Thứ hai, 6-5-2024 - 2:8 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường nông sản thế giới ngày 17/1: Giá ca cao đạt mức cao kỷ lục 

 Thứ tư, 17-1-2024

AsemconnectVietnam - Chốt phiên giao dịch ngày 16/1 giá cà phê, giá đậu tương, giá tiêu, giá ca cao tăng, trong khi giá ngô và lúa mì giảm.

Cà phê tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch ngày 16/1, trên sàn giao dịch London, giá Robusta giao tháng 3/2024 tăng mạnh 48 USD, lên mức 2.987 USD/tấn. Và kỳ hạn giao tháng 5/2024 cũng tăng 48 USD; ở mức 2.862 USD/tấn.
Trên sàn New York, giá Arabica giao tháng 3/2024 vẫn neo tại mức 180 cent/lb. Và kỳ hạn giao tháng 5/2024 giữ ở mức 177,35 cent/lb.
Giá cà phê tăng mạnh tại sàn London còn sàn New York tạm ngừng giao dịch do nghỉ lễ. Robusta tiếp tục tăng, có lúc vượt 3.000 USD/tấn khi nguồn cung liên tục bị đe dọa.
Mới đây nhất là thông tin mưa trái mùa đe dọa ngành cà phê Ấn Độ. Không chỉ nổi tiếng là quốc gia sản xuất trà, Ấn Độ cũng là nhà trồng cà phê lớn thứ 8 thế giới, chủ yếu sản xuất hạt Robusta dùng để chế biến cà phê hòa tan.
Hội đồng Cà phê Ấn Độ ước tính sản lượng cà phê của nước này có thể tăng lên 374.200 tấn trong niên vụ 2023/24, bắt đầu từ ngày 1/10, so với 352.000 tấn của niên vụ trước. Nông dân cho biết mưa nhiều có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng sản lượng. Việc thu hoạch cũng bị chậm lại do thiếu nhân lực, mặc dù người lao động đã được trả mức lương cao hơn.
Tồn kho cà phê Robusta trên sàn London tính đến thứ Sáu ngày 12/1 đã giảm 1.290 tấn, tức giảm 3,75 % so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 33.110 tấn (khoảng 551.833 bao, bao 60 kg). Đây là mức thấp kỷ lục nhiều năm qua, đã góp phần hỗ trợ giá cà phê kỳ hạn sàn London bật tăng mạnh mẽ.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giới giao dịch cà phê trên toàn cầu lo ngại về việc căng thẳng trên Biển Đỏ làm giá cước vận chuyển cà phê từ các quốc gia châu Á sang Mỹ và châu Âu tăng lên, đồng thời thời gian giao hàng kéo dài.
Điều này có thể khiến nông dân tại các nước sản xuất lớn như Việt Nam hạn chế bán cà phê. Do đó, những đơn hàng đã giao dịch trước không được thực hiện đúng thời hạn và nguồn cung trên thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt trong ngắn hạn.
Ngô, đậu tương, lúa mì: Giá đậu tương tăng
Chốt phiên giao dịch ngày 16/1, trên sàn Chicago, giá đậu tương tăng 3 US cent, lên 12,27-1/4 USD/bushel, giá ngô giảm 3,5 US cent xuống 4,43-1/2 USD/bushel, trong khi lúa mì giảm 14 cent xuống 5,82 USD/bushel.
Giá đậu tương Mỹ tăng do yếu tố kỹ thuật trong không khí giao dịch không ổn định và một loạt tin tức các tác động trái chiều.
Ngược lại, giá ngô và lúa mì tiếp tục chuỗi phiên giảm giá, trong đó hợp đồng lúa mì giao dịch nhiều nhất giảm xuống mức giá thấp nhất kể từ ngày 29/11.
Ca cao đạt mức cao kỷ lục
Giá ca cao lập kỷ lục mới, dài mức tăng ấn tượng từ năm ngoái do nguồn cung ngày càng thắt chặt và đồng tiền Anh yếu.
Tại London, hợp đồng cacao kỳ hạn tháng 3 giao dịch giá tăng 90 bảng, tương đương 2,5%, lên 3.717 bảng Anh (4.695 USD)/tấn vào lúc đóng cửa - sau khi có lúc chạm mức cao kỷ lục 3.723 bảng trong bối cảnh bảng Anh giảm giá so với USD.
Trong khi đó, giá ca cao kỳ hạn tháng 3 giao dịch ở New York cũng tăng 2,5%, lên 4.429 USD/tấn.
Thị trường ca cao vụ mùa này được dự báo sẽ thiếu hụt nguồn cung vụ thứ ba liên tiếp và các tín hiệu kỹ thuật về ngày càng lạc quan.
Tiêu tăng tại thị trường Indonesia
Chốt phiên giao dịch ngày 16/1, giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 3.931 USD/tấn, tăng 0,03%; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 3.270 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn.
Giá tiêu trắng Muntok 6.198 USD/tấn, tăng 2,34%; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.
Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.900 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l mức 4.000 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.700 USD/tấn.
Giá tiêu tăng mạnh ở mặt hàng tiêu trắng Indonesia, nhưng giữ nguyên mức điều chỉnh đối với các thị trường khác.
Những dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất tại kỳ họp sắp tới đã hỗ trợ giá cả hàng hóa khởi sắc trở lại. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu sẽ tăng mua, do lượng dự trữ đã cạn kiệt và mối lo thiếu hụt nguồn cung từ các quốc gia sản xuất hàng đầu.
N.Hao
Nguồn: VITIC
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25711150630