Chủ nhật, 28-4-2024 - 10:33 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường năng lượng và kim loại thế giới ngày 23/1: Giá gas giảm mạnh, giá vàng tăng nhẹ 

 Thứ ba, 23-1-2024

AsemconnectVietnam - Chốt phiên giao dịch ngày 22/1 giá xăng dầu, giá gas, giá đồng, giá nhôm, giá thép giảm, trong khi giá vàng tăng nhẹ, và giá quặng sắt trái chiều.

Xăng dầu giảm
Chốt phiên giao dịch ngày 22/1, giá dầu thô Brent tăng 1,9% lên 80,06 USD/thùng và giá dầu WTI của Mỹ tăng 2% lên 74,61 USD.
Theo cơ quan quản lý đường ống của North Dakota, hơn 20% sản lượng tại bang sản xuất dầu lớn thứ ba vẫn chưa được khôi phục sau khi giảm một nửa vào tuần trước do thời tiết cực lạnh và những thách thức trong vận hành.
Việc thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục duy trì đà tăng sau khi phá đỉnh lịch sử phản ánh tâm lý lạc quan của giới đầu tư về triển vọng kinh tế. Điều này đã tác động lan toả đến các thị trường tài chính khác, bao gồm thị trường hàng hoá với kỳ vọng các hoạt động kinh tế sôi động trở lại sẽ giúp nhu cầu sử dụng nhiên liệu tăng lên.
Không có dấu hiệu Israel ngừng tấn công ở Gaza và các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ vẫn tiếp tục bất chấp các biện pháp đáp trả từ Mỹ.
Theo nhà phân tích Tony Sycamore của IG, các yếu tố cơ bản về dầu mỏ có thể tiếp tục kéo giá giảm. Ông cho biết, sản lượng dầu cao hơn trong khi triển vọng tăng trưởng ở Trung Quốc và châu Âu không đồng đều và dữ liệu trong tuần này dự kiến sẽ cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ đã chậm lại đáng kể.
Dự báo tăng trưởng nhu cầu mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Cơ quan Năng lượng Quốc tế, và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC cho năm 2024 nằm trong khoảng từ 1,24 triệu đến 2,25 triệu thùng/ngày. Cả ba cơ quan đều dự đoán tăng trưởng nhu cầu sẽ chậm lại vào năm 2025.
Gas giảm mạnh
Giá gas giảm 6,55% ở mức 2,35 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 2/2024.
Giá gas hợp đồng tương lai đang giao dịch ở mức 2,33 USD/mmBTU giảm 0.018 USD/mmBTU tương đương với -0,72% so với trước đó.
Giá khí đốt tự nhiên kỳ hạn của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần, sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo mức giảm dự trữ nhỏ hơn dự kiến. Trong khi đó ở châu Âu, giá khí đốt tự nhiên giảm nhẹ do thời tiết ôn hòa hơn vào tuần tới ảnh hưởng đến các hợp đồng có thời hạn ngắn hơn.
Dự kiến sản lượng điện gió tại thị trường trọng điểm như Đức có thể đạt đỉnh 50 GW và 17,5 GW ở Anh vào tuần này. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu khí đốt từ các nhà máy điện và tạo rào cản khiến giá khí đốt khó bức phá.
Mới đây, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cho biết đang xem xét lại về việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ dựa trên khí hậu nhằm giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm carbon và hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu.
Thông tin này đang khiến ngành năng lượng mong manh của châu Âu lo sợ. Khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, châu Âu đã có thời gian dài bị khủng hoảng năng lượng, giá khí đốt tăng cao kỷ lục do Nga ngừng cung cấp khí đốt bằng đường ống. Việc chuyển sang nhập khẩu LNG của Mỹ đã giúp châu Âu giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng xuất khẩu của Nga, duy trì sự cân bằng và ổn định giá khí đốt cho người tiêu dùng.
Bởi vây, việc đánh giá lại cách phê duyệt giấy phép xuất khẩu khí đốt của chính phủ Mỹ có thể gây nguy cơ gia tăng và kéo dài tình trạng mất cân bằng nguồn cung toàn cầu. Từ đó tác động lớn đến giá khí đốt thế giới trong năm 2024.
Vàng tăng nhẹ
Trên sàn Kitco, giá vàng giao ngay đang ở mức 2.030,4 - 2.030,9 USD/ounce.
Kim loại quý này hồi phục trở lại ngưỡng 2.030 USD/ounce. Trong bối cảnh, đồng USD tiếp tục giảm nhẹ.
