Chủ nhật, 28-4-2024 - 9:29 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường nông sản thế giới ngày 23/1: Giá dầu cọ tăng phiên thứ 5 liên tiếp 

 Thứ ba, 23-1-2024

AsemconnectVietnam - Chốt phiên giao dịch ngày 22/1 giá dầu cọ, giá cà phê, giá ngô, giá lúa mì, giá đậu tương, giá ngô tăng, trong khi giá gạo xuất khẩu và giá tiêu ổn định.

Cà phê tăng trên cả 2 sàn giao dịch
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/1, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 3/2024 tăng 65 USD/tấn, ở mức 3.128 USD/tấn, giao tháng 5/2024 tăng 68 USD/tấn, ở mức 2.967 USD/tấn.
Trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 3/2024 tăng 5,2 cent/lb, ở mức 185,15 cent/lb, giao tháng 5/2024 tăng 4,85 cent/lb, ở mức 181,85 cent/lb.
Giá cà phê thế giới hôm nay đồng loạt đi ngang so với tuần trước. Về giá cà phê tuần này, chuyên gia Nguyễn Quang Bình cảnh báo, các quỹ đầu cơ có thể thanh lý mạnh những hợp đồng mua khống trên sàn London, như vậy đà giảm của Robusta nhiều nguy cơ xảy ra. Chưa chắc Fed đã hạ lãi suất sớm khiến đồng USD hồi phục. Do vậy thị trường tuần này khó có thể tăng cao như 2 tuần qua.
Đầu năm 2024, giá cà phê kỳ hạn duy trì xu hướng trái chiều khi giảm ở sàn New York, nhưng tăng tại London khi thị trường có thêm nhiều thông tin hỗ trợ.
Thông tin dự báo thời tiết tại Brazil thuận lợi khiến giá cà phê Arabica kèo dài đà giảm. Trong khi đó, người trồng cà phê Việt Nam hạn chế bán ra do kỳ vọng giá sẽ tăng thêm. ‏
‏Bên cạnh đó, tuyến đường hàng hải quốc tế Âu - Á bị tắc nghẽn có thể khiến cước vận tải biển tăng cao do phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi.
Dự báo, giá Robusta và Arabica sẽ biến động theo xu hướng tăng do lo ngại cước phí vận tải biển tăng cao và yếu tố thời tiết không thuận lợi tại các vùng trồng ở Brazil. ‏
‏Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo, sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 đạt 171,4 triệu bao, trong khi tiêu thụ ở mức kỷ lục 169,5 triệu bao. Tồn kho thế giới dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm qua là 26,5 triệu bao.
Lúa mì, đậu tương, ngô đồng loạt tăng
Giá đậu tương kỳ hạn của Mỹ tăng khi giá dầu đậu tương tăng 2,7% do hoạt động mua ngắn hạn và giá dầu thô tăng, các thương nhân cho biết.
Giá tương tại CBOT kỳ hạn tháng 3/2024 tăng 11 cent hay 0,9%, lên 12,24-1/4 USD/bushel và dầu đậu tương kỳ hạn tháng 3/2024 kết thúc tăng 1,26 cent lên 48,16 cent/lb.
Các đợt tăng giá của đậu tương đã bị giới hạn khi các thương nhân cân nhắc quy mô vụ đậu tương ở Brazil, nhà cung cấp hàng đầu thế giới, sau khi mưa làm giảm bớt lo ngại về thiệt hại hạn hán ở đó. Vụ thu hoạch đậu tương của Brazil đã hoàn thành 6% vào thứ Năm, công ty tư vấn AgRural cho biết.
Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc từ Brazil vào năm 2023 đã tăng 29% so với năm liền trước.
Giá lúa mì và ngô kỳ hạn cũng tăng nhờ lực mua cao. Lúa mì kỳ hạn tháng 3/2024 tăng 3-1/4 cent lên 5,96-1/2 USD/bushel trong khi ngô kỳ hạn tháng 3/2024 kết thúc tăng 1/4 cent lên 4,45-3/4 USD/bushel - sau khi chạm mức thấp nhất 3 năm vào tuần trước là 4,36-3/4 USD.
Tiêu ổn định
Trong phiên giao dịch ngày 22/1, giá hạt tiêu đen Lampung tại Indonesia neo tại mức 3.913 USD/tấn. Còn giá hạt tiêu trắng Muntok của quốc gia này giữ ở mức 6.169 USD/tấn.
Giá hồ tiêu đen Kuching ASTA của Malaysia duy trì ổn định ở mức 4.900 USD/tấn; còn hồ tiêu trắng ASTA của quốc gia này vẫn có giá 7.300 USD/tấn.
