Chủ nhật, 28-4-2024 - 18:39 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thủ tướng Nhật Bản kêu gọi các khoản đầu tư mới vào sản xuất chip 

 Thứ sáu, 19-5-2023

AsemconnectVietnam - Thủ tướng Fumio Kishida bày tỏ đánh giá cao "chính sách tích cực" của các công ty đầu tư vào Nhật Bản, đồng thời kêu gọi các khoản đầu tư mới vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm chip nhớ.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 18/5 đã có cuộc gặp với lãnh đạo một loạt công ty công nghệ lớn trên thế giới trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) dự kiến khai mạc ngày 19/5.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp lãnh đạo các công ty Intel Corp, Micron Technology Inc, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC), IBM Corp, Applied Materials, Samsung Electronics..., Thủ tướng Kishida bày tỏ đánh giá cao "chính sách tích cực" của các công ty về đầu tư vào Nhật Bản, đồng thời kêu gọi các khoản đầu tư mới.
Ông khẳng định Chính phủ Nhật Bản sẽ thúc đẩy mở rộng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nhật Bản, qua đó nâng cao năng lực sản xuất sản phẩm chip, góp phần đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu đối với loại linh kiện này.
Đáp lại kêu gọi của Thủ tướng Kishida, Công ty Micron cho biết sẽ đầu tư tới 500 tỷ yen (khoảng 3,6 tỷ USD) trong vài năm tới để sản xuất chip nhớ thế hệ tiếp theo tại nhà máy của công ty ở tỉnh Hiroshima, miền Tây Nhật Bản, với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Nhật Bản.
Chủ tịch TSMC Mark Liu cho biết nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới này đã nhận được hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản để xây dựng một nhà máy ở tỉnh Kumamoto, phía Tây Nam Nhật Bản. TSMC đang cân nhắc mở rộng đầu tư tại Nhật Bản nếu nhận được thêm sự hỗ trợ của chính phủ nước này.
Trong khi đó, ông Max Mirgoli, Phó Chủ tịch điều hành của imec - một viện nghiên cứu và phát triển của Bỉ, cho biết tổ chức này có kế hoạch mở một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Nhật Bản để hợp tác với các công ty và trường đại học địa phương, bao gồm cả nhà sản xuất chip Rapidus Corp được nhà nước hậu thuẫn.
Các nhà sản xuất chip của Nhật Bản từng thống trị lĩnh vực này vào những năm 80 của thế kỷ 20, nhưng hiện đang tụt hậu so với các công ty hàng đầu từ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Do tình trạng thiếu chất bán dẫn gần đây ảnh hưởng đến một số ngành công nghiệp thiết yếu, bao gồm ngành sản xuất ôtô, Nhật Bản đã nỗ lực tăng cường chuỗi cung ứng để mua chip.
Trong khuôn khổ các nỗ lực đảm bảo sản xuất ổn định, Nhật Bản đang tìm cách xây dựng lại ngành sản xuất chip cạnh tranh toàn cầu bằng cách tạo điều kiện hợp tác giữa các công ty trong nước và nước ngoài.
Tháng 4/2023, Nhật Bản đặt mục tiêu tăng gấp ba doanh số bán hàng tại các công ty sản xuất chất bán dẫn, linh kiện và vật liệu ở Nhật Bản lên 15.000 tỷ yên vào năm 2030 thông qua tăng vốn đầu tư.
Trước đó, ngày 25/4, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết chính phủ nước này sẽ trợ cấp thêm 260 tỷ yen (khoảng 1,9 tỷ USD) cho công ty sản xuất chip Rapidus để xây dựng một nhà máy mới ở hòn đảo miền Bắc Hokkaido nhằm thúc đẩy sản xuất chip trong nước.
Chính phủ Nhật Bản đã công bố khoản trợ cấp 70 tỷ yen cho Rapidus vì mục đích phát triển, nâng tổng số tiền hỗ trợ của chính phủ cho công ty này lên 330 tỷ yen.
Rapidus có kế hoạch thiết lập dây chuyền sản xuất thử nghiệm vào năm 2025 và bắt đầu hợp tác với Tập đoàn công nghệ IBM (Mỹ) để sản xuất hàng loạt chất bán dẫn tiên tiến vào năm 2027.
Các chip có độ dài 2 nanomet tiên tiến nhất sắp được sản xuất đặc biệt quan trọng đối với các ngành công nghiệp thế hệ mới như sản xuất ôtô tự lái và trí tuệ nhân tạo.
Rapidus đã chọn Hokkaido để xây dựng nhà máy trên do ở đây có nguồn cung cấp nước dồi dào và có sẵn năng lượng tái tạo vì các microchip tiên tiến cần được rửa bằng loại nước siêu tinh khiết.
Chính phủ Nhật Bản ngày 31/3 cũng đã thông báo thắt chặt kiểm soát xuất khẩu thiết bị sản xuất chip tiên tiến, nhằm ngăn chặn các công nghệ này được sử dụng cho mục đích quân sự./.
Nguồn: vietnamplus.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710968764