Chủ nhật, 5-5-2024 - 0:8 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Hợp tác thương mại song phương Việt Nam-Bulgaria còn nhiều dư địa 

 Thứ hai, 25-9-2023

AsemconnectVietnam - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định Hiệp định EVFTA sẽ giúp Việt Nam và Bulgaria mở rộng hơn nữa thị phần cho hàng hóa xuất khẩu, nhất là những sản phẩm thế mạnh của hai nước.

Sau 73 năm thiết lập quan hệ, Việt Nam-Bulgaria luôn vun đắp và phát triển tích cực trên mọi lĩnh vực; trong đó, kinh tế là một trong những trụ cột hợp tác quan trọng.
Đặc biệt, Bulgaria là một trong những nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đi đầu trong việc phê chuẩn Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) Việt Nam-EU, cũng như thúc đẩy việc ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).
Vì vậy, chuyến thăm chính thức Bulgaria của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống và tăng cường hợp tác song phương, tạo thêm nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới.
Đánh giá về thị trường Bulgaria, các chuyên gia thương mại cho biết từ năm 1990, Bulgaria tiến hành cải cách chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường.
Các ngành kinh tế quan trọng của Bulgaria bao gồm điện, khí đốt, lọc dầu, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, sản xuất máy móc-thiết bị, các kim loại cơ bản (sắt, đồng, kẽm…).
Về chính sách đối ngoại, Bulgaria ưu tiên hội nhập toàn diện vào EU, đang phấn đấu gia nhập Khối Schengen và Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (dự kiến tháng 1/2024); tăng cường quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ, các nước láng giềng, cân bằng quan hệ Đông-Tây, các nước lớn ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và các nước khu vực Đông Nam Á; trong đó, coi Việt Nam là một ưu tiên.
Thời gian qua, Việt Nam và Bulgaria luôn phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương. Bulgaria ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021); ứng cử của Việt Nam vào Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2026-2018; ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025).
Theo các chuyên gia thương mại, Bulgaria nằm trên tuyến đường thương mại nối liền châu Á và châu Âu, người già trên 65 tuổi chiếm khoảng 17% dân số, tỷ lệ sinh thấp và dân số có xu hướng giảm dần, điều này tạo ra sự khác biệt trong phong cách tiêu dùng của thị trường Bulgaria.
Nhiều người trẻ tuổi Bulgaria ngày càng có xu hướng lên những vùng thành phố, thu nhập cao hơn và hướng tới các sản phẩm cao cấp, ghé nhà hàng, mua thực phẩm trong siêu thị. Trong khi đó, người già, người về hưu lại thường ở những thị trấn, những làng nhỏ, hướng tới việc tự cung cấp thực phẩm.
Trừ một số nhà nhập khẩu lớn có văn phòng ở Bulgaria, hàng hóa muốn xâm nhập tốt vào Bulgaria nên thông qua đại lý nhập khẩu bởi đây là những người có quan hệ mật thiết với kênh phân phối.
Mặc dù nhà nhập khẩu thường chuyên về một sản phẩm nhất định nhưng khi đưa vào thị trường Bulgaria, ít có đại lý nào chỉ phân phối duy nhất một sản phẩm mà thường phân phối đồng thời nhiều loại sản phẩm.