Tại thời điểm khảo sát, DXY đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,12%, về mốc 103,17.
Giá vàng tăng nhẹ nhờ vào đồng USD suy yếu. Tuần này, thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ biến động của đồng USD dự báo sẽ chứng kiến nhiều biến động khi 3 ngân hàng trung ương lớn đưa ra quyết định chính sách tiền tệ.
Trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dự báo sẽ duy trì lập trường ôn hòa, Ngân hàng Trung ương Canada dự báo sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đi đến quyết định sau khi lạm phát bất ngờ tăng trong tháng 12.
Các chuyên gia nhận định, biến động của đồng USD và vàng được cho là sẽ chịu tác động lớn nhất bởi quyết định của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Hiện các nhà đầu tư cũng đang nóng lòng chờ đợi dữ liệu lạm phát sẽ được công bố vào thứ Sáu này. Các chuyên gia phân tích đánh giá, nếu báo cáo cho thấy chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (thước đo lạm phát ưa thích của Fed) không giảm như dự kiến. Và điều đó có thể sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Mỹ.
Đồng giảm do triển vọng nhu cầu kém
Tại sàn giao dịch kim loại London (LME), giá vàng ổn định ở mức 8.349 USD/tấn. Các thương nhân cho biết hoạt động đã dịu đi và có khả năng duy trì như vậy cho đến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của Trung Quốc vào tháng 2/2024.
Giá đồng giảm do triển vọng nhu cầu yếu, đặc biệt tại Trung Quốc, trong khi dòng tiền chảy ra khỏi kho của Sàn giao dịch kim loại London (LME) và đồng đô la mềm hơn.
Lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn của Trung Quốc và sự chậm lại trong sản xuất trên toàn thế giới đã ảnh hưởng đến giá đồng và các kim loại công nghiệp khác trong năm qua.
Dự trữ đồng tại các kho được LME đã giảm 18% xuống còn 156.750 tấn kể từ giữa tháng 10/2023.
Nhôm giảm xuống mức thấp nhất
Giá nhôm giảm xuống 2.153 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 14/12, do lo ngại triển vọng thặng dư, một phần do sản lượng kỷ lục ở Trung Quốc bất chấp các hạn chế liên quan đến thời tiết ở phía tây nam nước này. Chốt phiên giá giảm 0,3%, xuống 2.160 USD.
Quặng sắt trái chiều
Tại Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) Trung Quốc, giá quặng sắt giao tháng 5/2024 tăng 0,53%, đạt 952 Nhân dân tệ (132,29 USD)/tấn - kéo dài mức tăng sang phiên thứ ba liên tiếp.
Ngược lại, trên Sàn giao dịch Singapore, giá quặng sắt tháng 2/2024 lại giảm 0,46%, xuống còn 129,3 USD/tấn.
Giá quặng sắt giao sau dao động trong biên độ hẹp, với giá quặng sắt tại Đại Liên tăng và giá ở Singapore giảm, do các nhà đầu tư cân nhắc về triển vọng nhu cầu khi không có biện pháp nới lỏng tiền tệ như dự kiến ở Trung Quốc.
Trung Quốc giữ lãi suất cho vay không thay đổi đầu tuần này sau quyết định giữ lãi suất cho vay trung hạn ổn định vào tuần trước, đáp ứng kỳ vọng và phản ánh dư địa nới lỏng tiền tệ hạn chế của Bắc Kinh trong bối cảnh áp lực lên đồng nhân dân tệ.
Các nhà phân tích tại Huatai Futures cho biết thị trường lo ngại về triển vọng nhu cầu trung và dài hạn trong bối cảnh bất ổn kinh tế vĩ mô.
Các nhà sản xuất thép Trung Quốc thường bổ sung nguyên liệu thô để duy trì sản xuất bình thường trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần, thường gây gián đoạn về hậu cần.
Thép giảm
Tại Sàn giao dịch Thượng Hải, giá thép thanh giảm 0,23%, trong khi thép phôi giảm và thép không gỉ lần lượt mất 0,58% và 0,49%. Cuộn cán nóng không thay đổi.
Các nhà phân tích tại Galaxy Futures (GF) cho biết những người tham gia thị trường hiện đang đặt cược vào triển vọng nhu cầu trong nửa đầu năm nay.
Các nhà phân tích của GF cho biết thêm, kỳ vọng rằng mức tiêu thụ thép sẽ tăng trong nửa đầu năm, được củng cố bởi nhu cầu từ lĩnh vực cơ sở hạ tầng và thị trường bất động sản ổn định.
N.Hao
Nguồn: VITIC
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710958182