Thứ bảy, 21-9-2024 - 6:43 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Sau 4 năm thực thi EVFTA: Sức bật mới giúp doanh nghiệp tiến vào chuỗi cung ứng 

 Thứ năm, 1-8-2024

AsemconnectVietnam - Nếu Việt Nam có thể thu hút được vốn đầu tư từ EU một cách mạnh mẽ hơn trong thời gian tới thì đây là cơ sở rất tốt để thiết lập chuỗi cung ứng mới, tham gia vào mạng lưới toàn cầu với tiêu chuẩn cao.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu-EU (gọi tắt là hiệp định EVFTA) chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020. Đây là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện nhất mà EU (với 27 nền kinh tế phát triển) đã ký kết với một nước đang phát triển là Việt Nam.
Mặc dù bị tác động không nhỏ bởi đại dịch COVID-19, cuộc xung đột chính trị Nga-Ukraine và những khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực… song qua 4 năm thực thi hiệp định này, cả Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đều đã đạt được các kết quả rất tích cực, trong đó EU là vẫn luôn một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam (là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5).
Để hiểu rõ hơn về hiệp định EVFTA, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đã có một số trao đổi với phóng viên về các kết quả kinh tế quan trọng Việt Nam đạt được sau 4 năm thực thị EVFTA cũng như những vấn đề đặt ra trong thời gian tới, khi bước sang năm thứ 5 thực thi hiệp định này.
EVFTA đem lại kết quả tích cực nhất

- Dưới góc độ đơn vị trực tiếp tham gia đàm phán, ông nhìn nhận như thế nào về việc thực hiện các cam kết trong EVFTA của Việt Nam và EU 4 năm qua?

Ông Lương Hoàng Thái: Trong số những FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, có thể nói hiệp định EVFTA là hiệp định đem lại kết quả tích cực nhất. Đầu tiên là thay đổi về mặt thể chế, đây là hiệp định với những tiêu chuẩn cao đã giúp Việt Nam có những thay đổi thể chế theo hướng tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, đặc biệt là để nhằm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và trong nhiều lĩnh vực, Việt Nam cũng đã chủ động để điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật không những để đáp ứng với quy định của hiệp định mà còn theo hướng tạo thuận lợi hơn cho môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Khi tham gia EVFTA, Quốc hội đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật, còn cấp Chính phủ, bộ, ngành cũng thực hiện hoàn thành tiến độ này và sau 4 năm thực thi đã có hơn 20 văn bản quy phạm pháp luật đã được điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới, trong đó có những văn bản quy phạm pháp luật rất quan trọng, như: Luật Công đoàn, Luật kinh doanh Bảo hiểm, Luật sở hữu trí tuệ và nhiều văn bản liên quan đến mua sắm, đấu thầu, tiêu chuẩn trong lĩnh vực ôtô…
Theo số liệu của EU, sau ba năm thực thi Hiệp định EVFTA, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng gần 50%, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại đứng đầu trong số các nước ASEAN.
Chúng ta đã có bước chủ động không những đáp ứng quy định của hiệp mà còn sửa đổi rất mạnh mẽ theo nhu cầu của cải cách trong nước. Đơn cử, về pháp luật lao động, không những Việt Nam sửa đổi để tạo điều kiện có thể tham gia công ước của ILO mà Việt Nam còn sửa đổi toàn diện những nội dung mà tạo điều kiện để có thể tốt hơn cho người lao động khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng được chia sẻ tốt hơn về lợi ích kinh tế trong quá trình tham gia đó.
Hay những quy định về đấu thầu, ngoài việc đáp ứng những quy định của hiệp định mà còn được điều chỉnh theo hướng tạo môi trường cạnh tranh hơn để giúp các cơ quan mua sắm công có thể tăng hiệu quả trong quá trình này, cho nên một trong những điểm sáng được đánh giá, đó là quá trình chúng ta đã chủ động cải cách thể chế để có thể tạo được môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi hơn, từ đó có thể thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có vốn đầu tư từ các nước EU.
Chính vì vậy, một trong những điểm quan trọng thứ hai mà Việt Nam hy vọng là thông qua việc thiết lập hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao là chúng ta tạo được kết nối chuỗi cung ứng với EU và chuỗi cung ứng này chỉ có thể hình thành nếu như đầu tư mạnh mẽ từ EU vào Việt Nam.
Tính đến nay, EU đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 28 tỷ Euro, đứng thứ 6 trong các nhà đầu tư. Tất nhiên, cùng với EVFTA, Việt Nam đã ký hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), song hiệp định này đang chờ một số nước thành viên EU phê chuẩn sau đó mới có thể đưa vào thực thi, nên chúng ta cũng hy vọng, nếu phê chuẩn, hiệp định này sẽ là động lực cũng như đem lại lợi ích còn lớn hơn nữa.
Thực tế, EU luôn là thị trường quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Hiện Việt Nam xuất khẩu sang EU chiếm khoảng 12-15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, quan trọng hơn, đây là thị trường với qui mô, dung lượng rất lớn và với tiềm lực về khoa học công nghệ, tiềm lực quản lý rất lớn, để chúng ta nếu như có khả năng thành công ở thị trường này thì cũng có khả năng đi vào những thị trường khó tính khác.
Trong giai đoạn 4 năm đầu thực thi hiệp định EVFTA, Việt Nam đã có mức tăng trưởng xuất khẩu khoảng trên 10%, đặc biệt Việt Nam luôn xuất siêu ở thị trường này, qua đó tạo cân bằng về xuất nhập khẩu chung của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam nhập siêu tương đối lớn từ các nước láng giềng.
Bên cạnh những khía cạnh tích cực đã đạt được, chúng ta cũng nhìn nhận trong thời gian qua, bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến không thuận lợi đối với quá trình thực thi hiệp định.
Đặc biệt, năm 2020 khi tác động của đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng tới tổng cầu, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, hay gần đây tác động của xung đột vũ trang ở một số khu vực châu Âu đã có tác động nhất định đến thương mại giữa các nước, đặc biệt là thương mại giữa EU và các nước, đã làm cho thương mại của Việt Nam nói riêng cũng như của các nước nói chung với EU suy giảm trong 2 năm vừa qua.
Tuy vậy, nhìn tổng thể bức tranh xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 4 năm vừa qua đạt được khoảng 200 tỷ USD, trong đó Việt Nam chủ yếu xuất siêu sang EU và đặc biệt điểm sáng là những mặt hàng nông sản cũng như một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh đã có bước tăng trưởng mạnh tại thị trường này để tạo đà và có chỗ đứng ổn định, lâu dài, từ đó có thể xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính khác trên thế giới.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều điểm chúng ta cần phải phấn đấu hơn nữa, thực tế, Việt Nam đã vươn lên trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu của khu vực, đặc biệt trong ASEAN (Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang EU), song so với qui mô thị trường EU rất lớn như vậy, tỷ lệ xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn thấp (mới chiếm trên 2% qui mô, dung lượng thị trường tại EU), do đó tiềm năng chúng ta cần phải đẩy mạnh khai thác hơn.
Về tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ EVFTA, tùy từng năm nhưng đến nay Việt Nam mới đạt được trên dưới 20%, mặc dù con số này tương đối cao so với một số hiệp định Việt Nam mới đưa vào thực thi, nhưng vẫn chưa đạt được kỳ vọng ban đầu, đây là điểm cần tập trung thúc đẩy thời gian tới, để làm sao giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn những ưu đãi của hiệp định...
Cơ hội thiết lập chuỗi cung ứng mới