Hơn nữa, Bulgaria có nhiều khu kinh tế, khu kinh doanh với cơ sở hạ tầng đã được hoàn thiện, mức thuế suất và chi phí (điện, nước, chi phí thuê văn phòng…) thấp nhất trong khối EU.
Đồng thời với hai cảng nước sâu và 6 cảng hàng không thương mại, Bulgaria không chỉ có thế mạnh về dịch vụ logistic nội địa, mà việc vận chuyển hàng hóa sang các nước EU khác cũng rất thuận tiện.
Ngoài ra, đến thị trường Bulgaria, doanh nghiệp Việt Nam còn có cơ hội gặp gỡ, tìm kiếm nguồn hàng chất lượng cao, giá cả cạnh tranh trong các lĩnh vực mỹ phẩm, (nguyên liệu hoa hồng, hoa lavender…), dược phẩm, thức ăn chăn nuôi, hàng tiêu dùng phổ thông…
Dẫn số liệu của Hải quan Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Bulgaria trong năm 2022 đạt 203,6 triệu USD, giảm 17,7% so với năm 2021; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Bulgaria đạt 141 triệu USD, tăng 31% so năm 2021.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Bulgaria gồm sợi bông, càphê hạt, cao su thiên nhiên, gạo, hạt điều, quần áo, túi xách, giày da, giày thể thao, máy tính, điện thoại di động, linh kiện điện tử, bàn ghế văn phòng, sản phẩm nhựa dân dụng, thuốc lá nguyên liệu…
Ngược lại, Việt Nam đã nhập khẩu từ Bulgaria đạt 62,6 triệu USD, giảm 55% so với năm 2021. Theo đó, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu vẫn là sắt phế liệu, cao lanh, hóa chất, chế phẩm kích thích tăng trưởng cây trồng, lúa mỳ, hoa quả khô, thiết bị báo động, hạt hướng dương, dầu thực vật, rượu mạnh, rượu vang, tân dược, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, vải nguyên liệu và phụ liệu.
Tuy nhiên, những con số trên chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ của hai nước bởi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Bulgaria trong năm 2022 chỉ tương ứng 0,24% nhập khẩu của Bulgaria.
Trong khi đó, xuất khẩu Bulgaria vào Việt Nam chỉ chiếm 0,018% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, trong 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Bulgaria đạt 147,3 triệu USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, xuất khẩu đạt 96,5 triệu USD, tăng 9,6%, nhập khẩu đạt 50,8 triệu USD, tăng 18,2%.
Nhận định về tiềm năng hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Bulgaria, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển quan hệ kinh tế; trong đó, dựa trên nền tảng quan hệ truyền thống tốt đẹp, doanh nghiệp Việt Nam và Bulgaria có thể thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư song phương.
Đặc biệt, doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế của Hiệp định EVFTA mang lại và dành ưu đãi cho nhau về mở cửa thị trường, qua đó sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị phần cho hàng hóa xuất khẩu, nhất là những sản phẩm thế mạnh của hai nước.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Bulgaria những mặt hàng tiêu dùng truyền thống trong khi danh mục sản phẩm tiêu dùng thế mạnh của cả hai nước còn nhiều, nhu cầu thị trường Việt Nam và Bulgaria vẫn rất tiềm năng, có nhiều dư địa để phát triển hợp tác trong thời gian tới.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng chỉ ra những thách thức trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Bulgaria; trong đó, có những ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại trên thế giới cũng như tác động tiêu cực của dịch COVID-19.
Để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Chính phủ và Bộ Công Thương, cùng Thương vụ Việt Nam tại Bulgaria sẽ nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam về thông tin thị trường, làm cầu nối với đối tác Bulgaria.
Cùng đó, hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường, kinh doanh; đồng thời, lựa chọn doanh nghiệp có thực lực, quyết tâm và khát vọng để kết nối đối tác với doanh nghiệp Bulgaria.
Dự kiến từ ngày 23/9-2/10 tới, Bộ Công Thương sẽ tổ chức gần 30 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; trong đó, ưu tiên lĩnh vực dầu khí, năng lượng, cơ khí, cao su, dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản, thủy sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng, máy tính, điện thoại các loại, dịch vụ logistics... tham gia diễn đàn tại Bulgaria và Đức để kết hợp giao thương, gặp gỡ, làm việc trực tiếp và tạo dựng mối quan hệ bền vững với đối tác.
Đồng thời, qua đó giúp doanh nghiệp khai thác tiềm năng thị trường Bulgaria và Đức để tăng kim ngạch xuất khẩu; giảm dần việc xuất khẩu thông qua trung gian nhằm tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, thu hút thêm dự án đầu tư triển vọng./.
 
Nguồn: www.vietnamplus.vn/hop-tac-thuong-mai-song-phuong-viet-nambulgaria-con-nhieu-du-dia/896067.vnp

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25711127633