Thứ sáu, 3-5-2024 - 3:32 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Nông dân Ukraine gặp khó khăn sau khi Sáng kiến Biển Đen hết hiệu lực 

 Thứ năm, 20-7-2023

AsemconnectVietnam - Một nhà kinh doanh nông nghiệp Ukraine cho biết tình trạng gián đoạn do xung đột đã khiến anh chịu thiệt hại hơn 3 triệu USD trong năm 2022 và con số này có thể lên đến 6 triệu USD trong năm 2023.

Nhiều nông dân Ukraine lo ngại sinh kế bị ảnh hưởng sau khi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen hết hiệu lực mà không được gia hạn vào ngày 17/7 vừa qua.
Thỏa thuận do Nga và Ukraine ký kết dưới sự trung gian của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2022 để đảm bảo an toàn cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc qua các cảng Biển Đen trong thời gian xảy ra xung đột và đã nhiều lần được gia hạn.
Tuy nhiên, phía Nga đã từ chối tham gia thỏa thuận sau ngày 17/7 với lý do những điều kiện liên quan hoạt động xuất khẩu nông sản của nước này trong khuôn khổ thỏa thuận đã không được tuân thủ.
Ukraine là nhà xuất khẩu ngũ cốc và dầu hướng dương hàng đầu thế giới, trong đó có hoạt động xuất khẩu tới các thị trường Trung Đông và châu Phi.
Xuất khẩu nông sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Ukraine, đóng góp khoảng 12% tổng sản phẩm quốc nội và khoảng 60% tổng giá trị xuất khẩu trước khi xung đột nổ ra.
Các cảng ở Biển Đen là nơi lưu thông khoảng 90% hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu của Ukraine trước xung đột.
Thỏa thuận trên đã tạo điều kiện xuất khẩu 33 tỷ tấn sản phẩm nông nghiệp của Ukraine ra nước ngoài trong thời gian qua.
Hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời Kees Huizinga, một nhà nông nghiệp ở miền Trung Ukraine, cho biết tình trạng gián đoạn liên quan xung đột đã khiến anh chịu thiệt hại khoảng từ 3-6 triệu USD trong năm 2022 và con số này có thể lên đến 6 triệu USD trong năm 2023.
Hiện anh chỉ thu được 100 USD cho 1 tấn lúa mạch, tức là bằng một nửa giá so với mức giá chung ở các nước châu Âu, trong khi giá cước vận chuyển ngày càng đắt đỏ.
Tuyến đường còn lại để đưa các sản phẩm nông nghiệp Ukraine ra nước ngoài là qua sông Danube, chạy dọc biên giới Tây Nam Ukraine và Romania.
Tuy nhiên, một số quốc gia láng giềng của Ukraine đã hạn chế nhập khẩu ngũ cốc của nước này vì chịu sức ép từ người nông dân trong nước lo ngại sản phẩm họ làm ra chịu thêm sự cạnh tranh.
Denys Marchuk, Phó Chủ tịch Hội đồng Đất đai Ukraine - tổ chức kinh doanh nông nghiệp lớn nhất cả nước - ước tính các cảng ven sông Danube có thể là nơi lưu thông tới 3 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng và đây cũng là tuyến đường duy nhất có thể giúp hoạt động xuất khẩu nông sản Ukraine phát huy tiềm năng hiện có.
Năm 2023, Ukraine ước tính thu hoạch khoảng 44 triệu tấn ngũ cốc, giảm so với mức kỷ lục 86 triệu tấn năm 2021.
Nhiều người nông dân tại Ukraine như anh Huizinga mong muốn các bên sẽ sớm tìm ra cách để vận chuyển ngũ cốc ra nước ngoài.
Liên hợp quốc cũng cho biết có một số ý tưởng đang được đưa ra để thảo luận về cách giúp vận chuyển ngũ cốc Ukraine ra các thị trường quốc tế./.
Nguồn: vietnamplus.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25711087960