so với cuối tháng trước.
Hiện các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn với mức giá trong khoảng 535-550 USD/tấn FOB cảng thành phố Hồ Chí Minh. Giá tinh bột sắn giao tại Móng Cái và Lạng Sơn dao động ở mức 4.100 - 4.350 CNY/tấn. Trong khi đó, giá xuất khẩu sắt lát sang thị trường Trung Quốc khoảng 295 USD/tấn FOB Quy Nhơn; còn giá xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc khoảng 335 USD/tấn FOB Quy Nhơn.
Theo thông báo từ phía Trung Quốc, nước này sẽ áp dụng chính sách nhập khẩu cư dân biên giới từ ngày 1/11/2023. Theo đó, hàng hóa không thuộc loại hình gia công chế biến tại địa phương như bột sắn, lá chè khô, hạt điều và các mặt hàng tạp hàng khô khác sẽ không được áp dụng quy định thông quan đi thẳng “cả xe nhập, cả xe xuất” như thời gian vừa qua, mà khôi phục quy định mỗi người 8.000 NDT/ngày/ xe. Theo đó, phí đón hàng tại khu vực cửa khẩu bên phía Trung Quốc tăng khoảng 100 NDT/tấn chi phí bốc xếp, xe trung chuyển và tiền thuế, phí khác.
Năm nay, tình trạng mưa lớn kéo dài tại các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và cả Campuchia khiến chất lượng sắn thu hoạch kém hơn mọi năm. Dự kiến nguồn cung sắn lát khi bước vào vụ sản xuất tháng 12 sắp tới sẽ giảm, do dự báo nguồn nguyên liệu sắn củ tươi giảm mạnh.
Trong niên vụ 2023/24, các đơn vị kinh doanh mặt hàng này có thể phải tăng nhập khẩu sắn lát từ Lào và Campuchia về Việt Nam để đáp ứng cho nhu cầu của nhà máy thức ăn chăn nuôi trong nước, cũng như cho xuất khẩu.
Tại Phú Yên, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thông Phú Yên cho biết, niên vụ 2023/24 nông dân trên địa bàn tỉnh hiện đã thu hoạch được 2.998/26.256ha sắn, ước năng suất đạt 21 tấn/ha. Sắn là cây trồng chủ lực trồng từ nhiều năm nay của nông dân các huyện Sông Hinh, Đồng Xuân, Sơn Hoà, Tuy An, Tây Hòa…
Tại Thanh Hóa, sắn là một trong ba loại cây trồng chủ lực của tỉnh, chỉ sau lúa và ngô. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 5 nhà máy chế biến tinh bột sắn, với quy mô 600 tấn sản phẩm/ngày, theo đó nhu cầu nguyên liệu để sản xuất cần tới 250.000- 300.000 tấn củ sắn tươi.
Đây có thể xem là thị trường thu mua ổn định, giúp cho người trồng sắn yên tâm sản xuất. Mỗi năm trên địa bàn tỉnh có gần 14.000ha sắn, với tổng sản lượng khoảng 200.000 tấn làm nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: congthuong.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25711087967