Chủ nhật, 5-5-2024 - 6:54 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường lúa mì thế giới tháng 4/2023 và dự báo 

 Chủ nhật, 30-4-2023

AsemconnectVietnam - Giá lúa mì thế giới tháng 4/2023 giảm so với tháng 3/2023 ở hầu hết các nước xuất khẩu lớn ngoại trừ Mỹ do nhu cầu nhập khẩu giảm và việc mở rộng Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.

Cụ thể, lúa mì Achentina giảm 11 USD/tấn xuống 346 USD/tấn, nhưng vẫn cao hơn các nước khác do nguồn cung khan hiếm bởi hạn hán. Lúa mì Canada giảm 4 USD/tấn xuống 344 USD/tấn. Lúa mì Úc giảm 10 USD/tấn xuống 329 USD/tấn do nhu cầu yếu hơn đối với lúa mì chất lượng làm thức ăn chăn nuôi ở Hàn Quốc và Đông Nam Á. Lúa mì Nga giảm 20 USD/tấn xuống 275 USD/tấn do nguồn cung dồi dào. Lúa mì EU giảm 15 USD/tấn xuống 285 USD/tấn do cạnh tranh từ các nhà xuất khẩu Biển Đen. Ngược lại, giá lúa mì Mỹ tăng 22 USD/tấn lên 386 USD/tấn vì nguồn cung dự kiến thấp hơn do điều kiện hạn hán ở các khu vực trồng trọt chính, thậm chí trở nên kém cạnh tranh hơn về giá so với các nhà cung cấp lớn trên toàn cầu.
Báo cáo tháng 4/2023 của USDA dự báo sản lượng lúa mì toàn cầu vụ 2022/23 tăng so với tháng 3/2023, chủ yếu do sản lượng của Ethiopia tăng, ngược lại sản lượng giảm ở Achentina, EU và Ả Rập Saudi.
Thương mại toàn cầu dự báo giảm 1,2 triệu tấn xuống còn 212,7 triệu tấn do xuất khẩu của Achentina, Brazil và EU giảm, ngược lại xuất khẩu lớn hơn ở Biển Đen nhờ giá cả cạnh tranh và việc mở rộng Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Nhập khẩu được dự báo giảm với việc giảm ở Indonesia và nhiều nước ở châu Á và Nam Mỹ.
Nhập khẩu lúa mì của Trung Quốc dự báo tăng 2 triệu tấn lên 12 triệu tấn và là mức nhập khẩu cao nhất của Trung Quốc kể từ năm 1995/96. Nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh nhờ nhập khẩu mạnh cho đến nay, đặc biệt là từ Úc. Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu lúa mì hàng đầu thế giới niên vụ 2022/23.
Dự trữ cuối vụ 2022/23 của thế giới ước tính giảm 2,1 triệu tấn xuống 265,1 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ vụ 2015/16. Ấn Độ, Philippines và Ukraine dự kiến sẽ có lượng dự trữ thấp hơn, ngược lại lượng dự trữ của Syria, EU và Mỹ cao hơn.
Đối với Mỹ, USDA dự báo nguồn cung lúa mì trong vụ 2022/23 cao hơn, trong khi tiêu thụ trong nước giảm, xuất khẩu không đổi và dự trữ cuối kỳ tăng. Nguồn cung của Mỹ ước tính tăng 5 triệu bushels do nhập khẩu cao hơn. Sử dụng trong nước dự kiến giảm 25 triệu bushels xuống còn 55 triệu bushels do lúa mì làm thức ăn chăn nuôi và cho các mục đích khác giảm.
Xuất khẩu lúa mì không đổi ở mức 775 triệu bushels. Dự trữ cuối kỳ vụ 2022/23 tăng 30 triệu bushels lên 598 triệu bushels nhưng vẫn thấp hơn 14% so với năm trước. Giá nông sản trung bình niên vụ 2022/23 được dự báo thấp hơn 0,1 USD/bushel ở mức 8,9 USD/bushel.
Tại Achentina, chính phủ cho phép các công ty trì hoãn xuất khẩu lúa mì để tăng nguồn cung trong nước sau đợt hạn hán lịch sử kéo dài từ tháng 5/2022 đến tháng 3/2023 làm giảm vụ mùa.
Các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng đã được phép gia hạn thêm 360 ngày khi bắt đầu giao hàng từ ngày 1/12/2022 đến ngày 31/7/2023.
Vụ thu hoạch lúa mì niên vụ 2022/2023 của Achentina chỉ đạt 12,6 triệu tấn, giảm 43% so với 22,1 triệu tấn mà nông dân sản xuất trong vụ trước.
Tại Brazil, StoneX dự báo Brazil sẽ thu hoạch vụ lúa mì kỷ lục 11,3 triệu tấn trong niên vụ 2023/2024, so với 11 triệu tấn niên vụ trước. Nông dân sẽ mở rộng diện tích trồng trọt thêm 6,1% lên 3,48 triệu ha (8,599 triệu mẫu Anh). Brazil vẫn không sản xuất đủ lượng lúa mì cần thiết, với nhu cầu trong nước đạt 13,2 triệu tấn trong niên vụ này, ổn định so với năm ngoái. Để đáp ứng nhu cầu nội địa, Brazil sẽ nhập khẩu 6,15 triệu tấn lúa mì, tăng 9,4% so với năm trước trong đó Achentina vẫn là nhà cung cấp lớn.
