Thứ tư, 4-12-2024 - 17:3 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Triển vọng thu hút FDI từ CPTPP 

 Thứ ba, 20-4-2021

AsemconnectVietnam - Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các đối tác Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào Việt Nam trong 2 năm đầu thực thi chưa khả quan so với trước. Tuy nhiên, CPTPP được coi vẫn sẽ góp phần tạo ra sức hấp dẫn riêng cho dòng vốn FDI trong tương lai.

Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau 2 năm thực thi CPTPP cho thấy, năm 2019, thu hút FDI từ các đối tác CPTPP đạt gần 9,5 tỷ USD, giảm 36% so với năm 2018. Đây là kết quả không khả quan, đặc biệt trong bối cảnh chung năm 2019, khi tổng thu hút vốn FDI của Việt Nam từ tất cả các nguồn vẫn tăng khoảng 7,2%, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của các đối tác CPTPP vẫn tăng 51,3%... Năm 2020, thu hút FDI từ CPTPP đã được cải thiện hơn, khi tổng vốn các đối tác này đầu tư vào Việt Nam đạt khoảng 11,8 tỷ USD, tăng 24,4% so với năm 2019; trong khi tổng vốn đầu tư FDI của Việt Nam thu hút từ tất cả các nguồn bị suy giảm gần 25%.
Nguyên nhân thu hút FDI từ CPTPP chưa như kỳ vọng, đó là, trong hơn 2 năm đầu tiên CPTPP có hiệu lực, đã có hơn 1/2 thời gian nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Trong khai thác các FTA, cơ hội đầu tư thường không nhanh như xuất nhập khẩu hàng hóa. Thực tế, các cam kết mở cửa thị trường trong CPTPP phần lớn đều có lộ trình dài, chưa thực hiện ngay trong 2 năm đầu.
Lý giải về năm đầu thực thi CPTPP, thu hút FDI từ các đối tác này giảm mạnh, các chuyên gia VCCI cho rằng, năm 2018, vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam tăng đột biến nhờ dự án thành phố thông minh tại Hà Nội của Sumitomo Corporation, có số vốn đầu tư lên đến 4,138 tỷ USD. Chỉ riêng dự án này đã chiếm gần 30% tổng số vốn đầu tư FDI từ CPTPP trong năm 2018. Đến năm 2019, không có dự án FDI nào lớn như vậy từ CPTPP, sự sụt giảm thu hút FDI ở mức 35,9% so với năm 2018 cũng là điều có thể dự đoán trước.
Từ góc độ thể chế, sau 2 năm CPTPP có hiệu lực, đã có 18 văn bản pháp luật được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, với tiến độ thực hiện nhanh hơn so với quy trình thông thường. Song, theo phản ánh của VCCI, phần lớn các văn bản pháp luật đáp ứng yêu cầu thực thi CPTPP đều ban hành bị chậm hơn so với yêu cầu cam kết từ 15 ngày - 20 tháng.
Tuy nhiên, theo khảo sát của VCCI, vẫn có nhiều kỳ vọng vào FDI từ CPTPP trong tương lai. Cùng với các FTA khác, CPTPP sẽ tiếp tục góp phần tạo ra sức hấp dẫn riêng của Việt Nam trong thu hút dòng vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc do tác động căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, cũng như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19...

Nguồn: congthuong.vn/trien-vong-thu-hut-fdi-tu-cptpp-155501.html
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25716208296