Thứ sáu, 17-5-2024 - 17:17 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Nguồn cung lương thực toàn cầu năm 2024 có thể vẫn căng thẳng do thời tiết khô hạn và lệnh hạn chế xuất khẩu 

 Thứ ba, 2-1-2024

AsemconnectVietnam - Giá lương thực lên cao trong những năm gần đây đã thúc đẩy nông dân trên toàn thế giới trồng thêm ngũ cốc và hạt có dầu. Tuy nhiên, người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với nguồn cung thắt chặt hơn vào năm 2024, trong bối cảnh thời tiết El Nino bất lợi, lệnh hạn chế xuất khẩu và yêu cầu về nhiên liệu sinh học cao hơn.

Giá lúa mì, ngô và đậu tương toàn cầu - sau nhiều năm tăng mạnh - đang có xu hướng giảm trong năm 2023 do căng thẳng ở Biển Đen hạ nhiệt và những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu dịu đi, mặc dù giá cả vẫn có thể chịu tác động từ các cú sốc nguồn cung và lạm phát lương thực trong Năm mới.
“Bức tranh nguồn cung ngũ cốc đã được cải thiện vào năm 2023 với vụ mùa bội thu hơn ở nhiều vùng chủ chốt quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn”, Ole Houe - Giám đốc dịch vụ tư vấn tại hãng môi giới nông sản IKON Commodities (Australia) cho biết.
Ông nhận định El Nino sẽ vẫn tác động đến mùa màng ít nhất là đến tháng 5/2024. Brazil đang trồng ít ngô hơn. Trong khi Tung Quốc thì lại nhập khẩu nhiều lúa mỳ và ngô từ bên ngoài hơn.
Hiện tượng thời tiết El Nino, sẽ gây khô hạn ở phần lớn châu Á trong năm nay, được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong nửa đầu năm 2024, khiến cho nguồn cung gạo, lúa mì, dầu cọ và các nông sản khác bị đe dọa.
Các thương nhân và quan chức dự đoán sản lượng gạo châu Á trong nửa đầu năm 2024 sẽ giảm do điều kiện trồng trọt khô hạn và các hồ chứa thu hẹp dẫn đến làm giảm sản lượng.
Nguồn cung gạo toàn cầu đã giảm do bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết El Nino làm giảm sản lượng, khiến Ấn Độ - nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, phải cấm xuất khẩu gạo.
Trong khi các ngũ cốc khác mất giá thì giá gạo lại tăng lên mức cao nhất trong 15 năm vào năm 2023. Giá gạo tại một số trung tâm xuất khẩu của châu Á tăng 40-45%.
Vụ lúa mì sắp tới của Ấn Độ cũng đang bị đe dọa do thiếu độ ẩm, điều này có thể buộc nước tiêu thụ lúa mì lớn thứ hai thế giới phải nhập khẩu lần đầu tiên sau 6 năm do dự trữ trong nước đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm.
Tại Australia, nước xuất khẩu lúa mỳ nhiều thứ hai thế giới, các nông dân sẽ phải trồng vụ mới trong thời tiết khô hạn. Nhiều tháng qua, mùa màng tại đây đã chịu tác động mạnh từ El Nino, chấm dứt kỳ vọng 3 năm liên tiếp đạt mùa màng kỷ lục.
Điều này có thể khiến người mua, trong đó có Trung Quốc và Indonesia, tìm mua thêm từ các nước khác ở Bắc Mỹ, châu Âu và Biển Đen.
"Nguồn cung lúa mỳ vụ 2023/2024 có thể giảm sút so với vụ trước. Lý do là xuất khẩu từ các nước sản xuất quan trọng giảm mạnh", Commerzbank nhận định.
Tại Argentina, lượng mưa dồi dào tại các vùng trọng điểm trồng trọt, dự báo tăng sản lượng đậu tương, ngô và lúa mì tại một trong những quốc gia xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới.
Theo sàn giao dịch ngũ cốc Rosario (BCR) của Argentina, 95% diện tích ngô được gieo trồng sớm và 75% đậu tương đang ở trong điều kiện “rất tốt”, nhờ lượng mưa kể từ cuối tháng 10 trên vùng Pampas.
Brazil dự kiến sẽ đạt sản lượng nông nghiệp gần kỷ lục vào năm 2024, mặc dù ước tính sản lượng đậu tương và ngô của nước này đã giảm trong những tuần gần đây do thời tiết khô hạn.
Sản xuất dầu cọ toàn cầu cũng được dự báo giảm năm tới, do El Nino. Điều này có thể kéo giá dầu ăn lên cao. Sản lượng giảm diễn ra đúng thời điểm nhu cầu dầu ăn và nhiên liệu sinh học làm từ dầu cọ được dự báo tăng.
"Nguồn cung ngũ cốc và hạt có dầu trên toàn cầu đang được thắt chặt. Bán cầu Bắc sẽ ghi nhận hiện tượng El Nino trong vụ mùa lần đầu tiên kể từ năm 2015. USD năm tới sẽ tiếp tục giảm giá. Còn lại như cầu toàn cầu sẽ quay về xu hướng tăng trưởng trong thời hạn", CoBank - nhà băng cho vay hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp tại Mỹ nhận định.
Tuy nhiên, sản lượng ngô, lúa mì và đậu tương ở Nam Mỹ dự kiến sẽ cải thiện vào năm 2024.
N.Hao
Nguồn: VITIC/Reuters
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25711504679