Đối với thị trường Brazil, giá hạt tiêu đen ASTA 570 ở mức 3.270 USD/tấn.
Tại Việt Nam, giá tiêu đen xuất khẩu loại 500 và 550 g/l lần lượt giữ mức 3.900 và 4.000 USD/tấn; tăng 200 USD. Còn giá hồ tiêu trắng xuất khẩu đạt mức 5.700 USD/tấn.
Ông William SC Yii - Giám đốc Công ty Nguong Aik Sdn Bhd (Kuching, Malaysia) cho biết, điều kiện thời tiết bất lợi do hiện tượng El Nino gây ra đang ảnh hưởng đến năng suất và thu hoạch hạt tiêu tại một số quốc gia.
Thời tiết khô hạn ở Brazil, một trong những nước sản xuất hạt tiêu quan trọng trên thế giới, có thể gây thiệt hại cho cây hồ tiêu.
“Dự kiến sẽ có sự thiếu hụt sản lượng hạt tiêu toàn cầu vào năm 2024 do biến đổi khí hậu và không có nhiều diện tích trồng mới ở các nước sản xuất lớn trong những năm gần đây”, ông William SC Yii nhận định thêm.
Mục tiêu là đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành hồ tiêu và gia vị đạt trên dưới 2 tỷ USD, với tổng sản lượng từ 400.000 - 500.000 tấn, với định hướng phát triển bền vững ngành hồ tiêu và gia vị nhằm đưa Việt Nam trở thành điểm đến được chọn lựa đầu tiên trong chuỗi cung cấp gia vị toàn cầu.
Gạo ổn định
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp đà ổn định sau phiên biến động. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá gạo 25% tấm ở mức 617 USD/tấn; gạo 5% tấm ở mức 652 USD/tấn.
Nhu cầu thế giới về lương thực nói chung và gạo nói riêng trong năm 2024 được dự báo tiếp tục tăng, giá gạo xuất khẩu cũng sẽ neo cao. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo chia sẻ họ đang “căng não” tính toán nhận đơn hàng thế nào để giảm thiểu rủi ro nếu có biến động bất ngờ.
Dự báo giá gạo thế giới tiếp tục neo cao trong thời gian tới. Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp, có lợi thế về ngành hàng lúa gạo, nên tận dụng cơ hội để nâng cao giá trị, đảm bảo lợi nhuận cho cả nông dân và doanh nghiệp ngành gạo.
Trước những dự báo về giá gạo sẽ còn cao trong năm 2024, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, dù diện tích lúa có xu hướng giảm nhưng kế hoạch sản xuất năm 2024, ngành trồng trọt vẫn đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn; đảm bảo xuất khẩu từ 8 triệu tấn gạo trở lên.
Dầu cọ tăng phiên thứ 5 liên tiếp
Giá dầu cọ đã tăng ngày thứ 5 liên tiếp lên mức cao nhất trong vòng 2 tuần trở lại đây trong bối cảnh đồng Ringgit Malaysia suy yếu, qua đó gia tăng nhu cầu đối với các hợp đồng hàng.
Trên Sàn giao Bursa Malaysia, giá dầu cọ tăng 0,4%, lên mức 2.597 Ringgit (781 USD)/tấn. Đây là mức giá cao nhất kể từ ngày 6/1/2014. Kết thúc phiên giao dịch buổi sáng ngày 22/1, giá dầu cọ đã đạt 2.593 Ringgit/tấn.
Đồng Ringgit Malaysia đã giảm xuống còn 3,3358 Ringgit/USD - mức thấp nhất kể từ ngày 28/8/2013. Theo số liệu tổng hợp của hãng tin Bloomberg, đồng Ringgit Malaysia đã giảm 6,7% trong năm 2013, tính từ đầu năm 2014, đồng Ringgit Malaysia đã giảm 2,5%. Bên cạnh đó, mức chênh lệch giá giữa dầu cọ với dầu đậu nành đã được nới rộng từ mức 64,78 USD/tấn trong ngày 21/1 lên mức 65,34 USD/tấn trong ngày 22/1.
Theo số liệu của hãng giám định thương mại Intertek công bố vào ngày 20/1. Lượng dầu cọ xuất khẩu của Malaysia trong 20 ngày đầu tháng 1/2014 đã giảm 15% so với cùng kỳ tháng 12/2013 xuống mức 748.303 tấn. Malaysia hiện là quốc gia xuất khẩu dầu cọ lớn thứ hai thế giới.
N.Hao
Nguồn: VITIC
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710956366