Thứ sáu, 26-4-2024 - 15:32 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới kinh tế toàn cầu tuần kết thúc 20/2/2020 

 Thứ năm, 20-2-2020

AsemconnectVietnam - Theo bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 16/2 đưa ra nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 có nguy cơ suy giảm ở mức 0,1-0,2% do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV).

Tuy nhiên, bà cho rằng tác động toàn diện của dịch nCoV đối với kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào tốc độ kiểm soát dịch bệnh này và còn "quá sớm" để đánh giá điều này do hiện mới chỉ thấy được tác động đối với các lĩnh vực du lịch và giao thông vận tải. Nếu dịch nCoV được nhanh chóng khống chế, kinh tế toàn cầu có thể sẽ chứng kiến sự suy giảm và sau đó là sự phục hồi nhanh chóng.

Trước đó, trong báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế thế giới công bố hồi tháng 1 vừa qua, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 xuống còn 3,3%, giảm 0,1% so với mức dự báo trước đó.
Bà cho biết thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới, đã giúp giảm tác động của dịch bệnh nCoV đối với kinh tế toàn cầu.  
Ngành du lịch Thái Lan và Nhật Bản bị ảnh hưởng 
Thái Lan 
Nền kinh tế Thái Lan tăng trưởng với tốc độ yếu nhất năm năm trong năm 2019, do xuất khẩu, đầu tư công chậm lại và do tác động từ đ COVID-19 sẽ gây thêm áp lực lên nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á trong năm nay. Nền kinh tế Thái Lan phụ thuộc vào thương mại đã bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhu cầu nội địa yếu và ngân sách tài khóa bị trì hoãn, thời tiết hạn hán. Du lịch là một điểm sáng mà Thái Lan đã hy vọng sẽ giúp bù đắp sự chậm lại ở những lĩnh vực khác.
Dữ liệu NESDC cho thấy, xuất khẩu hàng năm trong quý IV/2019 giảm 4,9% và đầu tư công giảm 5,1% trong khi tăng trưởng du lịch chậm lại ở mức 6,4%.
Năm nay, cơ quan này dự kiến ​​số lượng khách du lịch nước ngoài sẽ giảm xuống còn 37 triệu người từ mức kỷ lục 39,8 triệu người của năm ngoái, do sự bùng phát của Covid-19.
Tổng cục Du lịch Thái Lan dự kiến ​​du khách nước ngoài sẽ giảm 5 triệu trong năm nay và khoản lỗ doanh thu có thể lên tới 500 tỷ baht. Dự báo sẽ có ít hơn 2 triệu khách du lịch từ Trung Quốc, lượng khách Trung Quốc chiếm 28% khách du lịch và doanh thu du lịch của Thái Lan trong năm ngoái. 
Nhật Bản 
Các doanh nghiệp liên quan tới du lịch ở Nhật Bản sẽ đối mặt với mối đe dọa thực sự của sự phá sản theo phản ứng dây chuyền, thiệt hại càng lớn hơn khi người Nhật hạn chế đi du lịch vì sợ dịch bệnh
Theo hãng tin Kyodo, kinh tế vùng của Nhật Bản đã bị giáng một đòn mạnh do lượng khách du lịch sụt giảm, phần lớn bị tác động từ việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm du lịch ra nước ngoài nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV).
Mặc dù Chính phủ Nhật Bản đã tăng cường hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp ngành du lịch, nhưng cuộc khủng hoảng toàn cầu có thể báo hiệu tổn thất cho các nền kinh tế địa phương nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Nếu không có khách đoàn Trung Quốc đặt tour đến hết tháng Ba, doanh thu du lịch ước tính thiệt hại trên 20 tỷ yên (tương đương 200 triệu USD).
 Tác động lớn đến chuỗi cung ứng tại châu Á
Hàng loạt các công ty đa quốc gia đã quyết định chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc hoặc tìm kiếm các nguồn cung phụ tùng thay thế trong bối cảnh các chuỗi cung ứng của Trung Quốc bị cắt đứt
Báo Nikkei Asia Review cho biết mặc dù nhiều doanh nghiệp đã nối lại hoạt động sản xuất ở nhiều khu vực của Trung Quốc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, song cho đến nay nhiều công ty mới chỉ khởi động sản xuất một phần.