- Bước sang năm thứ 5 thực thi, cùng với các cam kết ngày càng khắt khe hơn thì rất nhiều các đạo luật khác liên quan đến tiêu chuẩn Xanh được EU ban hành cho từng loại sản phẩm, ngành hàng và sẽ áp dụng ngay trong thời gian tới đây. Vậy theo ông, cần thêm những cơ chế hỗ trợ cụ thể nào từ các cơ quan chức năng nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu này?

Ông Lương Hoàng Thái: Ở EU nói riêng và một số nước phát triển nói chung đang có xu hướng chuyển đổi rất mạnh với những quy định ngày càng ngặt nghèo liên quan tới chống biến đổi khí hậu, liên quan tới chuyển đổi Xanh, vấn đề chống chặt phá rừng… trong đó EU cũng là nơi đi đầu trong thực thi những quy định này.
Ví dụ, EU đã bắt đầu thực hiện những quy định về thuế điều chỉnh carbon ở biên giới, nếu trong quá trình sản xuất ra các sản phẩm tiêu dùng nhiều carbon đối với một số sản phẩm, thì phía EU bắt đầu thí điểm việc áp thuế đó tại biên giới để giúp điều chỉnh carbon này.
Hay có những quy định ngặt nghèo xuất khẩu sang EU nếu như trong quá khứ, những sản phẩm đó được trồng trên đất bị chặt rừng thì EU cũng quản lý rất chặt chẽ đối tượng này… tất cả những nội dung này tạo nên các rào cản nhất định mà doanh nghiệp muốn xâm nhập vào EU thành công thì phải vượt qua được.
 
Nguồn: www.vietnamplus.vn/sau-4-nam-thuc-thi-evfta-suc-bat-moi-giup-doanh-nghiep-tien-vao-chuoi-cung-ung-post967954.vnp

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25714548236