Thứ bảy, 27-4-2024 - 20:6 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Trao đổi thương mại của Việt Nam với 2 đối tác lớn nhất thế giới 4 tháng đầu năm 2023 

 Thứ sáu, 19-5-2023

AsemconnectVietnam - Trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ ghi nhận có sự sụt giảm cả ở chiều xuất khẩu và nhập khẩu.

Cũng trong 4 tháng qua, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng có sự sụt giảm, nhưng Trung Quốc vẫn giữ vị thế là một trong những thị trường quan trọng nhất của hàng Việt.
Tình hình trao đổi thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ 4 tháng đầu năm 2023
Theo Bộ Công Thương, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023 với kim ngạch ước đạt 28,45 tỷ USD, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, con số này đã giảm 21% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ đạt 4,08 tỷ USD, giảm 11,9%.
Kim ngạch xuất khẩu rất nhiều mặt hàng sang thị trường Hoa Kỳ đang gặp khó khăn. Đơn cử, với thủy sản, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường Hoa Kỳ ngày càng lún sâu vào tình trạng giá thực phẩm tăng, tiêu thụ giảm. Các gia đình Hoa Kỳ đã quá “ngao ngán” với thực trạng giá thực phẩm lên quá cao. Giờ đây, người dân Hoa Kỳ đã tính tới việc cắt giảm chi tiêu cả những mặt hàng giá trị thấp, họ mua ít hàng tạp hóa không thiết yếu hơn, mua số lượng lớn và các sản phẩm không có thương hiệu và tập trung vào các mặt hàng chủ lực. Một số người thậm chí còn mua và ăn ít hơn. Người tiêu dùng đang tìm cách chỉ chi tiêu cho những hàng hóa mà họ thực sự cần.
Tình trạng đó khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ duy trì mức giảm sâu 51% trong tháng 4, khiến Hoa Kỳ rớt xuống vị trí thứ 3 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản, sau Nhật Bản và Trung Quốc. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ ước đạt 418 triệu USD, giảm trên 57% so với cùng kỳ.
Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, nhiều báo cáo, phân tích chỉ ra, nền kinh tế Hoa Kỳ suy thoái trong năm 2023, tuy nhiên sự suy giảm này sẽ tương đối nhẹ và ngắn, tăng trưởng sẽ phục hồi vào năm 2024 khi lạm phát tiếp tục giảm và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.
Trong năm 2023, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ dự báo hoàn toàn có thể kỳ vọng kim ngạch thương mại hai chiều giữa 2 nước tiếp tục vượt mốc 100 tỷ USD. Bởi vậy, các doanh nghiệp cần tích cực tìm kiếm bạn hàng, duy trì các mối khách cũ, tận dụng mọi cơ hội để khôi phục xuất khẩu sang thị trường quan trọng bậc nhất này.
Hoa Kỳ vẫn luôn giữ vững vị thế là thị trường lớn của nước ta trong nhiều năm nay. Trước 1995, xuất khẩu sang Hoa Kỳ không đáng kể, Việt Nam ở vị thế nhập siêu cũng rất ít, bởi 2 nước chưa bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Từ năm 1995, sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao, xuất khẩu sang Mỹ đã đạt mức khá, tăng nhanh, liên tục qua các năm và chuyển sang vị thế xuất siêu. Năm 2001, sau khi Hiệp định thương mại song phương được ký kết, lần đầu tiên xuất khẩu sang Hoa Kỳ vượt qua mốc 1 tỷ USD. Năm 2008, sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ lần đầu tiên vượt qua mốc 11 tỷ USD và xuất siêu ở mức khá cao.
Đặc biệt, năm 2022, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD, đạt hơn 123 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021.
Trao đổi thương mại Việt Nam – Trung Quốc 4 tháng đầu năm 2023
Theo số liệu của Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 16,4 tỷ USD, giảm 7,9%. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam và là thị trường lớn nhất của nông sản Việt.
Kể từ khi Trung Quốc mở cửa biên giới từ ngày 8/1, xuất khẩu hàng hoá sang thị trường này được kỳ vọng rất nhiều, song thực tế không tăng cao như dự kiến. Đơn cử, với mặt hàng thuỷ sản, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra sang thị trường này chưa hồi phục vì giá trung bình xuất khẩu giảm. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ của thị trường này hồi phục chậm hơn so với dự đoán. Tính đến hết tháng 4, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 435 triệu USD, giảm 37%. Mở cửa sau dịch Covid-19, thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn trầm lắng và lợi nhuận công nghiệp sụt giảm sâu, nền kinh tế phải đối mặt với những cơn gió ngược liên tục, khiến khả năng phục hồi chậm và không có dấu hiệu bền vững. Chính sản xuất nội địa của Trung Quốc cũng đang khó khăn vì chi tiêu của khách hàng yếu hơn dự kiến.
Quảng Tây duy trì hoạt động của các cửa khẩu biên giới Việt Nam – Quảng Tây trong dịp Tết dương lịch và Tết nguyên đán năm 2023
Thương mại Việt Nam – Trung Quốc được kỳ vọng khởi sắc hơn trong thời gian tới
Về nhập khẩu, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 33,2 tỷ USD sau 4 tháng. Tuy nhiên, con số này cũng giảm đến 13,4% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù có sự sụt giảm, song xét trong bối cảnh thương mại khó khăn và so sánh với nhiều thị trường khác, hiện Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chủ lực và đa dạng mặt hàng của Việt Nam.
Bộ Công Thương dự báo, trong quý II/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ có sự cải thiện nhất định. Song, Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính như trước, không phải hàng hóa nào thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận. Mặt khác, kinh tế Trung Quốc dù lớn nhưng chủ yếu vẫn xuất khẩu, vì Trung Quốc đã và đang sẽ là công xưởng của thế giới. Mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc rất tương đồng với Việt Nam, điều này vừa tạo ra lợi thế và thách thức đối với hàng hóa Việt Nam.
Bộ Công Thương chỉ rõ, nền kinh tế Trung Quốc đã đặt ra kế hoạch và đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng chất lượng cao, phủ rộng hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với tiêu chuẩn hàng hóa cả xuất khẩu và nhập khẩu. Đây là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược và đòi hỏi các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng hóa trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng phải thay đổi và thích ứng.
Trong thời gian tới, để hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khôi phục và phát triển bền vững, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản, thực phẩm cần chú ý nghiên cứu và khẩn trương hoàn tất thủ tục đăng ký trước khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường Trung Quốc.
Phối hợp với đối tác Trung Quốc đa dạng hóa tuyến xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh tập trung vào một vài cửa khẩu biên giới nhất định hoặc tận dụng tuyến vận tải biển, vận tải đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc, hạn chế tối thiểu nguy cơ gây ùn tắc tại các cửa khẩu trong mùa cao điểm.
Nghiên cứu kỹ thông tin, tín hiệu và các quy định, tiêu chuẩn của thị trường, tuân thủ đầy đủ các điều kiện về đăng ký doanh nghiệp, các tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc...
Tăng cường tham dự các chương trình hội chợ, triển lãm quốc tế do các địa phương, cơ quan trung ương hai nước phối hợp tổ chức nhằm tăng cường kết nối trực tiếp sau thời gian hạn chế kéo dài của dịch bệnh.
Sắp tới, Bộ Công Thương cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại quy mô tại thị trường Trung Quốc, trong đó, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi sẽ có một số hoạt động hướng tới cả thị trường truyền thống (cụ thể là Quảng Tây) và thị trường mới nằm sâu trong nội địa Trung Quốc (Sơn Đông, Hà Bắc). Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường.
CK
Nguồn: VITIC/congthuong.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710939539