Kết quả khảo sát của Câu lạc bộ Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ở Thượng Hải cho thấy dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng của 54% doanh nghiệp.
Tuy nhiên, chỉ có 23% doanh nghiệp cho biết họ có các kế hoạch sản xuất hoặc mua sắm thay thế trong trường hợp nhà máy ở Trung Quốc bị đóng cửa lâu dài.
Meiko Electronics, doanh nghiệp Nhật Bản chuyên sản xuất các bảng mạch ôtô, hiện có cơ sở sản xuất lớn nhất ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
Do cơ sở này chưa thể khôi phục sản xuất trước ngày 20/2, công ty đang cân nhắc sản xuất linh kiện tại các cơ sở đã có các giấy chứng nhận cần thiết như Quảng Châu (Trung Quốc), Nhật Bản hoặc Việt Nam.
Đối với các sản phẩm chỉ có thể sản xuất tại nhà máy ở Vũ Hán, Meiko Electronics đã đề nghị khách hàng tìm các nhà cung ứng khác.
Thay vì nhập linh kiện từ các nhà máy của mình và các đối tác ở Trung Quốc, hãng chế tạo thiết bị xây dựng Komatsu của Nhật Bản đang chuyển hoạt động sản xuất về Nhật Bản và Việt Nam.
Daikin Industries - một tập đoàn khác của Nhật Bản - cũng đang cân nhắc chuyển hoạt động lắp ráp điều hòa nhiệt độ sang Malaysia hoặc một địa điểm khác ngoài thành phố Vũ Hán, hiện đang là tâm dịch ở Trung Quốc.
Trong khi đó, hãng sản xuất đồ thể thao Asics đang xem xét việc chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam và Indonesia, những nước có các cơ sở đã từng làm gia công cho các nhà máy ở Vũ Hán.
Báo Nikkei Asia Review nhấn mạnh dù đây chỉ là điểm đến tạm thời để các công ty đa quốc gia nối lại hoạt động sản xuất, nhưng họ cũng có thể xem xét liệu những điểm đến mới có cạnh tranh hơn về mặt chi phí hay không, bởi chi phí nhân công tại Trung Quốc đang liên tục tăng.
Ông Edward Alden, nghiên cứu sinh cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nhận định nhiều công ty đang phải chịu áp lực rất lớn trong việc đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc khi giá nhân công và chi phí sản xuất ở đây tăng lên. Do đó, đây có thể là bước ngoặt cho bức tranh công nghiệp châu Á nếu các công ty quyết định không quay lại Trung Quốc.
Về phần mình, ông Dan Alpert, Giám đốc điều hành của ngân hàng đầu tư Westwood Capital có trụ sở ở New York, Mỹ dự báo trong quý 2 năm nay, Chính phủ Trung Quốc sẽ hạ giá đồng nội tệ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Đây có thể là động lực thôi thúc các công ty đang tạm thời chuyển hoạt động sản xuất ra bên ngoài quay lại Trung Quốc. Tuy nhiên, động thái này sẽ vi phạm thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1.  
Tác động đến dự báo tăng trưởng các nước
Liên quan đến dịch COVID-19 (nCoV), ngày 17/2, Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) Singapore đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2020, theo đó tăng trưởng GDP có thể dao động từ -0,5%-1,5%, thấp hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 11/2019, từ 0,5%-2,5%.
Nguyên nhân chính là do dịch COVID-19 (nCoV) tác động tiêu cực tới kinh tế Singapore, không chỉ đối với các lĩnh vực sản xuất chế tạo và thương mại bán buôn, mà còn cả ngành du lịch do lượng du khách giảm nghiêm trọng.
MTI cho rằng dịch bệnh COVID-19 (NCoV) chắc chắn cũng khiến dự báo tăng trưởng của Trung Quốc và các quốc gia khác ở châu Á bị sụt giảm.
