Thứ hai, 29-4-2024 - 13:4 GMT+7  Việt Nam EngLish 

IMF: Sự không chắc chắn về chính sách tiền tệ của Nhật Bản sẽ có tác động lan tỏa trên toàn cầu 

 Thứ sáu, 12-5-2023

AsemconnectVietnam - Ngày 4/5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo về sự không chắc chắn xung quanh định hướng chính sách tiền tệ của Nhật Bản, và khả năng thay đổi từ lãi suất cực thấp có thể tác động đáng kể đến thị trường tài chính toàn cầu.

Krishna Srinivasan, Giám đốc Vụ châu Á và Thái Bình Dương của IMF cũng chỉ ra những rủi ro xung quanh triển vọng kinh tế của châu Á, bao gồm xuất khẩu suy yếu sang các nền kinh tế tiên tiến, tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc và sự phân mảnh thương mại toàn cầu.
“Trong trung hạn, chúng tôi cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị suy giảm năng suất và đầu tư, điều này sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng xuống dưới 4% vào năm 2028. Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy nguy cơ nền kinh tế toàn cầu bị chia cắt thành các khối thương mại, điều này có thể giáng một đòn đặc biệt nặng nề vào khu vực châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu”, ông Srinivasan cho biết.
Trong khi hầu hết các ngân hàng trung ương châu Á phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, Nhật Bản vẫn là một ngoại lệ với lạm phát vẫn ở mức vừa phải, mặc dù điều này có thể thay đổi.
"Có sự không chắc chắn xung quanh định hướng chính sách tiền tệ ở Nhật Bản, trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Nhật Bản đã dẫn đến việc tăng thêm lợi suất trái phiếu chính phủ có thể có tác động lan tỏa toàn cầu thông qua các nhà đầu tư Nhật Bản, những người có vị thế đầu tư lớn vào các công cụ nợ ở nước ngoài”, ông cho biết.
“Việc tái cân bằng danh mục đầu tư của những nhà đầu tư này có thể kích hoạt sự gia tăng lợi suất toàn cầu, khiến dòng tiền chảy ra khỏi danh mục đầu tư ở một số quốc gia”, ông cho biết thêm.
Với lạm phát vượt mục tiêu 2%, thị trường đang có nhiều đồn đoán rằng, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể sửa đổi chính sách kiểm soát lợi suất trái phiếu trong những tháng tới.
BOJ đã giữ nguyên các thiết lập tiền tệ và lãi suất cực thấp trong cuộc họp chính sách tuần trước, nhưng công bố kế hoạch xem xét lại các động thái chính sách tiền tệ trong quá khứ, tạo cơ sở cho tân thống đốc Kazuo Ueda loại bỏ dần chương trình kích thích khổng lồ của thống đốc tiền nhiệm.
Sự phục hồi nhanh chóng của Trung Quốc sau khi mở cửa trở lại các biện pháp kiềm chế liên quan đến đại dịch có thể sẽ thúc đẩy xuất khẩu ở một số nước châu Á bao gồm cả Hàn Quốc.
Ông cho biết, trong khi lạm phát tổng thể đang ở mức vừa phải ở Hàn Quốc do giá năng lượng thấp hơn, thì lạm phát cơ bản không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng vẫn chưa giảm một cách rõ rệt.
Điều đó có nghĩa là Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) phải tránh nới lỏng tiền tệ quá sớm, mặc dù nó cũng nên giảm thiểu rủi ro thắt chặt chính sách quá mức.
"Kết hợp những cân nhắc này lại với nhau, BOK đã tạm dừng tăng lãi suất một cách thích hợp trong các cuộc họp tháng 2 và tháng 4, đồng thời để ngỏ các lựa chọn tăng lãi suất tiếp theo tùy thuộc vào dữ liệu sắp tới”, ông cho biết.
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710990809