Tại Nga, Công ty tư vấn Agritel dự kiến sản lượng lúa mì của Nga sẽ đạt 83,2 triệu tấn vào năm 2023, thấp hơn mức thu hoạch kỷ lục của năm ngoái nhưng vẫn nằm trong số những vụ mùa lớn nhất từ trước đến nay của nước này. Công ty tư vấn nông nghiệp Sovecon ước tính Nga sẽ xuất khẩu 43 triệu tấn lúa mì trong năm 2023/2024.
USDA dự báo tiêu thụ lúa mì toàn cầu ước tính tăng 2,9 triệu tấn lên 796,1 triệu tấn chủ yếu do nhu cầu mạnh mẽ về thức ăn chăn nuôi và cho các mục đích khác ở Trung Quốc, EU và sử dụng lúa mì làm thực phẩm, hạt giống và công nghiệp (FSI) tăng ở Ấn Độ.
Theo USDA, nhập khẩu lúa mì của Philippines đã giảm nửa triệu tấn xuống còn 6,2 triệu trong tháng 4/2023, giảm so với cùng kỳ năm ngoái do tiêu thụ lúa mì làm lương thực, hạt giống và công nghiệp (FSI) cũng như làm thức ăn chăn nuôi và cho các mục đích khác giảm.
Trong khi gạo là lương thực chính ở Philippines, tiêu thụ lúa mì đã tăng lên khi người tiêu dùng chuyển sang chế độ ăn theo phương Tây nhiều hơn, bao gồm bánh mì, bánh pizza, mì ống, bánh rán và bánh ngọt. Năm 2019, chính phủ đã loại bỏ các hạn chế định lượng đối với nhập khẩu gạo và chuyển sang áp thuế, dẫn đến nhập khẩu gạo cao hơn đáng kể. Sự thay đổi này làm giảm giá gạo trong nước và tiêu thụ gạo bắt đầu tăng trở lại. Tiêu thụ lúa mì bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các hạn chế COVID-19 làm giảm tiêu thụ các sản phẩm làm từ lúa mì. Nguồn cung toàn cầu chặt chẽ đã làm giảm khả năng cạnh tranh của các sản phẩm làm từ lúa mì so với gạo do giá cao hơn. Ngoài ra, giá đường cao ở Philippines đã làm giảm lợi nhuận của các tiệm bánh. Philippines đã giảm mua lúa mì từ Mỹ (nhà cung cấp lúa mì xay xát hàng đầu của nước này) và tăng nhập khẩu lúa mì của Úc và Canada. Nhập khẩu lúa mì của Philippines để sử dụng làm thực phẩm dự báo sẽ thấp hơn trong niên vụ 2022/23.
Philippines cũng sử dụng lúa mì làm thức ăn chăn nuôi do thuế nhập khẩu ngô cao (35%) khiến việc sử dụng lúa mì làm thức ăn chăn nuôi trở thành một lựa chọn cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, mức thuế ngô thấp hơn (5% từ tháng 5/2022 đến tháng 12/2023) nên nước này nhập khẩu thêm ngô để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Lúa mì cũng thường được sử dụng trong thức ăn nuôi trồng thủy sản, nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng lượng sử dụng thức ăn chăn nuôi.
USDA dự báo Trung Quốc sẽ trở thành nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới trong niên vụ 2022/23.
Nhập khẩu lúa mì của Trung Quốc được dự báo lên tới 12 triệu tấn trong năm 2022/23, là mức nhập khẩu cao nhất của nước này kể từ năm 1995/96 khi nhập khẩu đạt 12,5 triệu tấn.
Giá lúa mì Trung Quốc dao động quanh mức 450 USD/tấn trong năm qua và giá ngô trung bình trên 400 USD/tấn. Trong khi đó, giá lúa mì quốc tế có xu hướng giảm trong vài tháng qua, xuống dưới 400 USD/tấn với nguồn cung dồi dào có thể xuất khẩu từ Úc, Liên minh châu Âu và Canada.
Giá cả cạnh tranh đã thúc đẩy Trung Quốc nhập khẩu khối lượng lớn lúa mì chất lượng cả về xay xát và thức ăn chăn nuôi. Lúa mì Úc đặc biệt cạnh tranh sau 3 năm liên tiếp được mùa kỷ lục. Trung Quốc tiếp tục mua mạnh nguồn cung lúa mì của Úc, với lượng nhập khẩu từ tháng 7/2022 đến tháng 2/2023 tăng 66% so với năm trước. Nhập khẩu từ Canada tăng 83% so với năm ngoái.
Giá lúa mì quốc tế giảm so với ngũ cốc trong nước, một số nhà máy thức ăn chăn nuôi của Trung Quốc đã thay thế ngô bằng lúa mì nhập khẩu trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi.
Mặc dù việc sử dụng lúa mì làm thức ăn chăn nuôi của Trung Quốc giảm so với cùng kỳ năm ngoái do việc sử dụng ngô làm thức ăn chăn nuôi tăng trở lại, nhưng vẫn chiếm 1/4 tổng lượng tiêu thụ lúa mì của cả nước. Trong khi đó, lúa mì làm thực phẩm, hạt giống và sử dụng công nghiệp vẫn mạnh mẽ.
N.Nga
Nguồn: VITIC/USDA/Reuters/Spglobal
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25711133702