Thứ bảy, 27-4-2024 - 12:29 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Triển vọng xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm 2023 được đánh giá tương đối tích cực 

 Thứ sáu, 7-7-2023

AsemconnectVietnam - 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 4,27 triệu tấn và 2,3 tỷ USD. Triển vọng xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm 2023 được đánh giá tương đối tích cực.

Thông tin được ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa ra tại cuộc họp của Bộ này về tình hình xuất khẩu gạo. Ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cuộc họp.
Xuất khẩu gạo sang hầu hết thị trường đều tăng mạnh
Ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, giá lúa trong nước diễn biến giảm vào quý I/2023, sau đó tăng dần và ổn định trong 2 tháng cuối của quý II.
Về thị trường xuất khẩu gạo, trong 5 năm gần đây (từ năm 2018 đến năm 2022), xuất khẩu gạo duy trì khối lượng xuất khẩu trên 6 triệu tấn và có xu hướng tăng trưởng qua các năm với giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD mỗi năm. Năm 2022, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 7,1 triệu tấn (tăng 16,3% so với năm 2018), giá trị xuất khẩu đạt 3,45 tỷ USD (tăng 12,7% so với năm 2018).
6 tháng đầu năm 2023, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 6 năm 2023 ước đạt 650 nghìn tấn với giá trị 383 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,27 triệu tấn và 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang hầu hết thị trường đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất trong 5 tháng đầu năm với khối lượng đạt 1,53 triệu tấn, trị giá 772,4 triệu USD, tăng 20,7% về lượng và tăng tới 31,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, thị phần chiếm đến 40,3% tổng khối lượng gạo xuất khẩu.
Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai với khối lượng đạt 632.469 tấn (tăng 62,8%), trị giá 364,17 triệu USD (tăng 79,2%), thị phần chiếm 19%.
Indonesia là thị trường bất ngờ vươn lên vị trí số 3 về thị trường xuất khẩu gạo trong 5 tháng đầu năm 2023 với khối lượng đạt 369.032 tấn, tăng 16 lần (1.498%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, xuất khẩu gạo sang một số thị trường tăng rất mạnh trong 5 tháng đầu năm như Đài Loan tăng 142,3%, Senegal tăng 1.147%, Chilê tăng 4.120%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 15.972%...
Xuất khẩu gạo sang một số thị trường tại EU cũng tăng trưởng ở mức ba con số như Ba Lan tăng 117,4%, Bỉ tăng 164,9%, Tây Ban Nha tăng 307,6%...
Về giá gạo xuất khẩu, bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính đến ngày 23/6, gạo 5% tấm của Việt Nam có giá 503 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với 10 ngày trước đó, bằng với giá gạo 5% tấm của Thái Lan và cao hơn khoảng 15 USD/tấn so với gạo cùng loại của Ấn Độ. Gạo 25% tấm của Việt Nam cũng tăng 5 USD tấn lên 478 USD/tấn, cao hơn 8 USD/tấn so với gạo cùng chủng loại của Thái Lan và cao hơn khoảng 25 USD/tấn so với gạo Ấn Độ. Tính chung giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Triển vọng ngành gạo được đánh giá là tương đối tích cực
Trong những năm gần đây, Chính phủ rất quan tâm hoàn thiện các chủ trương, chính sách thúc đẩy xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, nhu cầu gạo còn tăng nhẹ có thể do cung ứng các nguồn lương thực khác hạn chế. Những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới mở ở các nước khu vực Trung Đông tạo ra cơ hội gia tăng xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao khi người tiêu dùng đang rất ưa chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam.
Việt Nam vẫn chiếm thị phần lớn tại thị trường Philippines do khách hàng đã quen với chất lượng gạo Việt và gạo Việt Nam có lợi thế về logistics hơn so với các nguồn cung khác.
Bên cạnh đó nhu cầu tại các thị trường truyền thống như Indonesia tăng trở lại. Trung Quốc đã mở cửa thị trường sau dịch Covid-19, nhu cầu nhập khẩu dự báo quay trở lại như các năm. Theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam được cấp hạn ngạch 80.000 tấn, trong đó 30.000 tấn gạo trắng, 30.000 gạo thơm, 20.000 tấn gạo lứt. Do đó, các đơn hàng gạo xuất khẩu nếu nằm trong danh mục trên thì được miễn thuế 175 ER/tấn. Đây là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp nhập khẩu.
Bên cạnh những thuận lợi, sản xuất và xuất khẩu lúa gạo còn gặp những khó khăn. Theo đó, nguồn cung không ổn định trong năm do cơ cấu mùa vụ. Sản xuất lúa gặp nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino, xâm nhập mặn;..
Cạnh tranh giữa những nước lớn, giữa các nền kinh tế lớn, thay đổi trong chính sách thương mại, các xung đột, xu hướng bảo hộ gia tăng. Các nước tiếp tục gia tăng các rào cản kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại.
Lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển, các chính sách thắt chặt tiền tệ, nhất là ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp tác động đến thương mại và gây khó khăn về đầu ra cho thị trường; giá cả biến động.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục chậm lại do nguồn cung từ vụ Đông Xuân đã cạn.
Tuy nhiên, triển vọng ngành gạo được đánh giá là tương đối tích cực trong 6 tháng cuối năm do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia sản xuất tại châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu cũng như giá gạo trên thị trường quốc tế.
Nhằm thực hiện mục tiêu, giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu gạo tại Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 03/7/2023, ông Nguyễn Như Tiệp kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, cập nhật các tiêu chuẩn trong chuỗi giá trị gạo phù hợp với thị trường quốc tế; Cập nhật thông tin, hỗ trợ sản xuất theo nhu cầu thị trường, thị hiếu tiêu dùng; hỗ trợ bảo quản, chế biến, chất lượng, an toàn, truy xuất nguồn gốc; Nghiên cứu, xây dựng trình ban hành Nghị định quản lý về thương hiệu nông sản (trong đó có sản phẩm gạo);...
Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, chia sẻ thông tin thị trường; đánh giá, dự báo dài hạn về nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại từng khu vực thị trường để phục vụ định hướng, điều chỉnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Ưu tiên nguồn lực cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có mặt hàng gạo (kinh phí xúc tiến thương mại từ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam). Kết nối giao thương, thúc đẩy tiêu thụ; phát triển, mở cửa thị trường cho nông sản Việt để đa dạng hoá thị trường.
Đề nghị Ngân hàng nhà nước đảm bảo nguồn tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Nguồn: congthuong.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710928529