Thứ hai, 29-4-2024 - 1:10 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Các nước tìm giải pháp thay thế Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen 

 Thứ ba, 18-7-2023

AsemconnectVietnam - Sau khi Nga quyết định không gia hạn Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen, các nước bày tỏ quan ngại về quyết định này và cho biết đang nỗ lực tìm các giải pháp thay thế.

Ngày 17/7, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho biết nước này và các đối tác quốc tế đang nỗ lực tìm "các giải pháp thay thế" sau khi Nga quyết định không gia hạn Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen, do Liên hợp quốc làm trung gian, cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc trong thời gian xung đột Nga-Ukraine.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, đăng trên Twitter, Phó Thủ tướng Tajani bày tỏ quan ngại về quyết định này, cho rằng việc thiếu lương thực ở châu Phi sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nước.
Ông cho biết Italy đã làm việc để tìm các giải pháp thay thế. Vấn đề sẽ được giải quyết tại hội nghị thượng đỉnh về an ninh lương thực mà Italy sẽ phối hợp tổ chức với Liên hợp quốc tại Rome vào ngày 24/7 tới.
Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng bày tỏ quan ngại về nguy cơ hàng triệu người trên thế giới sẽ thiếu lương thực trong thời gian tới.
Ông cho biết Liên hợp quốc sẽ tiếp tục nỗ lực để hàng nông sản và phân bón của Ukraine cùng Nga có thể tiếp cận các thị trường “mà không bị cản trở."
Cùng ngày, Áo đã hối thúc Nga duy trì Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 17/7, Bộ Ngoại giao Áo đã đề nghị Nga gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Bộ trên nhấn mạnh đây là thỏa thuận quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu.
Bày tỏ thất vọng, Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra cho rằng việc gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát giá lương thực và tránh gây bất ổn cho thị trường.
Người phát ngôn Chính phủ Đức Christiane Hoffmann cho biết Đức tiếp tục kêu gọi Nga quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen với Ukraine. Bà nhấn mạnh rằng thỏa thuận này rất quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố nước này sẵn sàng tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc, sau khi Nga ngừng tham gia Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen.
Theo người phát ngôn của Tổng thống Ukraine Serhiy Nykyforov, ông Zelensky đã nhấn mạnh cần nỗ lực hết sức để duy trì sử dụng hành lang xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen sau khi Nga ngừng tham gia thỏa thuận này.
Các doanh nghiệp, chủ tàu đều khẳng định sẵn sàng cung cấp ngũ cốc nếu Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục cho phép.
Tổng thống Zelensky đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao Ukraine chuẩn bị một thư gửi chính thức tới Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ xem liệu các bên có sẵn sàng duy trì Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen hay không.
Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov tuyên bố phần thỏa thuận liên quan đến Nga vẫn không được thực hiện nên Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen hết hiệu lực vào ngày 17/7.
Ông Peskov cũng nhấn mạnh ngay khi phần liên quan đến Nga được thực hiện, phía Nga sẽ "ngay lập tức" quay trở lại thực hiện thỏa thuận.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, cũng cho biết nước này đã chính thức thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên hợp quốc về việc không gia hạn thỏa thuận ngũ cốc.
Tháng 7/2022, Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine - hai nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.
Trong khuôn khổ sáng kiến, Nga và Liên hợp quốc đã ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới, trong khi Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc về xuất khẩu thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine qua Biển Đen.
Thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn và đã hết hiệu lực vào ngày 17/7./.
Nguồn: vietnamplus.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710977034