Thứ sáu, 3-5-2024 - 10:33 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Năm Chủ tịch ASEAN 2020: Khẳng định bản lĩnh Việt Nam 

 Thứ ba, 5-1-2021

AsemconnectVietnam - Năm 2020 là một năm đặc biệt với ASEAN và đầy thách thức với Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN. Tuy nhiên, với nỗ lực từ chính sách đến thực tiễn đầy linh hoạt và sáng tạo, Việt Nam đã khẳng định bản lĩnh, chèo lái con thuyền ASEAN vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ theo cách chủ động, trách nhiệm, sáng tạo, bản lĩnh và hiệu quả nhất.

“Chèo lái” đúng hướng con thuyền ASEAN
Năm 2020 là năm đầu tiên Việt Nam đồng thời đảm nhận sứ mệnh Năm Chủ tịch ASEAN (lần hai theo luân phiên) và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đây cũng là năm cả thế giới đối diện với thảm họa y tế, suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra. Điều này đặt ra thách thức chưa từng có đối với Việt Nam trong việc hoàn thành nhiệm vụ. Song nhờ bản lĩnh, trí tuệ, Việt Nam đã ghi đậm dấu ấn trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, từ chủ đề rất đúng và trúng là “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, tới cách đề xuất những ưu tiên, ý tưởng, sáng kiến, cho đến phương thức chuẩn bị, chủ trì điều hành các hội nghị, soạn thảo các văn kiện và công tác tuyên truyền, quảng bá.
Tổng kết lại chặng đường đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã thành công toàn diện, vang dội, trọn vẹn và thực chất.
Thành công đó được thể hiện ở sự linh hoạt, chủ động thích ứng với “tình trạng bình thường mới” của Việt Nam, bằng cách chuyển đổi phương thức tổ chức hội nghị, hoạt động của ASEAN từ trực tiếp sang trực tuyến và tổ chức ký trực tuyến nhiều văn kiện quan trọng. Đặc biệt, Năm Chủ tịch ASEAN do Việt Nam “dẫn dắt” đã thành công ngoài mong đợi, với chất lượng nội dung và số lượng kỷ lục các văn kiện được thông qua. Bất chấp những khó khăn do dịch bệnh, các nhà lãnh đạo ASEAN đã hoàn tất đánh giá giữa kỳ triển khai Kế hoạch tổng thể Cộng đồng ASEAN 2025 và Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN 2025, đưa ra Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, xây dựng nền tảng vững chắc cho con đường phát triển phía trước của Cộng đồng ASEAN.
Cùng với đó, nhiều sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của ASEAN và phương thức tổ chức các hội nghị do Việt Nam khởi xướng cũng trở thành gợi ý tốt cho các nước tham khảo. Tiêu biểu như: Quỹ ASEAN ứng phó dịch bệnh Covid-19, hơn 12 triệu USD đã được cam kết cho Quỹ (Việt Nam đóng góp 100.000 USD); Kho dự phòng vật tư y tế; thành lập Trung tâm khu vực ứng phó với các trường hợp y tế khẩn cấp và bệnh dịch mới nổi... Ngoài ra, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực cũng là một thành quả đáng chú ý của ASEAN trong năm 2020.
“Với thành công của Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam không chỉ là một thành viên tích cực, luôn nghiêm túc thực thi các thỏa thuận đã cam kết, mà đã trở thành một chỗ dựa vững chắc, tin cậy, đặc biệt trong những thời khắc ASEAN phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như đại dịch Covid-19 hiện nay” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Ký kết thành công RCEP – dấu ấn lịch sử
Riêng trong trụ cột kinh tế, Bộ Công Thương đã hoàn thành tốt “sứ mệnh” điều phối các hoạt động kinh tế của ASEAN 2020, thông qua việc chủ động đề xuất cũng như tham gia giải quyết các vấn đề cấp bách trong ASEAN như: Duy trì các hoạt động thương mại, tăng cường hợp tác, liên kết toàn khu vực, khắc phục hậu quả dịch Covid-19 và chuẩn bị phục hồi kinh tế sau đại dịch. Đáng lưu ý, trong các sáng kiến thúc đẩy hợp tác kinh tế ASEAN năm nay là đã hoàn tất và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sau 8 năm đàm phán. Đây là niềm tự hào, thành quả to lớn của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, năm 2020 là năm khó khăn cho Việt Nam với vai trò Chủ tọa luân phiên của Hiệp định RCEP. Vượt qua khó khăn này, Việt Nam đã phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, phát huy vai trò trung tâm, dẫn dắt của ASEAN để đạt được thành quả là việc ký kết Hiệp định RCEP vào ngày 15/11/2020.
Tuy nhiên, để đạt được “trái ngọt” RCEP, Việt Nam và các nước thành viên trải qua nhiều khó khăn. Đó là bối cảnh địa chính trị trong khu vực thay đổi, xu hướng bảo hộ nổi lên, dịch Covid-19 kéo dài đã làm đảo lộn lịch đàm phán trong RCEP cũng như khiến các nước khó khăn hơn trong việc thêm bất cứ cam kết nào trong hội nhập kinh tế quốc tế. Thậm chí đến gần tới vạch đích, Hiệp định còn gặp bước ngoặt bất ngờ khi Ấn Độ quyết định rút khỏi các cuộc đàm phán (vào tháng 11/2019).
Mặc dù vậy, “với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 kiêm nhiệm Chủ tọa đàm phán Hiệp định RCEP, Việt Nam đã nỗ lực và chủ động thuyết phục sự đồng thuận trong ASEAN, một mặt tìm các giải pháp xử lý vướng mắc của Ấn Độ, thuyết phục quốc gia này quay lại đàm phán Hiệp định RCEP, mặt khác thúc đẩy kết thúc hoàn toàn đàm phán và rà soát pháp lý giữa 15 nước còn lại” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Hiệp định RCEP được ký kết mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại mới mang tính toàn diện, lâu dài, đúng như nhận định của ông Dato Lim Jock Hoi - Tổng Thư ký ASEAN - ký kết RCEP chính là minh chứng cho sức mạnh hiệu triệu và vai trò lãnh đạo của khu vực ASEAN trong việc thúc đẩy một cấu trúc kinh tế mở, toàn diện và dựa trên các quy tắc.

Nguồn: congthuong.vn/nam-chu-tich-asean-2020-khang-dinh-ban-linh-viet-nam-150250.html
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25711094146