Thứ sáu, 17-5-2024 - 18:14 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Xuất khẩu và nhập khẩu thủy sản của Việt Nam 9 tháng đầu năm và dự báo 

 Thứ hai, 30-10-2023

AsemconnectVietnam - Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm 2023 xuất khẩu nhóm hàng thủy sản đạt trên 6,6 tỷ USD, giảm 22,1% so với 9 tháng năm 2022.

Trong khi đó, 9 tháng năm 2023 nhập khẩu nhóm hàng thủy sản đạt trị giá trên 1,94 tỷ USD, giảm 4,8% so với 9 tháng năm 2022.
Tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2023
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhóm hàng thủy sản tháng 9/2023 giảm 5,2% so với tháng 8/2023 và giảm 5% so với tháng 9/2022, đạt trên 814,02 triệu USD. Tính chung 9 tháng năm 2023 xuất khẩu nhóm hàng này đạt trên 6,6 tỷ USD, giảm 22,1% so với 9 tháng năm 2022.
Các thị trường xuất khẩu thủy sản chủ đạo của Việt Nam tháng 9 và 9 tháng năm 2023
Thủy sản xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Mỹ chiếm 17,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt gần 1,17 tỷ USD, giảm 33,8% so với 9 tháng năm 2022; trong đó riêng tháng 9/2023 đạt 149,86 triệu USD, giảm 9,3% so với tháng 8/2023 nhưng tăng 6,7% so với tháng 9/2022.
Đứng thứ 2 về kim ngạch là thị trường Nhật Bản chiếm tỷ trọng 16,7%, đạt trên 1,1 tỷ USD, giảm 12,9% so với cùng kỳ; riêng tháng 9/2023 xuất khẩu sang thị trường này đạt 129,25 triệu USD, giảm 4,4% so với tháng 8/2023 và giảm 9% so với tháng 9/2022.
Tiếp đến thị trường Trung Quốc trong tháng 9/2023 tăng 12,8% so với tháng 8/2023 nhưng giảm 2,3% so với tháng 9/2022, đạt 140,69 triệu USD; cộng chung cả 9 tháng năm 2023 xuất khẩu sang thị trường này giảm 15,9% so với 9 tháng năm 2022, đạt trên 1,01 tỷ USD, chiếm 15,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Xuất khẩu thủy sản sang thị trường FTA RCEP 9 tháng năm 2023 giảm 16% so với 9 tháng năm 2022, đạt gần 3,42 tỷ USD, chiếm 51,8% trong tổng kim ngạch; Xuất khẩu sang thị trường FTA CPTTP giảm 19,7%, đạt gần 1,76 tỷ USD, chiếm 26,6%. Xuất khẩu sang thị trường EU chiếm 9,9% trong tổng kim ngạch, đạt trên 651,72 triệu USD, giảm 33,4%. Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á chiếm 7,5% trong tổng kim ngạch, đạt gần 496,14 triệu USD, giảm 15,2%.
Tình hình nhập khẩu thủy sản tháng 9 và 9 tháng năm 2023
9 tháng năm 2023 nhập khẩu nhóm hàng thủy sản trị giá trên 1,94 tỷ USD, giảm 4,8% so với 9 tháng năm 2022.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu nhóm hàng thủy sản về Việt Nam tháng 9/2023 giảm 12,5% so với tháng 8/2023 nhưng tăng 5,1% so với tháng 9/2022, đạt 208,52 triệu USD. Tính chung cả 9 tháng năm 2023 nhập khẩu nhóm hàng này trị giá trên 1,94 tỷ USD, giảm 4,8% so với 9 tháng năm 2022.
Các thị trường nhập khẩu thủy sản chủ đạo của Việt Nam tháng 9 và 9 tháng năm 2023
Thủy sản nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất có xuất xứ từ Ấn Độ, chiếm 13,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 257,63 triệu USD, giảm 7,4% so với 9 tháng năm 2022; trong đó riêng tháng 9/2023 đạt 26,62 triệu USD, tăng 9,7% so với tháng 8/2023 nhưng giảm 5,9% so với tháng 9/2022. Đứng thứ 2 là thị trường Na Uy chiếm tỷ trọng 10,6%, đạt trên 205,55 triệu USD, tăng 12,5%; riêng tháng 9/2023 nhập khẩu từ thị trường này đạt 18,59 triệu USD, giảm 26% so với tháng 8/2023 nhưng tăng 9,4% so với tháng 9/2022. Sau đó là thị trường Trung Quốc trong tháng 9/2023 giảm 9,6% so với tháng 8/2023 nhưng tăng 16% so với tháng 9/2022, đạt 18,54 triệu USD; cộng chung cả 9 tháng năm 2023 nhập khẩu từ thị trường này giảm 3,4% so với 9 tháng năm 2022, đạt trên 161,03 triệu USD, chiếm 8,3% trong tổng kim ngạch.
Nhập khẩu thủy sản từ các thị trường FTA - RCEP trong 9 tháng năm 2023 đạt 597,87 triệu USD, giảm 9,9% so với 9 tháng năm 2022, chiếm 30,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước. Nhập khẩu thủy sản từ các thị trường FTA - CPTTP đạt 292,51 triệu USD, chiếm 15%, tăng 8,3%.
Nhập khẩu thủy sản từ các thị trường FTA Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) đạt 89,19 triệu USD, giảm 16%, chiếm 4,6%. Nhập khẩu thủy sản từ thị trường Đông Nam Á đạt 235,09 triệu USD, giảm 17,5% so với 9 tháng năm 2022, chiếm 12,1%.
