Chủ nhật, 28-4-2024 - 16:28 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường hàng hóa thế giới ngày 7/4: Giá cà phê quay đầu giảm 

 Thứ sáu, 7-4-2023

AsemconnectVietnam - Trong phiên giao dịch hàng hóa ngày 7/4 giá xăng dầu, giá vàng, giá cà phê giảm; Giá thép, giá quặng sắt, giá đồng tăng, riêng giá tiêu ổn định.

Xăng dầu bất ngờ giảm
Trong phiên giao dịch sáng 7/4, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,17%, xuống 80,47 USD/thùng Trong khi, giá dầu thô Brent giao tháng 6/2023 giảm 0,06%, xuống 84,94 USD/thùng. Giá giảm do thị trường đánh giá mục tiêu giảm sản lượng của OPEC+ và tồn kho dầu giảm của Mỹ, cùng với lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu.
Với việc cắt giảm này, kể từ tháng 5 đến cuối năm, OPEC+ sẽ cắt giảm tới 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương với gần 3,7% nhu cầu toàn cầu.
Ông Dennis Kissler, phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch của BOK Financial cho biết, các quỹ phòng hộ đã mua dầu thô cả tuần, chuyển trạng thái từ bên lề về lại chế độ "chấp nhận rủi ro".
Sự tăng giá của dầu còn được hỗ trợ bởi mức giảm mạnh hơn dự kiến và mức giảm hằng tuần thứ hai liên tiếp trong kho dự trữ dầu thô của Mỹ vào tuần trước. Tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất của nước này cũng giảm cho thấy nhu cầu tăng.
Hạn chế mức tăng, dữ liệu thị trường lao động của Mỹ chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế đang chậm lại và cũng có sự tăng trưởng chậm hơn dự kiến trong lĩnh vực dịch vụ của nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Ông Robert Yawger, giám đốc phòng năng lượng tương lai tại Mizuho Securities, nhận định sự phá hủy nhu cầu do nguy cơ suy thoái kinh tế sẽ tác động lớn hơn mức giảm sản lượng của OPEC+.
Những người mua quyền chọn bán để phòng ngừa rủi ro giảm giá tích cực hơn những người mua quyền chọn mua, đặt cược vào giá tăng, ngụ ý rằng các nhà giao dịch lo ngại giá có thể giảm, ôngYawger cho biết thêm.
Ông Stephen Brennock, nhà môi giới dầu mỏ PVM cho hay đà tăng giá của thị trường dầu mỏ có thể đã tạm dừng, nhưng tiềm năng tăng giá vẫn còn trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt.
Vàng giảm nhẹ
Mở đầu phiên giao dịch ngày 7/4, trên Sàn giao dịch Kitco, giá vàng giao dịch ở mức 2007.6 - 2008.6 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn tháng 4/2023 giảm 6,3 đô la xuống 2014,9 đô la Mỹ/ounce.
Trong phiên trước, giá vàng giao động trong mức cao, 2000.2 - 2021.70USD/ounce.
Có thông tin cho biết khi giá vàng trở lại trên 2.000 USD/ounce, các quốc gia Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đều có kế hoạch tăng dự trữ vàng của họ. Một nhà phân tích của ING cho biết đây có thể là "tác động tích cực về cấu trúc đối với vàng và tác động tiêu cực về cấu trúc đối với đồng đô la Mỹ”.
Cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu ADP (Mỹ) về việc làm tư nhân cho thấy 145.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng 3/2023, thấp hơn rất nhiều so với dự báo là 200.000 việc làm.
Thị trường tiếp nhận thông tin này trong lo ngại tăng trưởng kinh tế Mỹ suy thoái, có thể dẫn đến cắt giảm lãi suất khiến đồng USD tiếp nối đà giảm giá. Những điều này đã thúc đẩy nhà đầu tư nắm giữ vàng để bảo toàn vốn.
Đồng tăng do đồng USD suy yếu
Trên Sàn giao dịch kim loại London, giá đồng tăng 0,9%, lên 8.861,50 USD/tấn.
Hàng tồn kho khan hiếm và nhu cầu tại nước tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc được cải thiện đã hỗ trợ phần nào cho thị trường.
Trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, hợp đồng đồng giao tháng 5/2023 tăng 0,2% lên 68.740 CNY(tương đương 9.995,35 USD)/tấn.
Chỉ số USD giảm xuống do các nhà đầu tư cân nhắc xem dữ liệu việc làm quan trọng của Mỹ được công bố vào kỳ nghỉ giao dịch chứng khoán có thể tác động đến chính sách của Cục Dự trữ Liên bang và gây ra phản ứng thị trường biến động như thế nào.
Quặng sắt tăng nhẹ
Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/4/2023, trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE), hợp đồng kỳ hạn quặng sắt tháng 9/2023 tăng cao hơn 0,13%, ở mức 795,5 Nhân dân tệ (115,74 USD)/tấn - sau khi giảm 4,4% trong ba phiên giao dịch trước đó của tuần này.
Trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, giá than luyện cốc tăng 1,09%, ngược lại giá than cốc giảm 0,45%.
