Thứ sáu, 3-5-2024 - 1:18 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dự Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2023 

 Thứ sáu, 30-6-2023

AsemconnectVietnam - Sáng ngày 29/6, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2023. Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và các Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Theo chương trình phiên họp, Chính phủ xem xét, cho ý kiến về 4 nội dung: Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì); dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) (Bộ Nội vụ chủ trì); đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hóa chất (Bộ Công Thương chủ trì); về việc sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến đầu tư, ngân sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công (Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì).
Xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi) là cần thiết
Tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã báo cáo tóm tắt nội dung cơ bản của Đề nghị xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi).
Theo đó, Luật Hóa chất được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2008. So với thời điểm ban hành Luật Hóa chất, hệ thống pháp luật hiện nay đã có nhiều thay đổi, nhiều Luật mới được ban hành hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, từ năm 2008 đến nay, Việt Nam đã ký kết gia thêm một số Công ước, Điều ước quốc tế mới về quản lý hóa chất. Cùng với quá trình thực thi dài, một số quy định trong Luật Hóa chất đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không còn phù hợp với tình hình thực tế, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, sau 15 năm thi hành, đến nay, vấn đề sửa đổi Luật Hóa chất là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; khắc phục một số vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành; phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Đối với nhiệm vụ xây dựng Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, Bộ Công Thương đã tích cực thực hiện từ năm 2022, bao gồm: tổng kết đánh giá 15 năm thi hành Luật Hóa chất; tổng hợp ý kiến Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp về các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi Luật Hóa chất thông qua nhiều hình thức khác nhau; hoàn thiện hồ sơ trên cơ sở tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan, các tổ chức, cá nhân hoạt động hoá chất, ý kiến thẩm định của Bộ Tư Pháp và trình Chính phủ tại Tờ trình số 1873/BCT-HC ngày 31 tháng 3 năm 2023.
Đề xuất 4 nhóm chính sách
Nhằm đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hóa chất, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia; hiện đại hoá và tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý; tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn nữa về cơ chế, chính sách đối với các dự án hóa chất; định hướng thu hút đầu tư ngành công nghiệp hóa chất theo hướng bền vững, an toàn, thân thiện môi trường, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Luật Hóa chất sửa đổi bên cạnh việc kế thừa các nội dung chính của Luật Hóa chất năm 2007, sẽ tập trung giải quyết 4 nhóm chính sách lớn. Đó là phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại; Quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; Quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; Nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất.
Thứ nhất, phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại
Bổ sung các quy định về xây dựng và thực thi chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất; Xây dựng một số yêu cầu, tiêu chí, quy định đặc thù đối với dự án hóa chất; Xây dựng các quy định nhằm quản lý, thúc đẩy mạng lưới tư vấn trong hoạt động hóa chất, hỗ trợ phát triển cả về số lượng và chất lượng; Sửa đổi quy định về thời điểm định Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; bổ sung quy định về lồng ghép kế hoạch bảo vệ môi trường trong kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
Thứ hai, quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời: Rà soát, xây dựng quy định nhằm đảm bảo hiệu lực quản lý xuyên suốt vòng đời của hóa chất, đồng thời kết hợp cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; Quy định việc nhập khẩu hóa chất phải khai báo, đối với một số hóa chất cần kiểm soát đặc biệt sẽ có quy định riêng; Nghiên cứu, xây dựng các quy định riêng phù hợp với đối tượng đặc thù của hoạt động phối trộn, pha loãng hóa chất; Xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý các loại hóa chất với các mức độ chặt chẽ khác nhau tùy thuộc vào tính chất nguy hiểm, kết quả đánh giá rủi ro và yêu cầu đảm bảo an toàn, trật tự xã hội; Xây dụng tiêu chí cụ thể nhằm xác định hóa chất cần phải quản lý trong toàn bộ vòng đời; hóa chất cấm, hóa chất hạn chế phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam; Sửa đổi quy định về hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh để thống nhất với Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch và các luật khác có liên quan.
Thứ ba, quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm: Xây dựng các quy định về quản lý hóa chất độc hại trong sản phẩm; Quy định trách nhiệm cung cấp thông tin nguy hại về hóa chất của sản phẩm cho người sử dụng.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất: Hoàn thiện các quy định về hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong lĩnh vực hóa chất; Cơ chế kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả của Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất và huấn luyện an toàn hóa chất; Sửa đổi các quy định về Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện; Tăng cường công tác phối hợp của các cơ quan nhà nước, các ngành, các cấp trong việc thống nhất quản lý, giám sát việc thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của doanh nghiệp; nâng cao hoạt động phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của các địa phương.
Đồng thời, nâng cao chất lượng các tổ chức tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong đảm bảo an toàn, xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa, huấn luyện an toàn hóa chất.
Trên cơ sở ý kiến của Thường trực Chính phủ và các Thành viên Chính phủ, Bộ Công Thương đã tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý, đồng thời chỉnh lý, hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật theo hướng lập Đề nghị xây dựng Luật Hóa chất sửa đổi.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị Chính phủ thông qua 04 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật; giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi); giao Bộ Tư pháp tổng hợp Đề nghị xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi) vào Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng Luật của Chính phủ năm 2024, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Điều hành thảo luận, cho ý kiến vào từng nội dung của các dự án luật, kết luận giao nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện các dự thảo các luật, hồ sơ đề nghị xây dựng luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ chủ trương, quan điểm của Đảng; thực hiện theo đúng các nội dung mà Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã có ý kiến, chỉ đạo.
Tiếp tục tổng kết các quy định pháp luật liên quan, kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn. Rà soát, bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan. Tích cực tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham khảo có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam.
Tích cực tham vấn, truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận; tích cực phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan. Cần đánh giá tác động chính sách một cách kỹ lưỡng, bảo đảm chính sách được đưa ra là hợp lý, sát thực tế, khả thi, hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan từ Trung ương tới cơ sở; các cơ quan ở Trung ương tập trung vào các nhiệm vụ xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, giám sát, kiểm tra, thi đua, khen thưởng, xử lý vi phạm…
Về đề nghị xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi), Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục tổng kết Luật Hóa chất hiện hành và các quy định có liên quan, bảo tính đồng bộ, thống nhất và đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, ứng dụng khoa học công nghệ, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý hóa chất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan chủ trì tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ; tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo, tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đối tượng tác động; tiếp tục hoàn thiện các dự án, đề nghị xây dựng luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định, bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng.
Nguồn: moit.gov.vn

  PRINT     BACK
 Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải làm việc với Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Honda Châu Á
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên hội đàm với Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý giám sát thị trường quốc gia Trung Quốc
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên hội đàm với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc
 Bộ trưởng Bộ Công Thương tháp tùng Đoàn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)
 Bộ Công Thương và Uniqlo hợp tác thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm dệt may
 Hội chợ quốc tế doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc lần thứ 18: Hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc
 Làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc
 Tuần hàng Việt Nam năm 2023 tại Hệ thống siêu thị AEON tại Nhật Bản
 Bộ trưởng dự các hoạt động và trao văn kiện hợp tác với Hàn Quốc trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc tới Việt Nam
 Trong mọi tình huống phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu thị trường trong nước
 Thư chúc mừng của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2023)
 Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với tỷ lệ tán thành là 93,72%
 Bộ Công Thương gặp mặt các cơ quan truyền thông nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam
 Thủ tướng tham dự Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2023
 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà


© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25711086059