Dự báo xuất khẩu thuỷ sản quý 4
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 6,6 tỷ USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Sang quý IV, xuất khẩu thủy sản có thể mang về khoảng 2,4 tỷ USD .
Vasep đánh giá, xuất khẩu giảm sâu trong giai đoạn nửa đầu năm với 27%. Từ tháng 6, tăng trưởng âm thu hẹp dần, riêng trong tháng 9, doanh số xuất khẩu chỉ còn thấp hơn 5% so với cùng kỳ. Do vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong quý 3 chỉ thấp hơn 12% so với quý 3/2022 – cũng là mức giảm ít nhất trong 3 quý đầu năm.
Tổng thể bức tranh xuất khẩu cho thấy, 9 tháng đầu năm nay, các mặt hàng chính gồm tôm, cá tra, cá ngừ đều có doanh số xuất khẩu giảm mạnh hơn so với các loài khác. Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất đến 31%, tôm giảm 26%, cá ngừ giảm 24%. Còn mực, bạch tuộc, cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ giảm từ 10 - 18%, các loại cá biển khác chỉ thấp hơn 8% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhóm 3 sản phẩm chủ lực gồm tôm, cá tra, cá ngừ đều có tín hiệu tích hơn trong quý 3, với kim ngạch xuất khẩu cao nhất và mức tăng trưởng âm thấp nhất từ đầu năm. Sau khi giảm 28% trong quý 2, sang quý 3, xuất khẩu tôm chỉ thấp hơn 13% so với cùng kỳ. Trong khi cá tra có doanh số thấp hơn 12% và cá ngừ giảm gần 8%, so với 2 con số tương ứng là 41% và 31% trong quý 2.
Xuất khẩu các sản phẩm cá biển khác có xu hướng ngược lại: giảm sâu nhất trong quý 3 với 15%, sau khi tăng 2% trong quý I và giảm 9% trong quý 2. Thiếu nguyên liệu, những vướng mắc liên quan đến kiểm soát theo quy định IUU có thể là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu hải sản khó khăn hơn.
Tín hiệu khả quan nhất là mặt hàng cua, ghẹ (chủ yếu là ghẹ) có kim ngạch xuất khẩu tăng vượt bậc trong quý 3, gấp hơn 1,5 lần so với quý 2 và tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu thủy sản sang những thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc đều giảm từ 17 - 34%, trong khi xuất khẩu sang Nhật Bản giảm ít hơn với 13%.
Trong các khối thị trường lớn, Trung Đông được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp Việt trong 2 năm gần đây, trước những biến động chiến tranh, lạm phát, khủng hoảng giá năng lượng. Trong quý 3, riêng khối thị trường này có được mức tăng trưởng dương nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam, với mức 2% so với cùng kỳ năm 2022, và lũy kế 9 tháng đầu năm cũng có mức giảm thấp nhất, giảm 8%. Khối thị trường ASEAN và CPTPP giảm lần lượt 15% và 20% so với cùng kỳ.
Vasep cho rằng, kết quả xuất khẩu các thủy sản trong quý 3 có sự khởi sắc so với những tháng đầu năm, nhưng chưa có sự đột phá mạnh mẽ để nhìn thấy một xu hướng ổn định trong thời gian tới, vì mặt bằng so sánh nửa đầu năm 2022 đã ở mức thấp, sau khi tăng cao nửa đầu năm 2022.
Mức độ hồi phục doanh số xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới phụ thuộc phần nhiều vào 2 thị trường chính: Mỹ và Trung Quốc. Cả 2 thị trường này đều có những tín hiệu khả quan về mặt nhu cầu. Các đơn hàng từ 2 thị trường này đang tăng trở lại, nhưng giá xuất khẩu vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia dự đoán ít nhất tới năm 2024, cơ hội phục hồi mới khả quan hơn, khi áp lực về tồn kho không còn lớn nữa.
Với thị trường Trung Quốc, không chỉ Việt Nam, mà nhiều nước xuất khẩu khác cũng đang trông chờ vào sự khôi phục ổn định sau Covid, đặc biệt là sau dịp Lễ vào mùa thu này – thời điểm mà nhu cầu của Trung Quốc thường tăng cao. Chính vì nhiều nguồn cung nhắm tới thị trường này nên giá mua của các nhà nhập khẩu Trung Quốc thấp. Tuy nhiên, đây vẫn là điểm đến tiềm năng cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản.
Với diễn biến hồi phục dần dần từ các thị trường, Vasep dự báo xuất khẩu thủy sản quý 4 có thể mang về khoảng 2,4 tỷ USD tương đương cùng kỳ năm ngoái, đưa kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả năm 2023 lên 9 tỷ USD, thấp hơn 17% so với năm 2022.
CK
Nguồn: VITIC/congthuong.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25711505690