Tại Trung Quốc, tăng trưởng GDP năm 2020 được dự báo thấp hơn mức ước tính do sự sụt giảm sức tiêu dùng hộ gia đình, xuất phát từ việc phong tỏa và hạn chế đi lại tại một số thành phố lớn.
Trong khi đó, Mỹ và các nền kinh tế Khu vực đồng Euro (Eurozone) được dự báo không bị tác động nhiều. Tăng trưởng của Mỹ được dự báo sẽ ở mức tương đối năm nay, trong khi Eurozone năm 2020 dự kiến sẽ ở mức tương tự năm ngoái.
Trong khi đó, xuất khẩu thực phẩm của Thái Lan sang Trung Quốc được dự báo có thể tăng gấp đôi trong quý 2 năm nay do nhu cầu tăng mạnh khi các kho thực phẩm trống rỗng trong quý 1.
Chủ tịch Hiệp hội chế biến thực phẩm kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng các công ty vận tải Thái Lan Visit Limlurcha nhận định nhu cầu của Trung Quốc đối với thực phẩm nhập khẩu từ Thái Lan dự kiến tăng gấp đôi trong quý 2 nếu dịch COVID-19 (nCoV) được kiểm soát trong quý 1. 
Trung Quốc 
Tuyên bố hỗ trợ thương mại và đầu tư nước ngoài 
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 18/2 tuyên bố nước này sẽ đề ra các biện pháp nhằm ổn định thương mại, đầu tư nước ngoài, cũng như tiêu dùng để giảm thiểu tác động của dịch bệnh do COVID-19 gây ra.
Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết sẽ khuyến khích các công ty tăng cường nhập khẩu các mặt hàng y tế cũng như nông sản đang thiếu nguồn cung trong nước.
Cùng ngày, Đại sứ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) Trương Minh khẳng định tác động của dịch COVID-19 đối với kinh tế sẽ "hạn chế, ngắn hạn và có thể kiểm soát" và Bắc Kinh có đủ nguồn lực để can thiệp nếu cần.  
Các doanh nghiệp Trung Quốc tại châu Phi điêu đứng
Dịch viêm đường hô hấp COVID-19 đang gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh
 tế của các quốc gia trên toàn cầu, kể cả tại châu Phi dù châu lục này gần như vẫn chưa phải "nếm mùi" dịch bệnh.
 Nằm cách xa Trung Quốc hơn 11.000km, Namibia hiện vẫn chưa phải "nếm mùi" dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng tìm đến Namibia để làm ăn nên quốc gia châu Phi này cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch bệnh.
Khu phố người Hoa tại thủ đô Windhoek có khoảng 200 cửa hàng có chủ là người Trung Quốc. Khu phố vốn thường xuyên đông đúc nay trở nên vắng vẻ hơn, do nhiều cửa hàng của người Trung Quốc vẫn đang đóng cửa.
Tình hình kinh doanh tương đối ảm đạm, nhiều chủ cửa hàng không dám quay trở lại Trung Quốc để nhập hàng mới mà chỉ bán hàng tồn từ năm ngoái với giá khuyến mại. 
Ngân sách giảm 
Ngân sách cạn kiệt, các tỉnh thành của Trung Quốc đang đối mặt với sự sụp đổ kinh tế vì virus corona. Nguyên nhân một phần bởi sự suy giảm tài chính công đã diễn ra từ trước khi dịch bệnh bùng phát.
Hơn một nửa số tỉnh của Trung Quốc đại lục dự kiến ​​ngân sách năm 2020 thấp hơn nhiều so với tăng trưởng thu nhập trung bình của địa phương, theo công bố của các tỉnh thành trước khi dịch viêm phổi do virus Corona mới bùng phát vào tháng 1. Hồ Bắc, tâm chấn của dịch bệnh này, cũng dự kiến nguồn thu ngân sách sẽ giảm.
Điều đó khiến Chính phủ Trung Quốc càng phải nỗ lực để khiến chính sách tài khóa có thể hỗ trợ nhiều hơn cho nền kinh tế sau hậu quả của dịch bệnh, có thể là bán trái phiếu và cho vay nợ. Chính quyền các cấp cũng đang suy tính lại các kế hoạch cho năm nay khi các nhà máy và doanh nghiệp trên cả nước vẫn đóng cửa im lìm, điều này liên quan trực tiếp đến các khoản thu thuế.
