Thứ bảy, 4-5-2024 - 8:58 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường ngô thế giới tháng 12/2023 

 Thứ năm, 28-12-2023

AsemconnectVietnam - Giá ngô tại tất cả các thị trường xuất khẩu chính trên thế giới trong tháng 12/2023 tăng so với tháng 11/2023.

Giá ngô Mỹ tăng 1 USD/tấn lên 213 USD/tấn. Sản lượng kỷ lục tại Mỹ và chi phí vận chuyển trên sông Mississippi giảm bớt đang làm giảm giá, bất chấp doanh số bán hàng gần đây sang Mexico và Nhật Bản tăng mạnh. Giá ngô Brazil là 230 USD/tấn, tăng 11 USD/tấn so với tháng trước. Nhu cầu ổn định đối với ngô Brazil, đặc biệt là từ Trung Quốc, và những thách thức hậu cần thông qua các tuyến xuất khẩu phía bắc đang khiến giá thầu được báo cáo ở mức cao hơn. Giá ngô Achentina tăng 9 USD/tấn lên 220 USD/tấn. Giá cao hơn phần lớn phản ánh những chuyển động ở các thị trường xuất khẩu khác, với giá thầu trầm lắng trước lễ nhậm chức của tân tổng thống Achentina vào ngày 10/12 và tác động tiềm tàng của những thay đổi chính sách kinh tế đối với thị trường nông nghiệp. Giá ngô của Ukraine đã không được công bố kể từ ngày 21/7/2023.
Báo cáo Ước tính Cung và Cầu Nông nghiệp Thế giới của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tháng 12/2023 dự báo sản lượng ngô toàn cầu niên vụ 2023/24 tăng nhẹ, với sản lượng tăng ở Ukraine, Nga, Liên minh châu Âu và Ai Cập nhiều hơn bù đắp cho lượng cắt giảm ở Mexico và Canada.
Sản lượng ngô của Ukraine và Nga tăng dựa trên kết quả thu hoạch được báo cáo cho đến nay. Sản lượng ngô của EU cao hơn do mức tăng của Pháp được bù đắp một phần bằng mức giảm của Bulgaria. Sản lượng ngô của Mexico bị cắt giảm chủ yếu phản ánh diện tích thấp hơn.
Xuất khẩu ngô được nâng lên cho Ukraine, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhập khẩu ngô của Mexico và Iraq cao hơn. Trong niên vụ 2022/23, nhập khẩu ngô của Mexico tăng nhưng đối với EU và Ả Rập Saudi lại giảm.
Tồn kho ngô nước ngoài cuối niên vụ 2023/24 tăng nhẹ do Ukraine và Nga tăng. Dự trữ ngô toàn cầu tăng nhẹ ở mức 315,2 triệu tấn.
Thương mại toàn cầu được dự báo tăng, chủ yếu nhờ xuất khẩu tăng từ Ukraine và Mỹ. Nhập khẩu toàn cầu cũng được dự báo cao hơn, dẫn đầu là sự gia tăng ở Mexico, cũng như một số quốc gia ở Trung Mỹ và Bắc Phi.
Về triển vọng ngô của Mỹ trong niên vụ 2023/24, USDA dự báo xuất khẩu cao hơn và tồn kho cuối kỳ thấp hơn. Xuất khẩu ước tính tăng 25 triệu bushels lên 2,1 tỷ bushels phản ánh tốc độ bán hàng và vận chuyển cho đến nay. Nếu không có thay đổi về mục đích sử dụng nào khác, lượng ngô dự trữ cuối kỳ ước tính giảm 25 triệu bushels xuống còn 2,1 tỷ bushels. Giá ngô trung bình theo mùa mà người sản xuất nhận được không đổi ở mức 4,85 USD/bushel.
Lần đầu tiên, xuất khẩu ngô của Brazil sang Nhật Bản đã vượt qua Mỹ về tổng khối lượng trong năm 2022/23, trong đó Nhật Bản nhập khẩu 6,9 triệu tấn ngô từ Brazil. Ngược lại, xuất khẩu của Mỹ sang Nhật Bản giảm xuống chỉ dưới 6,9 triệu tấn, giảm gần 2,9 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước (-31%). Thị phần của Mỹ tại Nhật Bản giảm xuống chỉ còn 46% so với mức trung bình 75% trong 9 năm trước đó. Đây chỉ là lần thứ hai trong 20 năm qua Mỹ chiếm ít hơn 50% thị phần tại Nhật Bản. Lần cuối cùng thị phần của Mỹ giảm xuống ít hơn 50% là năm 2012/13, khi hạn hán nghiêm trọng làm giảm sản lượng của Mỹ so với năm trước.
Tại Ukraine, dữ liệu từ Bộ Chính sách Nông nghiệp và Thực phẩm Ukraine cho thấy xuất khẩu ngô của nước này trong năm tiếp thị 2023/24 (tháng 7/2023 đến tháng 6/2024) giảm 35,1% so với cùng kỳ xuống còn 6,6 triệu tấn tính đến ngày 6/12/2023. Trong năm marketing 2022/23, Ukraine xuất khẩu 29,5 triệu tấn ngô.
Ukraine đã đạt được thỏa thuận vào ngày 15/11 với các nhà cung cấp bảo hiểm toàn cầu để giảm chi phí bảo hiểm vận chuyển đối với ngũ cốc và các mặt hàng thực phẩm khác.