Đồng thời, trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,99%, lên 3.989 Nhân dân tệ/tấn, giá thép cuộn cán nóng tăng 1,12%, giá dây thép cuộn tăng 0,27% và giá thép không gỉ tăng 1,76%.
Theo số liệu từ công ty tư vấn Mysteel, tồn kho quặng sắt tại các cảng lớn ở Trung Quốc đã giảm 7,5%, xuống 131,53 triệu tấn trong tuần tính đến ngày 6/4 - đánh dấu tuần giảm thứ 6 liên tiếp.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA), sản lượng kim loại nóng hàng ngày dự kiến sẽ tăng 1,54%, lên 2,45 triệu tấn trong giai đoạn 21-31/3 so với 10 ngày trước đó.
Cà phê quay đầu giảm
Trong phiên giao dịch ngày 7/4, tại London, giá cà phê Robusta giao tháng 5/2023 giảm 15 USD/tấn, ở mức 2.299 USD/tấn, giao tháng 7/2023 giảm 18 USD/tấn ở mức 2.256 USD/tấn.
Trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 5/2023 tăng 3,45 cent/lb, ở mức 183,6 cent/lb, giao tháng 7/2023 tăng 2,7 cent/lb, ở mức 181,7 cent/lb.
Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) dự báo nguồn cung toàn cầu trong niên vụ 2022/2023 tăng 1,7% so với niên vụ trước, chủ yếu do Brazil, nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới tăng sản lượng theo chu kỳ “hai năm một”.
Xuất khẩu cà phê robusta trong tháng 2/2023 chỉ đạt 2,89 triệu bao, giảm 13,7% so với cùng kỳ. Trong 5 tháng đầu của xuất khẩu robusta của niên vụ cà phê hiện tại 2022/2023 đã giảm xuống 16,91 triệu bao, giảm 13,58% so với cùng kỳ niên vụ cà phê 2021/2022 trước đó. Thông tin này sẽ hỗ trợ cà phê robusta tăng giá.
Hiệp hội Các Nhà xuất khẩu và Công nghiệp cà phê Indonesia cho biết, Indonesia, quốc gia sản xuất cà phê robusta lớn thứ ba thế giới, sẽ chứng kiến sản lượng năm 2023 giảm 20% so với cùng kỳ còn 9,6 triệu bao do thiệt hại do mưa nhiều trên các khu vực trồng trọt của nước này.
Tiêu ổn định
Mở đầu phiên giao dịch đầu sáng ngày 7/4, giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 3.596 USD/tấn, giảm 0,06%; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 2.950 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn.
Giá tiêu trắng Muntok 6.041 USD/tấn, giảm 0,07%; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.
Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.225 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550g/l mức 3.275 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 4.780 USD/tấn. Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế liên tục điều chỉnh giảm giá tiêu xuất khẩu của Indonesia những ngày qua.
Vụ thu hoạch hồ tiêu tại Việt Nam cơ bản đã kết thúc, với sản lượng không được như kỳ vọng. Một vài tháng nữa, các nước sản xuất như Brazil và Indonesia tiếp tục thu hoạch hồ tiêu năm nay.
Nguồn cung hồ tiêu trên bình diện toàn cầu sẽ được duy trì liên tục. Theo phản ánh hiện các giao dịch cầm chừng và khó mua hàng. Nguyên nhân thì có nhiều.
Lý do về kinh tế vĩ mô, tình hình tài chính, ngân hàng, tỷ giá tác động một phần, còn chủ yếu là quyết định bởi cung cầu.
Không riêng Việt Nam, năm nay sản lượng sụt giảm còn được dự báo ở cả Brazil và Indonesia. Như quốc gia cùng trong khu vực Đông Nam Á với Việt Nam, từ đầu năm giá tiêu xuất khẩu liên tục biến động, các công ty phản ánh họ rất khó tìm được nguồn hàng, do sản lượng đủ cung cấp cho nhu cầu nội địa.
Ở Brazil, thời tiết cực đoan từ đầu năm cũng ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây hồ tiêu. 2 quốc gia trên đều là những nước xuất khẩu hồ tiêu lớn, chỉ đứng sau Việt Nam.
Thị trường gia vị tại Brazil vẫn phải đối mặt với công nghệ chế biến còn nhiều hạn chế và các yêu cầu chất lượng ngày càng khắt khe từ các đối tác tại châu Âu, Mỹ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến nhiễm khuẩn Salmonella trên tiêu đen.
Các nhà kinh doanh gia vị của Brazil đã quyết định xuất khẩu sang những nước có thế mạnh về công nghệ sản xuất và chế biến để khử trùng và tái xuất đi các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Tính trong hai tháng đầu năm nay, lượng tiêu xuất khẩu của Brazil sang Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ấn Độ cũng giảm lần lượt 17,4% và 53,3%.
Một số thị trường tăng rất mạnh như Senegal tăng gấp 4 lần, Pakistan tăng 2,4 lần, Ai Cập tăng 37,4%, Morocco tăng 86,8%, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ tăng lần lượt 217% và 130,3%.
N.Hảo
Nguồn: VITIC


 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710966126