Chính phủ Trung Quốc đã cam kết đưa ra các biện pháp hiệu quả hơn khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Liu Kun viết trên một tạp chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng họ sẽ giảm thuế doanh nghiệp và cắt giảm chi phí không cần thiết của Chính phủ.
Trong số 28 tỉnh đã công bố ngân sách năm 2020, số dư ngân sách ngày càng tệ là điều hiển nhiên có thể nhìn thấy. Các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải dự kiến thu ngân sách tương đương với mức như năm 2019 và các khu vực có nền kinh tế mạnh như Sơn Đông và Trùng Khánh cũng chỉ dự kiến ​​tăng trưởng khoảng 1%. Tỉnh An Huy, ở miền trung Trung Quốc, dự báo sụt giảm 17,5% trong khi tỉnh Hồ Bắc ban đầu nghĩ rằng thu nhập của mình sẽ chỉ giảm khoảng 13%.
Theo Bloomberg, dù thu ngân sách của Trung Quốc năm nay chưa được công bố, nhưng doanh thu năm ngoái thấp hơn dự báo ban đầu.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã giữ mục tiêu thâm hụt chính thức dưới 3%, một phần thông qua chính sách “thắt lưng buộc bụng”, như một động thái để ngăn chặn việc vay quá mức khi quốc gia này đang chống lại nợ nần trên nhiều “mặt trận”.
Tuy nhiên, dấu hiệu của chính sách tài khóa chủ động hơn đã xuất hiện. Bộ Tài chính cho phép chính quyền địa phương bán số nợ trị giá hơn 1,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 258 tỷ USD) trước khi ngân sách hàng năm được phê duyệt. Bộ cũng đã công bố cắt giảm thuế mục tiêu để giúp các công ty và hộ gia đình bị virus tấn công, miễn một phần phí bảo hiểm xã hội hoặc nợ thuế.
Indonesia có thể cắt giảm lãi suất
Phần lớn các nhà phân tích được thăm dò bởi Reuters dự kiến ​​ngân hàng trung ương của Indonesia sẽ tiếp tục chu kỳ nới lỏng tại cuộc họp chính sách của mình trong tuần này để hỗ trợ nền kinh tế dự kiến bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Mười sáu trong số 28 nhà kinh tế trong cuộc khảo sát dự kiến ​​BI sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản xuống 4,75% tại cuộc họp chính sách hai ngày kết thúc vào ngày 20/2, 12 người dự đoán BI khác sẽ giữ tỷ lệ ở mức 5%.
Việc cắt giảm trong tuần này sẽ là lần thứ năm kể từ khi BI bắt đầu chu kỳ nới lỏng tiền tệ vào tháng 5/2019. Tổng số giảm 100 điểm cở bản của BI và nới lỏng các quy tắc cho vay trong năm 2019 nhằm hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái.
Bất chấp tác động của sự bùng phát Covid-19, Phó Thống đốc Dody Budi Waluyo cho biết vào đầu tháng 2 rằng BI vẫn tự tin rằng tăng trưởng kinh tế sẽ tăng trở lại trong năm nay sau khi giảm xuống còn 5,02% vào năm 2019, thấp nhất trong ba năm.
Nhưng một số nhà kinh tế và bộ trưởng độc lập đã bắt đầu tính đến rủi ro giảm xuống trong năm 2020 do dịch bệnh, vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia và là một nguồn đầu tư lớn cùng với lượng khách du lịch nước ngoài giảm.
Bộ trưởng Kinh tế Airlangga Hartarto dự báo sẽ giảm tới 0,3 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP của Indonesia trong năm nay nếu tăng trưởng của Trung Quốc mất từ ​​1 đến 2 điểm phần trăm. Chính phủ đã cam kết tăng cường chi tiêu và cung cấp các ưu đãi cho ngành du lịch để tăng cường hoạt động kinh tế.
N.Nga
Nguồn: Tổng hợp từ nhiều nguồn
 
 
 
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710901649