Đầu tháng 11/2023, chính phủ Ukraina đã đưa ra các quy định mới về xuất khẩu nông sản, bao gồm việc bắt buộc các công ty xuất khẩu thực phẩm phải đăng ký. Các quy định mới có thể dẫn đến sự chậm trễ hơn nữa trong việc xuất khẩu ngũ cốc và tăng chi phí hậu cần. Xuất khẩu ngô của Ukraine giảm trong năm nay chủ yếu do các cảng Biển Đen bị phong tỏa trong bối cảnh rủi ro địa chính trị ngày càng tăng trong khu vực.
Ukraine đã xuất khẩu qua các cảng sông Reni và Izmail trên sông Danube và các tuyến trung chuyển qua EU. Nước này cũng đã phát triển một hành lang hàng hải tạm thời xuyên qua Biển Đen để cho phép xuất khẩu thông qua các cảng Chornomorsk, Odesa và Pivdenny.
Hành lang tạm thời này rất quan trọng đối với xuất khẩu nông sản của Ukraine, vốn đã bị ảnh hưởng kể từ khi Nga rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen vào ngày 17/7/2023.
Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào tháng 7/2022, đã cho phép Ukraine xuất khẩu 32,9 triệu tấn nông sản qua các cảng Pivdenny, Odesa và Chornomorsk trước khi Nga rút quân.
Nhập khẩu ngô của Trung Quốc trong tháng 11/2023 đạt kỷ lục, mặc dù vụ mùa của nước này rất lớn. Vụ mùa bội thu và giá nội địa thấp hơn sẽ mang lại lợi ích cho những người chăn nuôi Trung Quốc, những người dùng ngô làm thức ăn cho lợn nhưng lợi nhuận đã âm trong hầu hết năm 2023.
Dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, nước này đã nhập khẩu ngô kỷ lục 3,59 triệu tấn trong tháng 11/2023, bổ sung vào vụ mùa nội địa kỷ lục và tiếp tục gây áp lực lên giá ở nước trồng ngô số 2 thế giới.
Nhập khẩu ngô tháng 11/2023 tăng 384% so với một năm trước, trùng với sản lượng ngô nội địa kỷ lục 288,84 triệu tấn trong năm nay, sau nỗ lực của chính phủ nhằm tăng sản lượng các loại ngũ cốc thiết yếu vì mục đích an ninh lương thực.
Trong 11 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu ngô của Trung Quốc đạt 22,18 triệu tấn, tăng 12,3% so với một năm trước đó. Sự gia tăng này chủ yếu là do làn sóng nhập khẩu từ Brazil do người mua tận dụng giá rẻ hơn từ vụ thu hoạch bội thu ở Brazil.
Nhật Bản là nước nhập khẩu ngô lớn thứ 4 thế giới trong 4 năm qua. Tính theo đồng đô la, thương mại ngô của Mỹ sang Nhật Bản trị giá trung bình khoảng 2,4 tỷ USD, khoảng 20% giá trị xuất khẩu ngô của Mỹ mỗi năm.
Nhập khẩu của Nhật Bản giảm trong năm 2022/23 do giá ngô toàn cầu kỷ lục khiến người mua tìm các sản phẩm thay thế. Trong phần lớn niên vụ 2022/23, gạo làm TĂCN trong nước có giá cạnh tranh với nguồn cung ngô nhập khẩu. Kết quả là tỷ lệ ngô trong khẩu phần TĂCN đã giảm từ mức trung bình 48% trong 5 năm trước xuống còn 45% vào năm 2022/23.
Ngoài ra, tổng lượng ngô nhập khẩu giảm do đồng Yên suy yếu. Những nỗ lực chính sách của Ngân hàng Nhật Bản đã khiến đồng yên Nhật giảm giá so với đồng đô la Mỹ - với tỷ giá hối đoái thực tế giảm xuống 74,31 vào tháng 7/2023 - tỷ giá thấp nhất được Nhật Bản ghi nhận kể từ những năm 1970. Kết quả là chi phí nhập khẩu của Nhật Bản sẽ vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình lịch sử.
Tuy nhiên, phần lớn sự thay đổi trên thị trường ngô Nhật Bản là do sự cạnh tranh từ Brazil. Nhật Bản nhập khẩu phần lớn ngô từ Mỹ hoặc Brazil và chuyển đổi nguồn cung giữa các quốc gia theo mùa dựa trên giá cả. Những thách thức về hậu cần ở Mỹ trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12/2022 và nguồn cung khan hiếm hơn thông thường ở Mỹ đã dẫn đến sự chênh lệch giá đáng kể có lợi cho Brazil trong năm 2022/23.
Dữ liệu Báo cáo Bán hàng Xuất khẩu cho thấy tổng doanh thu và xuất khẩu ngô của Mỹ sang Nhật Bản đứng ở mức 3,6 triệu tấn tính đến ngày 30/11/2023, so với 1,4 triệu tấn trong năm 2022/23 và cao hơn 13% so với mức trung bình 5 năm là 3,2 triệu tấn.
N.Nga
Nguồn: VITIC/USDA/Reuters/Spglobal
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25711114450